Tuổi thơ ở... bệnh viện

03:09, 16/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có những đứa trẻ thân hình gầy gò, xanh xao hằng ngày, hằng giờ phải chiến đấu với bệnh tật. Tuổi thơ của những đứa trẻ không may mắn này trôi qua với thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

Bị những cơn đau giày vò và những đợt truyền thuốc, nên những đứa trẻ mang trong mình mầm bệnh khá nhỏ so với bạn bè đồng lứa, dù vậy những đứa trẻ mong manh ấy vẫn mơ những giấc mơ riêng.

“Con không đau vì quen rồi!”

Hơn 8 giờ tối, giữa tiếng khóc của những đứa trẻ, cậu bé Nguyễn Hữu Lộc (10 tuổi) ở thôn 1, xã Đức Chánh (Mộ Đức) vẫn ngoan ngoãn nằm im trên giường bệnh. Bàn tay trái cố định kim truyền nối với bịch máu phía trên. Đối với trẻ con, mỗi lần đến bệnh viện là mỗi lần lo sợ. Còn với Lộc, đến bệnh viện để duy trì sự sống, để được khỏe hơn. Lộc nói: “Con không sợ bệnh viện, cũng không sợ kim tiêm, vì con quen rồi!”.

Không may bị bệnh thiếu máu bẩm sinh, thời gian Lộc ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà.
Không may bị bệnh thiếu máu bẩm sinh, thời gian Lộc ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà.


Hai đêm liền thức trắng để chăm Lộc, đôi mắt của bà Nguyễn Thị Xi hằn những vết thâm. Hai đêm ấy chỉ là khoảng thời gian ngắn trong những đêm trắng đằng đẵng của người mẹ này suốt mười năm qua.

Bà Xi sinh Lộc năm 2007. Lúc 7 tháng tuổi, Lộc có dấu hiệu xanh xao, chậm lớn. Đưa con đi khắp các bệnh viện bà Xi vẫn bắt gặp ánh mắt e ngại của bác sĩ khi hỏi về bệnh tình của con. Cho đến khi Lộc đã cứng cáp hơn, bác sĩ mới cho hay, Lộc bị bệnh thiếu máu bẩm sinh. Hồng cầu tự hủy khiến Lộc thường xuyên xanh xao, gầy yếu.

Ù tai, bà Xi chỉ mường tượng biết rằng bệnh của con giống như chiếc xe máy, còn xăng thì chạy, hết xăng thì ngừng. Bác sĩ dặn cứ nửa tháng Lộc phải đến bệnh viện truyền máu. Mỗi lần như vậy, Lộc phải truyền bốn bịch máu, mỗi bịch 250ml. Vừa truyền máu xong lại tiếp đến truyền năm bình thuốc để thải sắt, bởi những đứa trẻ mắc bệnh như Lộc vừa thiếu máu, nhưng lại thừa sắt. Trung bình mỗi đợt nhập viện, Lộc phải ở từ 7 đến 10 ngày.

Trên hai bàn tay gầy gò của Lộc, số lần lấy ven để lấy máu xét nghiệm, truyền máu và thuốc nhiều đến nỗi để lại các vết sẹo nhỏ chi chít. Lộc chiến đấu với bệnh tật. Mẹ thì chiến đấu với những cuộc mưu sinh, để nuôi hai đứa con lớn ăn học và chạy tiền đưa Lộc đến bệnh viện. Có lần, đến lịch hẹn của bác sĩ, nhưng bà Xi phải đi cấy lúa. Vậy là, hai mẹ con dẫn nhau ra bệnh viện bằng xe buýt như những lần khác. Nhưng lần đó chỉ mình Lộc nằm lại bệnh viện truyền máu, còn bà Xi phải tất tả đi về để kịp cấy lúa.

Còn Trần Minh Tín ở thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi (Mộ Đức), năm học mới này, Tín vào lớp 3. Những cơn đau đầu vẫn thường ập đến khiến Tín thường gục xuống bàn. Tiết học của Tín cứ dang dở...

Lúc Tín mới 4 tuổi, cậu bé phải trải qua đợt đại phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) sau khi phát hiện có bướu ác trong não. Sau một năm truyền hóa chất xạ trị, cơ thể nhỏ bé không chịu nổi, nên Tín phải chuyển sang dùng thuốc tiêm, với chi phí 30 triệu đồng/mũi, cứ sáu tháng lại tiêm một lần. Trước khi tiêm mũi thuốc trị giá hàng chục triệu, bác sĩ phải khám và chích một mũi thuốc khác trước khi chụp CT (chụp cắt lớp-PV).

Số lần Tín đi bệnh viện từ nhỏ đến giờ nhiều đến nỗi bà Võ Thị Hồng Diễm, mẹ của Tín không thể nào nhớ nỗi. Mỗi lần Tín nằm tại bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh mẹ của Tín gác lại công việc bán cá ở chợ, cha đi bạn cho tàu cá ở ngoài Bắc cũng tìm cách chạy về với con.

