"Ông lợn" trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

09:02, 03/02/2019
.

Cho đến nay, những ai có ý định tìm hiểu về sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, gặp các bậc cao niên của hai làng Vi - Trẹo (vốn dĩ được tách đôi từ tên gọi cũ là làng He) thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, là dễ dàng được nghe/đọc truyền thuyết thú vị về sự hiện diện của con lợn, một trong những loại vật nuôi thân thuộc qua hàng nghìn năm của người dân đất Việt. “Ông lợn” liên quan đến sinh hoạt lễ hội “Rước vua về làng ăn Tết” nơi đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


1. Truyền thuyết từ tiền nhân lưu lại rằng: Vào một ngày cuối năm, cách nay mấy nghìn năm (!),Vua Hùng thứ 18 lên núi Nghĩa Lĩnh “hạ chiếu” như sau: "Vận họ Hùng đến đây đã mạt, ta không có con trai nối nghiệp, chỉ có hai người con gái, đều lấy chồng xa cả, ta buồn lắm; lại thêm quốc nạn xảy ra. Chúa Thục đêm ngày ngạo mạn, mưu toan cướp cơ nghiệp của ta. Hiện y đã tiến đánh vùng Cổ Loa, gần đây y lại tiến đánh thêm vùng Bồ Sao, Hương Chàm, cách Kinh thành không xa lắm. Ta lấy làm lo lắng, phải giao cho con rể là Tản Viên Sơn (tức Nguyễn Tuấn) ở lại giữ Kinh thành. Ta lên Nghĩa Lĩnh, vốn là nơi thưở xưa ông cha ta đã truyền dấu tích biết rằng là nơi hiểm địa nhưng yên ổn và có thể đặt cơ sở được".

Chiếu sắc được ban ra vào dịp gần cuối năm. Nghe tin, cùng một lúc có dân chúng của hai làng kéo đến ra mắt, muốn mời Vua về làng mình ăn Tết. Đức Vua hỏi là dân ở đâu?  Một cánh thưa: Chúng con ở bên Sông Thao gần đây; Cánh kia thưa: Chúng con từ ven thềm sông Lô tới. Đức Vua phán: "Ta cảm ơn tất cả, nhưng chỉ có một mình, không thể về ăn Tết với cả hai bên được, về với bên nọ mất lòng bên kia. Nay ta truyền rằng, vào lúc giữa  đêm nay, bên nào ta nghe có tiếng gà gáy, chó cắn gần hơn, thì ta về phía bên đó ăn Tết!".

Nghe đoạn, cả hai bên bái chào tạm biệt ra về. Ngay đêm hôm ấy, cánh dân ở làng He, sông Thao bàn nhau cấp tốc mang tre, lá vào chân núi hạ trại, đem theo một số trai tráng có vũ khí thô sơ tự vệ; lại mang theo vài con gà trống khỏe cùng mấy con chó lớn như mấy con bê con, được lựa chọn từ trong làng.

Đúng nửa đêm, già làng cử người đeo mặt nạ ra trêu cho chó cắn; lại sai người ôm mấy con gà trống rồi cù vào cổ và nách cánh để chúng đua nhau gáy ran. Sáng ra, Đức Vua sai người xuống hỏi đây là đâu? Dân thưa: "Chúng con là dân làng He, đất sông Thao". Các Lạc tướng về tâu Đức Vua. Đức Vua phán: "Thế thì ta về với làng He, sông Thao ăn Tết với dân, để thực hiện lời hứa!".

Cuộc hành trình bắt đầu, các quan võ cưỡi ngựa hồng đi trước, các quan văn cưỡi ngựa bạch đi sau tháp tùng, Vua cưỡi voi đen đi giữa. Đoàn quân đi đến tràng đính (tên gọi địa điểm rước đón Vua trong lễ hội sau này) đã thấy dân chúng tụ tập quanh chiếc kiệu được trang hoàng lộng lẫy, cờ quạt rợp trời. Bất chợt, gió đông nam nổi lên, xoay hẳn hướng bay của cờ quạt. Thấy vậy, dân làng xúm lại chắp tay mời Đức Vua xuống voi, lên kiệu để dân rước về làng (từ đấy nơi này được mang tên là đồi Rước Vua).

