"Ông Bụt" giữa đời thường

09:03, 31/03/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Hàng chục năm qua, ông thầm lặng đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội tại địa phương bằng việc đỡ đầu, giúp nhiều học sinh nghèo viết tiếp ước mơ đến lớp; thăm khám, chữa bệnh miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Khi nhắc đến ông, những người mang ơn không khỏi cảm phục và ví như ông như  “Ông Bụt” giữa đời thường.

TIN LIÊN QUAN

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…” câu nói đó quả thật ứng nghiệm với lương y Nguyễn Khắc Dưỡng, 51 tuổi, ngụ tại tổ dân phố 1, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa.

Lặng lẽ đỡ đầu học sinh nghèo

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Khắc Dưỡng những ngày cuối tháng 3. Nhà ông rất đông trẻ nhỏ. Hỏi ra mới biết đó là những học sinh nghèo vượt khó, được ông gọi điện tới để nhận học bổng trích từ nguồn Quỹ mang chính tên mình- Quỹ vượt khó học tập Nguyễn Khắc Dưỡng.
 
Tiếng cười nói rôm rả cả phòng khách. Ở đó, những “đứa con” mà ông nhận đỡ đầu thay nhau khoe với “người cha nuôi” của mình về thành tích học tập. Hiện ông Dưỡng đang cưu mang 4 em lớn, nhỏ. Mỗi em một số phận, chỉ nghe kể thôi cũng khiến ai nấy chạnh lòng.

“Ông ấy không khác gì một người cha đỡ đầu cho cháu ngoại tôi. Cả cuộc đời này, vợ chồng tôi mang ơn ông vì đã hỗ trợ và giúp đỡ cho cháu được đến lớp như bao bạn bè khác”, ông Nguyễn Tấn Đồng, 70 tuổi, ngụ ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa xúc động nói.

Hoàn cảnh của cháu ngoại ông Đồng hết sức bi đát. Cháu ngoại ông là em Bùi Thị Hồng Trang, học sinh trường THCS Nghĩa Thương. Trang đã phải chịu cảnh mồ côi cha từ khi 6 tháng tuổi. Những ngày sống cạnh mẹ cũng ít ỏi. Từ bé, Trang đã phải sống cùng ông bà. Thế nhưng, bây giờ vợ chồng ông Đồng tuổi đã cao nên không đủ sức để lo toan cho Trang.

 

Lương y Dưỡng thăm hỏi tình hình học tập và động viên tinh thần cho các em học sinh nghèo mỗi tháng.
Tiền hỗ trợ cho các em, ông Dưỡng có thể gửi bằng nhiều cách. Nhưng ông vẫn muốn được trao tận tay để được trực tiếp gặp, động viên tinh thần từng em.


Hay như hoàn cảnh của em Bùi Văn Vạn Quý, học sinh lớp 12, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa. Nếu không có nguồn trợ cấp từ ông Dưỡng đã phải nghỉ học từ cấp 1. Quý tâm sự, tuy em còn trẻ nhưng sớm trở thành trụ cột của gia đình. Vừa lo làm thêm chạy tiền đi học, vừa đỡ đần cha mẹ, bao vất vả, âu lo hằng ngày đổ dồn lên đôi vai nhỏ bé của mình.
 
Những suất quà từ người cha thứ hai kể từ lúc em học lớp 4 cho đến nay như nguồn động viên, tiếp thêm tinh thần cho em vững tin bước tiếp những tháng ngày còn lại; giúp em vượt qua nghịch cảnh để thành người sống có ích.
 
Nguồn Quỹ vượt khó học tập của ông được duy trì được 10 năm nay. Mỗi tháng, ông Dưỡng đều đặn trích, trao tặng cho mỗi em số tiền 200 nghìn đồng. Có tháng cao điểm lên tới hơn 20 em. Nó thể hiện nghĩa cử cao đẹp của người biết sẻ chia với người cùng khổ, sống với cái tâm vì cộng đồng. Đặc biệt, các em đều được hỗ trợ đến hết lớp 12.
 
Nguyên do khiến ông Dưỡng thành lập ra quỹ xuất phát từ nỗi bất hạnh của một đứa trẻ cùng xóm tên là Trịnh Thị Xuân Hương. Ông còn nhớ như in vào năm 2008, khi Hương mới học lớp 8 thì người nhà bị tai nạn giao thông. Gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt. Hương đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Đau đáu trong lòng, sau những đêm trăn trở, ông Dưỡng đã quyết định đi vận động khắp nơi và bỏ tiền túi của mình ra trợ giúp cho Hương đến trường.
 
Từ trường hợp ban đầu, tính đến nay, gần 80 em học sinh ở địa phương nhận được sự hỗ trợ từ ông. Tuy có thể gửi tiền qua tài khoản hoặc nhờ người thân các em tới nhận nhưng ông vẫn chọn cách trao trực tiếp, bởi lẽ ông muốn có cơ hội gần gũi, lắng nghe, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với những “đứa con” đặc biệt.
 
“Tôi muốn các em nhìn vào hoàn cảnh của nhau, thấm thía sự khó khăn để lấy đó làm động lực, vươn lên trong cuộc sống. Còn bản thân tôi chỉ muốn làm chỗ dựa tinh thần lâu bền, góp sức nhỏ để cùng các em vươn tới tầm cao tri thức. Đó là bước đệm đưa tụi nhỏ vào đời”- ông Dưỡng bộc bạch.
 
Hiện tại, căn phòng làm việc của ông vẫn lưu giữ bên mình những bảng thành tích học tập của từng em; những cuốn sổ ghi chép thông tin về hoàn cảnh bất hạnh của các em nhận được hỗ trợ từ ông. Nó không ngừng dày lên từng ngày.
 
