Ký ức của "Dũng sĩ diệt Mỹ"

10:12, 28/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Năm 1963, lính Mỹ bắt mẹ tôi rồi tra tấn đến chết trong tù. Vì muốn trả thù cho mẹ nên tôi liều mình tiếp cận và tìm cách diệt bọn địch khi chúng đóng chốt ở đây. Sau hai lần phục thù, tôi diệt được 14 lính Mỹ. Giờ nghĩ lại, thấy lúc đó mình gan dạ thật, không sợ chết là gì...”, ông Luyện kể.

TIN LIÊN QUAN

13 tuổi diệt 14 lính Mỹ

Ông Đoàn Văn Luyện, thôn Trung An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) lấy huân, huy chương, kỷ vật và những tấm hình mà ông được vinh dự chụp chung với Bác Hồ giới thiệu với tôi. Mỗi kỷ vật gắn với những kỷ niệm trong cuộc đời của ông. Sở dĩ ông Luyện được gặp Bác Hồ nhiều lần, vì ông là một trong những “dũng sĩ diệt Mỹ” có nhiều chiến công.

Ông Đoàn Văn Luyện (ngoài cùng bên phải) và các Dũng sĩ diệt Mỹ vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ.        Ảnh: TL
Ông Đoàn Văn Luyện (ngoài cùng bên phải) và các Dũng sĩ diệt Mỹ vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ. Ảnh: TL


Năm 1965, Mỹ đổ bộ và chiếm đóng căn cứ Chu Lai. Các xã khu Đông huyện Bình Sơn nằm trong tầm bom đạn địch. Hồi đó ông Luyện mới 13 tuổi. Vì ông còn quá nhỏ nên lính Mỹ không đề phòng. Nhờ đó ông Luyện ra vào chốt địch mà không bị nghi ngờ. Từ đây ông nung nấu ý chí và quyết trả thù cho mẹ.

“Một lần thấy địch tập trung đi càn ở các thôn khác, tôi lẻn vào chốt địch, lấy trái lựu đạn mỏ vịt móc chốt vào thùng đại liên và chôn dưới một lớp cát. Sau khi chúng về nhấc thùng lên, lựu đạn bị giật chốt phát nổ. Lần đó tôi diệt được 4 tên địch, mà mình không bị mấy tên còn lại nghi ngờ. Chúng cứ nghĩ, do đồng đội bất cẩn”, ông Luyện nhớ lại.

Sau khi diệt được 4 tên địch, ông Luyện lên kế hoạch cho lần thứ hai. Lần này, ông lẻn vào chốt địch đóng tại núi Mủ Rú, xã Bình Đông (Bình Sơn). Sau khi tính toán, ông quyết định gài hai quả lựu đạn để diệt được nhiều lính Mỹ hơn.

“Đó là năm 1966, địch chuyển chốt về xã Bình Đông. Tôi vẫn hay lui tới nơi chúng đóng quân để làm thân. Hôm đó chúng đi càn. Tôi lẻn vào gài hai trái lựu đạn cũng loại mỏ vịt. Tôi dùng dây bìm bìm quấn quanh dây kẽm đã móc sẵn với chốt của trái lựu đạn, có như vậy mới không bị phát hiện. Sau khi kế hoạch thành công, sợ bị phát hiện nên tôi theo bộ đội và làm giao liên cho cách mạng. Dù sao mình cũng trả được mối thù cho mẹ rồi”, ông Luyện chia sẻ.

Bác Hồ và các Dũng sĩ diệt Mỹ tiếp Phái đoàn Cuba qua thăm Việt Nam năm 1969.      ảnh: TL
Bác Hồ và các Dũng sĩ diệt Mỹ tiếp Phái đoàn Cuba qua thăm Việt Nam năm 1969. ảnh: TL


Chiến công của ông Luyện sau đó được tuyên dương, rồi ông được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và ra miền Bắc học tập. Những năm tháng ở miền Bắc, ông Luyện được gặp Bác Hồ và được Người dạy bảo nhiều điều.

Nhớ những lần gặp Bác

Năm 1966, ông Luyện ra Bắc học tại Trường Văn hóa quân đội (VHQĐ) Nguyễn Văn Trỗi cùng với những dũng sĩ ở các tỉnh, thành khác. Ngày ấy, ông cùng những người bạn của mình may mắn được gặp Bác Hồ và được Bác tận tình dặn dò, thăm hỏi, động viên.

Ông Luyện hồi tưởng: “Tôi nhớ nhất lần đầu tiên gặp Bác. Lúc ấy là lúc tôi mới đặt chân đến miền Bắc. Đích thân bác Võ Chí Công đưa tôi đến thăm Bác Hồ. Gặp tôi, Bác hỏi thăm đủ chuyện. Sau đó Bác nhẹ nhàng hỏi: Thế bây giờ ra đây rồi cháu thích gì nhất? Tôi trả lời: Cháu thích đi học thôi ạ! Thế là Bác gửi tôi vào Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi học với mấy anh em khác”.

Những năm tháng ở đất Bắc, ông Luyện và những dũng sĩ khác như Nguyễn Văn Hòa, Võ Phổ, Hồ Văn Mên... được Bác xem như “con cưng”. Có sự kiện hay các buổi lễ long trọng nào Bác đều cho gọi vào Phủ Chủ tịch để tham gia.

Ông Luyện và tấm ảnh chụp cùng với Bác Hồ.
Ông Luyện và tấm ảnh chụp cùng với Bác Hồ.


Tháng 2.1969, có phái đoàn Cuba sang thăm Việt Nam. Bác cho gọi tất cả dũng sĩ “tí hon” đã từng diệt Mỹ đến giới thiệu với lãnh đạo nước bạn. Bác cho từng người kể về những chiến công của mình. Ông Luyện bồi hồi nhớ lại: “Sau  lần tiếp phái đoàn Cuba, ăn Tết Kỷ Dậu xong Bác biết mình yếu nên bảo chú Vũ Kỳ gọi chúng tôi vào để Bác thăm và dặn dò. Thấy sức khỏe Bác yếu, ai nấy đều khóc sướt mướt. Sau lần ấy, chúng tôi mãi mãi không bao giờ được gặp Người nữa”...

Đất nước hòa bình, ông Luyện trở về quê hương và gắn bó với mảnh đất đầy nắng và cát quê mình. Mỗi khi nhớ miền Bắc, nhớ những người anh em, bạn bè, ông lại mang những kỷ vật, những tấm ảnh ra ngắm nghía, nâng niu.

“Nhiều thứ có thể mua bằng tiền, nhưng những tấm hình này, những kỷ vật thời đó thì chắc chắn không thể mua được! Tôi vẫn luôn gìn giữ, nâng niu chúng đến suốt cuộc đời. Những kỷ vật này là một phần cuộc sống của tôi và cả tình cảm của những người bạn cùng tôi sống, học tập ở miền Bắc. Và đặc biệt, trong đó còn có những ân tình mà Bác Hồ đã gửi gắm cho chúng tôi”, ông Luyện xúc động bày tỏ.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU

 


CÁC TIN KHÁC
.