Khi rước Vua vào một ngôi nhà cao to, đẹp nhất làng, dân treo một chiếc giường lên cao để Vua ngự (gọi là giường bầu), còn các quan thì ngự hai bên. Hôm ấy là ngày 25 tháng chạp, lịch trăng. Thấy ngày đã trưa, mặt trời sắp  đóng ngọ mà vẫn chưa nấu nướng được gì, là vì bộ phận đồ tể nô nức kéo nhau đi xem dân làng đón Vua, vui quá nhãng mất việc làm thực phẩm, các cụ già và chức sắc bàn nhau: "Giờ trưa quá rồi, mổ bò, mổ lợn thì lâu quá, làng ta hãy mau thịt mấy con gà làm cơm dâng Vua ăn tạm, gạo nếp đã ngâm sẵn đem đồ xôi".

Thế là bữa cơm hôm ấy, Vua cùng đại diện dân làng uống rượu, ăn xôi với thịt gà. Khi ăn, dân trình bày lý do với Vua, Vua bảo: "Ta về đây ăn tết với dân còn lâu, ăn thế này là được rồi, không nên làm cỗ to quá như thời vua Hùng thứ Sáu làm cỗ thi mà tốn kém; nhất là thịt trâu, thịt bò ta không ăn được; nhưng xôi và bánh nếp thì ta ưa thích lắm. Trong dịp tết này, dân cố gắng tập rèn cho thuần thục các bài hát xoan, hát đúm, những trò chơi vui khôi hài, bách nghệ để giải trí; còn ta sẽ báo tin cho con gái ta về đây ăn tết cùng dân cho đỡ buồn!".

Đến hôm 26, công việc đã ổn định, dân bàn nhau chọn mổ con lợn ỉ to nhất làng, kèm theo nấu chè kho, chuối tiêu, cam sành, mía ram để làm cỗ; ăn xong, uống trà ngũ vị. Mãi đến ngày 30 vẫn ăn như thế. Đêm 30, có tin báo công chúa đã đến, nhưng đêm qua không hiểu tại sao công chúa  Ngọc Hoa bị lạc trong rừng, quân gia phải đi tìm mãi mới thấy. Công chúa bị hoảng hốt, lo sợ giữa rừng khuya, tự nhiên cấm khẩu. Khi Đức Vua nghe được tin, lập tức truyền dạy: "Tất cả mọi người mau kiếm cho mình một thứ dụng cụ đã hỏng như cày gãy, cuốc cùn, dao, liềm, hái sứt mẻ đem ra nơi Công chúa ngồi, hò hát nhảy múa lung tung, gây trò vui nhộn xem sao?!". Dân làng vâng lời làm theo. Kết quả, công chúa tỉnh dần. Trông thấy đám dân lành say mê ca hát, nhảy múa lung tung, công chúa bật cười và vui vẻ trò chuyện như thường. Dân làng hò reo đón công chúa về làng ăn tết cùng vua cha.

2. Đêm 30 Tết, khoảng canh giữa đêm, dân làng làm cỗ gồm có thịt gà, xôi, chè, chuối dâng vua (gọi là giao thừa đón xuân). Đến mùng hai lại mổ lợn. Đức Vua lững thững dạo quanh, nhìn thấy, liền bảo trai làng lấy một ít thịt lợn có nạc có mỡ, trộn với đỗ xanh làm nhân gói bánh chưng; dân làm theo, cho nên gọi là lợn hèm.

Mùng bốn Tết, sáng sớm dân tổ chức chọn một số thiếu niên tập trung ra cánh đồng Dâu, cởi trần, quấn khố để chạy thi cướp cờ. Khi cởi áo ra, mọi người xuýt xoa vì rét. Vua bảo: "Các ngươi hãy quây lại vật nhau cho đỡ rét”. Vua vừa dứt lời, dân làng lập ra các đội trai tráng, xếp thành hàng ngang, khi có hiệu lệnh thì cùng chạy lại nơi cắm lá cờ thi, ai nhanh chân tới đích trước, đội nào có người cướp được cờ là thắng cuộc (vô địch), vì vậy gọi là cuộc thi “chạy địch”.

Tiếp đó, cả làng kéo nhau đến nhà ông đăng cai (người được dân làng bầu chọn để phục vụ tế lễ) khiêng 2 con lợn đen tuyền ra thả ra nơi rộng thoáng bên cánh ruộng cạnh làng. Dân chúng vây quanh, lấy chiêng trống đánh lên làm vui và quần cho lợn mệt không chạy được (gọi là tục Quây lợn), rồi đem lợn về trình với Đức Vua xin phép để mổ (gọi là tỉnh sinh).

