Vị giáo sư họ Lâm suốt đời với rừng

02:01, 28/01/2012
.

Thanh Thảo


(QNĐT)- GS Lâm Công Định năm nay đã tròn tuổi 92. Từ năm 1944, ông đã tốt nghiệp đại học Nông-Lâm Hà Nội, và trong kháng chiến chống Pháp ông là giám đốc sở Thủy-Lâm (thủy lợi và lâm nghiệp) Liên khu Năm.

Có thể nói, suốt từ những năm tuổi 20, GS Lâm Công Định (ông được phong giáo sư năm 1984) đã dành trọn cuộc đời mình cho những rừng cây, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng. Có một sự gắn bó số phận giữa vị giáo sư họ Lâm với rừng, với cây, như thể ông được sinh ra là để trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, và nhân rộng nhân sâu những cánh rừng cho Tổ quốc.

Không chỉ bằng lòng với những giống cây rừng đã có ở Việt Nam, GS Lâm Công Định qua những lần xuất ngoại dự các cuộc hội thảo, các đại hội lâm nghiệp thế giới, ông đã mang về nước những hạt giống quí của những giống cây có những tác dụng đặc biệt với môi sinh Việt Nam.

Từ  cây xoan chịu hạn (cây Neem)…

Cây Neem có  nguồn gốc từ Ấn Độ và được đưa đến châu Phi từ hồi đầu thế kỷ 20, hiện nay đã có 30 quốc gia ở châu lục này trồng cây Neem, đặc biệt là những quốc gia có vùng ven phía nam sa mạc Sahara. Là loại cây chịu hạn rất cao, cây Neem có thể sống ở những vùng cát khô ven biển nơi chỉ có loài xương rồng sống được.

Năm 1981, sau khi dự một hội nghị quốc tế về lâm nghiệp, GS Lâm Công Định đã mang được giống cây Neem từ Senegal về nước. Nơi mà GS nhắm cho cây Neem có thể phát triển chính là vùng cát khô cằn ven biển Ninh Thuận. Ông đặt tên Việt Nam cho cây Neem là “Xoan chịu hạn”, và đã giúp cho sở lâm nghiệp Thuận Hải (cũ) nhân giống cây này.

GS Lâm Công Định (bìa phải) ăn trưa cùng công nhân lâm nghiệp - Ảnh: T.L
GS Lâm Công Định (bìa phải) ăn trưa cùng công nhân lâm nghiệp - Ảnh: T.L

Từ một cây mẹ, sau nhiều năm nhân giống, cây Xoan chịu hạn đã phát triển thành rừng cây ở Tuy Phong, Phước Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận. Xin trích một đoạn trong bức thư của những người nông dân xã Phước Dinh gửi cho GS Lâm Công Định, đề ngày 22/10/2004: “Chúng tôi, những người nông dân ở xã Phước Dinh –Ninh Phước, xin chân thành kính chúc GS được nhiều sức khỏe, đồng thời kính cảm ơn GS, một nhà khoa học lớn đã giúp cho địa phương chúng tôi một loài cây mà từ trước chưa có ở đây, đó là cây “Xoan chịu hạn” có tên là cây Neem được trồng và phát triển rất tốt ở địa phương chúng tôi. Nơi đây từ trước nay là vùng cát nóng, nghèo dinh dưỡng, không thể trồng cây gì được, chỉ độc nhất một loại xương rồng mọc hoang dại… Nay thì khác hẳn rồi, mới hơn 8 năm mà cây “Xoan chịu hạn” đã phát triển xanh tốt thành rừng, khí hậu không còn khắc nghiệt như xưa, nước ngầm đã có, trồng trọt đang phát triển, người dân Phước Dinh giờ đây không còn sợ nghèo đói nữa.”

