Người 'mẹ' của nghìn đứa con

05:06, 04/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Tấm lòng cô bao la và chân thành lắm! Cô có sự đồng cảm rất lớn với những hoàn cảnh khó khăn. Cô đã hun đúc tinh thần cầu tiến và truyền cảm hứng, nghị lực cho sinh viên. Khó có người nào tận tâm như vậy”, đó là những chia sẻ của anh Trương Quang Tri (sinh năm 1980, quê Tịnh An, TP.Quảng Ngãi). Người mà anh Tri nhắc đến là bà giáo Tôn Thị Thu Nguyệt (sinh năm 1954, giảng viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã về hưu).

TIN LIÊN QUAN

Nếu như trăng rằm là vầng trăng tỏa ánh sáng đẹp nhất, thì tấm lòng bà giáo Nguyệt được ví như ánh trăng rằm. Người ta hay gọi bà là người mẹ của nghìn đứa con, bởi hơn hai chục năm qua bà đã hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời hàng nghìn sinh viên (SV) nghèo vượt khó đi lên và trong số họ, đã có rất nhiều người thành đạt.

Từ cô bé mồ côi...


Gặp bà giáo Nguyệt về thăm quê vào giữa tháng 5, tôi như bị cuốn vào giọng nói nhẹ nhàng cùng nụ cười ấm áp trên khuôn mặt tròn phúc hậu của bà. Từng sinh sống, làm việc tại Hà Nội, bà giáo Nguyệt vẫn giữ phong thái nói chuyện nhã nhặn, lịch sự của người Hà thành và sự giản dị, chân tình của người xứ Quảng.
 

 

“Có lẽ tôi từng là đứa trẻ mồ côi, trải qua quãng thời gian khó khăn để tự lập, nên tự đáy lòng tôi có sự thấu hiểu, chia sẻ với SV có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, tôi trở thành cầu nối giữa SV với những người bạn của mình để tìm cách giúp SV nghèo".

Bà giáo TÔN THỊ THU NGUYỆT

Bà Nguyệt sinh ra và lớn lên ở làng Phước Lộc, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Trong ký ức tuổi thơ của cô bé Nguyệt ngày ấy không có bóng dáng của người cha, vì khi con gái mới tròn ba tháng tuổi, ông tập kết ra miền Bắc. Khi 11 tuổi, mẹ mất, tuổi thơ gian khó trên vùng đất cằn cỗi vẫn không ngăn được sự ham học của cô bé Nguyệt.

Cô bé mồ côi mẹ có cái tên “Trăng Thu” được người cậu cưu mang nuôi ăn học hết cấp một. Sau khi thi đậu vào trường nữ trung học, cô ở với người dì. Thi đậu tú tài IBM, với đam mê ngoại ngữ và hoài bão trở thành giáo viên tiếng Anh, cô nữ sinh Nguyệt thi đậu khoa tiếng Anh, đại học (ĐH) Văn khoa Sài Gòn năm 1974. Chiếc xe đạp cà tàng mang từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn vừa là phương tiện để đi học, vừa là người bạn thân thiết trên những chặng đường cô Nguyệt đi làm gia sư, thư ký đánh máy, thợ may kiếm tiền ăn học.

Đến năm 1975, đất nước thống nhất, bà mới biết mình vẫn còn cha. Rồi người anh trai cả ở miền Bắc về dẫn bà ra Hà Nội để cha con gặp nhau. “Tôi vẫn nhớ mãi cảm xúc nghẹn lại, không thể diễn tả bằng lời của đứa con gái đến tận năm 21 tuổi mới lần đầu được gọi tiếng cha”, bà Nguyệt bồi hồi nhớ lại. Sau đó, bà Nguyệt ở lại Hà Nội, theo học ĐH Sư phạm Ngoại ngữ.

Tốt nghiệp loại xuất sắc, cô sinh viên (SV) Quảng Ngãi được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Cứ thế, bà Nguyệt làm việc tại Hà Nội và kết hôn với một người cùng quê miền Trung ở Đà Nẵng cũng có cha mẹ tập kết ra miền Bắc.


“Ánh trăng” của sinh viên nghèo


Kể về cơ duyên đến với công việc hỗ trợ, giúp đỡ SV có hoàn cảnh khó khăn, bà Nguyệt không thể quên hình ảnh một SV đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc học khối cử tuyển. “Năm 1996, trong giờ học của tôi có một SV gục xuống bàn, không tập trung vào bài học. Ban đầu, tôi nghĩ SV này không nghiêm túc. Thế nhưng, tìm hiểu mới biết được bạn SV ấy rất khó khăn, cả ngày chỉ ăn gói mì tôm, đêm lạnh không có mền đắp, nên không có sức để học”, bà Nguyệt kể lại.
 
