Ánh chớp hầu quyền

08:06, 04/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong thập đại hình tượng của môn Thiếu lâm thì con khỉ được xếp vào hàng thứ 9. Đó là rồng - rắn - hổ - báo - hạc - sư tử- voi - ngựa - khỉ - chim điểu hoặc gà. Năm 1992, sân vận động Diên Hồng ở Quảng Ngãi “nổi sóng” khi môn võ khỉ có tên là “Hầu quyền đạo” được du nhập bởi võ sư lừng danh Lưu Phước Quý. Học trò ruột của Lưu Phước Quý đã nhập môn này bằng một cuộc thử sức so găng thầy trò.

Xuất chiêu thử thầy


Vào một buổi chiều tháng 5 năm 1992, sân vận động Diên Hồng xuất hiện 2 võ sĩ (Huy, Nhân) đang tập võ thuật. Đòn thế mà các võ sinh đang thi triển rất biến ảo, mau lẹ, mang dáng dấp của một con khỉ tinh khôn đang né tránh đòn của đối thủ và tiến lên tấn công không ngừng. Sư phụ dạy cho 2 học trò là một thanh niên có vóc người thấp, gầy, khuôn mặt xương, ánh mắt rất tinh anh. Đó là võ sư Lưu Phước Quý. Môn võ mà ông đang truyền dạy cho 2 cậu học trò có tên gọi là “Hầu quyền đạo”.

Một thế thủ của Hầu quyền đạo được võ sĩ Hà Văn Phúc thi triển.
Một thế thủ của Hầu quyền đạo được võ sĩ Hà Văn Phúc thi triển.


Một võ sinh mặc đồng phục trắng xuất hiện gần đó và đứng nhìn không chớp mắt. Đó là võ sĩ Hà Văn Phúc, đệ tử nhất đẳng huyền đai môn taekwondo ở võ đường Tạ Tân. Sau này, võ sĩ Phúc thú nhận rằng, anh bị hút mắt vào những thế võ lạ của thầy trò Lưu Phước Quý. Một môn võ lạ, với bước tấn cực kỳ mau lẹ.

Võ sĩ Hà Văn Phúc nhớ lại, lúc đó võ sư Lưu Phước Quý dừng tay và đề nghị: “Em chắc là đang học môn taekwondo. Em có thể chất rất tốt, nếu có điều kiện thì học thêm môn Hầu quyền đạo”. Tôi liền trả lời: “Môn Hầu quyền đạo của thầy có thế võ gì hay và độc đáo mà mời em qua học”. Thầy Lưu Phước Quý bèn đề nghị bằng tiếng Huế: “Bây chừ thầy đứng trụ cho em đá thử. Đừng ngại, cứ tấn công ra đòn thoải mái, ra đòn mạnh. Em không bao giờ đá trúng thầy được. Nhưng khi thầy phản đòn thì em không đau đớn gì cả”.

Vậy là cuộc thử sức bắt đầu. Hà Văn Phúc là võ sĩ có những đòn đá bay, quét, xắn... rất lợi hại. Anh tấn công ngay bằng đòn đá phăng vào ngực võ sư Hầu quyền bằng chân phải. Hai cú đá tổng lực rất nhanh và gọn được tung ra. Về phần Lưu Phước Quý, ông nhìn thấu được đòn của đối phương từ lúc bàn chân vừa dạm nhấc lên khỏi mặt đất và phản đòn. Võ sĩ Phúc bị hất văng ra 5m.

Chỉ trong vòng một giây, võ sĩ Phúc nhận ra: “Đúng như thầy nói, mình bị phản đòn nhưng không hề bị thương tích đau đớn”. Toàn bộ sức lực được vận vào cú đá đều bị võ sư Lưu Phước Quý tước mất rồi mượn lực để quật ngã. “Hầu quyền quả thực là môn võ thuật lợi hại”-võ sĩ Phúc thầm nghĩ.
 

Triết lý của Hầu quyền đạo

Triết lý của Hầu quyền đạo cũng giống như môn triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long. Đó là triệt quyền của đối phương khi họ vừa tung đòn, đồng thời tấn công vào các vùng hiểm, đánh vào khớp xương để triệt toàn bộ sức mạnh của địch thủ trước khi tổ chức tấn công tổng lực để hạ gục họ. Với những bước tấn và thân pháp nhanh như gió, khi đối phương vừa nhấc chân lên khỏi mặt đất và chuẩn bị đá, võ sĩ Hầu quyền đã lách người, đảo hướng và bắt đầu tấn công đối phương từ một tuyến khác khiến họ trở tay không kịp.

Con khỉ tinh khôn

Từ sau buổi chiều so găng với thầy, võ sĩ Hà Văn Phúc xin sư phụ cho nghỉ học để chuyển sang thọ giáo thêm môn Hầu quyền. Hầu quyền đạo là môn võ thuật được mô phỏng dựa trên động tác kỹ thuật, thần thái của một con khỉ tinh khôn. Trong thập đại hình tượng của môn võ Thiếu lâm thì con khỉ được xếp vào hàng thứ 9. Nguồn gốc của phái võ Hầu quyền vẫn còn nhiều tranh cãi.

