Nặng một chữ tình

08:02, 21/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều người trong và ngoài nước biết đến đại tá Trần Ngọc Giao, ở thôn Tập An Nam, xã Phổ Văn (Đức Phổ) qua bức thư ông gửi vợ trong kháng chiến hơn 22 năm lưu lạc sang nước Mỹ. Không chỉ có vậy, cuộc đời vị đại tá về hưu với 69 năm tuổi Đảng là một câu chuyện dài nặng tình với non sông.

Nay đã 92 tuổi đời, nhưng cụ Trần Ngọc Giao vẫn rất tinh tường. Hằng ngày, cụ vẫn thường đọc báo Đảng, chiếc ti-vi ở phòng khách cứ đến chương trình thời sự lại được bật lên. Cụ Giao cười hiền, nói: “Cuộc đời tôi chỉ có vậy, lúc trẻ theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Giờ già rồi, cũng chỉ mong Đảng vững mạnh, nhân dân sống ấm no...”.

Quyết tâm theo Đảng            

Trong không khí của những ngày kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng, tôi cùng anh Nguyễn Văn Hường-Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Phổ đến thăm cụ Trần Ngọc Giao. Hai anh em ngỏ ý muốn nghe cụ kể chuyện thời kháng chiến. Từ câu chuyện của một con người là chiến sĩ cách mạng cũng đủ để thấy tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam mạnh mẽ biết nhường nào.

Đại tá Trần Ngọc Giao cùng với vợ vẫn thường đọc lại bức thư năm xưa, do nhà văn Nguyễn Quang Sáng gửi đăng trên Báo Công an TP.HCM sau chuyến trở về từ nước Mỹ năm 1989.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                      ẢNH: PV
Đại tá Trần Ngọc Giao cùng với vợ vẫn thường đọc lại bức thư năm xưa, do nhà văn Nguyễn Quang Sáng gửi đăng trên Báo Công an TP.HCM sau chuyến trở về từ nước Mỹ năm 1989. ẢNH: PV


Cụ Giao ngân ngấn nước mắt khi nhớ lại thuở nhỏ, cuộc sống cùng cực khi 13 tuổi đã phải vào tận Cần Thơ ở mướn cho một gia đình địa chủ. Sau đó, lại đi ở cho một gia đình công chức Nhật ở Sài Gòn. Chịu không thấu nổi khổ nhục, ông nghỉ việc rong ruổi đi bán kem dạo. “Ngày ấy như thế đấy, khổ nhục nào hơn khi làm nô lệ ngay trên đất nước của mình”, cụ Giao nói.

Rồi ông cụ mở to đôi mắt hồi tưởng lại cái ngày hòa vào dòng người biểu tình với tiếng trống, tiếng mõ rầm vang khắp làng trên, xóm  dưới, đó là ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền 14.8.1945. Cụ Giao cho biết: “Cũng từ đó, tôi hiểu về cách mạng và hiểu được rằng không có con đường nào khác, phải theo Đảng làm cách mạng mới thoát khỏi cảnh sống nô lệ. Mười ngày sau đó, tôi tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc. Năm 1948 thì nhập ngũ. Biết là ra đi có thể không trở về, nhưng trách nhiệm đối với non sông không cho phép mình ngần ngại, phải ra đi để giành độc lập dân tộc, giành ruộng đất cho dân cày”.
 

Bức thư 22 năm lưu lạc sang Mỹ

Gần một tháng sau ngày dẫn Triệu đi thoát ly, ông Giao viết thư cho vợ báo tin hai cha con vẫn khỏe. Trong thư có đoạn: “Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước vĩ đại này nếu anh và con hoặc Cúc có phải hy sinh cũng là điều vinh dự, không có gì xấu hổ với bà con xóm làng bởi vì việc làm của mình là đúng, là cần thiết... Cúc cố gắng giải quyết mọi công việc gia đình cho tốt, ngày nào kháng chiến thắng lợi anh sẽ gánh vác một phần cho Cúc đỡ vất vả. Ngày thắng lợi chắc không xa lắm...”. Bức thư viết ngày 6.4.1967, nhưng đã không đến được tay bà Cúc. Mãi đến năm 1989 trong một chuyến đi Mỹ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đọc được bức thư của ông Giao được trưng bày tại thư viện Trường Đại học Massachusetts, Mỹ. Vậy là, phải mất 22 năm 6 tháng và phải đi nửa vòng trái đất, bức thư mới đến được tay người nhận là bà Huỳnh Thị Cúc.

Gian nguy nhưng chí không sờn     

Đến nay đã 70 năm kể từ ngày cụ Giao trở thành bộ đội Cụ Hồ. Cụ Giao bảo rằng, đó là quãng thời gian ý nghĩa nhất trong cuộc đời ông, xông pha khắp các chiến trường, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng những người lính Cụ Hồ không một phút giây dao động, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Năm ấy, ông được điều về công tác tại nhà in thuộc Phòng Chính trị Liên khu 5, rồi học lớp đào tạo chính trị viên đại đội, làm chính trị viên trung đội, trợ lý chính trị Tiểu đoàn 45 thuộc Liên khu 5. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, được cử đi học Trường Sĩ quan lục quân, rồi về công tác tại Sư đoàn 335 ở Mộc Châu (Sơn La). Những tháng ngày trên đất Bắc, cụ Giao nhớ nhất là kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ. Lần đó, cấp trên thông báo: “Anh em mặc quần áo mới, đúng 3 giờ chiều có mặt tại sân vận động”.

