Như ánh sao đêm

09:08, 17/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nở nụ cười rạng rỡ, Phạm Thị Huyền (1999), thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) khoe vừa hoàn thành kỳ thực tập hai tuần tại một trang trại nông nghiệp ở Kon Tum. Trong kỳ thực tập vừa qua, những sinh viên như Huyền tham gia các công việc như làm đất, dẫy cỏ, trồng cà phê, bưởi, chăm sóc cây cam...

Với nhiều sinh viên, công việc trên có phần lạ lẫm, còn với cô gái đang chuẩn bị bước vào năm thứ hai ngành nông học, Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh thì đã quen làm từ lúc còn nhỏ. Bởi tuổi thơ của Huyền đã từng trải qua những tháng ngày gian khó, tự lập để mưu sinh, nên Huyền không ngại bất cứ công việc nào. Thế nên, lựa chọn làm nghề nông là hướng đi của “cô gái sinh ra từ đồng ruộng” như Huyền bộc bạch.


-----------------
Tuổi thơ thiệt thòi


Sau khi thực tập xong, Huyền bắt chuyến xe từ Kon Tum về Quảng Ngãi để thăm bà ngoại. Nhìn nữ sinh cao lớn, rắn rỏi, những người hàng xóm ở thôn Mỹ Hưng không ai nghĩ đó là cô bé khi chỉ mới lên 3 tuổi đã lẫm đẫm theo bà ngoại ra bãi bồi ven sông Vệ. Trong khi bà trồng lúa, trồng mì thì Huyền ngồi trên bờ chờ bà. Đến lúc lớn hơn, Huyền đã biết phụ bà cắm mì, cắt lúa.

 

  Phạm Thị Huyền (áo vàng, hàng đứng, thứ 5 từ trái qua) tự tin cùng các sinh viên đại học khác trong câu lạc bộ tiếng Anh.                                                                         Ảnh: NVCC
Phạm Thị Huyền (áo vàng, hàng đứng, thứ 5 từ trái qua) tự tin cùng các sinh viên đại học khác trong câu lạc bộ tiếng Anh. Ảnh: NVCC


“Huyền sinh ra đã không biết mặt cha, rồi lúc con bé mới 3 tuổi, mẹ nó gửi lại cho bà để đi vào TP.Hồ Chí Minh làm ăn. Hoàn cảnh mẹ nó cũng quá khó khăn, nên thỉnh thoảng mới về thăm con. Huyền thiệt thòi đủ điều, đã thiếu vắng người cha, lại còn không có mẹ bên cạnh. Hai bà cháu cứ vậy nuôi nhau”, bà ngoại của Huyền kể.

Đến mùa hè năm học lớp 7, Huyền theo bà con, hàng xóm xin vào làm tại trại ươm keo giống. Công việc dồn đất vào bịch ươm keo, khoán theo công, cứ 1.000 bịch nhận tiền công 40.000 đồng. Thế nhưng, tiền công ngày nào của Huyền cũng được 100 – 120 nghìn đồng, nghĩa là Huyền dồn đến hơn 2.500 – 3.000 bịch đất. Con số mà ngay cả nhiều người lớn cũng không kham nổi.

“Sinh ra từ đồng ruộng, nên sau này em mong muốn được trở về quê lập nghiệp với chính công việc mà bà ngoại và em đã từng mưu sinh. Nghề nông có kiến thức sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn”.


PHẠM THỊ HUYỀN Sinh viên ngành nông học,
Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh.


Mặc công việc vất vả, Huyền vẫn dậy từ sáng sớm, miệt mài làm đến tối mịt, mặc nắng gió và bụi đất đỏ bám vào người. “Em phải cố gắng gấp hai, gấp ba lần, bởi bà ngoại già rồi, không thể đi làm việc nhiều được. Mỗi dịp hè, số tiền công nhận được tổng cộng ba tháng khoảng 9 triệu đồng”, Huyền nói. Tiền công nhận trong ba tháng hè cũng là số tiền để Huyền trang trải chín tháng của cả năm học, từ học phí, quần áo, dụng cụ học tập... Chắt chiu, tiết kiệm từng đồng tiền quý giá, nên mỗi lần cần mua vật gì, Huyền đều suy nghĩ đắn đo thật cần thiết mới dám mua.


