Đắp đập cho nhịp đời sinh sôi

09:06, 10/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngăn mặn, giữ ngọt cho một dòng sông lớn là rất khó, nhưng còn khó hơn là biện pháp ngăn mặn thủ công. Vậy mà xã Bình Dương (Bình Sơn) đã ngăn dòng sông lớn -Trà Bồng, để cho con sông này bốn mùa ăm ắp nước ngọt, mùa hạ về vẫn cứ “soi tóc những hàng tre”.  

TIN LIÊN QUAN


Hơn nửa tháng qua, sau khi UBND tỉnh quyết định đầu tư 170 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đập ngăn mặn trên sông Trà Bồng thuộc xã Bình Dương, thay thế cho con đập thủ công, nhiều người dân nơi đây sau niềm vui là tiếc rẻ: Rồi đây, con đập thủ công mà nhiều thập niên gắn bó sẽ thành ký ức, thành hoài niệm.

“Choáng” với đề xuất ngăn sông

Đứng ở vùng Bờ Dương, thôn Đông Yên 2, nhìn về phía đông thấy con đập dài bắt ngang sông Trà Bồng nối hai xã Bình Dương - Bình Phước làm bằng cọc cây dương, bằng tre và bao cát, lão nông Trần Hùng bộc bạch: “Không tự hào sao được, bởi trước khi có đập bổi này, nhiều thế hệ dân Bình Dương bất lực trước sự  “mặn hóa” của dòng sông”.

Nói rồi ông khoát tay chỉ cánh rừng dương mọc trên những cồn cát giữa dòng sông, tiếp lời: “Chú mày biết không, 40 năm trước, các cồn Xóm, cồn Ký, cồn Đổ, cồn Ngao, cồn Đào, cồn Đối này mùa mưa lũ về nước dâng cao chẳng thấy bờ, nhưng mùa hạ đến thì phơi lưng trên cát...”.

Để ngăn nước mặn từ cửa biển Sa Cần ào lên, ở phía bắc cánh đồng Lò Vôi này dân đắp bờ bao bằng đất khá cao. Còn dọc phía đông nằm bên sông thì trổ những con đập, để mùa mưa lũ nước thoát ra sông, mùa khô thì chặn lại nhằm ngăn mặn. Sau Tết Đoan ngọ bà con mới cày đất lật cỏ làm một vụ lúa mùa đến tháng 10 thu hoạch.

 

Đập ngăn mặn xã Bình Dương (Bình Sơn).
Đập ngăn mặn xã Bình Dương (Bình Sơn).

 

Nhưng rồi gặp năm khô hạn, nước sông Trà Bồng xuống thấp, nước mặn theo cửa biển Sa Cần ngược dòng sông hơn 10 cây số, lên tận cầu Châu Ổ. Cây lúa trên đồng đang tươi tốt bỗng héo hon, còn bà con thì nháo nhác bởi giếng nước nhiễm mặn không sử dụng được, nên sớm tối cứ  nối đuôi nhau quảy thùng đi vét nước ở những giếng cạn giữa làng.

Cũng chính vì vậy trước đây, nói đến xã Bình Dương là nói đến nghề biển. Nhà thơ Tế Hanh cũng chỉ đề cập làng quê Bình Dương dấu yêu của mình “cách biển nửa ngày sông”, về “dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá” (Quê hương), chứ đâu nói đến nghề nông thì cực khổ trăm bề, lão nông Trần Hùng kể.

Nhưng rồi, đến năm 1978, Bình Dương quyết định ngăn sông. Giám đốc HTXNN Bình Dương Bạch Hùng, kể: Hồi đó, chú Liên (tức ông Lê Ngọc Liên làm Chủ tịch UBND xã Bình Dương) vốn đi tập kết, từng sống ở ở huyện Tiên Lữ, Hải Hưng, nơi có hệ thống thủy lợi Bắc – Hưng – Hải lớn nhất miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, đã mạnh dạn đề xuất làm đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt cho sông Trà Bồng.

