"Dấu chân tròn" trên cát

10:07, 27/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sau những giờ vật lộn với sóng, ông ngồi bệt xuống boong tàu cẩn thận tháo băng bó cái chân cụt ướt sũng, ố vàng. “Dấu chân tròn” hằn in trên sàn gỗ, ông ôm chiếc chân giả vuốt ve, trìu mến như người bạn thân thiết. Người đàn ông ấy là thương binh hạng 3/4, đảng viên 50 năm tuổi Đảng Võ Văn Lơi (70 tuổi) quê ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn).

TIN LIÊN QUAN


Thiếu chân, nhưng không thiếu nghị lực

Như bao nhiêu người con của đất nước thời ấy, 20 tuổi, chàng thanh nhiên Võ Văn Lơi lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ngày đất nước thống nhất, từ mưa bom bão đạn, người lính ấy đã trở về với một phần đôi chân đã gửi lại nơi chiến trường, với thương tật 45%.

Sau khi được gắn chân giả, anh không những tập đi lại mà còn cố gắng làm việc như những người bình thường. Rồi anh được Nhà nước cử ra Bắc đi học rồi về quê lập gia đình và công tác trong ngành thương nghiệp. Mãi cho đến năm 90 của thế kỷ trước, cơ quan bị giải thể, anh trở về quê.

Tiền trợ cấp thương binh hàng tháng không đủ cho gia đình nhỏ 4 miệng ăn. Ở cái làng biển đất chật, người đông, không đi biển thì chẳng biết làm gì. Ông Lơi nhắc lại ký ức đẹp về người vợ quá cố của mình với nỗi đau, niềm nhớ thương khôn nguôi: “Nói đến ý tưởng sắm thúng ra khơi, bà ấy thảng thốt, ra sức căn ngăn. Nhưng trước sự quyết tâm của chồng, bà đành chấp nhận giúp tôi”.

 

Dù 70 tuổi,  thương binh Võ Văn Lơi vẫn bám biển mưu sinh dù chỉ 1 chân lành lặn.
Dù 70 tuổi, thương binh Võ Văn Lơi vẫn bám biển mưu sinh dù chỉ còn một chân lành lặn.


Thế là hằng ngày bà theo chân ông ra biển tập bơi. Bơi thuần thục, ông sắm một cái thúng tập chèo, quăng lưới. Cái thúng cứ lắc lư, chạy tròn, sau vài ngày bám thúng tập chèo, ông Lơi đã có thể chèo thuần thục được như bao ngư dân ở làng biển.

“Nhìn chồng nhọc nhằn chèo thúng ra xa, quen lưới, bà ấy xúc động mừng rơi nước mắt. Vì tôi đã chiến thắng được số phận, vượt lên chính mình đúng như Bác Hồ đã dạy “thương binh tàn nhưng không phế”- ông Lơi kể.

Từ đó là những chuỗi ngày ông bám biển mưu sinh chỉ với một chân còn lành lặn. Ông thức khuya dậy sớm quăng quật mình nơi đầu sóng ngọn gió để kiếm con cá, con tôm…, lo cái ăn cái mặc cho gia đình. Vất vả nhất là những ngày mưa gió, sóng lớn, bị lật thúng, ông khó khăn lắm mới lật được thúng lên.

Nhưng số phận lại một lần nữa thử thách nghị lực của ông khi vợ ông đột ngột qua đời vì bị tai nạn. “Đó là thời gian buồn bã nhất cuộc đời, nhưng chính những năm tháng sống và chiến đấu nơi bom đạn đã luyện cho tôi ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt lên nghịch cảnh”- giọng ông Lơi rắn rỏi.

Vợ mất, không có người giúp ông đem thúng ra bến, không ai giúp ông bán cá, tôm khi ông trở về. Quãng thời gian đó ông Lơi suy nghĩ, đặt nhiều câu hỏi cho tương lai phía trước.

 

 Thả câu câu mực đêm trên biển.
Ông Lơi thả câu câu mực đêm trên biển.


