Gánh đậu hũ đưa hai con vào đại học

09:12, 02/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Đã 26 năm nay kể từ ngày rời quê vào TP.HCM, người phụ nữ ấy vẫn cần mẫn sớm khuya bên gánh đậu hũ nuôi con ăn học giữa Sài Gòn. 
 
[link()]
 
Đưa hai con vào đại học
 
Người phụ nữ ấy là bà Trần Thị Thôi, quê ở xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh đã 26 năm nay. Khi ấy 25 tuổi, bà quyết định "khăn gói" cùng chồng và con trai 1 tuổi vào Sài Gòn lập nghiệp.
 
“Trước khi đi bà cũng đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện sau khi vào thành phố sẽ làm gì, buôn bán ra sao để có tiền nuôi con khôn lớn và duy trì cuộc sống. Lúc đó cũng được nhiều người thân, bạn bè gợi ý và giới thiệu cho nhiều nghề. 
 
Người khuyên bán cà phê, người bảo bán bánh mì, hủ tiếu nhưng cuối cùng tôi chọn bán đậu hũ - một món ăn dân dã, quen thuộc được làm từ đậu nành của người miền Trung. Chồng tôi cũng xin được công việc làm thợ xây cho đến tận bây giờ”, bà Thôi kể. Nghề bán đậu hũ gắn liền với bà Thôi kể từ đó. 
 
Hằng ngày, tầm 2 giờ sáng bà Thôi phải thức dậy nấu 2 nồi đậu hũ cùng ấm nước đường. Khoảng 5 giờ sáng, bà gồng gánh ra cổng sau Đại học Văn Lang (quận Bình Thạnh), bán không hết bà lại rong rủi khắp các ngõ ngách quận Bình Thạnh, Phú Nhuận.
 
Trở về nhà thì trời cũng đã khuya, bà Thôi lại lo nặn cho xong bột năng để ngày mai bán. Trung bình mỗi ngày, bà thu lời chừng 200 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi  ấy chỉ đụ phụ chồng chi trả phí sinh hoạt và lo cho hai con học hành. 
 
 
Bà Trần Thị Thôi với gánh đậu hủ đã nuôi hai con vào đại học.
Bà Trần Thị Thôi với gánh đậu hũ đã nuôi hai con vào đại học.
 
Không được học hành tử tế, bao thứ nghề tay chân vất vả đều trải qua, bà Thôi  thấu hiểu được tầm quan trọng của việc học. Vì thế, dù có cực khổ, bà cũng lo cho 2 con mình ăn học đến nơi đến chốn. Bà chia sẻ: “Nhiều khi hai đứa thấy mẹ khổ quá. Dậy sớm, thức khuya kiếm từng đồng nên nhịn ăn, nhịn mặc. Ngày nhận giấy báo đậu đại học từ hai đứa cô mừng đến khóc. Bao nhiêu công sức của cô đã được đền đáp”. 
 
Cuộc sống ở nơi đất khách quê người lắm vất vả nhưng người phụ nữ này chưa bao giờ đánh mất nụ cười lạc quan. Bà Thôi tự an ủi bản thân: "Đời này còn nhiều người khổ hơn mình. Phải nhìn xuống đển thấy mình còn may mắn, nhìn lên để phấn đấu như người ta. Cô nhớ như in những hôm trời mưa tầm tã, những lúc bị công an tịch thu bàn ghế hay những buổi ế ẩm trở về trong đêm. Nhưng cơ cực vì con, đó là niềm vui!"
 
Hiện con trai lớn của bà đã ra trường và có một công việc ổn định. Cô con gái đang theo học tại Trường Đại học Công nghệ thực phẩm, TP.HCM. Gánh nặng trên vai bà Thôi dường như đã nhẹ bớt. Nhiều lần, các con có ý muốn bà nghỉ bán để ở nhà phụng dưỡng, bà lại nhất quyết từ chối. Bà cười bảo: “Không buôn bán, tay chân lại run cả lên. Ngồi nghe sinh viên kể chuyện thế mà vui".
 
Cũng vì gồng gánh rong rủi khắp nơi để tìm kiếm khách nên bà bị thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa ngày càng nặng hơn. Cố gắng được 11 năm đến nay không thể gánh được nữa, bà Thôi bán cố định một chỗ trong con hẻm 94, đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
 
“Cô bán đến nay cũng được 26 năm rồi, lúc trước gánh đi bán khắp khu Bình Thạnh, Phú Nhuận… Từ ngày ngồi một chỗ bán ở đây cô sợ sẽ vắng khách nhưng may sao lại có nhiều khách quen thường xuyên đến ăn”, bà Thôi tâm sự.
 
