Thiêng liêng Tết cổ truyền

09:01, 27/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đối với người Việt, Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hóa truyền thống, đó là thời khắc thiêng liêng của đất trời, là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần, đoàn tụ. Đó cũng là những ngày gắn kết tình làng, nghĩa xóm với nhau.
Ngày Tết cổ truyền có thể xem là ngày hội của mọi lễ hội. Bởi một lẽ đơn giản, trước khi đón chào năm mới, ai cũng muốn tất cả mọi thứ đều mới mẻ, với hy vọng mọi việc hanh thông, may mắn. Vậy nên, từ quần áo, nhà cửa, đến đường làng, ngõ xóm... đều được mua sắm, trang hoàng tươm tất, sạch đẹp. 
Cho chữ ngày Xuân.           ẢNH: NGUYỄN TẤN KHÂM
Cho chữ ngày Xuân. ẢNH: NGUYỄN TẤN KHÂM
Tết cổ truyền của người Việt không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người trong quan niệm của người phương Đông, mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, viếng mộ, thăm giếng nước, mảnh sân nhà... để được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của một thời tuổi thơ yêu dấu.
 
“Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn. Vì vậy, nhiều người dù bận rộn trong năm vẫn cố thu xếp để được về quê ăn Tết.
 
Có lẽ không có giây phút thiêng liêng nào bằng giây phút chờ đón giao thừa. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới rất đặc biệt, lòng người giao hòa cùng đất trời, bỏ lại phía sau những gì không vui để chào đón một năm mới với bao ước nguyện.
 
Tết cổ truyền của dân tộc cũng là dịp để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là tình cảm của người Việt đối với lớp người đi trước. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Người ta tin rằng, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tổ tiên sẽ chứng kiến lòng thành của con cháu và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng.
 
Và điều không thể không nhắc đến mỗi khi Tết đến, Xuân về, như lời câu thành ngữ “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Sau khi Tết bên nội, bên ngoại, mỗi người đi lễ Tết thầy giáo với tinh thần tôn sư trọng đạo. Tục xin chữ, hay khai bút đầu xuân cũng là nét đẹp mà người Việt thường duy trì trong ngày Tết để nhắc nhớ về truyền thống trọng chữ, hiếu học. Tục chúc thọ người cao tuổi, mừng tuổi cho trẻ em ngày Tết... cũng là nét văn hóa luôn được dân tộc Việt Nam gìn giữ. 
 
Trải qua bao đổi thay, tết Nguyên đán của người Việt ngày nay vẫn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Ngày Tết vẫn là những ngày được mong đợi, để mọi người cùng lắng nghe nhịp đập của trái tim yêu thương!  
 
Hương Minh
 
 
 

.