Lớp học đặc biệt của bà giáo già

07:11, 19/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đều đặn mỗi chiều thứ 2, 4, 6 hằng tuần, “Lớp học tình thương” của bà giáo Trương Thị Thu Cúc (64 tuổi) ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) lại rộn ràng tiếng trẻ em đánh vần và làm các phép toán. Cứ như vậy, năm nay đã là năm học thứ 3 bà đồng hành với những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.

Ba năm qua, người dân trong xã đã quen thuộc với hình ảnh bà giáo bên cạnh những trẻ em đặc biệt trong “Lớp học tình thương” nằm trong Nhà văn hóa xã Hành Minh. Bà là nhà giáo Trương Thị Thu Cúc. Dù năm nay đã ngoài 64 tuổi, nhưng bà vẫn còn nặng tình với sự nghiệp dạy chữ cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Lớp nhỏ, tình thương lớn

Những em nhỏ bị Down, thiểu năng trí tuệ, khó khăn về việc học hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn... đều đặn mỗi ngày được gửi đến lớp học đặc biệt của bà giáo Cúc. Thông thường cứ đầu giờ chiều các ngày chẵn trong tuần là lũ trẻ có mặt, sắp xếp sách vở, trật tự vào chỗ ngồi được quy định sẵn để chờ cô giáo tới. Đúng 13 giờ 30 phút, bà Cúc bước vào, cả lớp đồng loạt đứng lên hô to rõ ràng: “Chúng con chào cô ạ!”. Và buổi học cứ thế bắt đầu sau lời chào đầy tình cảm của các em học sinh dành cho bà giáo.

Bà giáo già ân cần chỉ dạy từng nét chữ, con tính cho lũ trẻ.
Bà giáo già ân cần chỉ dạy từng nét chữ, con tính cho lũ trẻ.


Trước đây, bà Cúc là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hành Minh. Năm 2009, bà nghỉ hưu. Từ năm 2011 đến nay, bà Cúc được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Hành Minh. Nói về cơ duyên đến với lớp học tình thương này, bà Cúc chia sẻ: Qua điều tra phổ cập, tôi thấy trong vùng có nhiều trẻ em kém may mắn, trí tuệ chậm phát triển... không theo kịp bạn bè cùng trang lứa, có đứa đã gần trưởng thành mà vẫn chưa biết chữ. Từ đó, tôi mới nảy ra việc mở lớp học tình thương này”. Chấp nhận bước vào một hành trình giảng dạy gian nan hơn nhiều, cô giáo Cúc lúc đó đã tình nguyện đứng ra xây dựng “dự án” ý nghĩa đó.

Lớp học tình thương hiện có 11 em ở đủ lứa tuổi và hoàn cảnh. Em lớn nhất năm nay 15 tuổi, em nhỏ nhất mới lên 7. Mỗi ngày đến lớp, cô giáo Cúc sẽ điểm danh để đảm bảo không có em nào vắng mặt không lý do. Hôm thì tập viết, hôm thì học làm phép tính, bà giáo luôn kèm cặp riêng từng em từ việc cơ bản nhất là đánh vần đến việc thực hiện những phép tính đơn giản.
 

“Nếu vì chút khó khăn mà bỏ lớp, thì bất hạnh cho bọn trẻ quá. Chúng đã không được như những bạn bè cùng trang lứa khác, nay lại không được cắp sách đến trường thì thương lắm. Tụi nhỏ đến lớp, tôi không chỉ dạy chữ mà còn cả cách sống, lao động, để các em tự làm, phụ giúp cha mẹ được phần nào hay phần đó”.
Bà giáo TRƯƠNG THỊ THU CÚC

Căn phòng học chỉ có vài bộ bàn ghế chắp vá mà bà Cúc xin được ở các trường học xung quanh, chiếc bảng đen phồng rộp gãy một chân được kê tạm trên ghế. Lớp được chia thành ba trình độ khác nhau, nhưng cùng học ở một phòng học nhỏ, đến đèn điện cũng chưa được bắt.

Những hôm mưa gió tối trời, cô trò đành ngậm ngùi nghỉ học sớm, vì không nhìn thấy mặt chữ. Phòng học tạm bợ, nhưng sách vở, bút mực của lũ trẻ thì không thiếu bao giờ. Mỗi năm, bà Cúc đều vận động các mạnh thường quân hỗ trợ dụng cụ học tập, tặng quần áo, xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn... Có những lần bà còn trích tiền túi của mình để giúp các em có đầy đủ bút vở để học.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh Phan Thanh Trinh, cho biết: Lớp học được cô Cúc tự nguyện đứng ra thành lập, rồi đảm nhiệm việc vận động trẻ ra lớp, xin bàn ghế, bút vở cho các em, cho đến... chở các em đến lớp. Địa phương kinh phí còn hạn hẹp, nên không giúp đỡ được lớp học nhiều. Nhiều lần chúng tôi cũng khuyên cô không nên duy trì lớp, vì cô tuổi đã cao, đi lại khó khăn, phần vì kinh phí không có, đối tượng của lớp lại là những đứa trẻ cần thời gian rèn luyện lâu dài, nhưng cô nhất quyết không chịu nghỉ...

