Ra đảo du lịch cộng đồng

10:07, 30/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong vai một khách du lịch đến với đất đảo Lý Sơn, tôi thật sự ấn tượng và thú vị khi được hòa mình với loại hình du lịch cộng đồng (homestay).

TIN LIÊN QUAN


Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định chọn địa chỉ homestay của chị Nguyễn Thị Thuần, ở thôn Tây (xã An Vĩnh), một trong những người có thâm niên làm dịch vụ du lịch cộng đồng ở đây. Điều khiến tôi ấn tượng ngay từ lúc đầu gọi điện đặt tour là đầu dây bên kia giọng một người phụ nữ đặc sệt của người dân đất đảo, nhưng nghe rất dễ chịu:  Em cứ ra. Mùa này Lý Sơn đẹp tuyệt vời. Đến cầu cảng sẽ có người nhà của chị đón. Tin rằng em sẽ hài lòng...

Đón khách bằng nụ cười

Sau hơn 30 phút thả hồn trên biển xanh, tàu siêu tốc Sa Kỳ - Lý Sơn đã cập cầu cảng. Chúng tôi được Lộc và Tý, hai người con của chị Thuần niềm nở chào đón ngay khi đặt chân xuống cầu cảng.

Du khách trải nghiệm học cách trồng hành cùng nông dân đất đảo
Du khách trải nghiệm học cách trồng hành cùng nông dân đất đảo


Nhà chị Thuần nằm sâu trong con hẻm nhỏ rợp bóng cây bàng vuông, như làm dịu bớt cái nắng mùa hè trên đất đảo. Chị đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, chất phác của người đất đảo. Chị Thuần bộc bạch: "Đến với dịch vụ homestay em sẽ có nhiều thú vị. Có gì thì đoàn góp ý, vì gia đình vừa làm nông nghiệp và ngư nghiệp, nay chuyển sang loại hình này nên vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Bé Tý biết tôi và vài người trong đoàn bị say sóng, nên vội đi pha một ca nước chanh nóng. Với những khách không bị say sóng thì được đón tiếp bằng nước dừa tươi ngọt lịm. Sau đó, chị Thuần đưa khách về phòng với đầy đủ tiện nghi, rồi cười hiền chào khách, để nhanh tay làm cơm. Chỉ khoảng 30 phút sau, mâm cơm nồng vị biển được mang ra. Nào ram chả cá, ốc xà cừ, gỏi rong biển... Khách và chủ nhà ngồi quay quần bên mâm cơm, trò chuyện khá rôm rả, bắt đầu cho những ngày trải nghiệm thú vị trên đất đảo.
 

“Để đáp ứng nhu cầu của du khách, huyện đã có kế hoạch tái hiện các lễ hội truyền thống tại các điểm di tích để phục vụ du khách. Riêng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ tái hiện tại di tích Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải vào thứ 6 và thứ 7 hằng tuần”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn LÊ VĂN NINH

Cùng ở, cùng làm

Mới 4 giờ sáng, đất đảo còn chìm trong màn đêm, trong tiếng rì rào sóng biển, cũng như chị Thuần, chị Nguyễn Thị Hoa (thường gọi là chị Tý) đã dậy chuẩn bị bữa sáng cho khách. Chị Tý là một trong những người làm dịch vụ homestay đầu tiên ở đất đảo, nay đã được 4 năm. Chị nhanh chóng lấy xe máy ra cầu cảng mua những con nhum còn tươi nguyên vừa mới được các chủ tàu vớt lên, để về chế biến món cháo nhum. Hòa mình cùng gia chủ, những bạn đi trong đoàn đã "cắt bớt giấc ngủ", để cùng vào bếp.

Chị Tý vui vẻ hướng dẫn: “Nấu cháo nhum phải có ít củ nén, hành và lá hẹ mới ngon”. Tay làm nhum, miệng hướng dẫn cho những du khách lặt lá thơm, rửa củ nén đem giã nhuyển để làm gia vị. Những thớ thịt, cùng nước nhum có màu vàng óng được vắt ra tô để sẵn. Chị Tý bắt nồi khử dầu, củ hành, củ nén và cho nhum vào đảo đều khoảng 10 phút rồi đổ vào nồi cháo đã nấu trước, sau đó múc ra tô. Húp miếng cháo nhum nóng, mọi người trong đoàn, ai cũng tấm tắc khen ngon. Nhiều bạn bộc bạch: Có đi du lịch cộng đồng mới được trải nghiệm cùng bà con về văn hóa sinh hoạt, nấu ăn và cả cách sống.

Cả nhà chị Thuần chuẩn bị bữa ăn cho khách tham gia dịch vụ homestay.
Cả nhà chị Thuần chuẩn bị bữa ăn cho khách tham gia dịch vụ homestay.


Ở đảo Lý Sơn hiện có khoảng 60 nhà làm dịch vụ homestay. Chị Nguyễn Thị Minh Phụng nhờ làm dịch vụ homestay đã nuôi 7 người con ăn học trưởng thành. Chị kể: “Chồng làm nghề đi bạn quanh năm ở biển. Có năm gặp rủi ro, tàu trở về tay trắng, hoặc có khi đánh bắt không hiệu quả, gia đình thiếu cả gạo nấu. Thế là chị quyết vay tiền mở dịch vụ karaoke, bida, giải khát...