Đến lúc mọi người nhìn thấy Bác Hồ, niềm vui như vỡ òa. “Bác Hồ động viên: Anh em ráng học hành, luyện tập cho giỏi, để rồi nếu không hòa bình trở về miền Nam được, thì mình phải trở về miền Nam bằng cờ quyết chiến, quyết thắng”, cụ Giao nhớ lại. Một lần khác ông được nhìn thấy Bác Hồ, đó cũng là lần ông chia tay miền Bắc để vào Nam chiến đấu. Chính ủy Sư đoàn 335 gọi ông Giao cùng với 20 đồng chí là người Khu 5 lên và nói: “Cấp trên gọi các đồng chí vào Nam chiến đấu”. “Ôi, nghe mà sướng như mở cờ trong bụng. Vui sướng không tả xiết, vì lâu nay nhớ miền Nam đến cồn cào”, cụ Giao hồi tưởng.   

Hôm ấy là ngày 2.9.1960, tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh, ông Giao cùng với đồng đội đứng ở phía trước để được nhìn thấy Bác Hồ. Niềm hạnh phúc trào dâng trong lòng mỗi người khi được nhìn thấy Bác trước lúc vào Nam, họ đã tự hứa với lòng quyết chiến, quyết thắng như lời Bác căn dặn. Và rồi, chiếc xe tải bịt kín bạt chở các chiến sĩ rời Hà Nội trước lúc trời sáng.

Mãnh liệt một niềm tin

Trở lại với gia đình cụ Giao ở quê, trước lúc ông lên đường ra Bắc, đứa con trai lẫm chẫm những bước đi đầu đời. Giấu nỗi nhớ chồng trong sâu thẳm trái tim, bà Huỳnh Thị Cúc, vợ cụ Giao, vẫn luôn động viên con trai: “Ba con đi chiến đấu giết giặc rồi sẽ trở về. Mẹ con mình hãy vững tin chờ đợi...”.

Về phần ông Giao, khi xe đưa đến dòng sông Bến Hải, trong đêm trăng mờ ảo, ông cùng với đồng đội bơi qua sông, rồi ngoảnh mặt nhìn lại mà lòng xao xuyến. Đây dòng sông đã chia cắt đôi miền, họ lặng thinh nhìn nhau mà lòng như thấu hiểu cảm xúc của mỗi người khi đặt chân đến về Nam thân yêu. Sau những ngày vượt Trường Sơn gian lao không kể xiết, ông Giao dừng chân tại căn cứ của Khu 5 ở Quảng Nam, một số đồng chí tiếp tục vượt đường rừng vào Khu 6. Trong đêm chia tay, họ đã động viên nhau: “Vì độc lập của dân tộc, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nên phải quyết chiến đấu, dù có hy sinh thân mình”. Sau ngày hôm ấy, ông Giao cùng với đồng đội trải qua những trận chiến oanh liệt trên khắp các chiến trường Khu 5.

Ngày ông Giao trở về thăm nhà, đứa con trai duy nhất là Trần Hoàng Triệu đã 15 tuổi. Năm ấy, ở chiến trường Quảng Ngãi vô cùng ác liệt, ruộng vườn, nhà cửa đều bị bom đạn của địch cày xới. Triệu nói ba mẹ: Con muốn theo ba làm cách mạng. “Em hãy để con theo anh giúp sức cho cách mạng. Xác định ra đi không phải sung sướng, nhưng có hy sinh đi nữa cũng là vinh dự”, ông Giao động viên vợ. Bà Cúc đã khóc rất nhiều, bởi chỉ có một đứa con duy nhất, nhưng rồi bà lẳng lặng đi gói ghém tư trang để hai cha con lên đường. Ngày Trần Hoàng Triệu trở thành chiến sĩ nhỏ giải phóng quân, ông Giao ôm chầm lấy con trai, ngân ngấn nước mắt vì hạnh phúc.

Dẫu cuộc chiến ác liệt, họ luôn vững tin, không lâu nữa cách mạng nhất định thắng lợi, gia đình sẽ được đoàn tụ. Và rồi, ngày toàn thắng đã đến, Bắc-Nam sum họp một nhà, gia đình nhỏ của ông Giao bên dòng sông Trà Câu hiền hòa lại rộn vang tiếng cười. Gần 34 năm trong quân ngũ, lúc về hưu ông Giao là Chính ủy Trung đoàn Công binh 270, Quân khu 5. Noi gương cha, Trần Hoàng Triệu cũng trở thành đại tá, trước lúc về hưu là Chánh Thanh tra Công an tỉnh.  

“Cuộc đời tôi là thế đó”, cụ Giao vừa nói, vừa nâng niu bức thư ông viết gửi vợ cách đây hơn nửa thế kỷ. Nói sao cho hết tình cảm ông dành cho Đảng, cho cách mạng, chỉ biết rằng cả một đời ông đã sống và cống hiến với tình yêu son sắt dành cho Đảng, cho quê hương, đất nước. Lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của những người lính Cụ Hồ trong kháng chiến sẽ luôn là bài học không bao giờ cũ đối với những người con đất Việt, nhất là thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bình.


 PHƯƠNG LÝ


 


CÁC TIN KHÁC
.