Rừng thiêng ở Hải Môn

10:01, 25/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuồng phong từ biển qua cửa Mỹ Á như muốn cuốn phăng mọi vật trên đường di chuyển, nhưng bị chặn đứng bởi khu rừng Sầu Đâu. Rừng Sầu Đâu tựa bức tường thành chắn bão giông, là vị “thần hộ mệnh” của thôn Hải Môn, xã Phổ Minh (Đức Phổ), nên được bao đời cư dân nơi đây chung sức gìn giữ, bảo vệ cây cối tốt tươi.

Nắng xuân hanh vàng, dòng nước sông Thoa trong xanh lững lờ trôi rồi đổ ra biển qua cửa Mỹ Á. Gió từ biển ngược dòng nước làm chấp chới cánh cò trắng phau trên đồng lúa non xanh bên sông. Gió thổi ào ạt vào khu rừng Sầu Đâu, nằm cạnh thôn Hải Môn.

“Cửa biển Mỹ Á nằm giữa động cát và núi Cửa, là cửa hứng gió nên không phải là mùa mưa bão mà gió vẫn mạnh vậy đấy. Nếu không có khu rừng này che chắn thì khi mưa bão nhà cửa chúng tôi bị gió thổi bay hết chứ sống sao nổi! Do vậy, bao đời, dân làng chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải bảo vệ rừng”, ông Huỳnh Thanh Mười – trưởng thôn Hải Môn cho hay.

Lời răn giữ rừng

Bao đời, cư dân làng Hải Môn lưu truyền lời răn của cha ông: “Rừng tan thì làng mạt”. Bao thế hệ tiếp nối luôn nhắc nhở nhau chung sức bảo vệ rừng để xóm làng yên vui. Ở tuổi 93, cụ Lê Hòa vẫn minh mẫn kể cho tôi nghe chuyện giữ rừng của người dân nơi đây. Thuở trước, các vị chức sắc cùng người dân trong làng đề ra hương ước bảo vệ rừng Sầu Đâu hết sức nghiêm ngặt, cấm tiệt vào rừng khi chưa được sự đồng ý của làng.

 Cụ Hòa bên cạnh dấu tích cửa địa đạo được đào hơn nửa  thế kỷ trước
Cụ Hòa bên cạnh dấu tích cửa địa đạo được đào hơn nửa thế kỷ trước


Hằng năm, chức sắc và bô lão trong làng cho phép người dân được vào rừng một ngày để thu lượm cành khô và lá rụng về đun nấu. Sớm tinh mơ, tiếng mõ tre vang lên trên đường quê, nhắc nhở người dân được phép vào rừng theo lệnh của làng ban ra tại cuộc họp trước đó.

Mọi người mang theo quang gánh tụ tập tại nơi quy định, đợi hồi mõ xuất phát rồi cùng nhau vào rừng. Họ chỉ được lượm củi khô, nhặt lá rụng chứ không được phép bẻ gãy cành tươi xanh. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt thật nặng theo lệ làng. Chiều tối, mọi người mang sản phẩm thu lượm ra khỏi rừng đợi các vị chức sắc và bô lão kiểm tra trước khi về nhà.

“Lúc trước, cuộc sống của người dân trong làng khổ cực lắm, không có củi nên thường sử dụng rác khô và rơm rạ để đun nấu. Vậy nhưng, họ luôn tuân thủ luật lệ của làng, không bao giờ vào rừng lấy củi khi chưa được cho phép”, cụ Hòa cho biết.

 Rừng Sầu Đâu có diện tích gần 7ha, đỉnh cao khoảng 50m, nằm cạnh thôn Hải Môn với 210 hộ dân. Nhân dân trong thôn chủ yếu sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. “Rừng Sầu Đâu là tường thành chắn gió và còn là lá phổi xanh của làng. Vào mùa nắng nóng, rừng tỏa không khí mát dịu làm vơi đi oi bức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác lúa trên các xứ đồng bên cạnh”, ông Mười cho biết.

Giữa trưa nắng, tôi cùng cụ Hòa và ông Mười vượt dốc, luồn qua dây leo chằng chịt tiến vào rừng. Những cây sến, dum, bìn nin, ngành ngạnh, bời lời... thân to cỡ vòng tay người ôm vươn thẳng lên trời xanh. Dưới tán rừng râm mát chợt thấy lòng khoan khoái với không khí se lạnh mơn man cơ thể. Những chú chim vỗ cánh chuyền cành, ẩn hiện sau cành lá, cất tiếng hót véo von.