Và ông quyết định treo thúng đi bạn theo tàu lớn. Ông bảo, đi một tàu phải bỏ ra công sức như người ta, ăn chia mới xứng đáng. Cũng nhờ những đồng tiền chia được sau những chuyến đi bạn mà ông Lơi nuôi được con cái ăn học, trưởng thành, xây được nhà cửa khang trang.

Cuộc đời vẫn đẹp sao

Sau nhiều lần chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng hóa thân thành ngư dân theo ông Lơi lên con tàu cá ông đi bạn đánh bắt bằng mành đèn. Cuối tháng, ngư dân phải tận dụng thời gian ra khơi để chạy đua với mùa trăng.

Bảy mươi tuổi, sức khỏe dần tàn lụi, bước đi khập khiểng, bàn tay thô ráp, chai sạn bởi nắng gió, nhưng ông vẫn thoăn thoắt chèo thúng. Chiếc thúng chai chao đảo như chính cuộc đời của ông.

Ngồi trên boong thuyền, đất liền đã xa tít tắp, nước biển xám, đục ngầu, từng đợt sóng vỗ ầm ầm vào mạn thuyền, bọt tung trắng xóa, tôi chiêm nghiệm cuộc sống của ngư dân mặn chát như nước biển.

Khi con tàu đã vào lạch nước, cách đất liền chừng 10 hải lý, chuẩn bị neo thuyền thả mành thì bất ngờ bị một chiếc tàu lớn tông vào ca bin. Mọi người chỉ kịp hét lớn, hoảng loạn, còn ông Lơi bình tĩnh thả thúng, nhảy xuống bám chặt tay vào mạn thuyền cho chúng tôi nhảy xuống.

 

Bất kể việc gì, ông Lơi cũng tham gia như bao con người lành lặn.
Bất kể việc gì, ông Lơi cũng tham gia như bao con người lành lặn.



Giữa biển cả mênh mông, lằn ranh sinh tử mỏng manh, nhìn ông vật lộn với sóng gió chèo thúng cứu chúng tôi lên tàu bạn khiến tôi thật sự khâm phục. Dường như tai nạn  vừa xảy ra trên biển ông không  mảy may sợ hãi. “Nghỉ vài bữa cho hoàng hồn rồi đi nữa với bác. Cuộc đời vẫn đẹp sao”- ông Lơi cười khà khà.

Sau những giờ vật lộn với sóng, ông ngồi bệt xuống boong tàu cẩn thận tháo băng bó cái chân cụt ướt sũng, ố vàng. “Dấu chân tròn” hằn in trên sàn gỗ, ông ôm chiếc chân giả vuốt ve, trìu mến như người bạn thân thiết nhất.

Được cứu sống trong gang tấc, hai chủ thuyền “choảng” không ngớt lời, đổ lỗi cho nhau, còn ông bình tĩnh: “Còn người, còn của”. Ông Lơi nhìn về phía biển trầm ngâm. Những người lính đi qua cuộc chiến, hiểu về thân phận con người hơn những người may mắn sinh ra trong hòa bình. Họ vị tha và nhân hậu hơn.

Thuyền đưa chúng tôi vào bờ an toàn sau 3 giờ lênh đênh trên biển. Tàu cập bến cũng là niềm hạnh phúc vỡ òa, đứa cháu ngoại 3 tuổi nắm tay ông ríu rít chạy quanh, tôi thấy lòng mình trào dâng bao niềm thương cảm.

Chợt nghĩ đến ca từ trong ca khúc “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến” “Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm. Cho hôm nay những gót chân son vui quanh dấu chân tròn”,

Dù phải đối mặt với bao khó khăn trong cuộc đời, người thương binh ấy vẫn hiên ngang như khi cầm súng ra trận. Ông đã chiến đấu vì tình yêu Tổ quốc thiêng liêng và hôm nay ông đang sống thật xứng đáng với những đồng đội của mình đã ngã xuống vì độc lập, tự do.

 

Bài, ảnh: A.KIỀU

 


CÁC TIN KHÁC
.