 
 Hơn 60 tuổi, bà Tôn Thị Thu Nguyệt vẫn dành sự nhiệt huyết cho những chuyến đi từ thiện. (Ảnh chụp tại huyện Tây Trà). Ảnh: nvcc
Hơn 60 tuổi, bà Tôn Thị Thu Nguyệt vẫn dành sự nhiệt huyết cho những chuyến đi từ thiện. (Ảnh chụp tại huyện Tây Trà). Ảnh: NVCC

Bà Nguyệt mang nỗi lòng của mình tâm sự với người bạn Phần Lan Marjatta Tolvanen. Khi đó, bà Marjatta Tolvanen là Trưởng phòng Dinh dưỡng của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc. Khi đến thăm lớp, bà đã thốt lên: “Hầu như các SV trong lớp đều suy dinh dưỡng, vì ai cũng gầy gò, xanh xao”. Vậy là, hai trái tim của hai người bạn từ hai đất nước khác nhau Việt Nam – Phần Lan, đã cùng chung nhịp đập trong tình tương thân, tương ái và luôn tìm cách giúp đỡ những SV nghèo. Trong một tuần, hai người đã vận động được 306 đô la từ bạn bè, đồng nghiệp. Bà Nguyệt dùng số tiền này chia sẻ kịp thời cho những SV nghèo.

Người bạn Phần Lan khuyến khích và hỗ trợ bà Nguyệt hình thành chương trình giúp đỡ SV nghèo. Chương trình phát triển từ một SV, sau đó giúp đỡ các SV trong khối cử tuyển, mở rộng trong khoa, rồi đến phạm vi trong trường, kể cả các trường đại học khác. Đến nay, chương trình của bà giáo Nguyệt đã lan rộng trên cả nước, với số lượng hàng nghìn SV.

Trở lại câu chuyện của anh Trương Quang Tri, năm 1998, anh Tri thi đậu cả ba trường ĐH danh tiếng, với số điểm thủ khoa ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 và đậu điểm cao ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình anh Tri rất khó khăn, ba mẹ làm nông, lại đông con. Bà giáo Nguyệt biết chuyện, nên đã gửi thư về tận địa chỉ nhà anh Tri để tìm cách giúp đỡ, đưa anh đến với giảng đường ĐH. “Những năm ĐH, tôi và cô Nguyệt chỉ liên lạc qua thư tay và email.
 
Sau này tôi tốt nghiệp, cô Nguyệt vào TP.Hồ Chí Minh, lúc đó hai cô trò mới có dịp gặp mặt nhau. Tôi vẫn luôn biết ơn cô Nguyệt, dù đồng lương giáo viên ít ỏi, cô có thể làm nhiều việc khác để kiếm tiền, nhưng cô vẫn dành thời gian để xin tiền giúp đỡ SV nghèo. Sự giúp đỡ của cô vừa là chỗ dựa vật chất, vừa động viên tinh thần cho tôi rất lớn”, anh Tri, người vừa hoàn thành chương trình sau tiến sĩ tại Hàn Quốc, hiện là giảng viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, bộc bạch.

Nụ cười của “mẹ Nguyệt”


“Mẹ Nguyệt”, “U Nguyệt” là cách gọi của SV dành cho bà giáo Nguyệt. Bởi với họ, bà Nguyệt không chỉ là giáo viên mà còn là người mẹ quan tâm, động viên, tiếp sức cho họ trên đường đời. Hơn 20 năm qua là khoảng thời gian “mẹ Nguyệt” đã ươm mầm và góp hương cho đời biết bao bác sĩ, giảng viên, doanh nhân... Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của “mẹ Nguyệt”, những “đứa con” nay đã trưởng thành quay trở lại tiếp tục giúp đỡ cho đàn em. “Với tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất”, bà Nguyệt trải lòng.

Rồi bà chia sẻ thêm: “Có lẽ tôi từng là đứa trẻ mồ côi, trải qua quãng thời gian khó khăn để tự lập, nên tự đáy lòng tôi có sự thấu hiểu, chia sẻ với SV có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, tôi trở thành cầu nối giữa SV với những người bạn của mình để tìm cách giúp đỡ SV. Tiêu chí của tôi là hỗ trợ và giúp đỡ để mọi hoàn cảnh khó khăn đều có thể được đồng hành”. Về hưu, nay tuổi đã 65, nhưng khi chưa có người kế tục thực hiện chương trình, bà giáo Nguyệt vẫn miệt mài “đi xin”, vì còn nhiều SV cần đến sự giúp đỡ.

 

Bây giờ, bà Nguyệt đang ở quận Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh). Với tấm lòng hướng về quê hương, bà vẫn nối dài những chương trình giúp đỡ bằng cách tham gia câu lạc bộ "Về với quê mình" và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Mỗi lần về quê, chưa kịp nghỉ ngơi, bà giáo già lại hăng hái lên đường tham gia cùng mọi người đi trao góc học tập, xe đạp, học bổng cho học trò nghèo ở Ba Tơ, Minh Long, Tây Trà... để ươm mầm cho những giấc mơ con chữ ở những nơi còn nghèo nhất nước.
 
 

"Một vầng trăng không mờ"

“Hoa nhân từ” là một tác phẩm bằng thơ kể lại chi tiết về cuộc đời và tấm lòng yêu thương, nhân từ của bà giáo Nguyệt với những SV có hoàn cảnh khó khăn. Tác phẩm do nhà thơ Bùi Thiện Toại đã kỳ công diễn tả chi tiết vào năm 2009, từ sự trân trọng ông dành cho bà giáo Nguyệt, với lời đề tặng “Hoa nhân từ mãi đời đời ngát hương”. Và cuộc đời của bà giáo Nguyệt như chính vẻ đẹp phúc hậu tựa tên gọi của mình: “Cho Thu Nguyệt bấy nhiêu năm/ Vẫn nguyên là một vầng trăng không mờ”...

 

 

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


CÁC TIN KHÁC
.