“Thuở trước, chim về trú ngụ ở cánh rừng phía tây nhiều lắm, vì phía đông gió thổi mạnh nên chúng không ở. Sáng sớm, lũ chim thức dậy hót líu lo trước khi bay đi tìm mồi. Chiều tối, chúng kéo về làm náo động cả xóm làng”,  ông Mười nói.

Rừng che cách mạng

Gần tới đỉnh núi, cụ Hòa ngồi nghỉ bên cạnh hố sâu, nguyên là cửa địa đạo trong những năm kháng chiến chống Pháp. Khi ấy, với cuốc xẻng và rổ tre, dân làng đào bốn tuyến địa đạo với tổng chiều dài khoảng 500m, cao 2m và rộng 1,5m.

Trong địa đạo có nơi trú ẩn cho cán bộ và nhân dân phòng khi quân Pháp càn vào làng. Khi ấy, cụ Hòa cùng đồng đội có nhiệm vụ bảo vệ cho cán bộ tỉnh và huyện khi đến đây công tác. Ban ngày, cụ nghe ngóng thông tin để đến đêm đưa cán bộ xuống tận các cơ sở cách mạng trong vùng.

  Rừng Sầu Đâu còn là nơi trú ẩn của du kích xã Phổ Minh trong những năm khói lửa chiến tranh. Khoảng 4 giờ sáng, từ hang đá tại Núi Cửa (cạnh cửa biển Mỹ Á), ông Mười cùng đồng đội vượt qua cánh đồng khá rộng để vào rừng. Đêm tối, họ dò dẫm xuống làng nắm thông tin của địch và vận động nhân dân tham gia cách mạng rồi trở về căn cứ.

Quân Mỹ và Việt Nam cộng hòa rất tức giận vì “mấy ông du kích dám nằm sát nách khu căn cứ quân sự Gò Hội và Núi Giàng”. Chúng thường xuyên nã pháo vào khu rừng làm cho cây cối xác xơ. Ông Mười cùng đồng đội trú ẩn trong địa đạo và khe đá nên vô sự. Mùa khô năm 1969, máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ Gò Hội trải thảm bom Napan thiêu đốt khu rừng trước sự bàng hoàng của dân làng.

Quân lính Việt Nam cộng hòa tràn lên rừng chặt trụi cây cối cháy khô với ý đồ “đánh bật cộng sản ra khỏi dân chúng”. Cư dân trong làng thở dài, nhắc lời răn thuở trước: “Rừng tan thì làng mạt”, rồi dắt díu nhau phiêu bạt khắp nơi. “Dù rừng bị tàn phá, nhưng chúng tôi vẫn bám trụ ở quê hương cho đến ngày giải phóng. Rừng lại lên xanh. Người dân cũng quay trở về chung sức xây dựng xóm làng”, ông Mười nói.

Rừng “níu chân” người xa xứ

Rừng Sầu Đâu râm mát giữa trưa nắng, in bóng xanh mướt xuống dòng sông Thoa lững lờ trôi. Sau buổi làm việc vất vả trên đồng, nông dân tụ họp bên cánh rừng chuyện trò rôm rả, tình nghĩa xóm giềng càng thêm gắn bó. Họ nhắn nhủ nhau chung sức giữ rừng như lời răn bảo của những bậc tiền nhân. “Việc chung sức giữ rừng làm cho người dân thêm yêu xóm làng. Nhiều người con xa quê hương luôn nhớ bà con láng giềng, nhớ khung cảnh rừng Sầu Đâu.

 Những cây gỗ lớn cỡ vòng tay người ôm.
Những cây gỗ lớn cỡ vòng tay người ôm.


Khi trở về, nhiều người thường đứng ngắm rừng mà nước mắt rưng rưng, ký ức tuổi thơ chợt ùa về. Họ bảo, ở nơi xứ lạ luôn nhớ về ngọn núi sừng sững nằm cạnh làng...”, cụ Thới Văn Tốt tâm sự rồi ngân nga đọc những câu thơ mộc mạc do mình sáng tác.

“Làng Hải Môn vô cùng xinh đẹp/Cũng là nơi đất thép anh hùng/Có bình phong là núi Sầu Đâu/Vừa chắn gió, vừa chở che cách mạng/Sầu Đâu ơi đã bao lần gian khó/Nào đạn bom, nào chặt phá, khai hoang/Nhưng Sầu Đâu vẫn hiên ngang/Đứng sừng sững trong hai thời kháng chiến/Dẫu đi xa lòng vẫn còn lưu luyến/Nhớ Sầu Đâu, Hải Môn thật anh hùng...”.  


Bài, ảnh: TRANG THY




 


CÁC TIN KHÁC
.