Lặng lẽ nghề sửa giày nơi góc phố

09:10, 15/10/2018
.
 

(Baoquangngai.vn) - Chỉ với vài ba vật dụng hành nghề, trên một góc vỉa hè nhỏ, đây chính là nơi kiếm sống của không ít người gắn bó cả đời với nghề sửa giày. Theo năm tháng, có những nghề mai một dần, nhưng với nghề sửa giày vẫn tồn tại, duy trì đến ngày hôm nay. 

TIN LIÊN QUAN

Gắn bó với nghề hơn 40 năm
 
Ai từng đi qua con đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi chắc hẳn sẽ bắt gặp hình ảnh của những người đàn ông cần mẫn bên những đôi giày đã rách hay sờn bạc. Ngồi ở một góc vỉa hè, cụ ông Lê Văn Thân (80 tuổi) đang loay hoay soạn lại đồ nghề. Nơi làm việc của cụ không bảng hiệu, chỉ có một khay gỗ đựng mấy thứ đồ keo dán, dao kéo, kiềm búa và thêm một đống giày cũ cùng mấy chiếc ghế nhựa nhỏ đã ngã màu. 
 
Thấy cụ rỗi tay, tôi ghé nhờ cụ làm mới đôi giày. Hỏi chuyện thì cụ bảo: “Nghề sửa giày này có gì đâu mà chị quan tâm. Tui đây chỉ kiếm sống qua ngày”. Như lời cụ nói, quê cụ ở xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, hồi nhỏ không được đi học vì ba mẹ mất sớm. Năm 12 tuổi, cụ đã tự nuôi sống bản thân từ công việc đánh giày thuê. Sau 2 năm học lõm, với tính tỉ mỉ, cẩn thận lại có năng khiếu về kim chỉ khâu vá nên cụ Thân ra nghề sớm hơn so với những người đồng môn. 
 
Ở Huế, những năm thập niên 1970, nghề đóng giày thuộc vào những nghề sang trọng trong các nghề. Nhất là nghề kim hoàn, nhì: tài xế mà thứ 3 là nghề đóng giày. Tuy nhiên, lúc này điều kiện kinh tế không cho phép cụ mở một cửa tiệm đàng hoàng, nên tiếp tục hành nghề đóng giày thuê cho tiệm giày Tân Việt ở Chi Lăng, TP.Huế.
 
Cho đến sau giải phóng, số phận đưa đẩy cụ gặp và nên duyên vợ chồng với bà Nguyễn Thị Ái Noa ở phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi. Cho đến bây giờ, trải qua hơn 40 năm, cụ Thân vẫn “thầm lặng” gắn bó với nghề đóng giày ở góc vỉa hè Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi.
 
 
Nơi sửa giày của cụ Thân
Cụ Thân gắn bó với nghề sửa giày hơn 40 năm.

Chỉ vài vật dụng cần thiết để sửa giày trên một góc vỉa hè.
Chỉ với vài vật dụng cần thiết trên một góc vỉa hè.
Cụ Thân cận thận may đế giày cho khách.
Cụ Thân khéo léo, tỉ mỉ khâu từng đôi giày da cho khách.

 

Câu chuyện giữa cụ với tôi đang vui thì trời mưa dần nặng hạt hơn. Cụ loay hoay bỏ đồ nghề vào khay gỗ, rồi phủi tay bập bẹ lấy điếu thuốc, từ phía sau có cô gái  bước đến nhờ đóng guốc cho đôi giày. Ở cái tuổi thất thập rồi mà tay cụ Thân vẫn dẻo dai lắm, đôi mắt vẫn còn tinh tường. Cẩn thận gài từng chiếc đinh rồi dùng búa đóng nhẹ nhàng để chiếc quai dính chặt vào thân guốc. Rồi cụ tỉ mẩn dùng kéo cắt từng đoạn quai guốc thừa bỏ đi. Xong xuôi công việc cụ đưa guốc mình vừa đóng cho cô gái ướm thử đi thử lại cho đến khi nào vừa ý mới thôi. 

