Bánh tổ ngày Tết của người vùng cao Trà Bồng

07:02, 07/02/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Ở huyện vùng cao Trà Bồng, ngày Tết hầu như nhà nào cũng làm bánh tổ để cúng ông bà tổ tiên. Cũng giống như bánh chưng, bánh tét, chiếc bánh tổ đã gắn bó với mỗi người con vùng đất quế từ đời này sang đời khác mỗi dịp Tết đến Xuân về. 
 
Cuối năm về Trà Bồng đâu đâu cũng thấy những hàng bánh tổ trải dài phơi khô trong nắng xuân.
Nhiều du khách đến Trà Bồng dịp cuối năm tò mò với những nong bánh tổ được phơi trải dài trong nắng xuân.
Trà Bồng từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề làm bánh tổ truyền thống. Từ khoảng 20 tháng Chạp là người trong làng hối hả vào vụ Tết. Những ngày cuối năm chỉ cần đi ngang qua các hộ gia đình làm bánh tổ cũng có thể cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ của nếp, của gừng phảng phất trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết, khiến mùi Tết thêm đậm đà hơn. 
 
Ghé thăm hộ gia đình cô Lâm Thị Nguyệt, ở thị trấn Trà Xuân- một hộ có thâm niên 20 năm chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đang đến rất gần. Những chiếc bánh tổ đang được người nhà bà nhanh tay xếp dưới trời nắng để phơi cho khô bánh kịp thời đón Tết. 
 
Theo bà Nguyệt, để làm được bánh tổ thật không khó nhưng kỳ công vô cùng. Nguyên liệu chủ yếu chỉ có bột nếp và đường, "gia vị" thêm mè và gừng. Nhưng phải chọn loại nếp tốt, ngâm nước vo sạch rồi trải ra nong phơi cho ráo nước, xong cho vào cối xay thành bột mịn. Đường muỗng, làm vụn rồi đêm "thắng" (bỏ vào chảo nóng cho đường tan ra thành chất lỏng). 
 
Nước đường làm bánh tổ phải được gạn lọc cho trong sạch. Sau đó trộn bột nếp đã xay mịn vào nước đường, nhào thật nhuyễn. Đây chính là công đoạn "khẳng định tay nghề" của người làm bánh. Bột, đường nhào trộn vào nhau soa cho vừa vặn, để bánh làm xong không khô, không nhão, mà dẻo dai và vừa ngọt.
 
Đổ hỗn hợp bột nếp và đường vào đài lá, chuẩn bị hấp bánh tổ - Ảnh: Internet
Đổ hỗn hợp bột nếp và đường vào đài lá, chuẩn bị hấp bánh tổ - Ảnh: Internet
 
Ngày trước khuôn bánh là một chiếc rọ đan bằng nan tre dát mỏng, sau đó lót lá chuối tươi, đã lau sạch sẽ. Dùng tăm tre ghim hai mép lá thành một sau khi đã uốn lá thành. Đây là cách giữ cho bột bánh sau khi trộn với nước đường đổ vào không chảy ra ngoài và cũng là cách bảo quan bánh để giữ được lâu ngày. Ngày nay, để tiết kiệm thời gian, làm bánh với số lượng nhiều, người ta hầu hết đều dùng khuôn nhôm, lót bọc ni lông rồi đổ bánh vào đem hấp. 
 
Ổ bánh lấy ra khỏi khuôn được lá chuối bọc kín kẽ xếp vào khay đan bằng tre rồi mang đi hấp. Chừng 3 tiếng đồng hồ, bánh mới vừa chín. Người làm không quen có thể lấy đũa chọc thử vào mặt bánh, không thấy bột trào ra, bánh đã cô đặc hoàn toàn, thì đúng là đã chín. Lúc này phải nhanh tay rắc mè lên mặt bánh, mang ra sân phơi độ hai, ba nắng thì vừa khô, có thể bóc vỏ bọc dễ dàng. 

Bà Nguyệt cho biết, cái hay của bánh tổ là có thể để được lâu, ăn dần cả tháng. Có nhiều cách khác nhau để thưởng thức món bánh bình dị và hương vị khó quên này. Có thể cắt ra ăn sống, nướng hoặc chiên giòn. Mỗi cách thưởng thức mang lại nhiều cảm giác khác nhau về hương vị bánh. Nếu ăn sống, đầu lưỡi sẽ cảm nhận vị ngọt thanh của đường, vị cay của gừng và chút mềm dẻo của nếp. Nếu bánh đem nướng trên lửa than sẽ dậy lên mùi thơm đặc trưng của nếp, đường gặp nóng sẽ càng ngọt và dẻo hơn, ăn kèm bánh tráng sẽ rất ngon. 

gg
Bánh tổ sau khi phơi vài nắng sẽ thành thành phẩm để chưng Tết hoặc làm quà biếu, tặng ngày Tết.
 
Trong khi đó, miếng bánh khi được chiên giòn sẽ phồng lên, phảng phất hương thơm. Một lát bánh chiên kẹp với lát bánh nướng là sự lựa chọn được nhiều người thích nhất. Điều đặc biệt là bánh tổ nấu không phải để ăn ngay mà để sau một thời gian cho "ngấm", khi đó mới đậm đà, vị ngọt bùi sẽ tăng lên.
 
Còn vì sao loại bánh đậm chất truyền thống này lại có tên gọi là bánh tổ thì theo bà Chính, tên gọi của “bánh tổ” đã ẩn chứa trong nó ý nghĩa nhớ về tổ tiên mỗi dịp Tết đến. “Cũng chính "ngoại hình" của bánh như một chiếc bát, được bọc bằng lớp lá chuối hoặc lớp bao bóng dày dặn nên người xưa mới gọi là bánh tổ", bà Phượng chia sẻ. 
 
 
hhh
Bánh tổ, một món ăn đậm chất truyền thống trong ngày Tết của người dân Trà Bồng.


Bà Huỳnh Thị Tuyết, quê gốc ở huyện Bình Sơn, về làm dâu tại thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) đi chợ ngày cuối năm cũng không quên ghé mua chiếc bánh tổ về cúng ông bà. Theo bà Lâm, ngày Tết đặt chiếc bánh tổ trên bàn thở cúng ông bà tổ tiên đã trở thành tục lệ ngày Tết từ bao đời nay của người dân Trà Bồng.

"Năm nào cũng vậy, Tết đến bác cũng làm theo tục lệ ông bà. Tết mình mua bánh tổ cúng ông bà, lo Tết cho con cháu nó vui vẻ mà mình cũng làm tròn bổn phận làm con”, bà Lâm vui vẻ chia sẻ. 

Với người dân vùng cao Trà Bồng, Tết đến mà thiếu món bánh tổ thì không khác gì thiếu dưa hành, câu đối đỏ. Nói như vậy để hiểu rằng, đây là món bánh rất đặc trưng của người dân vùng cao nơi đây. Đó như một tục lệ, một cách bày tỏ tấm lòng nhớ về nguồn cội, tổ tiên… Đây cũng là món quà quê thơm thảo của những người con vùng đất quế Trà Bồng gửi tặng cho người thân mỗi dịp Tết đến xuân về.
 
P.TIÊN

.