(Baoquangngai.vn)- Mùa này đang là thời điểm thích hợp để những tay săn chim sẻ hành nghề. Họ không còn dùng phương pháp bẫy chim sẻ bằng lưới như trước đây mà mà thay vào đó là những cành “chông” quấn keo và sử dụng tiếng chim giả để nhử chim. Với cách bẫy mới này đang từng ngày có nguy cơ tận diệt chim loài chim sẻ.
Thời điểm này, từ những cánh đồng thanh vắng đến khu dân cư đông đúc chúng ta không khó bắt gặp những tay "săn" chim sẻ đi hành nghề. Theo những tay "săn" chim, mùa bẫy chim thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12 (dương lịch), bây giờ mới đầu mùa "săn".
Chọn nghề bẫy chim làm kế mưu sinh, mấy năm trước ông Nguyễn Văn Sáu (47 tuổi) ở huyện Mộ Đức dùng lưới để bẫy chim, thế nhưng thời gian gần đây ông dùng "công nghệ" hiệu quả hơn là bẫy bằng... keo. Chỉ với chiếc xe máy cùng với bộ đồ nghề bẫy chim khá đơn giản, gồm 1 cây cần tự chế dài khoảng 4-5 mét có thể rút ngắn lại hay kéo dài ra, 2 cây nhôm có làm thanh ngang bôi keo dài khoảng 1 mét gắn vào cần, lồng chim và một chiếc loa có gắn thẻ nhớ là ông Sáu có thể “hành nghề” bẫy chim ở khắp mọi địa hình.
Chỉ vào bộ đồ nghề của mình, ông Sáu bật mí: Nhìn đơn giản thế thôi nhưng hiệu quả lắm đấy, nhiều người bẫy chim có kinh nghiệm có thể bắt cả trăm con chim sẻ mỗi ngày.
Nghề bẫy chim sẻ bằng keo dính được không ít người lựa chọn để mưu sinh |
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Sáu rủ chúng tôi đi theo cùng ông bẫy chim. Vừa đi, ông Sáu vừa nói, bây giờ muốn bẫy chim sẻ chỉ cần đi dọc theo các tuyến đường, khu dân cư, đặc biệt là những nơi như trường học, nhà máy xay lúa… là sẽ bắt được chim sẻ, vì những nơi này chim sẻ tụ tập rất nhiều.
Đang đi trên đường nhựa bon bon, bỗng ông Sáu dừng lại vì phát hiện đàn chim sẻ tụ tập chao lượn trên mấy cây cột điện bên đường. Tìm một nơi thích hợp, ông Sáu lấy đồ nghề ra chuẩn bị bẫy chim.
Lấy trong túi đồ nghề của mình ra một lọ keo có màu xám chắc như kẹo cao su, ông Sáu cẩn thận quấn xung quanh 2 cây nhôm. Ông giới thiệu việc bẫy chim hiệu quả hay không là nhờ vào loại keo này. Đây là loại keo dính "đặc biệt" ra nắng không chảy, không khô, có thể dính chặt hàng giờ liền và con nào đậu vào cũng dính hết. Chỉ cần ra các tiệm bán chim hay bán thức ăn cho chim, muốn mua bao nhiêu cũng có, với giá khoảng từ 1-1,2 triệu đồng/kg.
Sau quấn xong, ông Sáu gắn 2 cây nhôm rồi gắn vào cần và đem đặt sát vào cột điện, ông bật chiếc loa có gắn thẻ nhớ thu sẵn tiếng chim sẻ gọi đàn để dụ chim đặt bên cạnh. Giữa khu dân cư đông đúc, tiếng chim sẻ tha thiết gọi đàn từ chiếc loa phát ra liên tục rộn ràng cả một vùng. Nghe tiếng đồng loại gọi, những con chim sẻ bay đến gần và đáp xuống cây nhôm, ngay lập tức hai chân của chúng bị dính chặt keo rồi lộn ngược trở lại. Chưa đầy 5 phút đã có hơn 10 chú chim sẻ bị dính bẫy.
"Chim sẻ là loài sống theo bầy đàn, hễ nghe thấy tiếng đồng loại đang bị nạn là lao xuống ứng cứu và mắc bẫy. Chính tập tính này khiến những người bẫy chim dễ dàng bắt được số lượng lớn chim sẻ mỗi lần đi "săn". Tuy nhiên, chim sẻ rất nhạy, chỉ cần bẫy 1 - 2 lần cùng một chỗ là chim quen tiếng và không dính nữa. Muốn bẫy được nhiều chim phải thay đổi vị trí thường xuyên"- ông Sáu bật mí.
Với cách săn bắt chim như hiện nay, về lâu dài sẽ khiến loài chim sẻ đứng trước nguy cơ bị tận diệt |
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, không riêng gì ông Sáu mà có rất nhiều người hành nghề bẫy chim sẻ để mưu sinh hàng ngày. Bình quân, một người bẫy chim có thể bẫy được hơn 50 con chim sẻ mỗi ngày. Với giá bán khoảng 5.000- 7.000 nghìn đồng/con, tính sơ sơ, người bẫy chim có thể thu về vài trăm ngàn đồng/ngày.
Anh Trần Văn Xuân- một người bẫy chim cho biết: Trước kia, chúng tôi chọn các cánh đồng sau mùa gặt để đặt bẫy, nhưng thời gian gần đây số lượng chim ngày càng ít, mà người đi bẫy chim thì nhiều lên, số lượng bắt được cũng hạn chế nên chúng tôi chuyển vào các khu dân cư, tìm đến các tòa nhà, các nhà máy hoặc các khu đất rộng có công trình đang xây dựng để mở rộng địa bàn hành nghề.
"Thường thì chúng tôi bắt đầu công việc bẫy chim từ sáng cho đến khi mặt trời đứng bóng. Hôm nào may mắn bẫy trúng đàn cũng bắt được 50 đến hàng trăm con. Số chim này chúng tôi bán cho các quán nhậu và các điểm bán chim phóng sanh"- anh Xuân cho hay.
Có thể nói, chim sẻ là loại ăn côn trùng mạnh nhất, việc những tay "săn" chim hầu hết đều dùng keo dính “chuyên dụng” để bẫy chim đã, đang và sẽ khiến loài chim sẻ đứng trước nguy cơ bị tận diệt, gây mất cân bằng sinh thái. Với tình trạng bẫy chim như hiện nay, người dân lo ngại về lâu dài ở nhiều nơi sẽ vắng bóng chim sẻ và cả những loài chim khác.
PV