"Ai về mua nón chợ Đình"...

08:06, 29/06/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Đã từng gắn bó với các nghề này hơn hai phần ba cuộc đời, chưa phút giây nào bà Xí nguôi ngoai kí ức về làng xưa, nghề cũ. “Ai về mua nón chợ Đình?”. Chiếc nón lá chợ Đình đã đi vào thơ ca,  được nhiều người biết đến.

TIN LIÊN QUAN


Nhớ thời bán nón mua ruộng


Tôi phải hỏi lần nữa vì sợ tai nghe nhầm, nhưng bà Bùi Thị Xí (71 tuổi), ở xóm Khánh Tượng, thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) vẫn nhắc đi nhắc lại thời ấy nhà nào cũng có 5 đến 6 người chằm nón, chưa đầy một tuần, bán một cây nón (10 chục nón) đủ mua một sào ruộng. Đấy là vào thập niên 60 của thế kỷ 20, là thời kỳ “hoàng kim”, hưng thịnh nhất của nghề chằm nón ở Tịnh Bình.

Đã từng gắn bó với các nghề này hơn hai phần ba cuộc đời, chưa phút giây nào bà Xí nguôi ngoai kí ức về làng xưa, nghề cũ. “Ai về mua nón chợ Đình?”. Chiếc nón lá chợ Đình đã đi vào thơ ca, lịch sử được nhiều người biết đến.

 

Bà Xí, người duy nhất còn giữ nghề chằm nón ở Tịnh Bình.
Bà Xí, người duy nhất còn giữ nghề chằm nón ở Tịnh Bình.

 

Ngậm ngùi kể về nghề xưa, bà Xí bảo rằng, cũng như bao cô gái trong làng thời ấy, 10 tuổi đã khâu kim giúp mẹ, bà tự tay chằm nón từ khi tuổi trăng tròn. Không biết nghề chằm nón ở Tịnh Bình có từ bao giờ, từ thuở lên năm đã thấy nhà nào cũng phơi nón đầy sân.

Ngày làm ruộng đêm làm nón. Khi màn đêm buông xuống, dưới những ngọn leo lét, các bà, các mẹ, các chị mang khung nón ra sân khâu kim, chằm nón, vừa hát hố, hát đối, pha trò. Không chỉ chị em phụ nữ chằm nón mà lớp thanh niên trai tráng cũng tập tành làm nón.

Thời quê hương, đất nước trong cảnh loạn lạc, người thợ chằm nón di tản đó đây nhưng vẫn mang theo khung, lá nón để nuôi sống bản thân. Mỗi khi nghe tiếng súng nổ, tiếng bom đạn, nhà nhà, người người vội vã tắt đèn, chui xuống hầm. Đợi tiếng súng, tiếng bom lắng xuống, mọi người lại thoăn thoắt đường kim, mối chỉ.

Theo bà Xí, ngày đó dù nghèo đến mấy thì trước lễ cưới cha mẹ cũng cố sắm cho con gái cái nón quay nhung mang theo ngày về nhà chồng. Ai cũng đội nón nên nón lá chợ Đình đắt hàng đến mức không bán lẻ, chỉ bán sỉ. Thương lái đến từng hộ gia đình đặt hàng, ứng tiền trước. Cảnh "trăm người bán, vạn người mua” rôm rả từ làng trên đến xóm dưới.  

 

Nghề chằm nón đòi hỏi phải tỉ mỉ qua nhiều công đoạn.


Cứ đời trước truyền lại cho đời sau, nghề chằm nón duy trì đến đầu những năm 2000. Tiếc thay cùng với sự phát triển rầm rộ của phong trào trồng cây keo lá tràm khiến diện tích lá đuông làm nón ở các huyện miền núi như Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà eo hẹp dần rồi xóa sổ. Nghề chằm nón đìu hiu, người làng nón phải bỏ làng bôn ba đi khắp nơi làm ăn.

Âm thầm giữ hồn

Những tưởng thời gian và cuộc sống hiện đại sẽ làm nghề chằm nón chỉ còn là dĩ vãng, thế nhưng bà Xí vẫn đang âm thầm “giữ hồn” nón lá chợ Đình. Cả làng chỉ còn độc nhất bà Xí còn giữ cái nghề vang danh khắp một thời.

Các nghề truyền thống khác bí đầu ra nên bị xóa sổ còn nghề chằm nón tuy nhu cầu sử dụng giảm nhiều so với thời hưng thịnh, nhưng vẫn có thể sống khỏe, vì nhà nông vẫn đội nón để đi ruộng, làm đồng, đi chợ, làm những công việc dưới trời nắng.

Bà Xí tâm sự: “Tiếc là nguồn lá nón giờ khó tìm. Nón lá bán ở chợ Đình là nón các  tiểu thương mua từ các nơi khác. Mỗi năm tôi chỉ mua được vài trăm lá, chằm được vài chục chiếc nhờ bà con ở xóm làng đi buôn bán, làm ăn ở Huế, Bình Định mua giúp lá nón gửi về, vì biết tôi còn giữ nghề chằm nón”.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng những chiếc nón tự tay bà Xí chằm ra vẫn giữ nguyên vẹn các nét đặc trưng của nón lá chợ Đình. Chiếc nón lá mượt mà và chắc chắn.

 

Nón lá chợ Đình vừa bền vừa đẹp.



Để có được một chiếc nón vừa đẹp, vừa bền, vừa nhẹ, mềm mại phải qua rất nhiều bước cầu kỳ, tất cả đều cần sự khéo léo và tỉ mỉ. Đầu tiên là cho lá xuống cát đạp cho chín là mang phơi nắng, ủi lá.

Một chiếc nón phải chằm ba lớp lá. Hai lớp ngoài lá non, lớp trong lót lá già, đặt lá lên kèo rồi bắt lá, chắp lá, chắp lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp lá già, cuối cùng là chắp lớp lá bên ngoài, dùng kim khâu sợi cước cho thật đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải, không quá gần mà cũng không quá xa để cố định chiếc nón.

Khi chiếc nón thành hình, cắt bỏ phần lá thừa, chần hai vành tuyến cuối cùng. Bên trong chiếc nón còn trang trí bằng chỉ thêu để tăng thêm nét đẹp, duyên dáng cho chiếc nón. Để nón thật bền, dùng lâu, chống thấm nước, giữ được màu xanh- trắng tự nhiên, bà Xí phủ mặt ngoài mặt nón nhiều lớp dầu rái.

Nghề chằm nón vốn ít, chỉ dựa vào sự khéo tay, tranh thủ được thời gian nhàn rỗi. Hiện nay, mỗi chiếc nón được bán với giá 20.000 - 80.000 đồng, tùy theo nón chợ hay đón đặt.

Dù nguồn thu nhập từ nghề chằm nón chẳng đáng là bao, nhưng bà Xí vẫn chăm chú theo từng đường khâu mối chỉ với vành nón trắng nghiêng nghiêng. Ước mong của bà là một ngày nào đó, làng nón Tịnh Bình sẽ hồi sinh và được lưu truyền qua mỗi thế hệ con cháu của làng.


Bài, ảnh: A.KIỀU

 


CÁC TIN KHÁC
.