Những câu chuyện buồn ở nhà máy nghìn tỷ

09:05, 28/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khung cảnh vắng vẻ. Cỏ bắt đầu bao phủ quanh cả tường rào lẫn trong khuôn viên... Đó là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đến thăm “nhà máy nghìn tỷ” - Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (KKT Dung Quất), thuộc Công ty CP Nhiên liệu sinh Dầu khí miền Trung (BRS- BF) vào một ngày cuối tháng 5. Hơn trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của nhà máy giờ đây mỗi người một phương để tìm kế sinh nhai, mà không biết tương lai sẽ về đâu, khi nhà máy tạm dừng hoạt động từ tháng 3.2016.


Con đường về Nhà máy Bio-Ethanol ở KKT Dung Quất hiu quạnh, khiến cho đoạn đường như trở nên xa xôi hơn. Tôi ghé quán nước gần nhà máy nghỉ chân buổi trưa sau một chặng đường xa để chờ đầu giờ chiều làm việc. Dù "bị phá" giấc ngủ trưa, nhưng chị chủ quán vẫn đon đả đón khách: Từ sáng giờ chú là người khách thứ 5 đấy. Kể từ ngày nhà máy dừng hoạt động, buôn bán ở đây ế ẩm. Cuộc sống công nhân “thoi thóp” đã đành, chúng tôi buôn bán ở đây cũng vạ lây. Mà nghỉ bán thì chỉ có con đường vào Nam kiếm sống, hoặc lên Tây Nguyên hái cà phê thuê, vì ở quê ruộng vườn đều bị thu hồi để xây dựng nhà máy.

Nhà máy Bio-Ethanol đìu hiu.
Nhà máy Bio-Ethanol đìu hiu.


Lời than vãn của chị chủ quán càng khiến tôi thêm nhói lòng. Bởi lẽ, sau khi NMLD Dung Quất đi vào sản xuất năm 2009, rồi đến lượt Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất được vận hành (2012), người dân khu đông Bình Sơn và nhiều kỹ sư, công nhân  kỹ thuật và lao động phổ thông dọc các tỉnh miền Trung “đang khát việc làm” như vớ được chiếc phao. Ngày đó, thu nhập của cán bộ kỹ sư, công nhân NMLD Dung Quất gọi là “VIP 1”,  thì thu nhập ở Nhà máy Bio-Ethnol Dung Quất cũng không “hổ danh là đàn em”. Nói chung được vào đây làm việc là giấc mơ của nhiều người, nhất là người dân khu đông Bình Sơn. Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt hốc hác bởi những lo toan mưu sinh hằng ngày, chị Nguyễn Thị Phường (34 tuổi) thôn Long Bình, xã Bình Hòa (Bình Sơn), thở dài: Về đâu bây giờ hả anh! Bao nhiêu toan tính, dự định giờ đành gác lại để lo chạy từng bữa ăn cho gia đình.
 

Nhà máy được khởi công xây dựng tháng 9.2009 trên diện tích gần 25ha, với tổng kinh phí trên 2.000 tỷ đồng, công suất 100.000m3 Ethanol/năm. Đầu năm 2012 đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 200 cán bộ kỹ sư, công nhân và lao động. Đến giữa năm 2015 thì hoạt động cầm chừng và đầu năm 2016 thì tạm dừng hoạt động.

Ngày đó, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cấp thoát nước thuộc Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất, chị Phường được nhận vào làm ở Nhà máy đóng tàu Dung Quất mà lòng phơi phới niềm vui, vì doanh nghiệp đã giữ lời là tạo việc làm cho người dân địa phương. Năm 2011, chị Phường lại đón tin vui mới khi được công ty điều sang làm việc ở Nhà máy Bio – Ethanol, vì lúc này Nhà máy đóng tàu Dung Quất đang trong tình trạng “ăn đong”. Sau 6 tháng cử đi học tập tại Vũng Tàu, chị Phường được ký hợp đồng làm việc 1 năm, rồi 3 năm.

Đến tháng 5.2015, chị vui mừng khôn tả khi được ký hợp đồng dài hạn. Thế nhưng, niềm vui ấy không trọn vẹn, vì cũng từ thời điểm này, nhà máy hoạt động trong tình cảnh “thoi thóp từng ngày”... Việc làm, lương, phụ cấp chức vụ cứ giảm dần theo thời gian, cuối năm 2015 chỉ còn 50% thu nhập so với trước đây và đến tháng 3.2016 thì việc làm của hàng trăm con người ở đây trở nên ảm đạm, vì bị nghỉ việc không lương, “ngày về” cũng mịt mờ. “Tôi và nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân rời nhà máy mà lòng quặn thắt bởi không được hưởng một chế độ, quyền lợi gì cả. Cùng nhau đi gõ cửa khắp các cơ quan chức năng nhưng chưa có một câu trả lời thỏa đáng...”, chị Phường kể mà nước mắt cứ tuôn ra.  

Tình cảnh như chị Phường không phải là trường hợp hiếm sau khi Nhà máy Bio-Ethanol dừng sản xuất, vì lúc còn hoạt động có trên 200 cán bộ kỹ sư, công nhân và lao động, nhưng nay nhà máy chỉ giữ lại khoảng vài chục người để bảo dưỡng và bảo vệ nhà máy.

