Tết của những người lính

02:02, 02/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa lúc người người rộn ràng, háo hức bắt xe, theo tàu về quê sum vầy cùng người thân vui Xuân đón Tết thì những chiến sĩ Trạm ra đa 18  vẫn lặng thầm bên đài gác, dõi theo từng vệt chấm trên bầu trời Tổ quốc…

Trạm tọa lạc trên triền núi, nên chỉ mới 16 giờ mà cái lạnh đã ùa về, sương giăng khắp lối. Thế nhưng, điều ấy không khiến chúng tôi bận tâm, vì mải mê dõi theo những câu chuyện phiếm từ cổ chí kim; chuyện nhà cửa, vợ con rồi sang kỷ niệm ăn Tết xa nhà cùng đồng đội... mà các chiến sĩ Trạm ra đa 18 đua nhau kể. Tiếng nói cười cứ thế vang lên rộn rã. Trạm trưởng Nguyễn Hoàng Duy, người có gương mặt rất…trẻ dù năm nay, anh đã bước sang tuổi 30 nói đậm giọng Quảng Nam: “Tết ni (này), mình lại vắng nhà!”.

 

Dẫu Tết, các chiến sĩ Trạm Rađa 18 vẫn phải đảm bảo 100% quân số... nhìn trời, trực tin.
Dẫu Tết, các chiến sĩ Trạm Rađa 18 vẫn phải đảm bảo 100% quân số... nhìn trời, trực tin.


Duy bảo, đời lính xa nhà là chuyện bình thường. Bình thường đến nỗi 365 ngày, anh chỉ được đoàn tụ với vợ con đúng…20 ngày, nhưng vẫn không cảm thấy quá buồn. Bởi đã dấn thân vào đời binh nghiệp, phải chấp nhận “gác” nỗi nhớ vào tim. Chẳng thế mà dù biết vợ tủi thân vì nhớ chồng, vì đứa con gái 20 tháng tuổi bi bô gọi ba... Duy cũng chỉ biết dằn lòng trêu vợ rằng: “Vợ lính, thiếu đủ bề; chỉ thừa mỗi… cái tên và nỗi nhớ!”. Nhưng đó là 360 ngày thường, chứ 5 ngày Tết thì lòng Duy và vợ đều… nổi sóng khi hay tin xuân này, anh bận trực!

Dẫu biết đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của một người lính, nhưng Duy bảo, cứ nhìn mọi người tíu tít dọn nhà, rồi anh em trong “khu gia đình” của trạm đưa nhau đi sắm Tết, thì mình lại thấy lòng nao nao, bồi hồi và xúc động đến khó tả. Nhất là khi cô con gái nhỏ bập bẹ gọi “ba Duy, Tết!”.  

Còn với Trạm phó Nguyễn Mạnh Thành quê Đại Lộc (Quảng Nam) thì dù đã đón 5 cái Tết với đồng đội, nhưng Xuân Giáp Ngọ này, anh lại nôn nao về nhà đến lạ. Về để giúp ba sơn lại ngôi nhà đã cũ, giúp mẹ đụn củi cho nồi bánh tét. Về để hưởng trọn không khí gia đình ấm áp trong đêm giao thừa. Về để thỏa nỗi nhớ mong người vợ trẻ mà sau ngày cưới từ đầu năm 2013 đến giờ, anh vẫn chưa có dịp…tái ngộ.

Thành bảo, tâm trạng xốn xang và phấn khích ấy được anh giữ kín trong lòng. Bởi, Tết này Thành cùng anh em trong đơn vị phải đảm bảo trực 100% quân số. Đáp lại “món quà” không mấy vui ấy, vợ Thành hứa sẽ tặng chồng một chuyến… ra mắt đơn vị đúng vào đêm 30 Tết! “Rứa (thế) thì còn gì bằng! Tớ chỉ lo cô ấy… động viên khéo mình!”, Thành chia sẻ.

Dẫu Tết xa nhà nhưng cả Duy lẫn Thành đều bảo rằng, “mình vẫn còn may mắn” vì…người Quảng Nam, được đón Tết trên đất Quảng Ngãi nên các anh không phải “nhớ hoa đào, thèm thịt đông” như đồng đội Trương Sỹ Khánh, quê tít Nghệ An. Chẳng thế mà Duy nói rằng, mỗi khi tổ chức vui Xuân đón Tết cho anh em, ngoài việc hò nhau mổ heo, gói bánh tét thì trong mâm cỗ đêm giao thừa luôn có những món ăn đặc trưng của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Nghệ An. “Rứa để anh em bớt nhớ nhà”, Duy bảo thế.

Những câu chuyện cứ thế râm ran cho đến khi trời nổi dông, đổ mưa ào ào. Nhân lúc mưa to trời tối, các chiến sĩ Trạm rađa 18 “giữ chân” chúng tôi bằng bữa cơm ấm tình với những món ăn được chế biến từ rau nhà, gà trạm kèm lời khuyến mãi “gà, rau ở đây sạch 100%”. Điều này thì tôi tin. Vì ngay khi đặt chân vào trạm, tôi đã choáng ngợp với khối “tài sản” mà doanh trại sở hữu, nào ao cá, vườn rau; ngót hai trăm con heo, bò, gà, vịt... Thế mới biết, người lính phòng không không quân thời bình không chỉ “mắt tinh, tay chắc súng”, mà còn trồng rau, nuôi heo, gà cũng rất cừ.

Bữa cơm tối kết thúc lúc 20 giờ. Bên ngoài, trời vẫn mưa, gió thốc lạnh buốt. Thế nhưng khi nhận được nụ cười đôn hậu cùng cái siết tay thật chặt của các chiến sĩ, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy ấm lòng. Lên xe, tôi vẫn còn nghe Trạm trưởng Nguyễn Hoàng Duy nói với theo: “Tết, tụi tớ vắng nhà nhưng không vắng tình thân. Vì đây cũng là gia đình của tụi tớ”. Hẳn là vậy! Chắc chắn là vậy!

 

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.