Suốt 26 năm liền, trừ những hôm đau ốm nặng, còn thì gánh tàu hũ của bà vẫn đều đặn. Đồng hồ điểm 21 giờ cũng là lúc bà Thôi cùng gánh đậu hũ lại “có mặt” ở số nhà 94/2/4 đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Dù nắng hay mưa, bà Thôi vẫn cứ ngồi đấy, để lưu giữ hương vị truyền thống trong chén đậu hũ, một món ăn bình dị của những người con xa quê vào Sài Gòn phồn hoa, tấp nập lập nghiệp.
 
>> Video: Gánh đậu hủ đêm của người mẹ nghèo nuôi con ăn học 
 
 
 
Lưu giữ cả tuổi thơ
 
Lần đầu tiên tìm đến ăn, tôi hỏi đùa: "Cô bán gì mà trễ quá, có hôm nào bán cả đêm mà không bán hết gánh đậu hủ này không?". Bà Thôi tự tin cười, đáp lại: "Nếu nhắm chừng bán không hết thì tội gì 9 giờ tối mới bán. 21 giờ bán mà có hôm 23 giờ là hết sạch. Có người ăn 1 chén, có người 3 chén, rồi nhiều sinh viên mua mang về cho cả phòng gần chục chén. Hôm nào bưng gánh ra cũng làm không kịp trở tay, lo gì mà ế!".
 
Gánh đậu hũ của bà nhộn nhịp nhất trong khoảng từ 21 giờ 30 - 23 giờ, thời điểm đó là lúc bà làm việc không nghỉ tay. "Nhiều lúc quá đông khách nên một số người phải ngồi trên xe máy để ăn luôn. Nhìn khách đông như vậy, dù vất vả, làm không nghỉ tay, tôi vẫn thấy phấn khởi lắm", bà Thôi tâm sự. 
 
Đậu hũ là một "thức quà quê" dân dã của con người miền Trung nhưng để thu hút được nhiều thực khách tứ phương ở Sài Gòn, bà Thôi cũng có những bí quyết riêng. Theo bà, món đậu hũ nóng của bà bán ngon hay không là phần bột năng được thắng với đường ở nhiệt độ thích hợp, khi đó sẽ có một hương bị đặc biệt chỉ xứ Quảng mới có. Ngoài ra, tùy theo khẩu vị, mỗi người bà Thôi sẽ có thêm phần nước dừa. 
 
Nồi đậu hủ đầy ắp nhưng chỉ sau 2 giờ đồng hồ là hết sạch. Vì khách tới liên tục nên bà Thôi bán chẳng bao giờ ngơi tay. Với giá bán 6.000 đồng/chén, trung bình mỗi đêm bà bán được khoảng 200 chén, lời từ 200.000 - 400.000 đồng.
 
 
Chén đậu hủ nóng, thơm ngào ngạt mùi đường được chế biến theo bí quyết của người miền Trung.
Chén đậu hũ nóng, thơm ngào ngạt mùi đường đặc trưng của quê hương.
 
Ngồi thưởng thức chén đậu hủ, anh Nguyễn Thành Sang, 31 tuổi, quê ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh sống từ nhỏ ở Sài Gòn, chia sẻ: "Những năm về trước, nhiều người gánh đậu hũ đi bán khắp các con  hẻm ở Sài Gòn. Nhưng vài năm trở lại đây, những gánh hàng rong đậu hũ ngày ít đi. Nhiều người "biến tấu" món đậu hũ truyền thống thành món đậu hũ đá, đậu hũ hột é... Nhưng mình chỉ thích ăn của cô Thôi,  nước đường vừa miệng và đậu hũ có mùi thơm lá dứa đặc trưng của quê hương". 
 
Còn anh Nguyễn Sơn Tùng, 24 tuổi, quê ở xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi, một vị khách “ruột” của cô Thôi chia sẻ: “Một tuần mình đến đây ít nhất là 3 lần, mỗi lần phải ăn 2 chén mới đã thèm. Cảm giác ngồi một góc vỉa hè múc từng muỗng đậu hũ nóng nước đường. Mùi thơm của đậu hũ lá dứa nóng phảng phất trong cái se lạnh đặc trưng vào đêm, rất tuyệt vời!".  
 
Qua bao nhiêu năm, gánh đậu hũ của bà Thôi đã được nhiều người biết đến, phần đông đã trở thành khách hàng quen thuộc. Món ăn của tuổi thơ, của những ký ức thời chất đất tắm mưa mà không ai quên được.
 
Thực hiện: Lưu Ly
 
 
 

CÁC TIN KHÁC
.