Trở lại "làng kỳ nam"

10:04, 23/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây khoảng chục năm, Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện miền núi Ba Tơ trở nên “hot” hơn bao giờ hết, bởi đây là ngôi làng có nhiều tỷ phú nhờ trúng được kỳ nam. Được may mắn có cơ hội đổi đời, ai cũng đinh ninh nghĩ rằng, những tỷ phú ấy sẽ  càng giàu thêm nữa. Song điều oái ăm là, sau những tháng ngày ngắn ngủi sống trên “núi tiền”, đại đa số những tỷ phú năm xưa giờ đang rơi vào tình cảnh nghèo lại hoàn nghèo.

TIN LIÊN QUAN

Giàu nhanh và tái nghèo chóng vánh

Làng Tốt, gồm hai thôn Mang K’rúi và Vã Lếch, có khoảng 80 hộ dân sinh sống. Là một trong những ngôi làng thuộc diện khó khăn “tốp đầu” của huyện miền núi Ba Tơ. Thời điểm 2006, không có đường đất đi lại, người dân Làng Tốt, nếu có việc cần thiết lắm mới men theo dòng sông Liêng, mất gần cả ngày đi rừng mới ra được trung tâm xã.

Tỷ phú kỳ nam một thời Phạm Văn Nhương (phải) giờ lại nằm trong danh sách hộ nghèo.
Tỷ phú kỳ nam một thời Phạm Văn Nhương (phải) giờ lại nằm trong danh sách hộ nghèo.

Tách biệt với bên ngoài, cuộc cống của người dân Làng Tốt chủ yếu tự cung tự cấp, 100% hộ dân nơi đây được Nhà nước xếp vào diện không thể... nghèo hơn được nữa. Nhưng rồi chẳng ai ngờ rằng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, rất nhiều triệu phú, tỷ phú chân đất ở Làng Tốt đã bắt đầu xuất hiện, bởi nhiều người đã trực tiếp, hoặc gián tiếp hưởng lợi từ việc trúng đậm kỳ nam. Chưa có ai thống kê được lượng kỳ nam người dân khai thác được là bao nhiêu. Song, trị giá mỗi kílôgam kỳ nam ngót nghét 1 tỷ đồng vào thời điểm đó, đã thay đổi số phận của hàng trăm người dân Làng Tốt.
 

“Tỷ phú mà có người không đếm được tiền, thì việc họ sử dụng sao cho hiệu quả là bài toán hóc búa vào thời điểm đó”.
Chủ tịch UBND xã Ba Lế - Phạm Thị Lăng

Nói như anh Phạm Văn Niên- Trưởng thôn Vã Lếch, trúng đậm kỳ nam, nhiều người dân Làng Tốt phất lên trông thấy. Nhưng oái ăm, khi có tiền thì những đôi tay chai sần đã bắt đầu lười lao động.

Hôm chúng tôi đến Làng Tốt thì cũng đã quá trưa, ghé ngang nhà một chủ tiệm tạp hóa để nghỉ chân. Được nghe thấy nhiều câu chuyện cười ra nước mắt về bi kịch của những tỷ phú một thời. Một thanh niên bước chân vào tiệm tạp hóa nói nhỏ: “Này, bán cho một lon bò húc, và hai lít rượu. Ghi nợ đi”. Nghe xong, ông chủ tiệm tạp hóa bảo: “Lại nợ à. Thế bao giờ mới trả hết đây?”. Anh thanh niên có khuôn mặt sắc lạnh dè dặt đáp: “Ngày mai, ngày mai tao trả nốt”. Mua đồ xong, anh thanh niên vội vã đi, tránh ánh mắt của người lạ. Ông chủ tiệm tạp hóa ngán ngẩm bảo với chúng tôi: “Đó là L, con trai của bà Luốc, một tỷ phú trúng kỳ nam khoảng chục năm trước. Nhưng giờ nó còn nghèo hơn cả mình. Nhà chẳng còn gì, trâu bò cũng bán sạch luôn rồi, mùa giáp hạt bụng đói quay quắt. Ông nói rồi chỉ tay về phía ngôi nhà sàn cũ kỹ của chàng thanh niên lúc nãy.

Men theo bìa rừng, chúng tôi tìm gặp bà Luốc. Thú thật nếu không có sự có mặt của anh trưởng thôn Mang Krúi, thì bà Luốc chẳng mở lòng giãi bày nhiều về chuyện gia đình mình. Đôi mắt đượm buồn, nhưng khi gợi lại câu chuyện trúng kỳ nam năm xưa, bà Luốc nói không ngớt. “Hồi đó, tui có biết kỳ nam là gì đâu. Nhưng được ông Phạm Văn Xắc, là người trúng kỳ nam tin tưởng, nhờ tôi mang cơm cho ổng khi ổng đi khai thác kỳ nam. Sau này được ổng cho một ít. Số tiền bán kỳ nam, tui không đếm được là bao nhiêu.

Vì có bao giờ mình cầm trong tay số tiền nhiều vậy đâu. Nhưng giờ thì chẳng còn lại đồng nào”. Bà Luốc kể thêm rằng, để thỏa cơn khát đói nghèo dai dẳng, ba đứa con bà bắt đầu lao vào ăn chơi. Tiền gửi ngân hàng chưa đến tháng nhận tiền lãi, thì các con trong nhà đã vội đi rút dần. Thích gì mua nấy. Người Kinh lên chào bán từ chiếc xe máy xịn đến những bộ quần áo Tây, cái gì cũng mua, giá nào cũng gục đầu. Giàu chóng vánh rồi cũng “tụt dốc không phanh”. Bi kịch của bà mẹ nghèo Hrê cứ thế kéo dài mãi, như dòng sông Liêng chảy uốn lượn bên ngôi nhà sàn bà đang ở.