Nhìn trai đinh mổ lợn, Đức Vua bảo: Ngày Tết ăn thịt mỡ mãi, ngán lắm. Bây giờ, hãy lấy một tí thịt nạc thái vuông ra trộn hành muối vào, lấy que tre vót nhọn xiên rồi đem nướng gọi là chả, còn thịt vụn nhỏ thì băm nát ra trộn hành muối, rồi cuốn vào lá chuối tươi theo hình vóc cái chài, gọi là cuốn chài (chài  là một loại vật dụng để đánh cá). Còn những miếng thịt ba rọi cho vào luộc gọi là phay, thịt bụng gọi là nầm, ăn với thịt thăn. Bao nhiêu thịt bạc nhạc, hương lòng, phổi, óng thì băm nát trộn với máu lợn, kèm theo hành, muối, nhồi vào ruột lợn đã làm sạch, đem luộc, gọi là dồi. Riêng cả tấm thân lợn thì để nằm úp trên tấm ván cho đẹp (gọi là lợn trong).

Khi xem làm dồi lợn, mọi người thấy máu lợn tự nhiên đông lại. Một người cắt lấy miếng nhỏ nếm thử, thấy vừa mát vừa ngon, bèn bảo mọi người lấy thịt nướng băm nhỏ chộn vào bát máu lợn, rắc nhúm húng cho thơm, rồi đem dâng vua. Đức vua trông thấy hỏi: "Dân dám ăn cả máu sống à?". Dân thưa: "Tuy nó sống nhưng ăn rất ngon, xin mời Đức vua thử coi". Vua ăn, thấy ngon. Vua nói thứ canh này ta ăn thấy thích lắm; nhưng nên đặt cái tên nghe lọt tai một tý. Theo vua, loại canh này được nghĩ ra và làm vào ngày Tết cho nên truyền gọi là Tiết (nghĩa là Tết). Nó dùng để nhắm rượu thuộc dạng canh, nên gọi là tiết canh...

Từ đấy trở đi, nhất là từ sau khi Đức Vua đã băng hà, cứ vào các dịp lễ tiết trong năm, đặc biệt là vào dịp tưởng nhớ những ngày Đức Vua về làng ăn Tết, dân làng lại mở lễ hội và một trong những loại vật dân  bắt buộc phải có để  dâng lên ban thờ Đức Vua là Gà trống và Lợn đen. (1)

Cũng cho đến nay, qua hàng nghìn năm, người dân làng He (hai làng Vi - Trẹo hiện nay) thế hệ nọ truyền thế hệ kia truyền tụng câu chuyện này và một mực tin rằng một trong những loại đồ thờ cúng mang tính bắt buộc cho mọi cuộc thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương phải là thịt lợn đen. Đó đương nhiên không phải là loại đồ thờ được chế biến như đồ ăn thuần túy của vật thờ ở những làng quê khác thuộc châu thổ Bắc Bộ. Thịt lợn được chuẩn bị để làm đồ thờ nơi đây, lại gắn với tín ngưỡng tế hèm độc đáo.

Trong lễ hội “Rước vua Hùng về làng bản ăn Tết” của cư dân làng He (làng Vi và làng Trẹo hiện nay), thuộc huyện Lâm Thao, kề sát chân Nghĩa Lĩnh, đồ thờ là thịt lợn đen đem dâng cúng vua lại được chuẩn bị thông qua hình thức sinh hoạt lễ hội gắn với một lễ tục đặc biệt. Vào trước ngày nghênh kiệu lên Nghĩa Lĩnh đón vua về làng ăn Tết (trước đây thường vào sáng mùng 4 tháng Giêng, hiện nay thực hành vào chiều 25 tháng Chạp hàng năm), cánh trai đinh của hai làng Vi, Trẹo (dưới 30 tuổi) khỏe mạnh, có tư cách đạo đức tốt, nhà không có “bụi”, được chọn ra đăng cai việc làng năm đó, lập thành hai đội quân, tập trung ngủ đêm ở nhà trưởng thôn làng mình.

Sáng sớm, hai đội cùng dân làng tập trung tại cánh ruộng thuộc khoảng giữa hai đình Đông và Trẹo, tổ chức thi cướp cờ. Sau đó, tất cả lại cùng nhau thực hành lễ săn lợn, tục địa phương gọi là “Chạy địch”. Đại diện của hai làng cho khênh hai con lợn đen tuyền, to khỏe từ làng mình đưa vào bãi hội.