Dù phai màu, cũ kỹ nhưng đối với ông Dưỡng lại có một giá trị vô giá. Nhìn vào đó ông thấy phấn khởi lắm, thấy việc mình làm giúp ích được rất nhiều cho người, cho đời; làm “điểm tựa” để nguồn quỹ không ngừng phát triển.

Đáng mừng thay, rất nhiều hoàn cảnh nhận học bổng từ ông giờ đã tốt nghiệp THPT, Đại học, có công ăn việc làm ổn định tại các thành phố lớn với mức lương hậu hĩnh. Nhiều người cũng thường xuyên điện về hỏi thăm ông, ngỏ ý đóng góp kinh phí để trợ giúp cho lớp trẻ đi sau có hoàn cảnh như mình lúc trước, như cách ông đã từng làm với họ. Sự trưởng thành của những “đứa con” nuôi càng làm ông Dưỡng thêm tự hào, mãn nguyện.
 
Gần 20 năm chữa bệnh miễn phí
 
Ông Dưỡng vốn là một đông y sĩ chuyên nghiệp, tốt nghiệp tại trường Y dược Dân tộc TP.HCM, nay là phân khoa Y học cổ truyền- trường ĐH  Y Dược TP.HCM. Gắn bó với nghề thầy thuốc gần 20 năm, ông khám, bốc thuốc, nhận chữa trị hầu hết là những bệnh nhân mắc các bệnh tai biến vận động, bệnh của người cao tuổi và cả một số bệnh nan y, hiểm nghèo khác.

Không ít trường hợp phải ngừng điều trị ở bệnh viện vì không có khả năng chạy chữa. Nhiều gia đình hoàn cảnh quá nghèo và không muốn nhìn con em, người thân mình sống trong đau đớn, tuyệt vọng nên đã tìm đến với ông.

Nặng lòng thương người nên gần 20 năm qua, ông đã hào hiệp ra tay giúp đỡ vô số bệnh nhân khó khăn, không có tiền chữa trị, khiến mọi người tin yêu, quý trọng. Ngôi nhà nhỏ và cũng là phòng khám của ông luôn đông nghịt người. Với y đức của một người thầy thuốc, hầu như ngày nào, ông cũng hỗ trợ và giúp đỡ ít nhất một trường hợp.

“Tùy hoàn cảnh mà mình hỗ trợ từ 30 đến 100% chi phí, nhất là các bệnh nhân mắc phải căn bệnh nan y. Còn với trẻ em dưới 10 tuổi thì miễn phí 100%”, lương y Dưỡng cho biết.

Bà Huỳnh Thị Kim Tân, một trong những trường hợp được lương y Dưỡng chữa bệnh miễn phí.
Bà Huỳnh Thị Kim Tân, một trong những trường hợp được lương y Dưỡng chữa bệnh miễn phí.


Bà Huỳnh Thị Kim Tân, 68 tuổi, ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa bộc bạch, bà bị bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm. Nhiều năm nay phải lo chạy chữa khắp nơi nhưng không tiến triển. Sau khi được lương y Dưỡng chữa trị, căn bệnh mau chóng được hồi phục.
 
"Từ chỗ miệng không mở được, tay chân run rẩy, bây giờ đã dần giao tiếp và đi lại được. Mặc cho tôi năn nỉ xin đóng tiền viện phí, nhưng lương y Dưỡng nhất quyết không nhận vì thương hoàn cảnh gia đình. Điều đó khiến tôi muôn phần cảm kích”, bà Tân xúc động.
 
Trong quá trình điều trị, ông luôn khuyên các bệnh nhân phải thông suốt trong suy nghĩ. Đến trị bệnh trong thâm tâm phải có một niềm tin lớn vào cuộc sống, luôn luôn lạc quan rồi những điều tốt đẹp sẽ đến với mình.

"Giúp đỡ một người không chỉ là giúp họ khỏi về mặt thể chất mà cũng phải giúp đỡ họ có một tư tưởng tốt và có niềm tin vào cuộc sống. Đả thông được suy nghĩ, lạc quan trong cuộc sống tức là góp phần lớn giúp bệnh nhân khỏi bệnh rồi", ông bày tỏ.
 
Tại vườn nhà, lương y Dưỡng còn dành trọn 5 sào đất để trồng hàng trăm loại thuốc quí như gai mèo, cà gai leo, đinh lăng, rể quạt, đồng nữ, dừa cạn, rể gai, tía tô… chỉ để có nguồn thuốc an toàn, chất lượng. Từ những kiến thức, kinh nghiệm đúc kết, ông mày mò chế biến, phối hợp những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả, giảm thiểu bớt kinh phí cho bệnh nhân.

Việc hành nghĩa đôi khi gặp nhiều trở ngại khiến ông Dưỡng có lúc muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, nhìn những người lao động quằn quại trong cơn đau, ông kìm lòng không nổi. Trái tim lại thôi thúc ông làm việc thiện để giúp đỡ mọi người.
 
Nhận được ân huệ của ông, người nhà bệnh nhân đến đây cũng ý thức được việc giúp đỡ ông trong quá trình thăm khám. Bệnh nhân thì nỗ lực điều trị để khỏe lên từng ngày. Lúc đó, ông phấn khởi vô cùng và cho rằng tâm niệm "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" luôn có ý nghĩa. Chỉ có cho đi, niềm vui và hạnh phúc mới nhân đôi.


                                                                                                                         Bài, ảnh: Thiên Hậu

-------------

Bài tham gia Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý"


 


CÁC TIN KHÁC
.