Giữ mãi tiếng cồng, nhịp chiêng

04:02, 17/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không gian văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê ở huyện Minh Long đã nuôi dưỡng tâm hồn anh Đinh Văn May và Đinh Văn Thơm về sự say mê văn hóa của dân tộc mình.

TIN LIÊN QUAN

Nối dài tiếng chiêng

Bạn bè cùng trang lứa thích nhạc hiện đại, còn chàng sinh viên Trường Đại học Đà Lạt, chuyên ngành Văn hóa dân gian - Đinh Văn May ở thôn Mai Lãnh Hạ, xã Long Mai lại say mê các loại nhạc cụ dân tộc.

“Là một người Hrê, tuổi thơ tôi đã rất may mắn khi được cùng người thân nghe tiếng cồng chiêng, hát và múa những điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Theo nhịp sống hiện đại, văn hóa cồng chiêng đang dần mai một. Là thế hệ kế thừa văn hóa của người Hrê, tôi phải làm gì đó để giữ gìn nét đặc sắc mà cha ông gây dựng. Điều này đã thôi thúc tôi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn về không gian văn hóa cồng chiêng của người Hrê tại địa phương mình”, anh May chia sẻ.

Anh Đinh Văn May (ngồi bên trái) trong một buổi trao đổi về cồng chiêng cùng bà con khu dân cư.                                                                                                      ẢNH: TRUNG ÂN
Anh Đinh Văn May (ngồi bên trái) trong một buổi trao đổi về cồng chiêng cùng bà con khu dân cư. ẢNH: TRUNG ÂN


Sau khi tốt nghiệp đại học, May về công tác tại Phòng VH-TT huyện Minh Long với chuyên môn sưu tầm, thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng. Anh May còn là “cầu nối” những bạn trẻ yêu cồng chiêng và muốn học cách đánh cồng, đánh chiêng. “Thỉnh thoảng tôi tổ chức những buổi sinh hoạt, mời các nghệ nhân để truyền dạy từ cách đánh cồng chiêng đến những điệu múa tập thể, hát dân ca cho thanh niên, các em nhỏ. Bởi chính những con người trẻ tuổi sẽ là thế hệ kế tục nét văn hóa đặc sắc của cha ông”, anh May cho biết thêm.

"Âm thanh của các nhạc cụ cứ vang vọng, lúc líu lo như tiếng chim gọi bầy, lúc mênh mang như gió rừng chạy dài trên vách núi của đại ngàn, cũng có lúc êm dịu trữ tình như những bản tình ca, ca ngợi tình yêu và mùa vàng ngay trên quê hương đã cuốn hút tôi mê say tự lúc nào".


Anh ĐINH VĂN THƠM  thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long)

Lan tỏa đam mê tiếng kèn, điệu hát

Nhạc cụ truyền thống của đồng bào Hrê đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển dân ca ở các vùng dân tộc thiểu số. Ở huyện Minh Long, từ xa xưa, ông cha đã chế tác ra những loại nhạc cụ truyền thống như nhạc đánh chiêng hay còn gọi là túc chinh, ta-lía, ra-ngói, brooc, krâu, vinh-vút... Qua đó, đáp ứng nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian của bà con người Hrê ở các khu dân cư.

Cũng chính mê tiếng đàn, tiếng sáo từ thuở còn thơ, anh Đinh Văn Thơm (29 tuổi) ở thôn Công Loan, xã Thanh An chia sẻ: "Âm thanh của các nhạc cụ cứ vang vọng, lúc líu lo như tiếng chim gọi bầy, lúc mênh mang như gió rừng chạy dài trên vách núi của đại ngàn, cũng có lúc êm dịu trữ tình như những bản tình ca, ca ngợi tình yêu và mùa vàng ngay trên quê hương đã cuốn hút tôi mê say tự lúc nào... Từ đó, tôi dần dần học hỏi, tham gia sinh hoạt trong thôn, các dịp lễ hội cùng với thanh niên trong làng tự tìm tòi học cách thổi ta-lía...".

Từng nhịp chiêng, điệu hát của các bạn trẻ không chỉ là niềm tự hào của những bậc nghệ nhân, mà còn với mong ước để âm thanh cồng chiêng mãi vang xa đến tận mai sau.


TRUNG ÂN


.