Trong số những “đại gia” trúng kỳ nam thời ấy, phải kể đến Phạm Văn Nhương ngụ thôn Vã Lếch, nhưng giờ Nhương cũng đã chóng vánh tái nghèo. Nhiều người bảo, lúc Nhương trúng kỳ nam, thời gian Nhương say bia rượu còn nhiều hơn lúc tỉnh. Đi chơi dưới thị trấn cả tháng ròng mới chịu về làng. Hôm chúng tôi gặp Nhương, thì anh cũng đang chếch choáng trong hơi men. Khi đã ngà ngà say, anh bảo rằng, vì ít chữ, anh chẳng biết đếm tiền thế nào. Tiền nhiều quá mà, mang trên ba lô những tờ tiền mới toanh nhờ bán kỳ nam, mình cứ nghĩ sẽ chẳng bao giờ tiêu hết chừng ấy. Nói về Nhương, bà Phạm Thị Lăng - Chủ tịch UBND xã Ba Lế chua xót: “Giờ Nhương lụn bại rồi, “đội sổ” trong danh sách hộ nghèo của xã”.
 

 

Ông Phạm Văn Xắc ở Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) là tỷ phú còn lại duy nhất trong số những tỷ phú trúng kỳ nam nhờ biết tiết kiệm.
Ông Phạm Văn Xắc ở Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) là tỷ phú còn lại duy nhất trong số những tỷ phú trúng kỳ nam nhờ biết tiết kiệm.

Tỷ phú còn “sót” lại

Một trong số những tỷ phú, bỗng dưng giàu to nhờ trúng kỳ nam, thì cái tên Phạm Văn Xắc được nhắc đến nhiều nhất. Dân làng rỉ tai nhau rằng, ông Xắc đã mang được về khoảng chín gùi kỳ nam, chất thành đống trong nhà. Già Xắc trúng kỳ nam, nhưng chẳng mấy khi tiêu xài hoang phí. Tiền trúng kỳ nam ông gửi vào ngân hàng để lấy lãi, sử dụng vào việc xây nhà cho gia đình mình và con cái, rồi đầu tư trồng rừng. Giờ ổng là người giàu nhất làng, sở hữu hàng trăm hécta keo lai, trên chục con trâu, và một chiếc xe máy ủi. Những người như già Xắc giữ lại tiền, làm bệ phóng phát triển kinh tế, chỉ là trường hợp hiếm hoi ở Làng Tốt.

Muốn nói cho dân hiểu, nhưng khó lắm

Chủ tịch UBND xã Ba Lế, bà Phạm Thị Lăng bảo: “Giờ người Làng Tốt chẳng còn nhiều tỷ phú, triệu phú như trước nữa. Danh sách hộ nghèo của xã, Làng Tốt vẫn nằm trong tốp đầu”. Nghe mà xót xa. Nếu như thời điểm đó, người dân biết nhìn xa hơn một tí, đầu tư cho tương lai nhiều hơn thì giờ đã không tái nghèo như vậy. “Chính quyền lúc đó cũng trăn trở về chuyện tìm một bước đi phù hợp cho dân Làng Tốt. Nhưng với khả năng của mình, chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, vì tiền của họ, nên việc sử dụng ra sao mình không can thiệp được. Những đồng tiền ấy, bây giờ “chảy” đi đâu thì người dân hiểu rõ nhất”-bà Lăng cho hay.

Mang câu chuyện người dân Làng Tốt phất lên nhờ kỳ nam, nhưng rồi cũng nhanh chóng tái nghèo trao đổi với ông Trần Trung Chính - nguyên là Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, ông Chính lắc đầu bảo: Thời đó Làng Tốt như một cái chợ buôn bán kỳ nam. Hàng trăm người từ khắp nơi đổ về, gây xáo trộn cuộc sống nhân dân. Mấy tháng ròng, lực lượng chức năng của huyện phải bám địa bàn 24/24 giờ mới có thể bảo đảm được an ninh trật tự. Trúng đậm rồi giàu, họ sống trên đống tiền, nhưng cái tay cái chân lại bắt đầu lười lao động, càng không thể cứu vãn được khi cái đầu cũng thiếu suy nghĩ nốt. Hệ lụy từ đó mà ra cũng khó mà đong đếm được.


***


So với 10 năm về trước, hạ tầng của Làng Tốt đã khởi sắc hơn. Mới đây, hệ thống điện quốc gia đã được kéo về đến tận nhà, trường học được xây dựng khang trang, đường giao thông vào làng cũng đã được san ủi. Hy vọng rằng chính từ sự đầu tư bài bản và có tính chiều sâu ấy, sẽ là bệ phóng để người dân Làng Tốt có thêm điều kiện để thoát nghèo. Thoát nghèo bằng chính sức lao động hăng say khi đã được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu. Đồng tiền kiếm được từ sự nhọc nhằn ắt hẳn sẽ bền chắc hơn những núi tiền từ “trên trời” rơi xuống một thuở chưa xa...

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


CÁC TIN KHÁC
.