Ngôn ngữ dân gian về Tết

09:01, 18/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Tết, mà lại là Tết Nguyên đán bao giờ cũng là một sự kiện vô cùng đặc biệt với dân gian ta từ ngàn xưa. Có lẽ vì thế, những dấu ấn về tư duy, lối sống, phong tục… vẫn còn lưu lại trong lời ăn tiếng nói, đặc biệt là trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ dân tộc Việt Nam.

“Có mà đến Tết”!
 
Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta vẫn thường nghe mọi người nói với nhau: “Chuyện ấy đâu dễ như thế được. Cứ đợi đấy, có mà đến Tết may ra mới xong!”; “Làm đủng đa đủng đỉnh  như ả chơi giăng thế kia  thì có đến Tết cũng chả xong”...
 
Đến Tết ở đây có nghĩa là còn lâu, rất lâu chứ không phải là một khoảng thời gian ngắn được. Ta cũng còn thấy nhiều tổ hợp khác gần nghĩa với cụm từ này, như “còn lâu nhé”, “có mà đến mục thất chưa xong”, “có mà ăn ba cót thóc nữa cũng chưa xong”...
 
 
 
Tết (đọc chệch âm của từ “tiết”, như  tiết Lập Xuân, tiết Kinh Trập, tiết Đoan Ngọ...) là một sự kiện đặc biệt có liên quan tới nhiều nhân tố (về thời gian, khí hậu, phong tục tập quán...) của mỗi dân tộc.
 
Những tiết thực sự quan trọng và gắn với nghi thức lễ hội được gọi là Tết. Việt Nam (và một số nước châu Á) có phong tục đón nhiều cái tết: Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Hàn thực,  Tết Trung thu,... Tuy nhiên, cái tết lớn nhất, thiêng liêng nhất, hội đủ mọi ý nghĩa đặc sắc nhất vẫn là Tết Nguyên đán (Nguyên đán: buổi sáng đầu năm). Đó là lúc con người và trời đất ở thời khắc bắt đầu chuyển sang một năm mới (âm lịch). Nó là cái mốc để lại dấu ấn đậm nét về văn hoá tâm linh. Tín ngưỡng dân gian cho rằng mọi điều may rủi, mọi cơ hội làm ăn, thăng tiến hay phát tài phát lộc đều xuất phát từ những sự kiện mở màn của năm mới này.
 
Vậy thì, cứ mỗi một năm cũ qua là ta lại đón nhận một năm mới. Tuy nhiên, một năm với khoảng 365 ngày kia có gì là dài lắm đâu nhỉ? Xuân hạ thu đông, cứ bốn mùa là tạo vật lại trở lại theo chu kì cũ thôi mà. Nhưng, từ xa xưa, để đi từ cái tết này sang cái tết khác dân gian ta đã trải qua một hành trình nhiều gian khó. Phải lo làm ăn, một nắng hai sương. Muốn ăn Tết cho vui vẻ, đủ đầy, trọn vẹn, mỗi gia đình phải lo gom góp chuẩn bị rất nhiều thứ để sửa sang nhà cửa, chuẩn bị gạo thóc, đỗ đậu, lợn gà... Và nói chung, muốn thế, người dân phải lấy cái đích tết sắp đến đó để mà lo phấn đấu, lo làm ăn cả năm.
 
Sự khó khăn vất vả làm cho những điều trông đợi kia cứ như rất dài, rất gian nan, trắc trở, mong chờ… mỏi cả mắt. Đợi cho đến được Tết quả là một thời gian quá lâu, nhất là đối với những trẻ em hay những người nghèo khó. Trẻ được bát canh, già được manh áo mới. Ôi cái tết kia cứ khắc khoải như một niềm ao ước với bao người. Nó vừa rất hiện thực gần gũi, lại vừa rất thiêng liêng.
 
Chính từ những sự kiện đặc biệt của Tết Nguyên đán ấy mà dân gian ta đã tận dụng nội hàm này để biểu trưng hoá trong thành ngữ “Có mà đến Tết”.
 
Giờ đây, cái Tết cũng không còn phải chuẩn bị mất nhiều công sức như ngày xưa. Sự trông đợi có lẽ cũng không còn mỏi mòn đằng đẵng như hồi trước nữa. Nhưng câu thành ngữ  với nét nghĩa biểu cảm trên vẫn tồn tại trong tâm khảm của mọi thế hệ con người Việt Nam thời hiện đại. Tết vẫn luôn luôn là một sự kiện trang trọng và thiêng liêng với mọi nhà.
 
Ăn cơm mới, nói chuyện cũ
 
Đây là một câu thành ngữ mà dân gian ta rất hay dùng mỗi khi Tết đến xuân về. Vào dịp cuối năm, nhất là vào đêm Ba mươi Tết (thời khắc cuối cùng của năm cũ) hoặc vào ngày mồng Một Tết, trong không khí gia đình sum họp đủ đầy ấm cúng, các bậc cao niên trong nhà thường nhắc nhở con cháu mình:  “Thôi thì ăn cơm mới nói chuyện cũ, bố mẹ không nhắc nhở, trách cứ gì ai. Nhưng những chuyện trong năm qua đáng để nhà mình nhìn lại mà khắc phục. Âu cũng là một dịp ôn cố tri tân”.
 
