Phong tục đón Tết của một số dân tộc thiểu số ở Lào Cai

10:01, 11/01/2012
.

Lào Cai có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một kiểu đón Tết riêng, đôi khi kéo dài rất nhiều ngày, gọi là mùa Tết. Mỗi kiểu ăn Tết của đồng bào đều biểu hiện nét đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc mình như: Hội chơi núi mùa Xuân của dân tộc Mông (còn gọi là hội Gầu Tào), Tết nhảy của người Dao đỏ, hội Lồng Tồng của người Tày…

Ngày Tết của dân tộc Phù Lá

Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác, ở Lào Cai, đồng bào Phù Lá sống thành từng làng, mỗi làng có vài chục nóc nhà, chủ yếu ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng và Bảo Yên. Với đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, ngày nay người Phù Lá vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn Tết mừng năm mới.
 
z
Ngày nay người Phù Lá vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn Tết mừng năm mới.

Người Phù Lá ăn Tết chính trong 3 ngày từ mồng 1 đến mồng 3, nhưng các hoạt động vui Xuân thường kéo dài từ mồng 1 đến hết ngày 15 tháng giêng, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất trong một mùa vụ mới.

Mỗi độ xuân về, khi muôn sắc hoa nở rộ trên khắp sườn núi, bản làng cũng là lúc đồng bào các dân tộc Phù Lá tạm gác lại mọi công việc sản xuất để vui Tết, đón xuân. Trong rộn rã tiếng khèn, điệu hát, lời ca, người già gặp nhau trầm ấm bên chén rượu; đám thanh niên trẻ nhỏ tíu tít hòa mình vào các trò chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù…
 
Còn các bà, các chị thì chuẩn bị gạo nếp ngon để làm bánh chưng, bánh giầy rồi dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ. Ngoài bánh chưng, bánh giầy, các món ăn ngày Tết của người Phù Lá không cầu kỳ mà vẫn phong phú, đa dạng và độc đáo gồm món luộc, canh xương, áp chảo, nướng, rang và xào…

Để chuẩn bị đón Tết, từ tháng chạp, đồng bào đã chuẩn bị củi, dự trữ rau lợn, sấy khô cá, nấu rượu và tìm lá dong để gói bánh chưng. Không chỉ phụ nữ mới khéo tay, người đàn ông Phù Lá cũng rất giỏi nghề làm yên ngựa. Chả vậy mà vào dịp Tết, họ lại làm rất nhiều yên ngựa mang đến chợ bán để lấy tiền mua sắm thức ăn, quần áo, quà cho bố mẹ và các con.

Vào các phiên chợ cuối năm, phụ nữ dân tộc Phù Lá nô nức đi chợ mua sắm quần áo, giày dép cho con cùng các hàng hóa phục vụ cho ngày Tết như: hương, tiền giấy vàng, muối, dầu… Trong dự tính của các chị, lượng thực phẩm hàng hóa đủ phục vụ cho 15 ngày Tết (từ mồng một đến 15 tháng giêng).

Trong tâm trạng háo hức, mong chờ của trẻ nhỏ và không khí rộn rã, tất bật, ngày 30 Tết, mỗi gia đình thường vào rừng lấy một ngọn trúc về để quét dọn trong nhà và đặt bàn thờ tổ tiên, với mong muốn quét sạch mọi cái xấu của năm cũ và đón một năm mới an lành, bội thu. Vào ngày mồng một Tết, tất cả mọi người đều diện những bộ trang phục mới và đẹp nhất, đi chúc Tết bố mẹ, ông bà và người thân, hàng xóm.

Hương sắc mùa xuân, ngày Tết của người Phù Lá cứ tiếp diễn cho đến ngày 16 tháng giêng mới bắt tay vào vụ mới để rồi những đôi nam nữ gặp nhau tại hội chơi tạm chia tay nhau với những lời hẹn ước đầy ý nghĩa. Với đồng bào Phù Lá, Tết thực sự là ngày hội lớn gắn kết tình cảm cộng đồng, làng xóm mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Dao đỏ

Việc thờ cúng tổ tiên - "ông Thải" được người Dao đỏ Lào Cai đặc biệt quan tâm. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở một góc trái gian chính nhà giữa nơi sạch sẽ và gọn gàng nhất. Người Dao đỏ coi tổ tiên trong nhà như thần hộ mệnh luôn theo sát và che chở cho họ. Để mỗi gia đình, dòng họ, thế hệ cháu con, nhất là ông trưởng họ luôn nhớ về nguồn gốc, lịch sử truyền thống của dân tộc mình, họ đã dùng chữ Hán Nôm để ghi chép lại tất cả những gì diễn ra trong đời người.

Hàng năm, cứ vào dịp Tết nguyên đán, các thành viên trong dòng họ lại tổ chức lễ thờ cúng tổ tiên tại nhà ông trưởng họ và thờ thần tại một tảng đá lớn hoặc một gốc cây to đầu làng. Trong các gia đình, từ ngày 25-12 đến 15-1 Âm lịch, nhà nào cũng chuẩn bị lễ vật thịnh soạn để cúng "Ma nhà". Họ quan niệm "Ma nhà" (gồm bố, mẹ, anh, chị em ruột đã mất) - linh hồn người chết tác động đến đời sống của con cháu, vì vậy việc thờ cúng được chuẩn bị rất chu đáo.

Đêm 30 tết, chuẩn bị đón giao thừa cả nhà (ông, bà, bố, mẹ, con, cháu) trong trang phục chỉnh tề đứng xếp hàng trước bàn thờ tổ tiên, chủ nhà (nam giới - người đã được cấp sắc) thay mặt gia đình thắp hương cúng báo tổ tiên, "Ma nhà", mời về ăn tết cùng con cháu và cầu mong tổ tiên luôn phù hộ cho gia đình làm ăn gặp nhiều may mắn, năm mới trồng trọt, chăn nuôi phát triển, con cháu khỏe mạnh.

Lễ vật dâng cúng tổ tiên gồm: 1 con lợn cạo sạch lông, 1 con gà luộc, 5 chiếc bánh chưng dài bày bên phải bàn thờ, 5 chiếc bánh dày bày bên trái, cùng ít tiền âm, hoa Đào, hoa Mận và bát nước lã lấy từ suối đầu nguồn. Người Dao đỏ chỉ coi tổ tiên của họ từ 5 - 7 đời người trở lại, không thờ từ đời thứ 8 trở đi.

Nghi lễ cúng đêm giao thừa không chỉ là lễ cầu mong những điều tốt lành, may mắn nhất trong năm mới, mà còn là dịp để con cháu trong gia đình tỏ lòng biết ơn tổ tiên, ông bà phù hộ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo TTO

.