Lời vọng từ chiến khu xưa

06:09, 24/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mấy mươi năm trước, đá, núi cheo leo ở chiến khu Đồng Lớn (thôn An Điềm, xã Bình Chương, Bình Sơn) từng giúp quân và dân ta ngăn bước quân thù, thì nay, sau bao nhiêu năm hòa bình, chính địa hình hiểm trở ấy đã trở thành lực cản, khiến đời sống người dân vùng chiến khu xưa gặp không ít khó khăn...

Vang danh ngày trước

Người dân vùng chiến khu Đồng Lớn luôn tự hào về mảnh đất quê hương mình. Một vùng đất nằm lọt giữa các mạch núi hình vòng cung bao bọc xung quanh, lại gắn với núi rừng trùng điệp, nên ngay từ buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây đã là căn cứ của phong trào Văn Thân kháng Pháp. Rồi sau đó, là căn cứ của Đảng bộ huyện Bình Sơn.

Để có nước sản xuất, người dân Đồng Lớn chấp nhận bỏ tiền đào hồ chứa nước, nhưng chỉ tìm được lượng nước rất ít ỏi.
Để có nước sản xuất, người dân Đồng Lớn chấp nhận bỏ tiền đào hồ chứa nước, nhưng chỉ tìm được lượng nước rất ít ỏi.


Dẫn chúng tôi đi thăm các di tích gắn liền với vùng chiến khu quật cường, trưởng khu dân cư xóm 10, Đồng Lớn Nguyễn Văn Thanh bảo, mỗi hòn đá, khe suối nơi đây đều gắn liền với những bước thăng trầm lịch sử và đấu tranh của huyện nhà. Hang đá tự nhiên mang tên Chùa Hang nằm ở khe Cây Thị, phía đông giáp núi Vườn Hương, nam giáp núi rừng Tịnh Thọ, tây và bắc giáp miệng khe suối Cây Thị, là nơi diễn ra các cuộc họp của Huyện ủy và là nơi trú quân của bộ đội chủ lực trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau bao thăng trầm vẫn vẹn nguyên cùng thời gian. Khe suối Cây Thị, nơi ngày trước, từng in dấu chân của các cán bộ quân sự, du kích xã tập huấn luyện, để từ đó hình thành các đội tự vệ thôn, xã chuẩn bị cho khởi nghĩa tháng Tám thành công ở huyện nhà, giờ vẫn có nước mát chảy róc rách quanh năm...
 

Chờ đến bao giờ?

Năm 2010, UBND tỉnh đã có Quyết định 1519 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ĐT.622B từ Đồng Lớn đi Tịnh Trà, với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Nhưng rồi, đến năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 thì dự án bị tạm ngưng. Và từ đó, dự án “ngủ yên” cho đến nay. Cũng chính vì vậy, người dân Đồng Lớn rất mong ngóng và liên tục có ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại. Địa phương rất mong các ngành cấp trên xem xét, bố trí lại vốn để thực hiện dự án tạo thuận lợi cho đời sống, sản xuất của người dân ở vùng đất chiến khu xưa – Đồng Lớn.
Ông PHẠM VĂN HÙNG - Bí thư Đảng ủy xã Bình Chương

Vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc tự hào khi nhớ về những ngày kháng chiến quật cường, thương binh Thới Công Luận hồi tưởng: “Ngày đó, hễ ai sinh ra từ vùng đất chiến khu này cũng đều hăng hái tham gia cách mạng. Hễ ai còn sức chiến đấu thì chiến đấu, còn lại, đều tăng gia sản xuất, góp lương thực cho bộ đội. Khí thế của những ngày ấy lúc nào cũng đọng mãi trong trí nhớ của tôi”.

Cha của thương binh Thới Công Luận là liệt sĩ Thới Công Lẫm, anh trai Thới Công Tư cũng là liệt sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ. Vì vậy, khi hòa bình lập lại, dù Đồng Lớn được mệnh danh là vùng đất ba không: Không điện, không nước sản xuất, không đường, nhưng ông Luận vẫn bám  trụ lại nơi này. Bởi với ông, Đồng Lớn không chỉ là quê hương, mà còn có máu thịt của những người mà ông yêu thương...

Nhọc nhằn hôm nay

Chịu nhiều gian khổ để đồng hành cùng với cách mạng trong thời chiến, và thủy chung với vùng đất chiến khu mãi cho đến bây giờ, nhưng sau hơn 40 năm kể từ khi đất nước ngưng tiếng súng, người dân Đồng Lớn vẫn phải học cách sống chung với những thiếu thốn. “Cách đây hơn 10 năm, Đồng Lớn là vùng không đường, không điện, không nước. Giờ thì có điện rồi, nhưng đường sá, nước sản xuất thì chẳng thấy đâu?”, bà  Trần Thị Nga, 81 tuổi, trầm ngâm.

