Người gõ chữ thuê xuyên hai thế kỷ

06:06, 02/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm giữa trung tâm thành phố Quảng Ngãi sôi động hiện vẫn còn một cửa tiệm với tấm biển hiệu ghi “Nhận đánh máy chữ”. Chủ cửa tiệm này là cụ ông Trương Vui (83 tuổi), người đã gắn bó với nghề gõ chữ thuê gần 60 năm nay.

Lọt thỏm giữa những cửa hàng kinh doanh ẩm thực, quần áo... sầm uất, ồn ào trên đường Nguyễn Bá Loan, tấm biển hiệu về một nghề đã quá cổ điển ấy bỗng trở nên chơ vơ, lạc lõng. Thi thoảng mới có người đến thuê gõ chữ, dù vậy cụ Vui vẫn cứ vui với nghề.

Một thời hoàng kim

Giữa cái nắng bỏng rát của những ngày đầu hạ, hàn huyên chuyện nghề, ông Vui bồi hồi: “Nếu lùi lại khoảng 30 năm về trước, tôi chẳng có thời gian ngồi uống nước trà như thế này đâu. Vì thời đó, máy vi tính rồi máy photocopy chưa xuất hiện nhan nhản như bây giờ, nên công việc của chúng tôi bận rộn lắm. Từ các loại giấy tờ của cơ quan Nhà nước, nhất là các giấy tờ nhà đất của Sở Xây dựng, rồi giấy khai sinh, giấy phép, di chúc, điếu văn, đơn thư... Thậm chí, các giấy tờ cần sao y bản chính, mọi người cũng đều tìm đến cửa hiệu này”.

Nghề đánh máy chữ của ông Vui giờ đã là nghề
Nghề đánh máy chữ của ông Vui giờ đã là nghề "cổ", lạc lõng giữa nhịp sống hiện đại.


“Hồi xưa, cả Quảng Ngãi này, chỉ có ông Vui, rồi ông Quảng Ba, Võ Quang Tri và cửa hàng Ngày Nam ở thị xã Quảng Ngãi là nhận đánh chữ. Thành thử, dù ở xa cách mấy, nhưng chúng tôi cũng đều lặn lội ra thị xã, nhờ mấy ổng đánh chữ giùm”,  ông Lê Quang, quê ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), người từng là khách hàng “ruột” của ông Vui hồi tưởng lại quãng thời gian thuê người đánh chữ.
 

Nghề lưu lại “dấu vết" thời gian

Những mẫu giấy tờ mà ông Vui nhận gõ thuê ngày xưa giờ đã ố vàng, nhưng ông Vui vẫn gắng gìn giữ.
Những mẫu giấy tờ mà ông Vui nhận gõ thuê ngày xưa giờ đã ố vàng, nhưng ông Vui vẫn gắng gìn giữ.

Lần giở những mẫu đơn thư giờ đã ố vàng mà ông từng gõ thuê cho khách hàng những năm 1980, 1990, ông Vui bảo: “Tôi lưu giữ hết thảy những thứ gắn bó với nghề mình để những lúc rảnh rỗi, có thể mở ra xem lại. Như lá đơn xin xác nhận sinh con không có giấy hôn thú... từ năm 1995. Giờ đọc lại, có thể sẽ thấy nó không còn hợp thời, nhưng đó chính là lịch sử”...

Nghề này thịnh đến nỗi, năm 1992, ông Vui không ngần ngại bỏ ra 420 nghìn đồng, một khoản tiền không nhỏ vào lúc bấy giờ, để làm giấy kinh doanh hẳn hoi, dù thời đó tinh thần khởi nghiệp không “sục sôi” như bây giờ. Nhắc lại chuyện này, ông Vui từ tốn bảo, hồi đó không đăng ký kinh doanh cũng chẳng sao, chả ai ép, mấy nghề “vặt” như mình chả ai làm cả, nhưng tôi làm giấy phép cho đàng hoàng, vì trân trọng nghề gõ chữ thuê mà tôi đã chọn”.

Lần giở lại những mẫu đơn bằng tiếng Pháp, tiếng Anh mà đến giờ mình vẫn còn lưu giữ, ông Vui hóm hỉnh bảo: “Người làm nghề gõ chữ đa năng lắm, đôi khi biến thành nhà phiên dịch, rồi nhà thơ, nhà văn “bất đắc dĩ” lúc nào không hay. Nhiều khách hàng tìm đến cửa hàng, chỉ kể lại câu chuyện bằng lời nói, rồi nhờ mình viết lại bằng câu chữ, nên mình phải diễn đạt sao cho đúng ý người ta.

