Lung linh tình mẹ, tình cha...

01:06, 23/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- "Có nhiều đêm trằn trọc, lo lắng giữa giấc ngủ không thành, nhắm mắt lại rồi phải bật dậy ngay. Thức trắng cả đêm, nhưng sáng ra gặp con lại cười tươi động viên con cố gắng lên. Mình là điểm tựa cho con mà". Tôi đã bắt gặp những trải lòng như vậy.

Họ là "người thắp lửa gia đình", để cho những ngôi nhà nhỏ luôn ấm áp mỗi ngày. Họ đã tiếp thêm niềm tin cho những người con tật nguyền đi qua những con dốc cuộc đời. Những tấm lòng bình dị ấy đã và đang viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

"Sẩy mẹ bú dì!"

“Dì ơi, con về rồi đây”, giữa trưa hè nghe tiếng gọi, bà Trần Thị Kiểm (72 tuổi) đang ngoài vườn vội vào nhà. Đưa tay dìu dì lên bậc tam cấp, cô sinh viên Trần Thị Ngọc Thanh (năm 2, khoa Sư phạm xã hội, Đại học Phạm Văn Đồng) tíu tít khoe với dì về những giấy khen mới nhận. Hai mái đầu với hai màu tóc ngồi kề bên nhau cùng chia vui trong căn nhà nhỏ ở thôn Quý Thiện, xã Phổ Khánh (Đức Phổ).

Như món quà động viên tinh thần lúc tuổi già, bà Kiểm mừng rỡ khi Thanh đạt thành tích cao trong học tập.
Như món quà động viên tinh thần lúc tuổi già, bà Kiểm mừng rỡ khi Thanh đạt thành tích cao trong học tập.


Cơn bão số 5 đã cuốn cha Thanh ra đi mãi mãi trong một chuyến biển. Đến bây giờ, Thanh vẫn chưa biết quê nội ở nơi nào. Thêm một nỗi đau lại đến, khi mẹ qua đời vì bệnh nặng. Thế là Thanh mồ côi cả cha lẫn mẹ ở cái tuổi nói chưa sõi, đi chưa vững. “Lúc đó có người muốn nhận Thanh về nuôi. Dì thì nghèo khổ, vất vả lắm, chỉ dựa vào mấy sào ruộng nuôi ba đứa con, nhưng nghĩ đến đứa cháu tội nghiệp, giá gì cũng phải dẫn về nuôi. Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì mà!...”, bà Kiểm xúc động kể về những tháng ngày Thanh còn nhỏ.

Như ươm mầm một chồi non yếu ớt vươn lên trong nghịch cảnh, nhiều lần bà Kiểm thủ thỉ, dặn dò các con của mình: “Dù các con có bị mẹ la rầy, thì các con vẫn còn mẹ nuôi dưỡng. Còn Thanh đã mất cả cha lẫn mẹ, nên các con phải san sẻ và yêu thương em, đừng để em tủi thân khi ở trong gia đình mình”. Những điều mà chỉ có tình yêu thương bao la của người dì và sự sâu sắc của tấm lòng người mẹ mới nhận ra. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ điều, nhưng tình thương của bà Kiểm dành cho đứa cháu vẫn đong đầy. Câu chuyện về người dì tận tâm chăm cháu mồ côi như giọt nước mát lành giữa miền đất trắng bạc màu.

Thanh mỗi ngày một lớn. Những gánh nặng về cuộc sống, học hành cũng tăng dần theo. Những vụ mùa, hoa màu trên vùng đất khô cằn không đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày. Vậy là, dù sống hơn nửa cuộc đời ở vùng quê, chưa đi xa lần nào, bà Kiểm lúc đó đã hơn 60 tuổi vẫn quyết định theo hàng xóm vào TP.Hồ Chí Minh bán vé số, dù nhiều người khuyên bà Kiểm nên ở nhà nghỉ ngơi. “Nghĩ đến mấy đứa con của dì, vì hoàn cảnh khó khăn, nên học hết cấp ba cũng nghỉ học để đi làm. Vì thế, khổ đến mấy, dì cũng phải ráng đi làm, để nuôi Thanh ăn học nên người”, bà Kiểm trải lòng.