Công việc tưởng chừng như nhàm chán ấy lại chính là niềm vui của cụ Thân suốt mấy chục năm qua. Cụ Thân kể: “Ngày nào không ra đây sắp xếp, nhìn ngắm “chữa bệnh” cho những đôi giày cũ là tui thấy có gì đó khó chịu lắm. Bây giờ lỡ ốm đau nghỉ một vài hôm, tôi lại nhớ khách, nhớ chỗ ngồi thân quen và mùi keo dán đã gắn bó hơn nửa đời người”.
 
Cứ thế, hơn 40 năm qua, ông Thân lặng lẽ bên một góc phố, không biết đã tiếp xúc với bao nhiêu khách nhưng phần lớn khách đến với ông chủ yếu là người thân quen. Một người bà con của tôi bảo TP.Quảng Ngãi rất nhiều người biết ông Thân bởi tính tình điềm đạm, hiền lành, chân thực. Quan trọng hơn là ông làm nghề cẩn thận, dù chỉ là chi tiết nhỏ trong các công đoạn.

"Tre già măng mọc"

Cũng trên cung đường này, anh Đinh Nhất Đại (32 tuổi) ở phường Nghĩa Chánh, từng tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghiệp. Đáng lẽ ra anh đã chọn một công việc thuộc chuyên ngành để lập nghiệp, thế nhưng vì muốn giữ lại thương hiệu của ba, trong lúc không có tiền thuê mặt bằng, anh chọn vỉa hè này làm nơi lập nghiệp. Cha truyền con nối, anh Đại bén duyên từ năm 25 tuổi, tiếp tục nghề sửa giày cho đến ngày hôm nay.

 

Anh Đinh Văn Đại vẫn miệt miệt sửa giày để kịp trả khách.
Anh Đinh Văn Đại vẫn miệt miệt sửa giày để kịp trả giày cho khách.
 
Theo anh Đại, công việc này mang lại thu nhập không cao nhưng ổn định, qua năm tháng cái nghề nó ngấm vào máu khó bỏ. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể làm được, nó đòi hỏi sự dẻo dai và sức mạnh bàn tay của người đàn ông. Phải tận mắt chứng kiến các công đoạn mới thấy sự khéo léo, kỳ công của người thợ với công việc của mình. 
 
Chẳng cần biển quảng cáo phô trương, chỉ với vài chiếc ghế nhựa, dụng cụ đồ nghề… bên một góc lề đường cũng thành nơi sửa giày phục vụ cho mọi người. Từ những người làm công nhân, viên chức nhà nước đến những anh xe ôm hay bất cứ ai đều có thể ghé vào để sửa giày. 
 
Thời gian 5 năm gắn bó với nghề, anh Đại cũng có bao kỷ niệm vui buồn với nghề. “Làm nghề này nhiều năm rồi có nhiều kỷ niệm lắm, có lúc người ta mến mình làm với cái tâm, sửa bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Mình tạo cho người ta cái đẹp, nên mình được lòng họ, người này giới thiệu người kia cứ thế đến thôi”, anh Đại cho hay. 
 
Với những người thợ sửa giày đầy “tâm huyết” với nghề như cụ Thân hay anh Đại, họ cố gắng sửa những đôi giày cũ tưởng chừng như không sử dụng được thành những đôi giày lành lặn hơn, mới hơn. Chính vì lẽ đó, dù là ở xa, nhưng vẫn nhiều khách lặn lội tới tận con đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi để sửa giày. 
 
“Cố gắng với cái nghề mà mình theo, đó không chỉ để mình kiếm sống mà còn gìn giữ nghề của ông cha truyền cho”. Có lẽ suy nghĩ của anh Đại cũng là ý nghĩ của những thợ sửa giày còn lại nơi đây. “Tre già măng mọc” lớp trẻ thay thế để nghề sửa giày không bị mai một như những nghề xưa khác.
 
Bài, ảnh: P.TIÊN
 
 
 

 


CÁC TIN KHÁC
.