“Nếu vì chút khó khăn mà bỏ lớp, thì bất hạnh cho bọn trẻ quá. Chúng đã không được như những bạn bè cùng trang lứa khác, nay lại không được cắp sách đến trường thì thương lắm. Tụi nhỏ đến lớp, tôi không chỉ dạy chữ mà còn dạy cả cách sống, lao động, để các em tự làm, phụ giúp cha mẹ được phần nào hay phần đó”, bà Cúc bày tỏ.

Khó khăn là thế, nhưng bà Cúc vẫn không giấu được niềm vui khi chia sẻ về những tiến bộ của các em nhỏ. Học sinh cứ đến rồi lại đi, em nào học tốt sẽ chuyển đến các Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật để học nghề, tiếp cận với môi trường mới. Giờ tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có con em “đặc biệt” đều gửi gắm một tay bà giáo Cúc dạy dỗ.

Những học trò đặc biệt

Cặp chị em song sinh Nguyễn Thị Hồng Vang và Nguyễn Thị Hồng Diễm, ở thôn Long Bàn Bắc đã theo học lớp học này được 3 năm. Trái ngược với cô em lanh lợi, Hồng Vang bị thiểu năng trí tuệ. Được nhà trường đặc cách học hòa nhập, được cho lên lớp cùng với em gái, nhưng Vang không theo kịp bạn bè, nhiệm vụ mỗi ngày ở trường của em chỉ là chép lại những gì thầy cô viết lên bảng một cách máy móc.

Gia đình của Hồng Vang, Hồng Diễm là hộ cận nghèo, cha mẹ các em ngày nào cũng làm việc từ tờ mờ sáng đến tối mới về, nên không chú ý mấy đến việc học của các con. Được gửi vào lớp học, Vang được bà Cúc rèn luyện lại từ những nét chữ, phép tính đơn giản nhất. Còn Diễm lại được học nâng cao kiến thức đã học ở trường. Đến giờ, với sự kiên trì của cô trò, Vang cũng đã từng bước nắm được mặt chữ và làm những phép tính đơn giản.

Gia Khang, cậu học trò nhỏ tuổi nhất lớp được bà Cúc rèn từng nét bút.
Gia Khang, cậu học trò nhỏ tuổi nhất lớp được bà Cúc rèn từng nét bút.


Trong lớp có cậu bé Ngô Hữu Phát, ở thôn Tình Phú Bắc. Dù đã ở tuổi thiếu niên, nhưng con người và tâm hồn của Phát vẫn như một đứa trẻ lên 5. Là trẻ mắc hội chứng Down, cha mẹ bỏ xứ đi làm ăn xa, Phát được ông bà nội chăm sóc từ khi mới lọt lòng. Với tính cách hiếu động, Phát thường hay phá phách và ngày càng khó bảo.

Ấy vậy mà giờ đây, Phát không những ngoan hiền, mà cậu còn biết viết chữ, đi vệ sinh đúng nơi quy định, biết giới thiệu về mình và kể những mẩu chuyện nhỏ... “Phát rất thích lớp học và các bạn. Từ khi có lớp cháu không nghỉ học bữa nào. Tất cả là nhờ cô giáo Cúc. Ngày nào có buổi học là cô lại đến chở Phát đến lớp, bất kể trời mưa hay nắng”, ông Ngô Hữu Cận, ông nội Phát cho biết.

Hay như cậu học trò mới nhất của năm học này, là Ngô Nguyễn Gia Khang. Năm nay vừa lên 7, lẽ ra Khang đã vào lớp 1 với các bạn đồng trang lứa, nhưng do sinh thiếu tháng, cơ thể Khang khá nhỏ bé, lại không được lanh lợi, nên mẹ Khang định để em ở nhà một thời gian. Nhìn đám bạn ngày ngày cắp sách đến trường, Khang mê lắm.

Thế là ngay hôm bà giáo Cúc đến nhà vận động mẹ cho Khang ra lớp, em đã nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Giờ Khang đã quen mặt chữ, nét bút tuy còn vụng về, nhưng đã thành hình. Hỏi em có thích đi học không? Khang dõng dạc: “Dạ, con thích học lắm!”.

Không thể kể hết hoàn cảnh của tất cả 11 em học sinh trong lớp học này, bởi mỗi đứa trẻ là một niềm trăn trở của bà giáo già. Khi được hỏi về ước mong hiện tại, bà Cúc tâm sự, chỉ mong lớp có được đồ dùng học tập bài bản và bà có sức khỏe để tiếp tục đứng lớp...

Chia tay lớp học, tôi vẫn tin những nét chữ, nét người mà ngày hôm nay bà giáo Cúc dạy sẽ giúp các em có cuộc đời ý nghĩa hơn trong tương lai. Hơn hết, lũ trẻ sẽ mãi nhớ về một “người thầy” luôn cặm cụi mỗi ngày tới lớp, cho đi những thương yêu mà chẳng mong được nhận về...

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


CÁC TIN KHÁC
.