Dấu ấn người Quảng ở Bảy Hiền

08:01, 01/01/2019
.

(Baoquangngai.vn)- Từ xa xưa, người Quảng đã di cư vào Sài Gòn để tạo lập cuộc sống mới, tập trung nhiều nhất phải kể đến ở khu vực ngã tư Bảy Hiền, thuộc quận Tân Bình. Họ mang theo nhiều ngành nghề để mưu sinh, lập nghiệp như nghề dệt và kinh doanh, buôn bán vải vóc, may quần áo bán sỉ, lẻ… Trải qua thời gian, dù các ngành nghề này có những bước đi thăng trầm, nhưng luôn tạo được dấu ấn với mảnh đất này.

TIN LIÊN QUAN

Ký ức làng dệt cổ
 
Nhắc đến Sài Gòn, người ta thường nhớ đến sự nhộn nhịp, hiện đại, văn minh và công nghệ. Thế nhưng ẩn khuất đâu đó trên những con đường Sài thành vẫn bất chợt bắt gặp những làng nghề truyền thống, để rồi khiến lòng ta chững lại với những cảm xúc không tên.
 
Trong tâm trí của người Sài Gòn, mỗi khi nhắc đến ngã tư Bảy Hiền, người ta nhớ ngay tới làng nghề dệt vải. Ký ức thời hoàng kim về làng nghề vẫn khiến cho mỗi người con đất Quảng đều cảm thấy tự hào.
 
Ông Trần Công Khánh, một cán bộ đang công tác tại phường 11, quận Tân Bình là một người con quê gốc ở Quảng Nam vào đây sinh sống từ những năm 1956. Ông cho hay, làng dệt nức tiếng một thời này nằm trên một số tuyến đường như Võ Thành Trang, Năm Châu, Nguyễn Bá Tòng… cạnh ngã tư Bảy Hiền, thuộc địa bàn phường 11. 
 
Bây giờ, làng dệt truyền thống chỉ còn trên dưới chục hộ gia đình còn giữ nghề chứ trước đây đi đến đầu những con đường này, tiếng rầm rì thoi đưa đã vang dội khắp nơi. “Ban ngày thì thợ làm, ban đêm vợ chồng làm thêm để kịp có hàng bán. Nhà nhà đều dệt vải với không khí tất bật, khẩn trương. Lạ đời, cứ hôm nào cúp điện, không nghe được tiếng ồn dệt vải, giấc ngủ cũng không ngon lành”, ông Khánh nhớ lại. 
 
IMG_6860.jpg
Người Quảng vào Sài Gòn đã hình thành nên nghề dệt nức tiếng ở Bảy Hiền.
 
 
Làng dệt hình thành từ quá trình di cư từ thời chiến tranh, loạn lạc vào Sài Gòn sinh sống của người Quảng Nam. Khi đến với miền đất hứa, họ mang theo ngành nghề của quê hương để lập nghiệp, cùng với người Quảng Ngãi phát triển nên một làng nghề lớn nhất giữa đất Sài thành lúc bấy giờ, cạnh tranh với cả nghề dệt của người Hoa ở Chợ Lớn, quận 5. 
 
Vải Bảy Hiền bắt đầu có thương hiệu từ giữa thập niên 1960. Thời điểm làng dệt phát triển cực thịnh nhất phải nhắc đến những năm 80 và đầu thập niên 90. Đây trở thành nơi cung cấp vải nhiều nhất của cả nước.
 
Toàn phường 11 hơn 4.000 hộ dân thì có đến 1.700 hộ làm nghề dệt, thu hút gần 4.000 lao động. Tổng sản lượng sản phẩm của làng dệt làm ra lên đến 35 triệu mét vải mỗi năm. Nhờ hoạt động sản xuất hiệu quả, làng dệt Bảy Hiền đã mang lại hơn 75% GDP cho quận Tân Bình trong những năm 1980.
 