Trong khi dân làng vây quanh bờ hò reo, gióng chiêng, trống rộn vang, hai nhóm thanh niên xô vào dồn lợn chạy khắp bãi. Khi hai con lợn không còn sức chạy nữa, hai nhóm người mới xông vào bắt đem về sân đình làng mình mổ thịt. Vị chủ tế của từng đình cho lấy tiết sống và toàn bộ nội tạng cùng một nhúm lông cạo từ thân con lợn đựng vào đĩa nhỏ, đem đặt lên bàn thờ ngay giữa sân đình của làng, làm lễ “lấy mật khẩu” tế hèm trước. Sau đó, lòng lợn đem luộc chín, đặt lên ván cùng tấm thân con lợn đã được cạo sạch lông, lấy mỡ chài phủ lên, đưa vào ban thờ giữa đình làm lễ vật cúng tế các vua Hùng.

Cúng xong, cho người mang tiết, lòng và đĩa lông cạo ra đổ xuống cánh đồng trước cửa đình làng mình, thân lợn còn lại đưa ra xả thịt chế biến và nấu chín làm cỗ hội, khao mọi người dân trong làng cùng quan khách, coi là cùng thụ lộc Thánh, cầu mong sức khỏe, làm ăn phát đạt.

3. Cũng giống như làng He chuẩn bị thịt lợn đen tuyền để làm đồ tế cúng các vua Hùng, nhưng hành trình sắm sửa đồ thờ là thịt lợn đen của làng Vân Luông (tên cũ là Vân Long), nay thuộc phường Vân Phú, thành phố Việt Trì - nơi được truyền là vùng đất trung tâm của kinh đô thời các vua Hùng dựng nước - lại có nét cầu kỳ, độc đáo riêng.

Truyền thuyết kể rằng, vào một ngày đầu tháng Giêng, vua Hùng cùng con rể là Tản Viên và quần thần kéo nhau đi săn bắn đầu xuân. Đến đất làng Vân Luông, vua Hùng cùng đoàn săn bỗng thấy một đàn lợn rừng xuất hiện, hùng hổ xông thẳng vào đoàn vua tôi. Vua Hùng giương cung định bắn, nhưng Tản Viên nhanh tay ngăn lại và xin phép vua cha cho được trổ tài.

Vua vừa gật đầu, Tản Viên đã nhanh nhẹn tay không thoắt xông vào bắt sống con lợn đầu đàn. Số lợn còn lại sợ hãi, tan tác vào rừng. Thấy vậy, vua Hùng rất bằng lòng và khen ngợi. Lập tức ban truyền lệnh giết lợn ăn mừng. Thịt lợn được chia ra sáu phần, dùng năm phần khao quân và dân chúng sở tại, còn một phần gửi Tản Viên mang về biếu mẹ.

Từ đấy, để ghi nhớ công ơn các vua Hùng, dân làng Luông đã lập đền thờ ngay tại khoảnh đất vua cho thịt lợn rừng khao quân năm xưa, và thường niên tổ chức lễ hội “ném chài” để nhắc lại tích đi săn của Đức Vua cho con cháu đời sau nhận biết. Hàng năm, để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ tháng Mười năm trước, dân làng đã họp bàn và phân công công việc.

Một đội gồm 9 cụ ông (chọn từ 9 giáp trong làng) lĩnh trách nhiệm đi tìm mua lợn lễ. Tiêu chuẩn đặt ra mang tính bắt buộc: Con lợn mua về làm đồ tế lễ phải là lợn đực, đen tuyền; chủ nhân của nó phải là gia đình song toàn, kinh tế khá giả, chấp hành tốt cả lệ làng lẫn phép nước, vợ chồng con cái sống hòa thuận, trong năm gia đình dòng họ không có tang.

Sau khi đã thống nhất chọn mua lợn theo quy định của làng, đội các bô lão đưa về giao cho một gia đình (cũng được xét chọn cẩn thận) chăm nuôi chu đáo cho đến ngày lễ hội. Cũng từ ngày đó, mọi người phải gọi vật nuôi nơi đây là... “Ông Lợn”! Vào ngày mùng 3 tháng Giêng chính hội, việc mổ “ông lợn” được tiến hành cẩn trọng. Nồi dùng đun nước phục vụ làm lợn phải sạch sẽ. Nước đun phải lấy ở ngoài giếng làng (cách đền khoảng 200 mét), múc nước bên phía tay phải của bậc lên xuống. Người được chọn ra để chọc tiết lợn cũng phải lứa tuổi trung niên trở lên, có uy tín trong làng, ngay từ trước Tết đã phải kiêng khem chuyện phòng the, không được ăn hành, kiệu, cấm đi dự đám tang hoặc ăn cơm nhà đám.

