"Đưa tiếng nói của nhân dân đến với Quốc hội"

10:05, 17/05/2016
.

Ông:  PHAN ĐÌNH THẮNG

Sinh ngày: 30.10.1978
Quê quán: Xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Dân tộc:  Kinh
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ:  Cử nhân Khoa học Lịch sử; Cử nhân Hành chính.
Lý luận chính trị: Cao cấp
Chức vụ hiện nay: Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Dân tộc- Tôn giáo Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Ngãi.


Được sự phân công của tổ chức, sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú, tôi vinh dự được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIV. Là một người được trưởng thành từ phong trào quần chúng, là cán bộ Mặt trận tôi đã xác định, cho dù có trúng cử hay không, tôi cũng sẽ cố gắng cống hiến hết khả năng của mình cho quá trình xây dựng và phát triển của quê hương, đất nước. Tôi luôn xem đó như là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của một công dân.

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XIV, tôi cam kết thực hiện có hiệu quả những nội dung sau:

Một là, trước mắt tôi phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại cơ quan. Đồng thời, với cương vị công tác hiện nay, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XIV, tôi cam kết sẽ phát huy tốt khả năng, sở trường và kinh nghiệm công tác để làm thật tốt vai trò của người đại biểu nhân dân; dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc với nhân dân; khảo sát thực tế từ cơ sở. Qua đó giúp bản thân am hiểu cuộc sống thực tế của nhân dân, lắng nghe nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất của nhân dân, đưa tiếng nói của nhân dân đến với Quốc hội, đến với Đảng, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân. Trong quá trình tiếp xúc với cử tri cần làm tốt công tác vận động quần chúng; chuyển tải kịp thời những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, nhất là với nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số...

Hai là, chúng ta đều biết, Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 9, Hiến pháp đã quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước”. Để góp phần xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh toàn diện, thật sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân, ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động giám sát và chất vấn tại các kỳ họp, tôi sẽ không ngừng học hỏi để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, sự hiểu biết sâu rộng... nhằm có thể đóng góp ý kiến thiết thực cho công tác giám sát và phản biện các chính sách, dự án luật, xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri. Sắp xếp thời gian hợp lý giữa công việc cơ quan với công việc người đại biểu nhân dân để có thể nghiên cứu, tham gia góp ý các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội... liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đặc biệt là an ninh tuyến biên giới biển, đảo...  

Ba là, tham gia các quyết định các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với vai trò là cán bộ Mặt trận, tôi quan tâm lớn nhất là kiến nghị Quốc hội tiếp tục ban hành những chủ trương lớn về xoá đói giảm nghèo, quan tâm tạo cơ chế chính sách cho nông dân, công nhân, miền núi, hải đảo, vùng xa, vùng sâu để  phát triển nhanh, bền vững, hạn chế khoảng cách giàu nghèo. Mặt khác, đề ra các giải pháp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền; nâng cao dân trí, phát huy dân chủ ngày càng rộng rãi, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội...

Trong điều kiện đất nước còn, nhiều khó khăn, nhưng phải quán triệt quan điểm của Đảng: Mỗi bước đi, mỗi chính sách kinh tế phải gắn liền với chính sách xã hội, công bằng xã hội. Trước mắt, để tạo sự đồng thuận lâu dài thì Nhà nước cần đầu tư đúng mức cho vùng căn cứ cách mạng, thực hiện tốt chính sách cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; chăm lo cho đối tượng người có công với cách mạng, những người bị ảnh hưởng chất độc da cam điôxin... Thực tế, những chính sách này tuy được quan tâm triển khai thực hiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội...

Hiện nay, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả nhiều cuộc vận động xã hội như cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, vận động Quỹ cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ người hoạn nạn... bao trùm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mặt trận đang cần Nhà nước phối hợp bằng sự bổ sung, tăng cường những cơ chế, chính sách cụ thể hơn nữa để Mặt trận có nguồn lực về tài chính, nhân lực nhằm phát huy vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tôi ý thức rằng, ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân là cơ sở thực tiễn cho mọi chủ trương đúng đắn, mọi hiệu quả thiết thực; như lời Bác Hồ dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong”./.
 


.