Nhọc nhằn rong ruổi trên các con phố ở TP.Hồ Chí Minh với xấp vé số trên tay, dù đôi chân già mỏi mệt, nhưng cứ nghĩ tới đứa cháu, bà Kiểm như được tiếp thêm sức mạnh. Mỗi dịp Tết về nhà, bà Kiểm đều cất công đi hỏi thăm việc học của Thanh. Nghe mọi người nói "Thanh chăm ngoan học giỏi", bà mừng thầm, rồi tiếp tục gắng gượng trên con đường mưu sinh. Bán vé số ở TP.Hồ Chí Minh chừng 5 - 6 năm, vì chân đau không đi xa được, bà Kiểm trở về quê lo công việc đồng áng.

Khi nghị lực được đánh thức, đã tạo nên sức mạnh tinh thần giúp Thanh vượt qua khó khăn. Nghĩ đến người dì chịu thương, chịu khó vì cháu lo toan, Thanh luôn phấn đấu đạt nhiều thành tích cao trong học tập, trong các hội thi và hoạt động Đoàn, Hội. Năm vừa rồi, Thanh vinh dự đại diện cho sinh viên toàn tỉnh nhận giải thưởng Sao Tháng Giêng do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng. Nhiều người trìu mến gọi Thanh là "nghị lực Sao Tháng Giêng mồ côi".

Cha là đôi chân của con

“Sinh ra mới một tháng con bị viêm phổi. Điều trị đến khi con 14 tháng, vợ chồng tôi quyết định đưa con vào TP.Hồ Chí Minh chữa trị. Gom hết tiền bán heo, bò, vợ chồng đưa con đến khắp các bệnh viện từ Hòa Hảo, Nhi Đồng 2 rồi qua Chỉnh hình, đến Bệnh viện 115. Rồi bồng con về Đà Nẵng, ôm ngược ra Huế. Còn nước còn tát, vay mượn khắp nơi, nghe người ta chỉ chỗ nào, lại ôm con đến chữa bệnh. Nhiều lúc hai vợ chồng mệt quá, tưởng chừng như không còn đủ sức chạy chữa. Niềm tin để bám víu chỉ là hy vọng vào tương lai cho con”..., ông Lương Bá Huynh ở thôn La Hà 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) kể. Thế nhưng, bao nhiêu hy vọng của ông Huynh lại bị dập tắt, khi bác sĩ (kể cả chuyên gia nước ngoài) thông báo kết quả cậu con trai Lương Bá Hiệp bị liệt tứ chi bẩm sinh.

Không thể chữa trị được cho con, ông Huynh gói nỗi buồn sâu thẳm vào lòng. “Không mắc việc thì thôi, nghỉ tay nhìn con, nhiều lúc tôi không hiểu sao mình phải gánh chịu nỗi đau này. Nhưng nhìn tới nhìn lui, tôi tự an ủi con vẫn lành lặn hơn nhiều người khác, rồi lại tự động viên chính mình. Đến khi con lớn một chút, nhiều lần con buồn hỏi, cha ơi, sao con không đi lại được như bạn bè là tôi lại rớt nước mắt. Thế nào rồi đêm ấy, tôi cũng thức trắng suy nghĩ”, ông Huynh bộc bạch.

Con không đi được thì cha nguyện là đôi chân cho con. Đó là câu chuyện cảm động về tình cha con của ông Lương Bá Huynh, ở thôn La Hà 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa).
Con không đi được thì cha nguyện là đôi chân cho con. Đó là câu chuyện cảm động về tình cha con của ông Lương Bá Huynh, ở thôn La Hà 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa).