Tại Trung Quốc có môn võ Hầu quyền mang tên Đại Thánh bát quái môn. Ở Việt Nam có võ sư Trần Lâm là đệ tử chân truyền của Đại Thánh bát quái môn. Còn tại Thừa Thiên Huế, môn Hầu quyền có tên là Hồng phái hầu quyền đạo Việt Nam, do võ sư Hoàng Thành làm chưởng môn và võ sư Nguyễn Văn Anh làm phó chưởng môn, võ sư Tôn Thất Bình là trưởng tràng. Đặc trưng của môn phái là nhu nhuyễn âm kình, nguyên lý âm dương tương tế, dĩ nhu thắng cương.

Võ sư Lưu Phước Quý, quê ở Thừa Thiên Huế. Tên võ là Hồng Phước Quý. Ông đã học hết 18 bài của Hầu quyền Việt Nam, thi tam đẳng Hầu quyền. Ông được sư phụ truyền dạy tại núi Ngự Bình trong thời gian 10 năm. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao, Lưu Phước Quý vào Quảng Ngãi công tác tại Sở Thể dục thể thao. Khi mang Hầu quyền vào Quảng Ngãi, ông đã cải biên và pha thêm một số đòn thế mà ông học được từ môn Nhu đạo để góp phần làm tăng hiệu quả của đòn.  

Giới võ thuật Quảng Ngãi thời đó đánh giá, Lưu Phước Quý là một cao thủ. Dù chưa một lần so găng thi đấu, nhưng nhìn phong cách, phong thái và tốc độ ra đòn của võ sư Lưu Phước Quý, lúc còn sống, lão võ sư Ngô Bông từng cho rằng, “đòn thế biến hóa, ra đòn thần tốc như gió, mình vừa ra đòn thì họ đã nhập nội chạm vào người và bắt đầu đeo bám để tấn công. Rất hay!”.  

Trong hệ thống quyền pháp, bài quyền số 11 của Hầu quyền có rất nhiều động tác khó như: Nhún người lộn ngược ra sau lưng, đi quyền như múa, nhưng ẩn tàng nội lực ở điểm cuối của đòn phát ra. Chính nhờ các thế võ độc đáo này, võ sĩ Hầu quyền dù thân hình nhỏ bé nhưng có thể tấn công đánh quỵ võ sĩ to cao hơn mình gấp đôi.

Hầu quyền về với tổ sư

Vào thời điểm Hầu quyền đạo được truyền bá tại Quảng Ngãi đã thu hút rất nhiều học sinh đến học. Vào dịp nghỉ hè, hơn 400 học sinh đã có mặt tại sân vận động Diên Hồng để học Hầu quyền. Võ sinh ở nhiều võ đường tạm biệt thầy để chuyển sang học thêm võ Hầu quyền. Sức hút của môn võ này thực sự đáng nể. Trong số các võ sinh theo học Hầu quyền đạo, có những em nhà cách thị xã Quảng Ngãi 40km nhưng vẫn đạp xe đến sân tập.

Hầu quyền đạo bao gồm 24 bài quyền, võ sư Lưu Phước Quý là người đã học hết 18 bài và thi tam đẳng Hầu quyền. Lưu Phước Quý truyền dạy cho đệ tử, nhất là võ sĩ Hà Văn Phúc 11 bài. Võ sĩ Hà Văn Phúc có thâm niên hàng chục năm học môn võ taekwondo nên có nền tảng võ thuật sẵn. Từ kiến thức đã học, anh chuyển qua học Hầu quyền và lĩnh hội nhanh chóng hơn các đồng môn. Theo anh thì càng học nhiều thì thấy Hầu quyền đạo có nhiều cái hay, với phương pháp chiến đấu bằng cách tránh né - dồn ép - ra đòn. Võ sinh Hầu quyền đạo khi học lên cao thì được học 3 bài binh khí và một bài nội công.

 Hai thầy trò chụp ảnh lưu niệm Lưu Phước Quý (bên phải).
Hai thầy trò chụp ảnh lưu niệm Lưu Phước Quý (bên phải).


Cứ mỗi đợt võ đường Hầu quyền tổ chức cho các võ sinh thi đấu lên đai, võ sư Ngô Bông và Tấn Tương Lai lại được mời đến dự. Lão võ sư Ngô Bông mỗi lần đến võ đường đều gật gù tỏ vẻ ưng ý khi chứng kiến các võ sinh Hầu quyền không cần sử dụng nhiều lực, luôn sử dụng lực xoáy của hông và vai nên tăng sức nặng ra đòn. Các võ sĩ thể hiện công phu bằng dùng tay chặt gãy 5 viên gạch. Cả võ đường hừng hực tinh thần thượng võ.  

Năm 2003, Lưu Phước Quý đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư vòm họng. Những học trò Hầu quyền bắt lưu lạc, nhưng vẫn lưu giữ Hầu quyền. Trong vòng 10 năm dạy võ, Lưu Phước Quý đã đặt nền tảng môn Hầu quyền cho làng võ thuật Quảng Ngãi.


LÊ VĂN CHƯƠNG


 


CÁC TIN KHÁC
.