 
Bà Hương đến nay vẫn còn gìn giữ cái nghề truyền thống của gia đình.
Bà Hương đến nay vẫn còn gìn giữ cái nghề truyền thống của gia đình.
 
Những năm 1993 trở về sau, vải Bảy Hiền không đủ sức cạnh tranh với vải Trung Quốc nên thị phần dần bị thu hẹp, khiến ngành dệt chựng lại. Một phần do cách làm ăn của người dân còn mang tính nhỏ lẻ, không có sự đoàn kết nên không thể “đánh bật” được hàng nhập ngoại. Gia đình ông Khánh là một trong số đó, chính thức “khai tử” với nghề từ  cách đây hơn 20 năm.
 
Số lượng người dệt thủ công bằng khung cửi không còn nhiều. Giờ đây, nơi những con đường ấy đã không còn vang rộn âm thanh ‘ầm ầm’ của con thoi đưa và cả hình ảnh những người xứ Quảng đông đúc, nhộn nhịp dệt vải bên những chiếc máy dệt khung gỗ ngày xưa.
 
Gia đình bà Trần Thị Hương nằm ở khu vực chữ U cũ ở phường 11 là một trong số hiếm những người còn “cầm cự” với nghề truyền thống này, với 8 khung máy dệt vải. Hình ảnh của khung cửi truyền thống từ tay sang, dàn con ác, chiếc thoi… vẫn vẹn nguyên. Chỉ có khác chăng, thay vì làm thủ công với chiếc bàn đạp dệt vải ngày xưa, người dân đã thay thế bằng máy móc để bảo đảm sức khỏe cho người thợ.
 
Trung bình mỗi ngày, gia đình bà Hương làm được 40m vải mộc, tới tháng cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng. Đây là cách mà gia đình không phải đi làm công cho người khác, vừa để người dân Bảy Hiền như vợ chồng bà vơi bớt nỗi nhớ về cái thời hoàng kim của làng nghề. 
 
 
Nghề truyền thống gặp khó, nhiều người đã bắt kịp thời đại chuyển sang công nghệ dệt kim cho năng suất cao hơn.
Nghề truyền thống gặp khó, nhiều người Quảng ở Bảy Hiền đã bắt kịp thời đại chuyển sang công nghệ dệt kim cho năng suất cao hơn.
 
Vừa làm việc, vừa trò chuyện, bà Hương chỉ vào những mét vải vừa hoàn thiện cho hay, không màu sắc và hoa văn, sản phẩm của làng dệt này đơn giản, mộc mạc như chính người xứ Quảng quê mình, nhưng từng là nơi cung cấp sản lượng vải mộc, không màu nhiều nhất cả nước. 
 
“Thời cuộc đã thế thì đành chấp nhận. Thế nhưng, dân Bảy Hiền vẫn luôn tự hào vào cái nghề truyền thống này, nhờ nó mà những gia đình xứ Quảng ở đây có thể sống sung túc, hình thành xứ Quảng giữa Sài Gòn, trở thành cái nôi của nghề dệt thủ công ở Sài Gòn và có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế ở TP.HCM”, bà Hương bày tỏ. 
 
Trước xu thế hội nhập, kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều người dân làng dệt cũng dần thích nghi. Họ cải tiến máy móc, đồng thời tìm cách nắm bắt thị hiếu của thị trường, chuyển hướng sang ngành công nghiệp dệt kim để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dung. Các loại vải áo, quần, vải trơn, nhuộm, bông đã có đầu ra nhiều hơn hẳn. Chất lượng và sản lượng vải tiếp tục tăng cao, được nhiều người ưa dùng trong nước và xuất khẩu.
 
