Ký ức về làng bánh nổ truyền thống

09:01, 30/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Tết xưa, trên những quả bánh ngày Tết không thể thiếu những lát bánh nổ trắng trẻo, ngọt thơm được làm theo phương thức thủ công, một đặc sản dân dã của người xứ Quảng, nhưng theo thời gian phương thức làm bánh nổ truyền thống dần mất đi.
Quê tôi, làng quê thuần nông Hành Thiện (Nghĩa Hành) cách đây hơn chục năm về trước nổi tiếng là địa điểm làm bánh nổ ngon và nhộn nhịp nhất vùng. Độ tháng 10 âm lịch hằng năm, những trại làm bánh nổ lại được dựng lên, nổi lửa phục vụ bà con gần xa. 
 
Chỉ còn là mùa nhớ…
 
Ký ức về những tháng gần đến Tết, không khí xóm làng hối hả nhộn nhịp hẳn lên vì thời gian đó chỉ tính riêng trong xóm đã có đến 3 trại làm bánh nổ chỉ cách nhau vài chục mét. Tiếng búa đóng bánh, hương thơm của nếp chín bay khắp xóm, như là một gia vị làm cho không khí đón Tết cổ truyền thêm háo hức.
 
Còn nhớ, hồi đó người ở khắp các xã lân cận, thậm chí là người ở các huyện khác cũng đổ về đây nô nức, ai cũng mong mẻ bánh nổ của mình sớm hoàn thành. Nào là nếp, đường chất đầy trại.
 
Ai đến trước thì được làm trước, vì vậy tuy khách đông nhưng được sắp xếp một cách thứ tự, rõ ràng. Tuy trại làm bánh nổ san sát nhau nhưng trại nào cũng đông nghẹt khách, để phục vụ kịp nhu cầu của khách, các trại làm bánh phải làm cả buổi tối đến tận rạng sáng mới nghỉ. 
 
ảnh Trang Thy
Công đoạn đóng bánh. Ảnh Trang Thy
Ảnh Loan Đoàn
Bánh đóng xong sẽ được người thợ cắt thành những lát vuông vức. Ảnh Loan Đoàn
 
Đêm xuống nhưng không khí làm việc tại các trại cũng không bị chững lại, những tiếng đùng…đùng… vang lên như xé toạc cả màn đêm từ những “khẩu thần công” được nung đỏ hoe trên bếp lửa. Thực ra đó là những ống bằng kim loại hình trụ tròn tự chế, người quê tôi vẫn quen gọi là cái đùng. 
 
Nếp được cho vào cái đùng, sau đó được đậy kín nắp và người thợ liên tục quay đều trên bếp củi. Dựa vào kinh nghiệm người thợ sẽ ước lượng được khi nào nếp chín, đến khi đó người thợ sẽ dùng cái búa to bằng gỗ gõ vào chốt nắp đùng, khí nén trong đùng được giải thoát phát ra tiếng nổ lớn. Những hạt nếp chín căng đều văng tung tóe trong buồng lưới giăng sẵn, mùi nếp chín bay lên thơm lừng.
 
Nếp chín vừa văng ra là lúc lũ nhỏ chúng tôi liền ùa tới, chỉ chờ lúc nếp được lấy ra khỏi lưới là mỗi đứa hốt một nắm thật to cho nhanh vào miệng. Không hiểu tại sao nếp rang lại hấp dẫn đến vậy, chắc có lẽ là do tuổi nhỏ nghịch ngợm thường quậy phá hay cũng có thể là do sức hút không thể cưỡng lại của mùi nếp rang… 
 
Đêm nằm nhớ mùi nếp cháy
 
Thấm thoắt đã gần chục năm, không khí náo nức về mùa bánh nổ đã nhạt phai, nhưng những con người từng gắn bó với nghề này vẫn còn đó, vẫn tràn đầy nhiệt huyết “đỏ lửa” thâu đêm. 
 
Hôm vừa rồi, tôi có ngồi với ông Chín Tăng, ông là một trong những chủ trại làm bánh nổ đầu tiên và lâu nhất ở làng, ông kể: Năm 1999 là vợ chồng ông bắt đầu làm bánh nổ, hồi đó đi học cách làm bánh ở nơi khác rồi về quê dựng trại thuê người làm.
 
Cứ tầm mùng 8.10 âm lịch là bắt đầu “nổi lửa” mãi đến 25.12 âm lịch mới nghỉ. Trại lúc nào cũng có 7-8 người làm, có người học được cách làm rồi thì năm sau lại tách ra mở thêm trại khác và cũng từ đó hình thành nên làng bánh nổ được nhiều người biết đến.
 
Tiếp lời, bà Chín (vợ ông Chín Tăng) nói: “Nghề này nói giàu thì không giàu, nhưng chịu khó làm thì cũng có tiền sắm sửa ngày Tết. Làm bánh nổ nói chung rất là cực nhưng thấy cảnh khách đến nườm nượp, không khí hối hả nói cười của cả trại lâu ngày nên quen và yêu cái nghề này lúc nào không hay.”
 
Quả không sai, minh chứng là lúc trước mẹ tôi cũng từng phụ trách việc nấu đường (một công đoạn trong làm bánh nổ), cứ xong mùa bánh là sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt mẹ. Tưởng chừng như năm sau sẽ “chừa”, thế nhưng hết năm này qua năm nọ mẹ tôi vẫn gắn bó với nghề này suốt một thời gian dài. Một sức hút lạ kì. Cũng chính vì thế mà kí ức về mẹ của tuổi thơ tôi là dáng người thon gầy ngồi bên chảo đường đêm đông.
 
“Nghề này tính ra cũng giống như kiểu bỏ công làm lời thôi, thế nhưng nó là cái nghề truyền thống của người xưa, một khi đã ăn sâu vào máu của người thợ rồi thì không dễ gì bỏ được. Vì sức khỏe đã không còn như xưa, tuổi thì đã gần sáu mươi, chứ còn sức khỏe là ông bà sẽ làm thêm vài năm nữa mới nghỉ, xa cái búa, cái đùng cũng nhớ lắm! Cái khó nữa đó là thời thế bây giờ cũng đã khác rồi, không bỏ thì cũng chả biết làm sao, vì ai cũng biết ngày nay nếu làm bánh nổ theo cách xưa là nắm chắc phần lỗ”, ông Chín trải lòng.
 
ông Chín Tăng
Ông Chín Tăng bên cái đùng từng một thời đỏ lửa khi xuân về
 
ông Chín Tăng
Cặp chùy và khuôn bánh vẫn còn nguyên vẹn sau gần chục năm ngủ yên.
 
TRẦN TƯƠI
 

.