Con tàu của khát vọng

04:06, 17/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi đội tàu cao tốc ở Lý Sơn được cảnh báo sẽ khủng hoảng thừa, thì ông Trần Đình Xem, thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) lại làm nhiều người bất ngờ, khi quyết định đầu tư hơn 1 triệu USD sắm chiếc tàu cao tốc hạng sang, đưa vào hoạt động vận chuyển khách trên tuyến đường thủy Sa Kỳ-Lý Sơn.

Người đàn ông ngấp nghé tuổi ngũ tuần Trần Đình Xem cho biết, ngoài chuyện làm ăn kinh doanh, thì điều quan trọng nhất trong việc đóng tàu Super Biển Đông chính là biến ước mơ Lý Sơn có những chiếc tàu khách hiện đại, sang trọng, nhanh và an toàn khi vận chuyển khách, trở thành hiện thực.

--------


Nặng lòng với quê hương


Hơn 20 năm trước, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng và dịch vụ vận tải Biển Đông Trần Đình Xem từng bôn ba ngược xuôi từ Nam ra Bắc trên những công trình xây dựng. Những chuyến đi ấy làm chàng thanh niên Trần Đình Xem nghĩ về việc xây dựng quê hương, nghĩ về giấc mơ làm giàu ở nơi “chôn nhau cắt rốn”, chứ không thể mãi chỉ là anh thợ hồ sáng lên giàn giáo, tối về lán trại.

Con tàu Super Biển Đông vận chuyển khách trong dịp lễ 30.4-1.5. 2018.                                                                                                      ẢNH: Đình Quang
Con tàu Super Biển Đông vận chuyển khách trong dịp lễ 30.4-1.5. 2018. ẢNH: Đình Quang


Thế là, ông bỏ việc nơi đất khách quê người, trở về quê thành lập đội thợ hồ, để nhận thầu xây dựng các công trình trên đảo và các xã ở huyện Bình Sơn. Công việc làm ăn khá thuận lợi, nhất là khi đảo Lý Sơn được đánh thức, ông Xem quyết định thành lập công ty.
 

“Không có tên nào hay và ý nghĩa hơn là Super Biển Đông, vì nó mang trong mình khát vọng xây dựng quê hương, khát vọng về vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”

Ông TRẦN ĐÌNH XEM

Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng được ít lâu, nhận thấy ngành vận tải khách bằng đường thủy đang “hót”, ông gom hết vốn liếng mà vợ chồng tích cóp được, vay mượn bạn bè để... đóng tàu. “Thật ra, tôi có ý định từ lâu, nhưng không biết làm sao để bắt đầu. Cơ duyên trong một lần đón đoàn khách vào quán uống cà phê, có người bảo tàu ít, nên đi lại vất vả. Thoáng qua câu chuyện ấy, khiến tôi quyết tâm hơn trong việc đầu tư tàu cao tốc. Năm 2016, tôi chính thức bước vào kinh doanh vận tải, với con tàu mang tên Biển Đông, mua hết 14,7 tỷ đồng”, ông Xem cho biết.

Khi đội tàu vận tải hành khách trên tuyến ngày càng tăng cả về quy mô lẫn tốc độ di chuyển, chiếc tàu Biển Đông của ông Xem trở nên “yếu thế”, khi thời gian di chuyển đến 60 phút. Trong khi nhiều tàu khác mới đưa vào khai thác, thời gian di chuyển chỉ bằng một nửa. Sau khi đắn đo, suy nghĩ nhiều đêm liền, ông Xem quyết định đầu tư chiếc tàu chở khách hiện đại nhất.

“Ban đầu vợ tôi can ngăn, bảo để vốn đầu tư vào lĩnh vực khác, đổ hết vào tàu sợ không ổn. Nhưng tính tôi là thế. Tôi đi các nơi như Vân Đồn, Phú Quốc, ở đó có những chiếc tàu hiện đại và hoạt động rất an toàn, được số đông hành khách chọn lựa, trong khi ở Lý Sơn chưa có. Tôi muốn nâng đẳng cấp vận tải của Lý Sơn lên một tầm cao mới. Muốn hành khách mỗi khi lên tàu luôn có cảm giác an toàn và tiện lợi nhất, nên tôi quyết định đầu tư. Giờ nhìn lại tôi thấy mình cũng liều thật, nhưng ước nguyện của tôi là muốn Lý Sơn ngày càng phát triển và mình muốn góp phần vào đấy”, ông Xem nói.

Ông Xem (bên phải) cùng thuyền trưởng kiểm tra lại tàu trước khi tàu xuất bến.
Ông Xem (bên phải) cùng thuyền trưởng kiểm tra lại tàu trước khi tàu xuất bến.


Ngồi bên cạnh chồng, bà Nguyễn Thị Nga bảo, nghe chồng bàn chuyện đóng thêm tàu, tôi rất lo lắng, bởi từ ngày tàu Biển Đông mua về kinh doanh chỉ đủ trả lãi ngân hàng, có khi còn bù lỗ. Đội tàu hiện đã 11 chiếc rồi, đóng thêm nữa chở ai? “Cản thì cản vậy thôi, nhưng tôi ủng hộ, vì ổng lúc nào cũng bảo phải làm gì đó cho quê hương”, bà Nga nói.

