Như đóa hướng dương…

10:02, 28/02/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Cưu mang và tích cực chạy chữa cho một người lạ mắc bệnh tâm thần suốt 26 năm. Vất vả tìm lại gốc tích, người thân cho người ấy sau chừng đó thời gian. Câu chuyện cổ tích giữa đời thường đang được viết nên bởi gia đình bác sĩ Phạm Hồng Thái- Trưởng Trạm Y tế xã Bình Châu (Bình Sơn).
Cách đây 26 năm, xứ biển Bình Châu xôn xao vì tin gia đình bác sĩ Thái nhận nuôi một thanh niên ngoài 20 tuổi mắc bệnh tâm thần phân liệt, mất trí hoàn toàn. 26 năm sau, vùng quê ấy lại được một phen bất ngờ khi hay tin người đàn ông năm nào đã được người thân đến nhận mặt và dẫn về quê hương. Ẩn chứa sau câu chuyện ấy là tấm lòng thiện lương, nhân hậu của vị bác sĩ cùng gia đình.
 
Can đảm cưu mang người bệnh tâm thần
 
Tháng 6.1993, người nhà của nam thanh niên Nguyễn Văn Đông quê ở thôn Trung Đông, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) hoảng loạn vì anh mất tích khỏi địa phương. Hàng chục năm trời, đăng tin trên báo, đài và đi tìm kiếm ở khắp nơi, tung tích về anh vẫn biền biệt. Ông Nguyễn Văn Bình- anh ruột của anh Đông tuyệt vọng nghĩ rằng em mình đã mất. Sau hơn 10 năm tìm kiếm, ông buồn bã lập bàn thờ nhang khói cho em.
 
Cũng thời gian ấy, anh Đông theo xe đò từ Đà Nẵng đi lạc hơn 100km vào chợ Bờ Đắp - Bình Châu, thần trí ngây dại, bụng đói nhưng không biết xin ăn. Thương người đàn ông vô tri vô giác, ông Phạm Nam (ba anh Thái) ở thôn Châu Me, xã Bình Châu dẫn về nhà. Đó là lần đâu tiên chàng sinh viên học y Phạm Hồng Thái gặp người đàn ông tâm thần.
 
Trong 26 năm gắn bó với anh Đông, bác sĩ Thái luôn kiên nhẫn chăm sóc và chạy chữa bệnh cho anh
Trong 26 năm gắn bó với anh Đông, bác sĩ Thái luôn kiên nhẫn chăm sóc và chữa bệnh cho anh
 
“Chỉ vài ngày đầu dẫn anh về, mà cả nhà tôi bị ví chạy không biết bao nhiêu lần. Hỏi anh quê ở đâu, tên gì anh cũng im lặng, không nhớ. Sau này, khi đã quen với nhà, gia đình tôi mới biết anh quê đâu đó đoạn Quảng Nam- Đà Nẵng qua chất giọng đặc trưng”- bác sĩ Thái kể lại. Để tiện cho việc chăm sóc, xưng hô, chàng sinh viên Phạm Hồng Thái ngày ấy mạnh dạn đặt tên cho người lạ là Phạm Đông và nhận nuôi như người thân trong gia đình.
 
Một thời gian dài, chuyện vệ sinh cá nhân như tắm rửa đều do một tay bác sĩ Thái và cha anh lo liệu. Ngày ấy, gia đình anh chẳng mấy khá giả để nuôi thêm một người bệnh tâm thần trong nhà. Nhưng vì thấy anh Đông chẳng khác gì đứa trẻ, nếu bỏ ra đường sợ sẽ bị đói, khát nên gia đình anh Thái vẫn quyết tâm giữ lại.
 
Việc nhận nuôi anh Đông, gia đình bác sĩ Thái nhận lại rất nhiều phản ứng từ làng xóm. Bởi, không ít lần anh lên cơn la hét rồi đuổi đánh người nhà, hàng xóm vô cớ. Nhiều người nói ra, nói vào, nghĩ gia đình bác sĩ Thái bị khùng mới nhận nuôi một người tâm thần không quan hệ máu mủ.
 
Cụ Nguyễn Giàu nhớ lại chuyện cũ: Ai nghĩ ông Thái và cha ổng sẽ nhận nuôi thằng Đông dài lâu vậy đâu. Giữ trong nhà nguy hiểm lắm chứ đâu phải giỡn. Mà nó ăn khỏe lắm, mỗi bữa tốn gần 2 lon gạo. Những năm 90 hồi đó, vùng quê này còn nghèo lắm, ai nuôi nổi nó đâu. Chỉ có nhà bác sĩ Thái thương nó quá, mới cho nó ở lại vậy thôi!
 