Không đầu hàng số phận, ông Huynh lại "làm đôi chân cho con". Hiệp đến trường, ông Huynh cũng đến trường theo. Mỗi ngày vừa lo công việc gia đình, ông Huynh lại đều đặn chở con đến trường, rồi cõng con vào lớp học.

Ngày trước, gia đình chưa có xe máy, người cha lam lũ cọc cạch cưỡi xe đạp hơn 3 cây số chở con đi học. Khi Hiệp biết viết, biết đọc chữ, những điều đơn giản đối với bất cứ một đứa trẻ nào lại trở thành niềm hạnh phúc to lớn đối với ông Huynh. Năm nay, Hiệp vào lớp 9. Con trai mỗi ngày một lớn, nặng hơn. Còn đôi vai ông Huynh cũng gầy theo năm tháng trĩu nặng những lo toan. Hiệp nói với cha, con hy vọng học lên cấp ba. Ông Huynh động viên con: "Còn sức khỏe, cha còn tiếp tục cõng con đến trường!".

Giơ bàn tay có những ngón đã co rút, Hiệp ngồi bên cha, mỉm cười hồn nhiên kể, trong tất cả các môn học Hiệp thích nhất là môn vẽ. Rồi Hiệp đưa ra cuốn vở tập vẽ của mình. Trong những nét vẽ ngây thơ về cảnh vật xung quanh, Hiệp chưa lần nào phác họa về người cha tần tảo. Có lẽ, đối với Hiệp, hình bóng và bờ vai của người cha quá đỗi lớn lao, mà chưa có nét bút nào có thể khắc họa nên.

Gieo những ước mơ

Sau cơn sốt thập tử nhất sinh lúc còn nhỏ, Lê Thị Hồng Yến (sinh năm 1984), ở phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi bị liệt. Chặng đường để Yến trở thành cô giáo dạy tiếng Anh phải trải qua đầy gian nan, vất vả với một cô bé không thể tự đi, tự cầm mọi vật. Song với bản lĩnh và nghị lực, Yến miệt mài tự học, để biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Đó là những thứ hai đầu tuần, bạn bè tập trung ra sân trường để chào cờ, còn Yến ngồi một mình giữa lớp học vắng tanh. Đó là những giờ tập thể dục sôi động, Yến vẫn ngồi trong lớp nhìn ra cửa sổ. Đó là những lúc chuyển cấp, cảm giác một mình lạc lõng giữa bạn lạ, trường mới... Ước mơ của Yến đã từng chông chênh bởi những khoảnh khắc ấy. Những lúc như vậy, chính cha mẹ là người đã sát cánh bên cạnh Yến, nắm tay con vượt qua những con dốc cuộc đời.

“Ba thường chở Yến sau xe, nhưng chính ba là người đã đứng sau lưng đẩy con mạnh mẽ đi về phía trước. Dù không thể hiện thành lời, nhưng ba vẫn cảm nhận nỗi buồn của Yến. Những lúc như vậy, ba lại đi mua sách về cho con đọc và gieo vào lòng Yến những động lực, để tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống. Còn mẹ thì chăm bẵm từng li từng tí, vun đắp cho con những ước mơ phía trước”, Yến tâm tình về gia đình mình.

Câu chuyện về cô giáo dạy tiếng Anh Lê Thị Hồng Yến đã truyền cảm hứng sống cho những mảnh đời bất hạnh. Nhìn Yến một mình điều khiển chiếc xe lăn lọt thỏm giữa dòng xe cộ trên đường phố ở TP.Quảng Ngãi tấp nập, tôi chợt nhớ đến câu nói: “Nếu cuộc sống trôi qua thật suông sẻ, chúng ta sẽ không hiểu được cuộc sống, không có được bản lĩnh, nghị lực như chúng ta cần phải có”. Và Yến là một người như vậy!

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


CÁC TIN KHÁC
.