Thu nhập cũng tạm ổn, nhưng loại dịch vụ này ảnh hưởng đến xóm làng. Khi nghe cán bộ huyện hướng dẫn làm dịch vụ homestay, chị Phụng đánh liều vay mượn thêm tiền sắm nội thất, sửa lại phòng để làm dịch vụ. “Mình vừa làm, vừa nhờ cán bộ hướng dẫn rồi tham khảo ý kiến của du khách đến ở. Mỗi khi đưa đoàn khách nào trở về đất liền, tui cũng hỏi thăm dò ý để đầu tư thêm. Bây giờ cũng có chút ít kinh nghiệm. Tui nghĩ, mình làm ăn chân thật, khách sẽ không phụ mình đâu”, chị Phụng nói.
 

Tập huấn cho người dân làm du lịch cộng đồng

Du lịch hometsay hình thành ở Lý Sơn cách đây 4 năm. Lúc đầu chỉ giải quyết nhu cầu cư trú của du khách. Đến nay, dịch vụ này đã đem lại hiệu quả cho nhiều hộ dân. Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thì sắp đến, ngành sẽ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng bài bản trên cơ sở tổ chức tập huấn nghiệp vụ đưa đón, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, trang bị thêm cho họ kiến thức về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên đất đảo, để họ đáp ứng nhu cầu của du khách ngày một tốt hơn.

Bác tài kiêm hướng dẫn viên

Đến Lý Sơn, đi bất cứ khu vực nào cũng có xe ôm, xe tắcxi, xe tút tút... Mỗi người dân, mỗi bác xe ôm đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch. Họ có thể đưa bạn đến và kể rành rọt về bất cứ danh lam thắng cảnh nào trên đất đảo. Chúng tôi vừa trò chuyện, vừa rảo bộ trên đường làng, chiếc xe taxi màu vàng đổ gần, anh Lê Văn Thiệt (30 tuổi) rời khỏi xe chào đón khách khá lịch thiệp. Đưa khách lên xe, thay vì mở nhạc du dương, bằng giọng nói đậm chất đất đảo, anh đã kể cho đoàn nghe những điểm cần đến. Nào là Lý Sơn hình thành từ hoạt động núi lửa hàng triệu năm trước đã tạo nên 5 ngọn núi vững chãi giữa lòng biển. Mỗi một ngọn núi đều gắn liền với những câu chuyện rất riêng. Nếu như núi Thới Lới có miệng núi lửa khổng lồ còn nguyên vẹn với khá nhiều hình thù kỳ thú, thì núi Giếng Tiền lại liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa...

Rồi đến hòn Đụn, hòn Vung... và những gành đá mắc-ma ở đảo Bé có hình thù dựng đứng, kéo dài ra biển như bàn tay khổng lồ. Những ngày trời êm, những con sóng nhỏ cứ lăn tăn xua nhẹ vào đá đen tuyền tạo thành những tràng bọt trắng xóa như bông tuyết...

Anh Thiệt trước đây làm nghề lặn biển. Khi khách du lịch đến Lý Sơn ngày càng nhiều, anh Thiệt đã quyết định lên bờ học lái xe taxi, để đưa đón khách. Anh Thiệt chia sẻ: Lần đầu tiếp xúc với khách ngại lắm, nhưng nhờ việc đón đưa khách, mình hiểu hơn tính cách con người từng vùng miền để tiện giao tiếp, ứng xử. Nếu như khách miền Trung bộc trực, không màu mè thì khách Hà Nội rất nhẹ nhàng, lịch thiệp, nên mình phải nói năng phù hợp hơn. Song điều cốt lõi nhất là giữ nguyên tính cách mộc mạc của người dân đất đảo, để qua đó du khách hiểu hơn về văn hóa, con người nơi đây.

Còn với chú xe ôm Nguyễn Thành Long (58 tuổi) thì đến với nghề trong một lần khách cứ hỏi nhà ở giá rẻ. “Chỉ đường mãi mà khách cũng không tìm ra. Tui lấy xe chở khách đến tận nơi, khách tự động đưa tiền. Cầm đồng tiền tui nghĩ nhiều lắm. Thôi thì mình sống ở đất đảo từ nhỏ giờ, nên thuộc lòng như trong lòng bàn tay. Cảnh nào đẹp, nơi nào linh thiêng... mình đều biết. Giờ khách đến tìm hiểu ở quê mình vui lắm, nên làm xe ôm kiếm thêm chút đỉnh mà cũng có điều kiện để hướng dẫn cho du khách về quê hương mình”, ông Long bày tỏ. Dịch vụ homestay phát triển, nhiều bạn trẻ đến đất đảo thích đi xe ôm, nên thu nhập của ông Long từ đó cũng khá hơn.

Sau những ngày hòa mình với người dân đất đảo, trở về đất liền, nhiều người không chỉ mang theo hành lý và đặc sản Lý Sơn, mà còn mang cả những điều thú vị của những cư dân làm du lịch cộng đồng. Chúng tôi hẹn một ngày trở lại Lý Sơn với dịch vụ homestay.

 Bài, ảnh: MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.