Thức cùng mùa xuân

03:02, 19/02/2013
.

(QNg)- Những tia pháo hoa cuối cùng của đêm giao thừa tắt lịm, người người quay về sum họp bên gia đình để đón chào năm mới trong không khí ấm cúng. Nhưng với các anh, chị lao công thì phải thức cùng với mùa xuân mới để đem lại cảnh quan sạch đẹp cho phố phường trong ngày đầu năm.

Năm nào cũng vậy, đêm 30 Tết, những anh chị lao công cũng đành bỏ lại ngôi nhà ấm áp của mình, hòa mình vào thời khắc cuối cùng của năm để rồi đón mùa xuân mới về ngay trên đường phố. Hoà chung dòng người đi đón giao thừa, họ cũng khoác trên người bộ quần áo nghề rồi toả về các con phố, chợ hoa... để bắt đầu công việc của mình. Bên cạnh nhiều người quen với việc đón giao thừa trên đường phố thì cũng có không ít người xao lòng khi nhìn thấy những đôi vợ chồng trẻ xúng xính quần áo đẹp tay trong tay dắt nhau đi đón giao thừa. Chị Đoàn Thị Kim Anh, bộc bạch: "Việc nấu nướng, dọn nhà, cúng ông bà ngày cuối năm thông thường phụ nữ như mình phải đảm đương, nhưng 12 năm rồi những công việc đó mình giao lại hết cho chồng con tự xoay xở".

 

Anh chị em lao công làm việc trên đường Phạm Văn Đồng trong đêm giao thừa.
Anh chị em lao công làm việc trên đường Phạm Văn Đồng trong đêm giao thừa.


Trong đêm giao thừa, có hơn 300 công nhân viên của Công ty CP Môi trường - Đô thị Quảng Ngãi đón năm mới trên đường phố. Trong đêm giao thừa, lượng rác trên đường phố phát sinh khá nhiều, nhất là khu vực chợ hoa. "Có năm phải đến 4 - 5 giờ sáng Mùng một Tết anh em mới về tới nhà, chỉ kịp rửa mặt ăn lót dạ chút bánh chưng là con cháu đã đến chúc Tết rồi" - ông Trần Văn Phụ (52 tuổi) cho biết. Ông Phụ là một trong số ít lao động của công ty có thâm niên "đón giao thừa trên phố". Ông kể: Năm nào cũng vậy, đứa cháu ngoại cứ thắc mắc sao không ở nhà đón giao thừa với cháu mà cứ đi ra ngoài đường hoài? Tôi chỉ biết cười rồi trả lời cho qua chuyện "Ông có nhiệm vụ phải đi làm đẹp đường phố để mọi người vui Xuân, đón Tết".  

Với các anh chị em lao công, bao nhiêu năm làm nghề là bấy nhiêu năm không có được đêm giao thừa trọn vẹn bên gia đình. "Đã nhiều năm đón giao thừa ngoài đường nhưng thời khắc những tia pháo hoa cuối cùng tắt lịm trên bầu trời lòng vẫn cứ thấy nôn nao. Người ta sum vầy bên gia đình còn mình thì lặn lội ngoài đường" - chị Kim Anh tâm sự. Nhưng rồi chị cũng tự an ủi mình: "Nghề nào nghiệp nấy mà. Lao công ai mà không đón giao thừa ngoài phố. Nếu không có sự động viên, chia sẻ của người thân trong gia đình thì không thể duy trì được công việc này".

Còn anh Nguyễn Xuân Vinh (23 tuổi), làm nghề được 2 năm thì vui vẻ tâm sự: "Làm việc trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng có nhiều niềm vui lắm chứ. Nhìn dòng người nhộn nhịp, ngắm phố xá đông vui, rồi còn được ngắm pháo hoa nữa". Anh Vinh coi niềm vui của mọi người khi được rảo bước trên đường phố sạch đẹp là hạnh phúc của mình. Anh bộc bạch: "Tôi còn trẻ chưa có gia đình riêng, ít vướng bận nên làm việc trong thời khắc thế này cũng không có ảnh hưởng gì mấy. Công việc tuy có mệt nhọc, nhưng sáng ra nhìn lại thành quả của mình góp tô thêm sắc xuân cho phố phường nên cũng vơi đi phần nào".


    Bài, ảnh: Xuân Hiếu
 


.