Tưởng em mình đã mất sau hàng chục năm không rõ tung tích, ông Nguyễn Văn Bình- anh trai của người đàn ông điên ngậm ngùi lập bàn thờ để hương khói cho em
Tưởng em mình đã mất sau hàng chục năm không rõ tung tích, ông Nguyễn Văn Bình- anh trai của anh Đông ngậm ngùi lập bàn thờ để hương khói cho em
 
Như duyên trời định, anh Đông thất lạc gia đình rồi gặp được người nhà bác sĩ Thái. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà anh Đông với căn bệnh chỉ nghe tên thôi ai cũng sợ, lại được chăm sóc và chạy chữa tích cực trong suốt 26 năm. Ấy là nhờ có sự kiên nhẫn, lòng thương người hiếm có của gia đình người bác sĩ nhân hậu.
 
Gian nan hành trình chữa bệnh
 
Một năm sau khi nhận nuôi anh Đông, năm 1994, chàng sinh viên trẻ Phạm Hồng Thái ra trường và được nhận về công tác ngay ở trạm y tế xã. Đây là khởi đầu thuận lợi để anh Đông từ chỗ không kiểm soát được tâm trí, hành vi, dần lấy lại sức khỏe tinh thần.
 
Công tác trong ngành y, bác sĩ Thái tận tình đưa đi khám, nhắc nhở việc uống thuốc đều đặn mỗi ngày. 10 năm thấm thoắt trôi, sức khỏe anh Đông ngày càng tiến triển. Nhưng cảnh người đàn ông ngây dại đuổi đánh người nhà anh Thái vẫn còn xảy ra.
 
“Năm 1998, cả nhà tôi bị một phen hú vía khi anh Đông vác gậy phang, làm gãy tay ba tôi. Đang theo học bác sĩ đa khoa ở Đại học Y học Huế, hay tin tôi phải tức tốc xin phép về để lo chạy chữa cho ba. Hồi đó, bà con lối xóm bảo đừng nuôi anh nữa. Mình giận thì rất giận, nhưng nỡ lòng nào bỏ ổng đâu!”- Bác sĩ Thái bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm năm xưa.
 
Anh Thái kể, sau mỗi tai nạn anh Đông gây ra với người nhà, anh lại thêm quyết tâm không nuôi anh Đông nữa. Nhưng thời gian anh Đông sống cùng gia đình, tình người- lâu dần là tình thân không cho phép anh Thái làm điều ấy. Nghĩ vậy nên anh Thái lại tiếp tục nhờ các bác sĩ chuyên khoa thần kinh điều trị, kê toa uống thuốc.
 
Câu chuyện tìm được người nhà cho anh Đông đã làm xôn xao dư luận. Ngày anh Đông được đưa về quê Duy Xuyên, họ hàng bà con đều có mặt đông đủ để đón chào
Câu chuyện tìm được người nhà cho anh Đông đã làm xôn xao dư luận. Ngày anh Đông được đưa về quê Duy Xuyên, họ hàng bà con đều có mặt đông đủ để đón chào.
 
Sức khỏe dần cải thiện cũng là lúc anh Đông tỏ ra cộc cằn, phản đối việc uống thuốc. Để anh có thể uống đều đặn, anh Thái cùng người nhà phải nhọc công nghĩ đủ mọi cách như trộn thuốc điều trị với cơm, canh hay nước ngọt, nước dừa… để dỗ anh Đông uống. “Uống thuốc là cực nhất luôn, mình phải nhẹ nhàng nói ngọt thì ổng mới chịu uống. Có khi, ổng phát hiện ra mình trộn thuốc vào đồ ăn, thức uống là ổng la, ổng đánh”- Bác sĩ Thái cười hiền bảo.
 
Đến năm 2016, một lần nữa anh Đông khiến cả nhà bác sĩ Thái lao đao vì bị thủng dạ dày phải nhập viện cấp cứu và phẫu thuật. Một tuần liền, bác sĩ Thái gác lại mọi công việc cơ quan, gia đình để lên viện chăm sóc. “Người trong nhà mà, anh mình mắc bệnh thì em phải lo chứ. Có bận rộn mấy cũng phải sắp xếp!”- Câu nói tự nhiên như hơi thở, từ lâu bác sĩ Thái đã xem anh Đông là người thân đặc biệt của gia đình.
 
Kỳ diệu ngày đoàn tụ
 
Bác sĩ Thái trước đây đã nhiều lần dẫn anh Đông đi Quảng Nam, Đà Nẵng tìm người thân. Nhưng trí nhớ của một người mắc bệnh tâm thần không giúp cuộc tìm kiếm đạt kết quả.
 