Cũng có khách tự viết tiếng Việt, rồi nhờ mình dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, hoặc ngược lại. Thành thử, làm nghề này, tôi vừa trau dồi thêm vốn tiếng Pháp, vừa cần mẫn học thêm tiếng Anh, nhưng thi thoảng vẫn phải nhờ ông bạn giỏi tiếng Anh dịch giùm”.

Không ngừng học hỏi và cần mẫn với nghề, nên cửa hàng của ông Trương Vui ngày ấy lúc nào cũng đông khách tìm đến. “Có hôm, tôi phải mang máy lên gác xếp ngồi gõ xuyên đêm để vợ con khỏi thức giấc vì tiếng gõ lộc cộc. Gõ kín 5 - 6 tờ giấy A4, tôi kiếm được 3.000 đồng. Cứ thế, nhờ vào nghề gõ chữ, mà ngày ấy, tôi nuôi được cả thảy 10 người trong gia đình. Rồi cùng từ cái máy đánh chữ này, vợ chồng tôi có tiền cho con cái ăn học thành người”, ông Vui sờ soạn chiếc máy đánh chữ hoài niệm.

Bây giờ vắng bóng

Từng là một nghề hưng thịnh, nhưng từ năm 2000 trở về sau, khi máy tính xuất hiện, người ta ít sử dụng máy đánh chữ, thế là dần dà, những chiếc máy gõ chữ cổ điển dần rơi vào quên lãng.

Tiệm nhận đánh máy chữ của ông Trương Vui nằm lặng lẽ trên con phố Nguyễn Bá Loan (TP.Quảng Ngãi).
Tiệm nhận đánh máy chữ của ông Trương Vui nằm lặng lẽ trên con phố Nguyễn Bá Loan (TP.Quảng Ngãi).

 

“Bao lần người ta trả giá cao để mua lại hai cái máy đánh chữ của tôi, nhưng tôi nhất quyết không bán. Ribbon mực máy đánh chữ dùng lâu sẽ hết mực, nhưng giờ chẳng còn cửa hàng nào bán ribbon thay thế. Vậy là, tôi mài than đá hòa thành mực nhuộm vào ribbon để có thể tiếp tục giữ lấy nghề, dẫu nó là cái nghề đã không còn hợp thời nữa”.
Ông TRƯƠNG VUI

Khách thưa dần, rồi vắng hẳn. Những cửa hàng từng bán phụ kiện và nhận sửa chữa máy đánh chữ trong tỉnh, cũng lần lượt đóng cửa. Người từng gắn bó với nghề cũng lần lượt tản dạt đi làm nghề khác để mưu sinh. Duy, đến nay, chỉ còn lại ông Trương Vui, vẫn lặng lẽ giữ nghề. Bởi với ông, gõ chữ thuê không chỉ là nghề mưu sinh, mà đó còn là người bạn đồng hành đã theo ông gần trọn cuộc đời.

Hiếm hoi lắm mới có khách tìm đến nhờ gõ chữ, nhưng ngày ngày, ông Vui vẫn cặm cụi gõ chữ cho đỡ nhớ nghề. Tay không còn nhanh nhẹn như thời còn trai trẻ, mắt cũng đã mờ dần, nhưng hễ đặt tay lên máy gõ chữ, chạm vào giấy A4 và giấy than là ông Vui lại hào hứng, tươi vui đến lạ.

Ông gõ lại truyện ngắn “Mảnh trăng dễ vỡ” của Nguyễn Hồng Thái mà ông từng gõ những năm 90, ông tủm tỉm đọc lại mấy dòng ghi chú viết bằng tay “Lưu để học dùng cho đánh máy chữ” trên những trang đơn ố vàng, thời ông mới chập chững vào nghề.

Cứ thế, ngày qua ngày, dù cả con đường Nguyễn Bá Loan đông đúc hàng quán, chỉ có cửa tiệm đánh máy chữ của ông Vui thì vắng lặng, nhưng ông Vui vẫn lặng lẽ ở đấy thủy chung với nghề và tự tìm niềm vui của riêng mình. Cứ sau mỗi năm, ông đều cẩn thận sơn phết lại tấm biển hiệu trước nhà, để dòng chữ “Nhận đánh máy chữ...” lúc nào cũng tươi mới. Vừa sơn, ông vừa thả vào đó niềm hy vọng và hoài niệm về những ngày đã xa...



Bài, ảnh: Ý THU

 


CÁC TIN KHÁC
.