Đường về Đồng Lớn gập ghềnh toàn đá sỏi và dốc cao, khiến cuộc sống người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
Đường về Đồng Lớn gập ghềnh toàn đá sỏi và dốc cao, khiến cuộc sống người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

 

Thương binh Thới Công Luận, con trai Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Canh cho hay, “đường sá đi lại quá vất vả, khiến việc đi lại của chúng tôi khổ cực trăm bề, nhất là khi trong xóm có người đau ốm. Như cách đây 2 năm, lúc mẹ tôi còn sống, mẹ phát bệnh giữa đêm, nhưng tuổi cao sức yếu không chịu nổi cung đường giồng xóc thế này, nên chúng tôi phải dùng võng khiêng mẹ từ Đồng Lớn ra đường chính”

Đồng Lớn chỉ cách UBND xã Bình Chương hơn 1km, và cách tuyến đường Sông Trường – Bình Long – Trà Bồng chưa đến 1km, nhưng lại khá biệt lập với bên ngoài. Bởi, để về được Đồng Lớn, người dân phải vòng qua tuyến đường đất men theo núi Cà Ty lún lầy vào mùa mưa, gập ghềnh sỏi đá vào mùa nắng và 3 con dốc dựng đứng. Hơn 40 năm rời Tịnh Thọ về Đồng Lớn làm dâu, rồi sinh sống tại đây, bà Lê Thị Cảnh kể về nỗi vất vả của đời mình bằng nụ cười hóm hỉnh: “Lấy chồng ở đây, ngoài “lãi” thêm ông chồng và mấy đứa con, tôi còn được “tặng thêm” căn bệnh đau khớp. Bởi từ trước đến giờ, từ đi chợ mua thức ăn cho tới vận chuyển lúa đi xay xát, tôi đều dùng quang gánh và đi bộ, chứ đường đất đá lởm chởm và dốc cao chót vót thế này, chẳng mấy ai dám chở nặng bằng xe máy”.

Đường lớn không mở về Đồng Lớn, cũng khiến hành trình theo đuổi ước mơ đến trường của con em vùng chiến khu xưa trở nên chông gai. “Mùa nắng thì chúng tôi chở con đi học bằng xe máy. Còn mùa mưa, đường sá lầy lội, trơn trợt thì gắng gọi con dậy sớm rồi mẹ con cùng đi bộ. Chứ một bên là núi, một bên là vực, đâu dám để con đi xe đạp một mình. Cả xóm có nhiều trẻ nhỏ, nhưng lại chẳng có mấy chiếc xe đạp là vì thế”, chị Thới Thị Mai, một phụ huynh ở Đồng Lớn lý giải.

 Vụ hè thu, những ruộng lúa ở Đồng Lớn phải bỏ hoang vì thiếu nước và trở thành nơi chăn thả bò.
Vụ hè thu, những ruộng lúa ở Đồng Lớn phải bỏ hoang vì thiếu nước và trở thành nơi chăn thả bò.


Không chỉ vượt qua những khó khăn, vất vả vì thiếu đường kiên cố, để có thể bám trụ lại Đồng Lớn đến ngày hôm nay, 43 hộ dân, với 187 nhân khẩu ở Đồng Lớn còn phải tiết kiệm từng giọt nước để phục vụ sản xuất, nhằm giữ lại diện tích ruộng vốn đã ít ỏi. Nhưng rồi, họ cũng chỉ sản xuất được một vụ đông xuân, còn hè thu thì bỏ hoang ruộng lúa và dùng làm nơi chăn thả bò.

Không đành lòng sống chung mãi với khô hạn, anh Châu Phước Quang, ở Đồng Lớn vừa bỏ ra số tiền hơn 10 triệu đồng để đào hồ chứa nước ngay trong vườn nhà. Nhưng rồi, dù đã đào sâu hoắm, mà hồ vẫn cạn khô. Bần thần bên mớ đất cao lanh khô khốc vừa được múc lên từ hồ, nông dân trẻ Châu Phước Quang thở dài: “Không đường, không có cả nước sản xuất, không biết chúng tôi còn bám trụ lại đây bao lâu? Lẽ nào, phải rời mảnh đất này để ly hương?”

Bài, ảnh: Ý THU

 


CÁC TIN KHÁC
.