Cũng năm ấy, mẹ gọi điện thoại về hỏi Huyền, mẹ đi lấy chồng khác được không? Cô nữ sinh chưa tròn 15 tuổi đã nói với mẹ, mẹ đừng lo sau này lớn lên con sẽ nuôi mẹ. Nhưng rồi nghĩ mẹ cần phải có gia đình riêng của mình, nên Huyền đã gật đầu đồng ý. “Có những lúc em tủi thân, áp lực, muốn gục ngã, nhưng, bà ngoại là động lực để em vượt qua những giai đoạn khó khăn. Em phải cố gắng, mạnh mẽ vượt qua và tiếp tục đi học để có tương lai tươi sáng hơn. Dù thiếu thốn, nhưng em vẫn còn may mắn hơn một vài người bạn khác, vì em vẫn còn mẹ để thỉnh thoảng gọi điện trò chuyện”, Huyền nói như trải lòng mình. Những năm cắp sách đến trường thời phổ thông, Huyền còn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh môn Sinh học.


--------------------
Cảm ơn cuộc đời


Huyền cứ lặng lẽ nỗ lực, lo toan như vậy cho đến khi vừa thi xong tốt nghiệp THPT, thì người thầy Ngô Khắc Vũ (Trường THPT số 2 Mộ Đức) biết chuyện đã đến tận nơi Huyền làm thêm. Lúc ấy, Huyền quá nhỏ bé giữa khu đất ươm cây, say sưa với công việc mà không hay biết có người đến thăm mình. Đó cũng là lúc Huyền đang lo lắng, vui mừng đan xen lẫn lộn khi biết số điểm khối B đạt 23,5, trúng tuyển vào đại học, nhưng vẫn chưa hình dung được những tháng ngày tiếp theo như thế nào. Dù đã tự dặn lòng sẽ mạnh mẽ, sau khi vào nhập học sẽ kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải, nhưng tiền nhập học còn chưa xoay xở được...

 Cô sinh viên năm nhất ngành Nông học Phạm Thị Huyền thích thú với công việc thực tập tại Kon Tum.                                                                                                        Ảnh NVCC
Cô sinh viên năm nhất ngành Nông học Phạm Thị Huyền thích thú với công việc thực tập tại Kon Tum. Ảnh NVCC


Và rồi câu chuyện về Huyền được nhiều mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh biết đến. Trước lúc nhập học, nhiều tấm lòng đã kịp thời chia sẻ với Huyền. Huyền được nhận tiền hỗ trợ và học bổng dành cho tân sinh viên. “Số tiền ấy còn hơn cả giá trị vật chất, vì em thấy mình không lẻ loi, được tiếp thêm sức mạnh để vững vàng đi tiếp.

Ngoài để dành dự phòng những lúc quan trọng, còn lại em trích ra một ít để chuẩn bị nhập học”, Huyền kể. Ngoài ra, Huyền còn được nhận vào ở ký túc xá Cỏ May, được miễn phí tiền ở và nhận tiền ăn hằng tuần. Dẫu vẫn còn những khó khăn, nhưng cô nữ sinh không còn cảnh lo lắng thao thức tính trong đầu ngày mai phải làm cho kịp bao nhiêu bịch đất...

Giữa nhiều sự lựa chọn, Huyền chọn ngành nông học vì cảm thấy phù hợp với mình, bởi công việc nghề nông vốn đã quen thuộc với Huyền từ nhỏ. “Sinh ra từ đồng ruộng, nên sau này em mong muốn được trở về quê lập nghiệp với chính công việc mà bà ngoại và em đã từng mưu sinh. Nghề nông có kiến thức sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn”, Huyền chia sẻ. Ngoài thời gian trên giảng đường, Huyền còn làm thêm công việc cắt vải cho một chủ tiệm may gốc Quảng Ngãi lập nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh với số tiền công 17 nghìn đồng/giờ. Huyền đã trưởng thành hơn theo những năm tháng vất vả, thiếu thốn.

Để tiếp tục ở ký túc xá Cỏ May, sinh viên các năm tiếp theo phải đạt số điểm từ 7,5 trở lên và không ngừng rèn luyện, cố gắng. Mục tiêu của Huyền không chỉ được ở lại ký túc xá, mà còn như một lời cảm ơn đến những tấm lòng đã hỗ trợ, nhất là bà ngoại nay đã già yếu ngóng trông mỗi ngày nơi quê nhà. Và Huyền vẫn đang nỗ lực mỗi ngày, bởi cô gái ấy luôn tâm niệm, bản thân đã nhận được rất nhiều, nên sau này phải phấn đấu để có thể quay lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn...


 BẢO HÒA




 


CÁC TIN KHÁC
.