Đề xuất này, không những làm những lãnh đạo của huyện mà cả lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình cũng “choáng”. Bởi sông Trà Bồng là một trong bốn sông lớn ở Quảng Ngãi. Nếu suy rộng ra, cả vùng Trung Trung Bộ, gồm các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú có nơi nào làm thế đâu? Nhưng rồi thấy dân tình khổ quá, tỉnh cũng... "gật đầu”.


Huy động toàn lực đắp đập


Nguyên Chủ nhiệm HTXNN Bình Dương Võ Tấn Đại những năm 1978 làm đội trưởng Đội sản xuất số 6, thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương kể lại: “Dân trong xã nhiều đời đã thấm thía cái cảnh nhiễm mặn, nên nghe đắp đập ngăn sông thau chua, rửa mặn là phấn khởi lắm”. Ngay tức thì, xã huy động toàn lực người dân thôn Đông Yên và Mỹ Huệ, chia làm 3 nhóm, nhóm buổi sáng, buổi chiều và cả nhóm làm ca đêm. Riêng đội đóng cọc trên 30 thanh niên biết bơi lội giỏi, do ông Liên trực tiếp chỉ huy.

Rồi tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1978), đội đóng cọc bơi thuyền ra sông đưa những cọc gỗ dài khoảng 10m đóng xuống lòng sông. Ông Đại kể: “Dưới sông toàn cát. Cây cọc đóng xuống cứ nảy lên, rồi nghiêng ngả, anh em phải đóng đi đóng lại khá nhiều lần.

Thế rồi, hai hàng cọc chính cũng đóng được xuống sông với khoảng cách chiều ngang giữa hai hàng cọc chừng mười mét. Sau đó, họ dùng những đoạn tre dài buộc ngang, nối giữa những hàng cọc (thành róng) và cắm thêm những cột chính xuống dòng sông.

Tiếp theo sau một nhóm thợ khác bơi xuống sông, cột những tấm mành tre chắn nước vào những bờ cọc, dùng lá dừa nước đánh thành tấm cột vào bên trong những tấm mành không cho nước tràn qua”.

Cũng những ngày đó trên sông tấp nập ghe. Bà con chèo ghe đến những cồn cát ven sông, đào lấy đất cát và cỏ da đưa lên thuyền rồi chèo vào đổ xuống bờ đập. Cứ hết tốp này đến tốp khác tranh thủ làm từ sáng cho tới tận đêm khuya.

“Nhưng khó nhất là lúc hàn khẩu, nước dâng cao và chảy rợn người. Nhóm thanh niên lặn xuống đáy sông, đặt từng bao dưới chân đập. Sơ suất một chút là nước cuốn vào chân đập mất mạng như chơi”, anh Võ Đình Toàn, nhiều năm làm đội trưởng đội đóng cọc kể.

 

Những cồn bãi ven sông Trà Bồng được trồng dương, để lấy thân làm đập.
Những cồn bãi ven sông Trà Bồng được trồng dương, để lấy thân làm đập.

 

Nửa tháng trời huy động toàn lực, rồi bờ đập chính nối liền cánh đồng Lò Vôi ra cồn Giữa cũng thành hình. Bà con tiếp tục làm con đập nối Bình Dương – Bình Phước, Bình Dương - Bình Nguyên. “Tính ra, để làm ba bờ đập có tổng chiều dài 255m, phải tốn 4.500 cọc, 2.000 đoạn tre dài bắt ngang (gọi là róng tre) 1.500 cây chống bờ, 800 tấm phênh, 3.000 tấm mên (làm bằng lá dừa nước), 300 cây tre mỡ để chẻ lạt và 12.000 công làm trong 45 ngày liên tục mới đắp xong 3 con đập ngăn mặn trên sông Trà Bồng”, ông Võ Tấn Đại nhớ lại.

