Người thợ rèn của quân du kích

03:09, 01/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ mỗi độ thu về, nghe bài hát Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao qua sóng đài phát thanh: “Bao chiến sĩ anh hùng/ Lạnh lùng vung gươm ra sa trường...”, cụ Huỳnh Văn Thanh, ở xã Ba Động (Ba Tơ) thấy lòng nao nao, nhớ một thời tuổi trẻ. Thời đó, theo mệnh lệnh của cấp trên,  bất kể ngày đêm, mưa nắng, bên bếp lò, ông mải miết rèn dao bảy, rèn gươm cho Đội du kích Ba Tơ anh hùng, góp phần làm nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám -1945...

Đã 90 tuổi, người lúc nhớ, lúc quên, nhưng khi hỏi về chuyện rèn kiếm, rèn dao cho quân du kích, đôi mắt cụ Thanh sáng rực và giọng nói thật sôi nổi: “Chú mày biết không, dao bảy, kiếm rèn từ mảnh bom còn sắc bén hơn cả thanh tà vẹt đường ray. Chém một nhát cái cây bằng bắp tay đổ ào với vết chém sắc lẹm, chẳng khác gì kiếm Nhật. Có rèn được như vậy, anh em mới tin, mới trao cho cái biệt danh là anh Thanh “rèn”.

“Dao bảy, kiếm Nhật” đều rèn tuốt

Cụ Thanh quê ở Mộ Đức. Từ hồi thiếu niên, theo cha lên vùng Bằng Chai (nay thuộc xã Ba Thành) rèn dao, rựa bán cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời thợ rèn, cứ thế trôi đi... Nhưng rồi, có hôm, những người trên vùng huyện lỵ Ba Tơ xuống mua dao rựa, lưỡi giáo, mác hóng chuyện: Những người  “an trí” ở Ba Tơ kiên cường lắm. Bị Pháp giam trong tù ngục, mãn hạn đưa về đây để quản thúc, nhưng họ vẫn “gan không núng, chí không sờn...”. Anh thanh niên Huỳnh Văn Thanh nghĩ: Biết đâu đó, sẽ có một ngày những người “an trí” sẽ nổi dậy, sẽ vùng lên.

Núi Cao Muôn- nơi đội du kích Ba Tơ lập căn cứ, nơi dao bảy, gươm của ông Thanh “ rèn” được chuyển lên trang bị cho quân du kích.     ẢNH: CẨM THƯ
Núi Cao Muôn- nơi đội du kích Ba Tơ lập căn cứ, nơi dao bảy, gươm của ông Thanh “ rèn” được chuyển lên trang bị cho quân du kích. ẢNH: CẨM THƯ


Rồi sự phỏng đoán ấy đã diễn ra. Đêm 11.3.1945, những người tù An trí ở châu lỵ Ba Tơ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã cùng với quần chúng tự vũ trang bằng giáo mác, cung tên kéo về huyện lỵ, nổ súng thị uy chiếm Nha kiểm lý, đồn Ba Tơ. Trong tiếng trống, tiếng tù và thổi vang, trong lập lòe ánh đuốc, cả một rừng gươm dao, giáo mác tua tủa bên những khẩu súng Mút vừa cướp được từ tay địch đã làm kẻ thù tê liệt. Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng giành thắng lợi hoàn toàn.  
 

 

Cụ Huỳnh Văn Thanh, người thợ rèn của quân du kích.   ẢNH: CẨM THƯ
Cụ Huỳnh Văn Thanh, người thợ rèn của quân du kích. ẢNH: CẨM THƯ
Ông Huỳnh Văn Thanh là đảng viên 66 năm tuổi Đảng. Ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước khen tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, cùng nhiều bằng khen.

Khởi nghĩa thắng lợi, Đội du kích Ba Tơ được thành lập, tổ chức tuyên thệ bên dòng sông Liêng trong xanh, rồi thẳng tiến lên vùng núi Cao Muôn lập căn cứ. Người của đội du kích đã quay về đưa ông lên gặp ông Đôn, ông Kiệt. Ông Đôn vỗ vai ông nói: “Chú Thanh! Súng ống tước từ địch không nhiều. Do vậy, chú  phải cấp tốc rèn dao bảy, rèn kiếm để trang bị cho quân du kích”. Ông Thanh hiểu đó là mệnh lệnh, nên gật đầu ngay. Rồi ông Đôn hỏi thêm: Để làm được việc, chú cần gì? Ông bảo: Cần có sắt để rèn, có người để phụ thổi bếp lò.

Thế là từ đó, lò rèn của ông Thanh, bể thổi làm bằng gỗ mít buột chặt, cần đẩy cũng làm bằng gỗ quanh quấn vải cứ sáng rực ngày đêm. Sắt, miếng bom đã có người của quân du kích đưa tới. Qua đôi bàn tay khéo léo của ông đã biến nó thành dao bảy, thành gươm. Rèn xong là có ngay người đến bí mật chuyển đi. Rồi dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tướng Nguyễn Chánh, đội du kích Ba Tơ đã rời Cao Muôn tiến về trung châu thành lập Đại đội Phan Đình Phùng ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), còn Đại đội Hoàng Hoa Thám đóng trên núi Lớn, do tướng Nguyễn Đôn trực tiếp chỉ huy.

