Màu xanh trên vùng đất chết

08:12, 17/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bằng sự cần cù, chịu khó và cả sở trường của người lính công binh, ông đã biến vùng đồi 68 liền chân với núi Đình Cương đầy bom mìn sau chiến tranh thành vườn cây trái ngọt và những cánh rừng keo xanh thẳm bạt ngàn.
 


Nhà ông, nằm cạnh bờ kênh Thạch Nham, thuộc thôn Long Bàn, xã Hành Minh (Nghĩa Hành). Còn tên của ông thật dân dã: Ông Núc- Lê Văn Núc.

Xới đất, lật... mìn

Đứng nơi dòng kênh Thạch Nham nhìn lên điểm cao đồi 68 liền chân với núi Đình Cương chỉ thấy bạt ngàn một màu xanh của rừng keo tai tượng, ông Núc cười: "Rừng xanh, nhưng có lúc người cũng xanh mặt đấy".

 Vợ chồng ông Núc chăm sóc vườn cây.
Vợ chồng ông Núc chăm sóc vườn cây.


 Ở Quảng Ngãi ai cũng biết vùng núi Đình Cương là cửa ngõ phía tây nam tỉnh lỵ Quảng Ngãi trong những năm tháng chiến tranh. Năm 1974, nơi đây đã diễn ra trận đánh lớn giữa ta và địch. Sau chiến tranh, nơi này có vô số bom mìn.

 Hồi đó, dân từ các nơi trở về làng xưa, lên đồi chặt cây, cắt tranh dựng nhà tạm để ở và kéo nhau lên phía đồi 68 bới đất, lật cỏ trồng lang, mì để sinh sống. Họ đã phát hiện nơi đây có quá nhiều bom mìn nên rất lo ngại. Nhưng rồi, bom mìn sót lại vẫn phát nổ. "Cứ nghe tiếng ầm là biết có người bị thương vong. Dân làng lại mang võng lên khiêng", ông Núc nhớ lại.  

 Bản thân ông Núc, từ năm 1972 tham gia du kích xã, rồi giữ chức xã đội trưởng du kích. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông có vợ cũng là một người du kích trong chiến tranh, rồi sinh con và tham gia quân chủ lực thuộc đơn vị bộ đội công binh D15, Sư đoàn 2, chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh và tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Đến năm 1982, ông Núc phục viên trở về quê, nhưng cuộc sống quá nghèo khó, nên có đồng đội ở xã Phổ Cường rủ rê, ông gửi cha mẹ, vợ con ở quê nhà rồi vào TP.Hồ Chí Minh bán hủ tiếu. Cuộc sống xa quê, mưa nắng dãi dầu, nhưng "sau lưng mình có chỗ dựa nào đâu, nên cố bám", ông Núc bộc bạch.

Ở quận 10, hai mùa mưa nắng, có con đường nào mà ông không biết, có hẻm nào không in dấu bàn chân ông. Ngày đi bán, tối về ăn uống qua quýt và ở tạm trong nhà trọ chật hẹp, ông lại nhớ vợ con, lo ngại vì cha mẹ già yếu. Sau  ba năm làm ăn có chút vốn, ông quyết định trở về quê.

 Trở về, sau niềm vui đoàn tụ là đối diện với cảnh ruộng vườn chật hẹp, chuyện làm ăn vốn khó lại càng khó. Ông Núc lại ngước nhìn lên  khu đồi 68. Thời điểm này so với hồi mới giải phóng, bà con khai hoang đã nhiều, chỉ còn những chỗ bà con khoanh vùng chưa dám khai hoang, vì có quá nhiều bom mìn. Ông Núc tự nhủ: Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, mình lên đó khai hoang. Đời lính, ông hiểu bom mìn không chừa ai, nên ông rất cẩn trọng, cứ phát hiện đánh dấu bom mìn sót lại rồi nhẹ nhàng tháo gỡ gom về một chỗ, đợi khi chiều xuống đào hố rồi đốt cho nổ.

Trên đồi quê, nhiều lúc sau tiếng bom mìn nổ vang khô khốc, đất trời vắng tanh, ông  thấy đời buồn ơi là buồn. Nhưng rồi ông tự động viên: Mình là người lính đi qua chiến tranh, không thể thất bại trên vùng gò đồi quê hương được". Nghĩ thế, nên ông vừa bới đất, vừa gỡ bom mìn, để rồi sở hữu cả một khu đồi rộng lớn.

Bà Võ Thị Bích Đào- vợ ông Núc kể: "Hồi đó, cứ mỗi lần nghe ổng đốt mìn nổ trên phía đồi 68 là tui thấy xót cả ruột gan vì xới đất, lật mìn tìm miếng ăn quả là liều mạng".  

Rồi trên vùng đất chết đó, mùa nối mùa khoai lang lên thắm vồng và cây mì trồng xuống  cũng tốt tươi. Vài chục năm trở lại đây, khi cây gỗ keo bén duyên với đất này, ông Núc lại cùng vợ đi mua cây về trồng lấy gỗ bán cho các nhà máy chế biến băm dăm.

Gặt hái quả ngọt

 Theo chân ông Núc về nhà, ông kể: Hồi trước, nhà tui ở đầu thôn Long Bàng, rồi vợ chồng ra đây là vùng cuối xóm.

