Rộn ràng mùa kiệu Tết

02:01, 18/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Những ngày cuối tháng Chạp, người dân ở vùng đất cao, đất bạc màu lại rộn ràng vào mùa thu hoạch kiệu.  Sự hồ hởi hiện rõ trên gương mặt của những người nông dân hồn hậu.
 
Những ngày này, các vùng trồng kiệu trong tỉnh đang rộn ràng bước vào mùa thu hoạch rộ. Đâu đâu cũng thấy những đống kiệu củ đổ thành đống chờ thương lái thu gom, nhà nhà, người người tất bật thu hoạch kiệu. Trên những cánh đồng kiệu, không khí thu hoạch sôi động, làm rộn rã một vùng quê.

 

Vùng trồng kiệu đang rộn rã mùa thu hoạch.
Vùng trồng kiệu đang rộn rã mùa thu hoạch.
 
Không khí giá lạnh của những ngày mùa đông không ngăn nổi nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn của cụ Trần Ca (84 tuổi), ở đội 8, thôn Long Yên, xã Bình Long (Bình Sơn). Dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng tay cụ vẫn mạnh mẽ, đều đặn đào từng bụi kiệu. Cách đó không xa, cụ bà Hà Thị Tiên (80 tuổi) cặm cụi dũ từng bụi kiệu. 
 
Dừng tay nghỉ mệt, cụ Ca cho biết, năm nay cụ trồng gần 2 sào, tuy kiệu bị sương muối khiến lá không xanh, đẹp như năm ngoái, nhưng cho thu nhập khá, trừ chi phí kiếm được mỗi sào gần 7  triệu đồng. 
 
“Bấy nhiêu với nông dân là quý lắm rồi! Hơn trồng lúa gấp 5 lần, ít tốn công chăm bón mà thu nhập ổn định. Tôi trồng kiệu đã mấy chục năm rồi, còn khỏe thì còn trồng. Nhờ nó mà năm nào gia đình cũng có tiền trang trải Tết”- cụ Ca bộc bạch.

 

Những cụ kiệu trắng nỏn sau khi được rửa sạch đất.
Những cụ kiệu trắng nõn sau khi được rửa sạch đất.
 
 
Đang thu hoạch ruộng kiệu gần đó, anh Hồ Kim Lượng cũng vui vẻ góp chuyện. Anh Lượng cho biết, anh trồng 2 sào kiệu trên đất nhà, đầu tư chừng 2 triệu đồng/sào, với giá bán 8.000 đồng/kg cũng kiếm được chừng 12 triệu đồng. “Vụ kiệu năm nay mất hơn mấy năm trước nhưng được cái họ thu mua nhanh nên mình cũng vui”- anh Lượng cho hay.
 
Mùa kiệu năm nay, tâm trạng của người trồng kiệu buồn vui lẫn lộn. Theo những nông dân trồng kiệu, năm nay cây kiệu phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên, vừa qua bị lũ nên một phần diện tích bị chết do thúi rễ, kiệu không nở lắm! Sương muối cũng khiến lá kiệu héo úa, xấu xí hơn.
 
Thời điểm này, cây kiệu được thu hoạch mỗi bụi chừng 5-6 củ. Những năm trước đây, mỗi bụi kiệu có đến hơn 7-8 củ. Do đó năng suất năm nay giảm hơn năm ngoái. Nếu như năm ngoái, mỗi sào kiệu thu hoạch được từ 1-1,2 tấn thì năm nay chỉ còn 0,8-1 tấn.
 
Theo bà con trồng kiệu nơi đây, kiệu bắt đầu được trồng từ tháng 7 âm lịch. Sau gần 6 tháng, trải qua bao nắng mưa, hút đầy chất dinh dưỡng của đất, ngậm hạt sương của trời, củ kiệu no tròn trắng muốt, thoang thoảng mùi hương cay nồng. 
 
Cụ Ca cho rằng, quan trọng là cần cải tạo đất hàng năm. Ở đây gia đình nào cũng tiết kiệm chi phí nhờ chủ động được nguồn phân bón từ nuôi heo, nuôi bò. Cứ mưa xuống là cào cỏ cho kiệu một lần, cứ 10-12 ngày lại bón phân.

 

Thương lái đóng bao chở kiệu đi tiêu thụ.
Thương lái đóng bao chở kiệu đi tiêu thụ.
 
Trồng kiệu không phải tưới nước như lúa nên chi phí không tốn kém là bao, chỉ sợ nhất là lụt ngập úng làm cho kiệu bị thúi rễ, thúi củ.  Đất trồng kiệu là đất bạc màu, xưa kia trồng mía nhưng kém hiệu quả nên bà con chuyển sang trồng kiệu. Đến vụ thu hoạch, mọi người phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để ra đồng thu hoạch kịp bán cho thương lái. Nhà trồng ít cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng, nhà trồng nhiều tới 50-70 triệu đồng.
 
Trong khi nhiều loại nông sản đang gặp khó khăn về đầu ra thì củ kiệu, một trong những món ăn không thể thiếu ở nhiều gia đình người Việt trong ngày Tết, lại đang được tiêu thụ mạnh. 
 
Chị Nguyễn Thị Phương quê ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), người có thâm niên gần 20 năm trong nghề buôn kiệu cho biết, giá kiệu năm nay ở mức 8.000 đồng/kg kiệu lá và 18.000 đồng/kg kiệu củ là tương đối, không thấp cũng không cao. Cả người dân và thương lái đều mừng vì kiệu tiêu thụ mạnh, nhất là đưa vào các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày, tui xuất bán hơn 2 tấn kiệu cho các chợ và đi vào phía Nam.
 
 
 
Củ kiệu và cả lá kiệu đều có thể làm các món ăn. Củ kiệu thường được muối dưa chua tương tự như cách muối dưa hành, dùng ăn kèm với thịt mỡ hoặc tước nhỏ trộn với bắp cải, thịt gà.
 
Củ kiệu còn được sử dụng làm thuốc. Kiệu có vị cây đắng tính ấm, làm ấm bụng, tán khí kết, khỏi đầy hơi, bổ thận khí, mạnh dương, còn có tác dụng lợi tiểu, chữa chứng bệnh đái dắt, nếu ăn đều thì chịu được rét lạnh, bổ khí, điều hòa nội tạng cho béo khỏe.
 
Lá kiệu có thể quấn, ướp thịt để làm món thịt nướng. Ngoài ra cũng thường thấy lá kiệu được ăn sống hoặc gia vào nồi lẩu như một loại rau thơm.

 

 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều 

.