Chị Phường đang chuẩn bị nguyên liệu cho nồi cháo chiều.
Chị Phường đang chuẩn bị nguyên liệu cho nồi cháo chiều.


Như anh Võ Văn Thành, thôn Đông Lỗ, Bình Thuận (Bình Sơn), tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí, được nhận vào làm ở bộ phận bảo dưỡng từ năm 2012, với thu nhập không cao như ở NMLD nhưng cũng thuộc dạng khá, nhưng rồi niềm vui ấy không được bao lâu. Anh quay về nhà sống trong tình cảnh không có việc làm, đất, ruộng vườn cũng không, trong khi gia đình 6 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào anh, khiến anh nhiều khi rơi vào bế tắc. May mắn cho anh Thành là mới đây Công ty Đại Dũng nhận vào làm công nhật với thu nhập 100 nghìn đồng/ngày (làm 14 tiếng đồng hồ/ngày, từ 7 giờ sáng - 22 giờ 30 phút).

Dù công việc vất vả, thu nhập thấp nhưng anh Thành vẫn nở nụ cười mãn nguyện, vì theo anh Thành hiện còn có rất nhiều công nhân bươn chải khắp nơi nhưng vẫn không tìm được việc làm. “Cái mà chúng tôi lo nhất hiện nay là các chế độ bảo hiểm sẽ phải tính toán thế nào để khỏi ảnh hưởng đến quyền lợi, vì chúng tôi phần lớn là công nhân nghèo”, anh Thành, chia sẻ với giọng đượm buồn.

Với những cán bộ, kỹ sư, công nhân được nhà máy giữ lại cũng chẳng vui sướng gì, vì thu nhập cũng “ba cọc bảy đồng”. Hơn 30 cán bộ kỹ sư, công nhân giỏi của nhà máy được biệt phái qua làm việc ở NMLD Dung Quất cũng chỉ phụ giúp những việc vặt  nên có không ít người sinh ra tư tưởng chán nản. Anh A. bộc bạch: Cũng là kỹ sư, nhưng nhìn bên NMLD Dung Quất anh em nhận lương tháng vài chục triệu đồng, còn bên này chỉ vài triệu đồng, nhưng nếu bỏ đi thì mất hết quyền lợi bấy lâu nay cống hiến, nhưng cũng chắc gì có việc làm, nên đành “ngậm bồ hòn” chờ vận may.  

Điều lạ thay ở đây là, dù quyền lợi bị ảnh hưởng nhưng không phải cán bộ kỹ sư, công nhân nào cũng “dám” trải lòng thật như anh A, mặc dù đang thất nghiệp. Bởi lẽ theo anh A. họ nghĩ rằng không lẽ nhà máy nghìn tỷ này “bị bỏ chết” một cách oan uổng như thế này sao! Biết đâu ở phía cuối đường hầm  lại có được ánh sáng của bình minh?

Khổ theo... nhà máy

Đâu chỉ riêng cán bộ kỹ sư, công nhân nhà máy, những người “ăn theo” nhà máy như  dân trồng mì (sắn), buôn bán, kinh doanh nhà trọ... cũng khổ theo khi nhà máy ngừng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, quê ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận (Bình Sơn), một trong sáu chủ hàng quán ăn quy mô lớn, kể trong nước mắt: Vợ chồng tôi có rẫy cà phê ở Đăk – Nông đang trong thời kỳ ăn nên làm ra, nhưng quyết định bán để về quê mở hàng quán kinh doanh, hy vọng vừa được ở gần cha mẹ, con cái vừa có thu nhập để lo cuộc sống gia đình. Gần 2 năm đầu, nhà máy hoạt động ổn định, gia đình làm ăn khấm khá. Thế nhưng từ năm 2015 đến nay số người vào quán mỗi ngày chưa đếm hết đầu ngón tay. Số tiền gần cả trăm triệu đồng đầu tư vào đây giờ đổi lấy sự thất vọng tràn trề. Quá túng thiếu, chồng chị Nhung đành khăn gói vào Sài Gòn làm thuê kiếm tiền nuôi con ăn học... Còn bà Thọ đầu tư hơn 20 triệu đồng thuê đất mở quán nước, giờ đây bán không được đành trả lại mặt bằng cho chủ đất.

Theo một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, ngày nhà máy đi vào hoạt động, chính quyền và nhân dân Bình Sơn cũng rất phấn khởi, vì có cơ hội phát triển diện tích cây mì. Theo đề nghị của nhà máy, huyện và các xã khu tây và phía nam của huyện đã quy hoạch vùng trồng mì, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, nhưng rồi nay nhà máy thế này khiến chính quyền khó ăn khó nói với dân. Cũng theo vị cán bộ này, trước những bức xúc của dư luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô đã chỉ đạo BQL KKT Dung Quất, lãnh đạo nhà máy có báo cáo làm rõ nguyên nhân vì sao nhà máy dừng hoạt động để tỉnh báo cáo Chính phủ xin ý kiến, nhưng rồi đến nay vẫn chưa có phản hồi.


Ghi chép của P.ĐỨC

 


CÁC TIN KHÁC
.