Tình người ở bệnh viện

“Có lần đang từ Huế về đến Núi Thành (Quảng Nam), Ảnh lên cơn sốt. Xe không quẹo vào ngõ nhà mà chạy thẳng đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mộ Đức. Bác sĩ cố gắng chạy chữa sau ba ngày hết sốt, Ảnh lại tiếp tục lên xe ra Huế. Con người ta đi học, còn con mình điều trị ở bệnh viện mãi, học sao cho nổi!”, những lời của bà Nguyễn Thị Thu Sương ở thôn 1, xã Đức Chánh khi kể về bệnh tình của đứa con trai.

Đến nay, bà Sương vẫn không thể nào quên cảm giác suy sụp khi bác sĩ nói đứa con trai đầu Huỳnh Công Ảnh (sinh năm 2002) bị hội chứng đại thực bào máu lúc 8 tuổi. Căn bệnh khiến Ảnh sốt liên miên, bụng chướng to, cơ thể không phát triển. Từ năm 2010 đến nay, hai mẹ con bà Sương đã quen với từng ngóc ngách ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Con nằm bệnh viện dài ngày. Người nhà bệnh nhân cũng nhẵn mặt bác sĩ. Năm 2015, Ảnh đang truyền máu định kỳ tại bệnh viện thì phát sốt, sưng má trong khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Bác sĩ buộc giữ Ảnh lại. Hiểu nỗi lòng của bệnh nhân, bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế nói: “Mẹ phải cho em ở lại, bác sĩ gửi tiền cho mẹ mua gạo ăn Tết”. Vậy là năm đó, hai mẹ con đón Tết trong bệnh viện. Qua Tết, tình hình bệnh của Ảnh ổn định, bác sĩ mới cho về.

Bà Sương nói, nhờ có bác sĩ, y tá giúp đỡ, nhất là sự đồng cảm của những người nhà với nhau, bà mới bám trụ nổi. Có phần quà từ thiện nào, bác sĩ lại ưu tiên cho những đứa trẻ bệnh nặng. Còn cha mẹ của các bệnh nhân cũng trở nên thân thiết, gắn bó với nhau. Có lần thuốc hiếm phải chờ lâu, trong khi công việc không thể sắp xếp, người này lại gửi con cho người kia trông nom, chăm sóc giúp. Dù ở tận Quảng Ngãi, Quảng Bình, hay Quảng Trị... nhưng khi con bị bệnh ngặt nghèo, họ thành người một nhà. Trước khi sắp xếp đồ đạc để dẫn con ra khám định kỳ, tuy chưa lên xe, nhưng bà Sương đã điện thoại ra Huế dặn những người bạn để cửa phòng và giặt giúp cái chiếu, để khi xe đến Huế lúc 2 giờ sáng, hai mẹ con bà vào bệnh viện là có ngay chỗ nằm nghỉ.

Những giấc mơ xa

Theo con những chuyến xe đi chữa bệnh, bà Nguyễn Thị Thu Sương nói có lúc thở không nổi vì cầm bao nhiêu tiền cũng hết. Có lúc bà nghĩ đến việc phải bán nhà để chữa cho con. Nhưng nhờ mọi người đùm bọc, bác sĩ hỗ trợ, cả nhà xe cũng giảm giá vé cho hai mẹ con, bà lại có thêm động lực để bước qua khó khăn.

Những phút vui đùa hiếm hoi của Tín (áo xanh) với bạn bè, cậu bé chỉ mới cao tới ngang vai của bạn cùng tuổi.
Những phút vui đùa hiếm hoi của Tín (áo xanh) với bạn bè, cậu bé chỉ mới cao tới ngang vai của bạn cùng tuổi.


Có lần Lộc ở bệnh viện một mình, các cô y tá, điều dưỡng trông coi. Lúc đang truyền thuốc mà đói bụng, Lộc nhờ mọi người mua giúp thức ăn. Khi truyền xong rồi cậu bé còn thích thú đi thang máy xuống căn tin, ngắm nhìn xe cộ trước bệnh viện.

Những lúc không bị các cơn đau giày vò, những đứa trẻ ấy vẫn hồn nhiên, vô tư mỉm cười như chính tuổi thơ vô tư của các em lẽ ra phải được hưởng. Lộc nói: “Con có nhiều ước mơ lắm! Lúc thì con thích làm nhạc sĩ, lúc lại thích làm công an...”.

Những dịp hiếm hoi ở nhà, Lộc lại giúp mẹ đan võng để kiếm thêm tiền. Còn Ảnh biết đi chợ, nấu ăn chờ mẹ đi làm công thuê về. Ước mơ của Ảnh là trở thành đầu bếp mở một quán ăn nho nhỏ. “Biết cháu bị bệnh, nên các cô bán hàng toàn bán đồ ngon và rẻ thôi”, Ảnh cười. Nhưng những giấc mơ ấy có lẽ mãi chỉ là những giấc mơ. Bởi đối với những đứa trẻ mang trong mình bệnh tật chỉ cần cơ thể phát triển bình thường, da dẻ hồng hào đã là mong ước hết sức lớn lao.


Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


CÁC TIN KHÁC
.