Vì được cho uống thuốc điều trị đều đặn, tâm trí anh Đông dần ổn định. Cuối năm 2018, trong một lần trò chuyện, anh Đông chợt buộc miệng nói vài cái tên Võ Hữu Lân, Võ Hữu Thứ và bảo rằng đó là người thân của mình. Vừa nghe, anh Thái vội vàng kiếm mảnh giấy ghi lại những danh xưng ấy.
 
Với đầu mối duy nhất là những cái tên nảy ra trong đầu anh Đông ở phút giây tỉnh táo, anh Thái lên mạng xã hội kể lại câu chuyện của anh Đông và nhờ mọi người giúp đỡ. Bài viết của anh được đăng trên trang facebook Yêu Đà Nẵng vào tối 20.2. Thật bất ngờ, chỉ 2 tiếng sau đó, anh Thái nhận được cú điện thoại định mệnh từ người thân anh Đông.

 

Sau thời gian được chạy chữa, anh Đông đã lấy lại sức khỏe tinh thần, giao tiếp như người bình thường và nhận mặt người quen khi trở về quê cũ
Sau thời gian được chạy chữa, anh Đông đã lấy lại sức khỏe tinh thần, giao tiếp như người bình thường và nhận mặt người quen khi trở về quê cũ
 
Đêm 20.2.2019 là đêm đáng nhớ trong cuộc đời anh Thái. Một đêm anh không ngủ để liên lạc với người nhà của người đàn ông thất lạc 26 năm trước. Cuộc gặp gỡ đoàn tụ tưởng chừng chỉ có trong chuyện cổ tích đã làm xao động xóm nhỏ.
 
Ngay trong ngày 21.2, bà Nguyễn Thị Lê- mợ của anh Đông cùng con cháu tức tốc về Bình Châu đón anh Đông. Những giọt nước mắt của ngày đoàn tụ đã rơi. Nghẹn ngào không nói nên lời khi gặp lại người cháu trai tưởng đã an nghỉ dưới lòng đất, bà Lê càng bất ngờ hơn khi thấy anh Đông như được hồi sinh sau thời gian xa cách.
 
“Trước khi mất tích, nó điên dại, không biết gì. Mà giờ gặp lại, nó nhận ra tôi, nhận ra các em nó. Nó nhớ vanh vách tên từng người. Tất cả là nhờ phước đức của gia đình bác sĩ Thái. Nếu không được bác sĩ Thái cưu mang, có khi nó đã mất từ lâu chứ đâu trở về lành lặn, khỏe mạnh thế này. Cả nhà tôi thật sự không biết trả sao cho hết ân tình này”- bà Lê xúc động chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Văn Bình- anh trai anh Đông, mừng mừng tủi tủi trong ngày gặp lại em trai, ngậm ngùi nói: “Nó đổ bệnh từ lúc 12 tuổi. Khi nó mất tích là 25 tuổi, thần trí không ổn định, không nhận ra người thân. Có ai ngờ đâu, 26 năm sau nó quay trở về, lành lặn, khỏe mạnh và chẳng quên một ai”.

Đến nằm mơ, bác sĩ Thái cũng không nghĩ tới cảnh tìm được gốc tích của anh Đông. Vì thế, anh đã chuẩn bị chu đáo nơi ăn, chốn ở cho người anh của mình đến cuối đời. “Vui lắm chứ, cuối cùng sau bao nhiêu năm anh ấy đã tìm được đường về nhà. Hy vọng anh sẽ sống vui vẻ như thời gian ở cùng gia đình tôi”- Bác sĩ Thái cười nói, vội giấu nỗi buồn và sự hụt hẫng khi sắp phải chia tay người anh đặc biệt sau 26 năm gắn bó.

Trước khi để anh Đông theo người nhà về quê đoàn tụ, bác sĩ Thái không quên dặn dò anh Đông uống thuốc chăm chỉ, ăn uống điều độ để giữ gìn sức khỏe. Từng lời nhắn nhủ ân cần ẩn chứa cả niềm vui xen lẫn nỗi buồn, ánh mắt anh rưng rưng nhiều xúc cảm.
 
Tìm lại người thân cho người anh đặc biệt của mình ngay đúng dịp ngày 27.2- Ngày Thầy thuốc Việt Nam, bác sĩ Phạm Hồng Thái như nhận về cho mình một món quà tràn đầy ý nghĩa. Món quà ấy thật xứng với cái tâm của anh. Một cái tâm trong sáng với mong muốn mọi người quanh mình luôn được bình an, hạnh phúc. Một cái tâm hướng đến những điều thiện lành, như đóa hướng dương luôn rực rỡ hướng về mặt trời…
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


CÁC TIN KHÁC
.