Có lẽ, từ thời GS nông học Lương Định Của mang được những hạt lúa bé nhỏ từ nước Nhật về lai tạo nên những giống lúa mới cho đồng ruộng Việt Nam, thì đây là lần thứ hai có một vị  GS người Việt đã mang hạt giống một loài cây về nhân giống và trồng thành công tại Việt Nam. Những “bức thành xanh” của cây “Xoan chịu hạn” không chỉ ngăn gió cát, mà còn cải tạo một vùng đất khô cằn thiếu sức sống thành một vùng đất có nước ngầm và có thể gieo trồng nhiều loại cây sinh lợi khác. Sự biết ơn của những người nông dân xã Phước Dinh thật chân thành, và đó chính là phần thưởng lớn nhất cho vị Giáo sư họ Lâm, người đã gắn trọn đời mình với những rừng cây.

…Tới giáo trình môn “Điều chế rừng”

Là một nhà khoa học thực nghiệm, nên tác phẩm suốt đời của GS Lâm Công Định chính là những cánh rừng, cả tự nhiên và nhân tạo. Cho tới khi về già, ông mới có điều kiện ngồi lại và viết nên một cuốn sách mỏng có tên rất khiêm nhường: Giáo trình môn Điều chế rừng-một giáo trình giành cho việc đào tạo chuyên gia lâm nghiệp sau đại học-thạc sĩ, tiến sĩ.

Chị  Kim Anh-người con dâu hiếu thảo của GS cho tôi biết, GS đã tiết kiệm từng đồng lương hưu của mình để in cuốn sách-giáo trình mỏng này với mong muốn tặng nó cho ngành Lâm nghiệp Việt Nam. Sách in xong năm 2011, thì vị GS già họ Lâm đã phải vào nằm lâu dài trong bệnh viện vì tuổi cao sức yếu.

Dù là  người “ngoại đạo… lâm nghiệp” nhưng tôi  đã đọc những trang đầu của cuốn sách này với niềm hứng thú cao, vì sách được viết rất giản dị và cuốn hút. Không phải là người rất am hiểu lĩnh vực mình nghiên cứu và thực nghiệm, không phải là người thực sự yêu rừng yêu cây và uẩn súc một vốn chữ nghĩa dồi dào, thì khó có thể viết rất ngắn về những điều không dễ mà lại khiến người đọc tiếp thu nhanh như vậy.

Ngày trước, trong những lần dự hội thảo hay đại hội lâm nghiệp quốc tế, GS Lâm Công Định đã đọc những tham luận bằng tiếng Pháp rành rẽ như đọc tiếng Việt. Là một người thực học, nhưng GS Định đã hiến mình cho những công trình thực nghiệm về rừng và cây. Nếu tính những cây số đường rừng ông đã đi qua suốt cuộc đời mình, thì số km có thể nhiều hơn số chữ trong cuốn giáo trình ngắn gọn của ông.

Tôi đặc biệt chú ý một trong những đặc điểm về “hoàn cảnh rừng” mà GS Định đã nêu trong cuốn sách của ông: “ Vừa mãnh liệt mà lại vừa mong manh trong khả năng tự tồn”, và “ Vừa có chu kỳ thực vật rất dài với những loài cây rừng thọ hàng thế kỷ, mà cũng vừa rất dễ bị giảm nhanh tuổi sống, mất hẳn tiềm lực liên tục tái sinh.” Và, cuối cùng “ Vừa sáng tạo và tích lũy vật chất rất hùng hậu, nhưng cũng lại vừa rất dễ bị tiêu hao cạn kiệt tài nguyên, mất đứt nguồn gien đặc hữu.” Cứ như vị giáo sư già đang nói về con người, về cộng đồng người, chứ không phải về những rừng cây.

Có lời hát trong một ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn cứ trở lại trong đầu khi tôi “đọc lướt” qua cuộc đời GS Lâm Công Định “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ sẽ giành phần ai ?/Ai cũng một thời trẻ trai/Cũng thường nghĩ về đời mình/ Phải đâu may nhờ rủi chịu…/”

Suốt cuộc  đời, GS Lâm Công Định đã không chọn “việc nhẹ  nhàng”, và cái ông được cuối cùng, chính là  một cái cây và những cánh rừng cho Tổ quốc mình.  


.