Giáp ngày hội, thân thể phải được tắm rửa sạch sẽ, tay chân không được va chạm vào phụ nữ. Khi con lợn được rửa bằng nước giếng làng sạch sẽ, người chọc tiết phải dùng chiếc roi tre đánh nhẹ vào mông lợn 3 lần, rồi dùng một đoạn ống nứa vót nhọn để chọc tiết. Mọi người tin rằng, làm như thế, khi cạo lông lợn sẽ dễ dàng, không bị trầy xước da. Đợi cho tiết lợn màu hồng chảy hết, khi thấy tiết đen chảy ra thì dừng lại để làm lông và mổ lợn.

Toàn bộ nội tạng để riêng, thân “ông lợn” được mang đi chế biến nấu chín và bày đặt lên 3 mâm thành 3 cỗ lễ. Thủ nhang mang mâm cỗ lễ chính dâng đặt lên ban thờ Thượng cung, nơi lễ Thánh Vương - Đức Vua Hùng, 2 mâm còn lại lần lượt đặt vào phía phải Hậu cung (nơi tế thần linh bản thổ) và phía trái sân đền, nơi thờ vọng Tản Viên Sơn Thánh - con rể Đức Vua. Đến giờ Hoàng đạo, chủ tế bắt đầu làm lễ khấn cúng Thánh Vương vua Hùng, sau đấy mới đến lễ cúng thần linh bản thổ và lễ vọng đức Thánh Tản Viên...

4. Như vậy là, thông qua nguồn truyện kể sinh động được các thế hệ tiền nhân sáng tạo, lưu truyền, cũng đồng thời có lẽ nhờ đó mà, từ những hình ảnh thân thuộc của con lợn đen được người dân Việt cổ thuần hóa, cho sinh sôi nảy nở ngoài đời, đã qua ý tưởng và tâm thức dân gian mà trở thành “vật thiêng”, được dùng hiến tế trong sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên của mọi gia đình người Việt.

Câu chuyện về việc vua Hùng dạy dân chế biến thịt lợn như một ý tưởng “bình dân hóa” ông Tổ của một cộng đồng, một tộc người, một quốc gia, từ đó xây tạo niềm tin khởi phát cho những hành vi thực hành tín ngưỡng mang đậm chất thiêng (từ tên gọi đến quy trình chế biến và dâng lễ), giải thích sự hiện tồn của các khía cạnh tín ngưỡng cũng như sinh hoạt đời thường, và cũng nhờ đó mà hướng tới quá trình lịch sử hóa nhân vật huyền thoại vốn được bao đời suy tôn là Thủy tổ của Nhà nước Văn Lang cách đây nhiều nghìn năm, trở thành tục hèm bất biến trong nghi lễ thiêng của người Việt.

Sự hiện diện của hình ảnh con lợn ngoài đời đến hình tượng con lợn trong sinh hoạt văn hóa tín nghi lễ đã góp phần làm cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có thêm “dữ liệu” minh chứng cho kết quả của quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa nhân vật được phụng thờ. Câu chuyện về con lợn gắn với các vua Hùng cùng những nghi thức chuẩn bị đồ cúng tế bằng thịt lợn ở các làng quê, thực chất là sự gửi gắm cho tâm tư nỗi niềm của người dân các thế hệ về một cuộc sống no đủ, bình yên.

Chính vì thế, qua tâm thức dân gian, con lợn đen bản địa vốn thân thuộc với nhà nông, chỗ dựa cho một nguồn kinh tế các gia đình nhà nông một thời, đã trở thành biểu tượng hướng tới của sự tốt đẹp, hưng thịnh.

Không phải ngẫu nhiên mà, như học giả Trần Lâm Biền đã nhận diện: “Biết bao chú lợn, da vàng rộm, mắt híp, răng nhe nhăn nhở, nằm bên mâm xôi trên bàn thờ, hoặc có thời đã cùng bò, dê là trung tâm của đồ lễ trong tế tam sinh, tới nay lợn vẫn còn tham gia vào các lễ cưới hỏi, giỗ tết và hầu hết mọi cuộc vui buồn của con người. Suy cho cùng, ở thời quá khứ, con vật này đã trở thành một trong những hình tượng về sự sung túc no đủ của cư dân Việt”.

Theo GS.TS. Bùi Quang Thanh/LĐO

 


.