Hồi đó, vợ chồng ông Núc ngày ngày cứ quần quật trên đồi, mãi đến khi trời nhá nhem tối mới trở về lo cơm nước cho con và lo heo gà. "Nhà tranh vách đất, điện đài không có, người lớn cực mấy, khó mấy cũng cố chịu, nhưng mấy đứa nhỏ thì tội lắm. Chúng cứ mong đến mùa trăng cho ánh sáng phủ trên miền đồi, cho nhà cửa sáng hơn, để mẹ cha cho chúng thức khuya hơn cùng vui chơi một chút, để mẹ chúng bắt thêm nồi chè trên bếp cho chúng ăn khuya. Rồi mùa đông đến, trời mưa như trút nước. Đồi đã vắng lại vắng hơn. Ngôi nhà tranh mưa dầm thấm dột, vợ chồng ông lại thức canh giấc ngủ cho bốn đứa con. Nhiều lúc mệt mỏi vợ ông Núc lại thì thầm: Chẳng biết bao giờ cuộc sống mới khá lên được.

Ngày tháng kéo nhau qua, cho đến bây giờ ở vùng đất cuối thôn Long Bàng này vẫn còn thưa thớt, ngoài nhà ông cũng chỉ có thêm chín ngôi nhà, nhưng cái khó, cái nghèo đã lùi xa rồi. Ngôi nhà ông Núc bây giờ mướt một màu xanh của cây trái. Khu vườn rộng 7.0000m2, ở tầng trên cao ông trồng cau, phía dưới trồng tiêu, chuối lùn, cam, quýt. Những cây quýt, cây cam thời điểm cuối năm này trái lũng lẵng, chín đầy cành. Ông Núc đưa tay vít cành hái trái mời khách. Cây trái trên miền đất khó ngọt dịu, càng thấm đẫm mồ hôi.

Chăn nuôi bò lai kết hợp với làm vườn, trồng cây lâm nghiệp đã giúp gia đình ông Núc thoát nghèo.
Chăn nuôi bò lai kết hợp với làm vườn, trồng cây lâm nghiệp đã giúp gia đình ông Núc thoát nghèo.


 Ông Núc cho hay, để có khu vườn đẹp và có hiệu quả kinh tế thế này, ông đọc báo, nghe đài, rồi nghe hướng dẫn của các chương trình khuyến nông. Ban đầu không có tiền thì mua ít cây giống rồi chiết cành nhân ra, thấy nơi nào trồng cây có hiệu quả thì đến xem rồi tìm cây giống đem về trồng.

Nếu trước nhà của ông là vườn cây, thì phía sau nhà, ông Núc làm chuồng nuôi bò lai, làm nơi ươm cây giống để bán. Phần xa hơn ông lại tiếp tục cải tạo trồng thơm, trồng mít Thái. Ông cười nói:  Đây là cái kế: "Lấy ngắn, nuôi dài" của vợ chồng tui. Bởi trồng keo 5 năm mới thu hoạch, còn nuôi bò thì để dành làm chuyện lớn hơn, nên chi tiêu hằng ngày nhờ vào khu vườn này.

Bà Đào vợ ông Núc kể: "Vườn cây có trái bán quanh năm. Hết bán cau rồi đến bán cam, quýt, chuối, mít. Riêng vườn quýt trái chẳng khác ở tỉnh ngoài nhập về, nên nhiều người ở xa đến chợ thấy tui bán cứ một mực bảo mua đi bán lại chứ làm gì có vườn nhà trồng quýt mà ngày nào cũng bán. Như năm nay, cau được giá, tính ra hoa lợi từ khu vườn và chăn nuôi bò cũng tròm trèm 500 triệu đồng".

Cuộc sống khá dần lên với tài sản một khu đồi sau khi cho con cũng còn trên 5ha, một vườn cây trái có thu nhập ổn định thì giảm bớt việc để nghỉ ngơi, nhưng vợ chồng ông thì không như thế. Ông bảo: "Cái đời hay lam hay làm" quen rồi, cứ ngày ngày vợ chồng tui hết lên đồi thăm cây thì về vườn nhà chăm bón cây trái, con heo, con bò.

Ông Núc kể vui: "Năm ngoái, tôi rất vui khi được công nhận là người sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện".  Đi qua chiến tranh, từng là thương binh rồi làm ăn bận rộn nên bây giờ sức khỏe của ông Núc kém đi nhiều. Vài năm trở lại đây, ông phải đi mổ thận rồi bị tai biến nhẹ nên chẳng thể làm việc nặng nhọc nữa, nên công việc quanh quẩn cũng chỉ cắt cành, tỉa cây và hái cam, hái quýt cho vợ chạy chợ. Ông Núc tâm tư: Trong bốn người con của tui có đứa con gái sáng dạ lắm, nó học hành giỏi giang. Nhưng giá như hồi đó không quá nghèo khó thì nó đâu phải bỏ học giữa chừng rồi theo bạn bè vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân và có chồng về ở tận Bến Tre xa lơ xa lắc.

 Tạm biệt vợ chồng ông Núc, tôi hiểu ông là một trong nhiều người của thế hệ lớn lên trong chiến tranh chịu nhiều khó khăn, mất mát thường ít nghĩ về mình. Họ chỉ nghĩ nhiều về người thân, về làng quê nên luôn cố gắng vượt qua bao khó khăn, thách thức của cuộc sống. Chính điều này đã giúp cho thế hệ kế tiếp cuộc sống khá hơn và góp phần làm thay đổi làng quê trên con đường no ấm.


Bài, ảnh: CẨM THƯ



 


CÁC TIN KHÁC
.