 
Cho nhịp đời sinh sôi

Con đập đất ngăn sông Trà Bồng “kỳ vĩ” ấy đâu phải làm nên là xong,mà cứ mỗi năm đến mùa mưa

Với dự án đầu tư 170 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đê ngăn mặn trên sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn mà nhất là xã Bình Dương không còn cảnh mỗi năm phải đắp đập và lo lắng mỗi khi lũ tiểu mãn xuất hiện. Tuy vậy, công trình đập bổi ngăn sông Trà Bồng được thực hiện từ năm 1978 đến nay là sự nỗ lực sáng tạo của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Bình Sơn và xã Bình Dương trong việc chỉnh trị dòng sông, thau chua rửa mặn, đưa nước lên đồng, đáp ứng cho sản xuất và đời sống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn NGUYỄN QUANG TRUNG

bão, nước sông sắp cuồn cuộn đổ về là dân Bình Dương phải kéo nhau ra sông tháo đập, vớt những trụ chống để đắp lại con đập trong năm sau. Còn hằng năm khi lũ tiểu mãn về, con nước sông Trà ào ạt chảy, phá vỡ đoạn đập nào đó là vài ngày sau, dân trong vùng phải tiến hành xử lý ngay, để sông không nhiễm mặn.

Cũng từ đó, dân Bình Dương trồng phi lao trên các cồn cát, bảo vệ rừng dừa nước ở xứ Đồng Min, rồi cùng nhau trồng thêm tre dọc ven sông để có vật dụng tại chỗ mà làm đập, nên những cánh rừng ở Bình Dương từ đó cũng trở nên xanh hơn.

Cũng từ ngày có con đập, dòng sông Trà Bồng được thau chua, rửa mặn. Đám trẻ trong làng như “Bầy chim non bơi lội trên sông” (Nhớ con sông quê hương- Tế Hanh) cũng tiếp tục bơi lội trên sông, nhưng không còn phải bơi trong dòng nước lợ nữa mà bơi trong dòng sông ngọt mát hiền hòa.

Hàng vạn hộ dân ở thị trấn Châu Ổ, xã Bình Trung, Bình Nguyên, Bình Thới không còn lo mỗi mùa sông cạn giếng nước bị nhiễm mặn nữa. Còn ở xã Bình Dương liên tiếp đón những mùa vui.

Nguyên Chủ nhiệm HTX NN Võ Tấn Đại, cho hay: Nhờ đắp đập ngăn sông nên 640ha đất sản xuất trong vùng luôn đảm bảo nguồn nước tưới, trong đó xã Bình Dương có 380ha đất sản xuất 2 vụ/năm. Thời kỳ chưa đắp đập sản lượng lương thực của Bình Dương chỉ khoảng 400 tấn/ năm, thì bây giờ đã đạt 3.200 tấn/năm.

Cũng nhờ có nguồn nước nên dân chuyển đổi khoảng 120ha đất lúa sang trồng ớt, bí đao, như năm ngoái tính ra một hécta thu về không dưới 250 triệu đồng. Cũng từ ngày đắp đập ngăn sông Trà Bồng, Bình Dương - một xã từ lâu sống bằng nghề biển là chính, nay chuyển sang thế mạnh là sản xuất nông nghiệp. Làm ăn có hiệu quả, nên bà con có điều kiện đóng góp tiền của xây dựng quê hương. Năm 2014, Bình Dương trở thành xã đầu tiên của Quảng Ngãi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

 “Chuyên gia” đắp đập

Cách đây 8 năm, khi tỉnh Quảng Nam biết dân Bình Dương dùng phương pháp thủ công mà làm đập ngăn sông đã đề nghị ông Võ Tấn Đại cùng đoàn “chuyên gia nông dân" ra giúp ngăn mặn cho một nhánh sông ở hạ lưu sông Thu Bồn. Ông Đại kể: “Cái đoàn chuyên gia nông dân” của tụi tôi khá buồn cười. Chúng tôi “đồn trú” ở khách sạn, cơm nước có người bưng dọn sẵn, nhưng  ngày ngày đám “chuyên gia” cứ việc đánh lưng trần lặn sâu dưới nước, tính toán rồi cắm cọc dưới dòng sông”.

 

Bài, ảnh: CẨM THƯ

 


CÁC TIN KHÁC
.