Con đường vải ở chợ Tân Bình
 
Trong cuộc trò chuyện với những người còn gắn bó với cái nghề dệt quê ở Quảng Nam, họ đều tấm tắc có lời khen ngợi đối với người Quảng Ngãi. Họ bảo rằng, người Quảng Nam vào Bảy Hiền trước và hình thành nên nghề dệt trứ danh ở Sài Gòn. Tuy nhiên, trong sự thành công đó không thể không nhắc đến “người anh em” Quảng Ngãi cùng vào học nghề và gắn bó với nghề. 
 
“Có khoảng thời gian nghề dệt thủ công gặp khó, một số người Quảng Nam “trúng đất” Bảy Hiền đã chuyển sang công nghệ dệt kim hiện đại. Đó chỉ là một số ít, còn phần lớn chuyển sang nhiều nghề khác để mưu sinh như kinh doanh dịch vụ ăn uống.
 
Riêng với người Quảng Ngãi, với tư duy nhanh nhẹn, họ “thoát li” nhanh và chuyển sang kinh doanh vải vóc, may quần áo trẻ em, phụ nữ để bán sỉ. Thành công của họ ở khu vực chợ Tân Bình, gần ngã tư Bảy Hiền đã chứng minh cho sự cần cù, chịu khó của người dân xứ Quảng”, ông Khánh nhấn mạnh.
 
 
Con đường vải Phú Hòa, nơi có đông người Quảng Ngãi kinh doanh, buôn bán.
Con đường vải Phú Hòa, nơi có đông người Quảng Ngãi kinh doanh, buôn bán vải.
 
Theo lời ông Khánh, bà Hương, tôi tìm ngay đến chợ Tân Bình. Vừa đến ngay đầu đường Phú Hòa, giao nhau với Lý Thường Kiệt đã văng vẳng giọng nói của người Quảng Ngãi, chỉ cần nghe thoáng qua đã biết đó là gốc người Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh hay ở TP.Quảng Ngãi. Đây được ví như con đường vải ở khu chợ Tân Bình với đủ các loại vải nội, ngoại nhập, trong đó có nhiều mặt hàng được nhập do chính “dân” Bảy Hiền làm ra.
 
Một con đường chỉ dài chưa đầy 1km nhưng đã có hàng chục các ki-ốt, các cửa hàng mọc lên hai bên đường. Nhịp sống khá nhộn nhịp với cảnh trao đổi hàng hoá và những chuyến hàng được bốc lên xe vận chuyển. Phần lớn là người Quảng Ngãi. Những người làm nghề hầu hết đều có người nhà dẫn dắt thì mới có mối để làm ăn. 
 
Một cửa hàng chuyên bán vải sỉ và may mặc cho khách của người Quảng Ngãi.
Một cửa hàng chuyên bán vải sỉ và may mặc cho khách của người Quảng Ngãi trên đường Phú Hòa.
 
 
“Buôn bán ở đây, chủ yếu là buôn bán hàng sỉ, nhiều nơi không bán lẻ. Khách có thể mua ký và mét tùy theo loại. Giá cả các mặt hàng cũng khác nhau nhưng chắc chắn là rẻ hơn so với nhiều khu chợ vải khác ở Sài Gòn”, bà Phạm Thị Thiện, 44 tuổi, quê gốc ở phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi từng gắn bó công việc này trên 20 năm chia sẻ.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND phường 11 Trương Hoàng Anh Vũ thì ở quận Tân Bình người Quảng sống tập trung nhiều nhất là ở ngã tư Bảy Hiền, chủ yếu là phường 11. Theo thống kê, toàn phường hiện nay có khoảng hơn 600 hộ gắn bó với nghề dệt, từ dệt truyền thống đến dệt kim hiện đại và kinh doanh vải.
 
Kinh tế của nhiều gia đình khá giả, họ góp tiền xây dựng nhiều trường học, chùa chiền, giúp đỡ người nghèo. Đối với họ, đó cũng là cách để gìn giữ phong tục truyền thống tương thân, tương ái của người xứ Quảng. 
 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

CÁC TIN KHÁC
.