“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, một câu thành ngữ 6 tiếng chia thành 2 vế, đối nhau khá chỉnh. Tổ hợp “cơm mới” là một câu nói cửa miệng, rất hay dùng đối với nhà nông. Tục cúng cơm mới (bữa cơm gạo mới khi bắt đầu mùa thu hoạch) bao giờ cũng là một nghi thức mang đậm tín ngưỡng dân gian của nông thôn ta từ xưa đến nay. Nhưng cơm mới trong thành ngữ này  lại mang một ý nghĩa khác. Nó dùng để hàm chỉ hiện thực đang tồn tại, đang được nói đến. Có thể đó là năm mới, hoặc có thể là một cái mốc sự kiện mới đến nào đó (như sang nhà mới, cưới vợ, con cái trưởng thành,...).
 
 
Cũng chính vì vậy mà cơm mới còn hàm ý chỉ sự tốt lành, mới mẻ, là niềm vui cần chia sẻ... Và mỗi khi có sự chuyển biến tích cực đó trong cuộc sống, người ta thường có thói quen nhắc lại chuyện xưa, từ chuyện mới nhớ về chuyện cũ.  Những câu chuyện đã qua đó thường gắn với quá khứ gian nan, cơ cực, thậm chí buồn đau... Chính sự nhìn nhận, ôn lại cái cũ ấy giúp người ta hiểu thêm được cái mới, thấy rõ giá trị của cái mới. Từ đó mà chúng ta thêm yêu, thêm trân trọng thành quả vừa có được và yên tâm vững bước trên đường đời.
 
Câu thành ngữ “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” rõ ràng không còn bó hẹp trong chuyện ăn và nói như vốn dùng trong cuộc sống. Xét cho cùng, đây là một thông điệp hàm súc về  một bài học ứng xử giàu tính triết lí và đậm chất nhân văn. Bởi quá khứ và hiện tại luôn là một sự tiếp nối không thể tách rời trong dòng chảy của lịch sử.
 
Năm Tân Mão đã đến rồi. Một chu kì thời gian quan trọng với mỗi người chúng ta đang mở ra những khả năng và vận hội mới. Thiết tưởng, ngày hôm qua như vẫn còn hiển hiện, nhắc nhở chúng ta nhiều điều trên con đường hoàn thiện một cuộc sống sao cho tốt đẹp hơn. “Cơm mới” sẽ ngon hơn, ý vị hơn nếu ta không quên nhớ về “chuyện cũ”.

Lì xì xưa và nay
 
Đây là một từ đã rất quen thuộc và thường được nhắc đến nhiều mỗi khi vào dịp Tết. 
 
Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2006) vẫn coi “lì xì” là phương ngữ (tiếng địa phương), với nghĩa là “mừng tuổi”. Có lẽ do ban đầu từ này chỉ thấy xuất hiện ở miền Nam (chủ yếu  ở vùng Chợ Lớn - Sài Gòn trước đây), sau này mới lan dần ra toàn quốc.
 
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Chợ Lớn là trung tâm buôn bán có nhiều người Hoa sinh sống. Lì xì (cũng có người đọc lầy xì) là cách nói Việt hoá âm Quảng Đông (Trung Quốc), đọc chính âm Hán - Việt là “lợi thị” (điều tốt lành, (có) lợi lộc, (có) vận may, vận tốt...).

 

 

Tương truyền là từ đời Đường, nhà vua khi nhận lễ vật của khách bốn phương cúng tiến, thường bớt một chút quà đó tặng lại khách (như tục lại quả trong đám ăn hỏi ở ta vậy) gọi là lộc vua. Thói quen đó lan rộng ra các gia đình quan lại, quyền quý, khá giả. Nhưng việc bớt lại lễ vật nhiều khi cũng bất tiện. Bởi có phải lễ vật nào (như trâu gà dê lợn, vàng bạc, ngà voi...) cũng “xẻo” ra một chút được đâu. Vả lại lễ vật cũng nhiêu khê, cồng kềnh, khó gói, khó mang. Nên người ta liền “cải tiến”, cho một chút tiền vào “phong bao” tặng lại. Một cách đáp lễ tiện cả đôi đường. Rồi thói quen này trở thành phong tục dân gian nhân lễ tết nói chung.

 
Ở Việt Nam ta, tục mừng tuổi cũng có từ lâu. Thường thì nhân dịp Tết Nguyên Đán, ông bà cha mẹ hay tụ tập con cháu nhân sáng mồng Một Tết, chúc tụng và mừng tuổi cho mỗi người một chút tiền (tiền chinh, bằng kim loại). Đó là một cử chỉ lấy “khước” cho con cháu khoẻ mạnh, học hành giỏi giang, làm ăn phát đạt, tài lộc dồi dào. Âu cũng là một phong tục đẹp trong dân gian (theo Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục).
 
 
(sưu tầm)

 


.