Theo yêu cầu của trên, ông Thanh khăn gói lên núi Lớn lập lò rèn. Biết quân du kích về núi Lớn, thanh niên từ các xã bí mật lên núi tòng quân. Quân càng đông, vũ khí càng nhiều, nên xưởng rèn được hình thành dưới sự trông coi của ông Thanh. Rồi hết miếng bom, từ vùng xuôi những thanh tà vẹt do anh em lột được chuyển lên qua công sức của người thợ biến thành dao bảy. Có hôm, ông Đôn đưa cho ông cây kiếm Nhật, bảo có làm được không? Ông Thanh nhận lấy rồi lại xắn tay rèn kiếm. “Cứ tôi tới, tôi lui cho thép thật già. Cây kiếm làm xong tui mang tới cho ông Đôn xem. Ông gật gù khen ngợi”- ông Thanh kể.

Theo chỉ đạo của tướng Nguyễn Đôn, lực lượng du kích trên núi Lớn phát triển thêm lực lượng du kích dự bị, nên việc rèn dao bảy càng phải nhanh hơn. “Chẳng biết xưởng rèn bao nhiêu cái, nhưng cứ làm ngày làm đêm. Rèn cho bén, rèn cho sắc để đáp ứng nhu cầu của quân du kích”- ông Thanh nhớ lại. Rồi ngày 14.8, cuộc khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra. Những người du kích với súng gươm, dao bảy đã tiến công các đồn địch, khống chế quân Nhật, để rồi tiến về tỉnh lỵ, lập nên chính quyền cách mạng. Ông Thanh càng vui, vì cái nghề rèn của mình đã góp công cho cách mạng.

Khó khăn vẫn cứ… rèn

Cách mạng Tháng Tám thành công, cũng theo yêu cầu của cấp trên, ông Thanh tiếp tục đời thợ rèn, để rèn dao bảy, rèn gươm cho lực lượng du kích, tự vệ ở huyện Nghĩa Minh. Rồi thực dân Pháp quay lại chiếm Nam Bộ, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Ông Thanh xin vào Đại đội 21 Huyện đội Ba Tơ, tham gia bảo vệ vùng giáp ranh với huyện Kon Tum.

 Giáo mác do xưởng rèn của ông Huỳnh Văn Thanh cung cấp cho Đội du kích Ba Tơ được trưng bày tại Bảo tàng Ba Tơ.                                                                     ẢNH: ht
Giáo mác do xưởng rèn của ông Huỳnh Văn Thanh cung cấp cho Đội du kích Ba Tơ được trưng bày tại Bảo tàng Ba Tơ. ẢNH: ht

Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông Thanh được tổ chức phân công ở lại bám trụ địa bàn. Nhưng cơ sở bị lộ, địch bắt tra tấn giam cầm ở Nhà lao Quảng Ngãi. Đến đầu năm 1958 khi địch thả về, ông Thanh tìm đường về quê, rồi tham gia ban tài mậu huyện Ba Tơ. Cấp trên bảo ông, cuộc chiến lâu dài cần phải đảm bảo vật lực cho kháng chiến, nên giao cho ông rèn cuốc, rèn liềm cho dân khai hoang sản xuất. Sắt thép lúc có người chuyển cho, lúc thì tự kiếm, nhưng ông Thanh cùng với anh em đội thợ vẫn cứ rèn cuốc, rèn liềm chuyển cho các đơn vị bộ đội và đồng bào dân tộc bám trụ sản xuất.

Địch biết chủ trương của quân ta là, cố gắng đảm bảo vật lực cho kháng chiến tại chỗ nên những đợt đánh ra vùng giải phóng chúng thường gom nông cụ của đồng bào và truy tìm các lò rèn. Thế là cái lò rèn của ông Thanh phải di chuyển nhiều nơi, lúc ở phía trong hồ Tôn Dung, lúc vào sát bìa núi, nhưng đêm ngày ngọn lửa vẫn đỏ, dao, rựa vẫn chuyển đều đều cho bộ đội, du kích và đồng bào vùng sản xuất.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, ông Thanh được bố trí làm cán bộ phòng công nghiệp huyện, rồi sau đó làm tổ trưởng trực tiếp phụ tránh lò rèn của Xí nghiệp vật liệu xây dựng huyện Ba Tơ. Cho mãi đến tháng 7.1981, ông về nghỉ hưu.

Nhà ông Thanh bây giờ ở cây số 17, thuộc thôn Tân Long Hạ, xã Ba Động (Ba Tơ) nằm trên trục Quốc lộ 24. “Nhiều năm trước, khi các thành viên của Đội du kích Ba Tơ, mà nhất là anh Đôn (trung tướng Nguyễn Đôn) về thăm huyện Ba Tơ lúc nào cũng ghé thăm. Anh Đôn nhắc lại chuyện xưa làm tui cũng bồi hồi. Ảnh làm chỉ huy, rồi làm tướng, còn tôi thì cả đời vẫn cứ anh thợ rèn, nhưng anh vẫn nhớ. Tui nghĩ, mình may mắn, nhờ có cách mạng, có quân du kích ra đời trong hoàn cảnh đầy khó khăn, nên cái nghề của mình mới hữu dụng, mới có điều kiện để đóng góp vào sự nghiệp chung của toàn dân tộc, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám oai hùng”- ông Thanh bộc bạch.

CẨM THƯ

 


CÁC TIN KHÁC
.