Rượu cần - Hương vị ngọt ngào của người Hrê

08:02, 19/02/2013
.

(QNg)- Trong bất cứ ngày lễ, Tết nào, người Hrê cũng đều có nghi thức uống rượu cần với quan niệm "Chưa có rượu cần thì chưa có Tết". Ché rượu cần mang hương vị rất riêng của núi rừng đã trở thành một nét độc đáo và thu hút được sự quan tâm của khá nhiều thực khách.

Một ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm về thôn Mang Krá (xã Ba Xa, Ba Tơ), nơi có phần đông là người Hrê sinh sống để hòa cùng không khí đón xuân của người dân nơi đây.

Niềm nở đặt ché rượu cần ra giữa sàn nhà, già làng Phạm Văn Ố mời chúng tôi bằng tiếng Kinh: "Ở dưới xuôi, miếng trầu là đầu câu chuyện, còn ở đây, chưa uống rượu cần, thì chưa nói chuyện được đâu".

 

Quây quần bên ché rượu cần ngày tết.
Quây quần bên ché rượu cần ngày tết.


Theo quan niệm của người Hrê, rượu cần là thức uống linh thiêng dùng để dâng lên thần linh nên không thể thiếu được trong các nghi lễ cúng tế hay vào mỗi dịp lễ Tết. Nhà nào dù nghèo đến đâu, trong nhà cũng ủ sẵn vài ché rượu cần. Nguyên liệu để làm rượu cần là gạo nếp, gạo tẻ, mì… và rễ gừng, rễ riềng cùng nhiều loại vỏ cây rừng khác dùng để ủ men.

Theo nhiều chủ gia đình người Hrê ở Mang Krá, gạo dùng để làm rượu cần chỉ nên bóc sơ lớp vỏ trấu thì rượu mới ngon, chứ đừng nên dùng gạo trắng quá. Sau khi đong gạo, người Hrê còn trộn thêm lúa với công thức 2 phần gạo, 1 phần lúa rồi đem nấu lên và trải ra rổ tre thành từng lớp mỏng, sau đó rải men lên trên. Trong các công đoạn làm rượu cần, men chính là bí quyết tạo nên hương vị độc đáo của loại rượu này. Già làng Ố cho biết, loại rễ cây dùng làm men rượu chỉ mọc nơi rừng sâu, nên mỗi lần muốn ủ rượu, thanh niên trong thôn lại lặn lội đến nơi núi cao để tìm. Tuy vất vả, khó nhọc nhưng già làng Ố quả quyết, rượu cần phải được ủ bằng thứ men đó, chứ nếu vì muốn ủ nhanh, ủ vội mà mua men rượu dưới xuôi, thì ché rượu cần xem như hỏng.

Rượu cần được người Hrê xem như thức uống linh thiêng. Vì thế, ché đựng rượu cần được mọi người nâng niu như bảo vật. Thời xưa, mỗi chiếc ché quý, được đổi bằng 5-10 con trâu. Theo những bậc cao niên trong làng, ủ rượu cần bằng những chiếc ché lâu đời thì hương vị rượu sẽ thơm ngon, đậm đà hơn. Đến thôn Mang Krá hôm nay, những chiếc ché quý bằng gốm đã ngả sang màu đen tuyền cùng thời gian ấy vẫn được mỗi gia đình gìn giữ từ đời này sang đời khác.


Làm rượu cần đã lắm công phu, uống rượu cần cũng là một nghi thức. Thoạt tiên, chủ nhà mở miệng ché, lấy miếng lá chuối dùng để bịt miệng ché bỏ ra ngoài rồi cắm cần làm từ lõi cây triên vào. Xong đâu đấy, chủ nhà mang ra một thau nước lã, múc nước đổ vào ché cho đầy rồi uống một hớp trước để tỏ lòng chân thành. Còn phía khách, trước khi uống bao giờ họ cũng hớp một ngụm rồi nhổ bỏ, sau đó mới bắt đầu thưởng thức. Vừa uống rượu, mọi người vừa quây quần bên nhau trò chuyện tâm tình. Không khí xuân của người Hrê nhờ thế mà trở nên ấm áp, sum vầy và mang một nét rất riêng.

Ché rượu cần vừa cay nồng vừa ngọt đượm của người Hrê thực sự cuốn hút được thực khách gần xa. Có được ché rượu núi rừng, mang về miền xuôi đãi khách dịp lễ Tết dường như đã trở thành điều mong mỏi của khá nhiều người.


Đáp ứng nhu cầu đó, rượu cần không còn bó hẹp bên bếp lửa của người Hrê mà "tìm" về miền xuôi và lan tỏa ra thị trường ngoại tỉnh như một thương phẩm.

Chị Đặng Thị Hồng Tuyên, một đầu mối cung ứng rượu cần ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) tâm sự: "Tôi làm và bán rượu cần ở vùng này cũng hơn 20 năm nay rồi. Rượu làm ra ché nào, bán hết ché đó, chẳng bao giờ sợ ế". Trung bình vào mỗi dịp lễ Tết, cơ sở làm rượu cần của chị Tuyên tiêu thụ khoảng 500 ché rượu cần. Chị Tuyên hồ hởi: Tết năm nào, tôi cũng gửi ché rượu cần về Đà Nẵng, Huế… rồi cả thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu của khách".

Giữa muôn trùng các loại rượu, rượu cần tự làm với chất men rất riêng của người Hrê bỗng trở nên khác lạ. Ẩn đằng sau mỗi ché rượu cần là cả một không gian núi rừng hùng vĩ và nền văn hóa đậm đà bản sắc của người Hrê.      


Bài, ảnh: Ý THU
 


.