-------
Góp phần nâng cao chất lượng đội tàu


Khi mọi việc được giải quyết xong, việc chọn đối tác thiết kế, đóng tàu lại là chuyện lớn, khiến ông đau đầu. Bởi câu chuyện tàu vỏ thép nằm bờ thời gian qua khiến ông lo lắng. Trong lúc khó khăn, ông được một người bạn làm việc tại một hãng tàu giới thiệu với các sĩ quan ở Nhà máy đóng tàu 189- Bộ Quốc Phòng (Z189) và cơ duyên đã đến khi ông Xem quyết định chọn Z189 làm đối tác. Những chuyến ngược xuôi Lý Sơn-Hải Phòng cuối cùng cũng có kết quả. Sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, trước mắt ông là con tàu quy mô 139 ghế, trang bị những công nghệ an toàn theo tiêu chuẩn hiện đại nhất. Ông Xem tâm sự: “Bỏ ra chừng ấy tiền là rất lớn, nhưng cái lớn hơn với tôi là con tàu phải thực sự hiện đại, phải đưa người dân, du khách đến với đảo một cách nhanh nhất, an toàn nhất. Ước nguyện của tôi đã trở thành sự thật. Tôi đặt tên nó là Super Biển Đông”.

“Nhưng sao lại là Super Biển Đông, mà không phải cái tên nào khác?”, tôi hỏi. Ông Xem bảo, chiếc tàu trước tên là Biển Đông, hàm nghĩa rằng hàng nghìn ngư dân bao đời nay đã gắn chặt với Biển Đông, vùng biển máu thịt của đất nước. “Không có tên nào hay và ý nghĩa hơn là Super Biển Đông, vì nó mang trong mình khát vọng xây dựng quê hương, khát vọng về vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Xem quả quyết.

Ông Xem bên chiếc tàu cao tốc Super Biển Đông trị giá 1 triệu USD hiện đại nhất trên tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn.
Ông Xem bên chiếc tàu cao tốc Super Biển Đông trị giá 1 triệu USD hiện đại nhất trên tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn.


Những ngày cuối tháng 5.2018, cầu cảng Lý Sơn khá nhộn nhịp khi hành khách về đảo tham quan. Ở phía xa, chiếc tàu cao tốc mang tên Super Biển Đông đang tiến vào bến. Nhìn về phía con tàu, ông Xem bảo: “Đó không chỉ là gia sản, mà còn là khát vọng của tôi”.

Phó Giám đốc Nhà máy đóng tàu 189, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ông Xem là một khách hàng đặc biệt. Ngay cả việc đặt tên tàu cũng rất đặc biệt, nó mang một khát vọng của ông chủ, chứ không đơn thuần chỉ là cái tên. Đó là khát vọng hiện đại hóa đội tàu, rút ngắn thời gian từ đất liền ra đảo. “Ông ấy nhìn chất phác vậy, chứ rất sáng dạ và có một tấm lòng với quê hương trong việc đóng chiếc tàu này”, Đại tá Hùng chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Đỗ Tiến Đạt, đội tàu hiện nay về cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách đi lại trên tuyến, nhưng hạn chế là sự an toàn cũng như tốc độ di chuyển. “Cá nhân ông Xem bỏ ra 1 triệu USD để đóng tàu là rất đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách trên tuyến đường thủy nội địa lớn nhất tỉnh”, ông Đạt nói.

Người tốt bụng

Sau một tháng đưa vào hoạt động, bên cạnh phải hoạt động hết công suất phục vụ hành khách, tàu Super Biển Đông còn là “ân nhân” của hai gia đình nghèo trên đảo không may có người thân bị đau nặng cần rời đảo giữa đêm khuya, để vào bờ chữa trị. Hai chuyến tàu vượt biển trong đêm ấy, ông Xem chỉ tính cước với gia đình người bệnh đúng bằng tiền dầu. “Kinh doanh là một chuyện, nhưng tình người mới là điều trân quý nhất ở cuộc đời này. Họ nghèo, lại bị bệnh mới cần đến mình. Có thu thêm của họ vài triệu đồng tiền lãi, cũng không giúp mình giàu thêm, nhưng bớt cho họ trong lúc ngặt nghèo thì số tiền ấy đủ để gia đình người bệnh mua thuốc, nộp viện phí… Họ là “hàng xóm” của tôi mà”, ông Xem trải lòng.

Chị Nguyễn Thị Thu, ở xã An Hải cho biết, đêm đó người thân chị lên cơn sốt cao và cần phải chuyển lên tuyến trên, nhưng không biết gọi điện cho chủ tàu nào hết, vì lúc đó quá khuya. Có bác hàng xóm đến thăm bảo gọi cho anh Xem, ông ấy nhiệt tình lắm. Tôi đánh liều gọi và được anh ấy giúp đỡ rất nhiệt tình.

“Nhờ tàu chạy nhanh, nên chị tôi được đưa vào bệnh viện tuyến trên cấp cứu kịp thời. Mấy hôm sau, tôi mang tiền đến trả, anh Xem chỉ lấy tiền dầu và tặng lại tôi 1 triệu đồng. Gia đình tôi cảm ơn anh ấy rất nhiều”, chị Thu xúc động.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Thanh cho biết: “không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên đảo, đợt biển động vừa rồi, tàu Super Biển Đông trở thành chủ công trong việc đưa hơn 2.000 hành khách rời đảo sau nhiều ngày mắc kẹt vì thời tiết xấu. Bản thân ông Xem luôn có những đóng góp cho huyện nhà trong các đợt quyên góp ủng hộ người nghèo, hay giúp đỡ người khác trong việc làm ăn”, ông Thanh cho hay.

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC



 


CÁC TIN KHÁC
.