Chuyện Đội xe Honda tự quản

01:01, 18/01/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Họ đến từ nhiều vùng quê và hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng họ cùng gặp nhau ở một điểm là chọn nghề xe ôm để mưu sinh. Với họ ngoài công việc mưu sinh hằng ngày, họ sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh từ những việc bình dị nhất… Họ là những thành viên trong Đội xe Honda tự quản phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).
 
Mưu sinh văn minh
 
Thời điểm cận kề cuối năm, lưu lượng người và hàng hóa về Bến xe Quảng Ngãi ngày càng đông. Đây cũng là thời điểm "ăn nên làm ra" của đội ngũ hành nghề xe ôm ở bến xe.
 
Mặc dù lượng người hành nghề xe ôm ở bến xe khá đông, thế nhưng không vì thế mà xảy ra cảnh lộn xộn, to tiếng, tranh giành khách. Hàng chục chiếc xe máy của các bác tài xe ôm được xếp thành hàng dài ngay ngắn tại một điểm ngoài bến xe. Mỗi khi có xe khách, hay xe buýt vào xe, các bác tài xếp hàng trật tự mời khách đi xe. Hỏi ra, chúng tôi mới biết, có được hình ảnh đẹp như vậy, mọi chuyện bắt đầu từ sự ra đời của Đội xe Honda tự quản ở bến xe từ nhiều năm nay. 
 

 

Đội xe Honda tự quản là ngôi nhà chung của các bác tài xe ôm ở Bến xe Quảng Ngãi
Đội xe Honda tự quản là ngôi nhà chung của các bác tài xe ôm ở Bến xe Quảng Ngãi

 

Qua sự giới thiệu của các tài xế xe ôm trong đội xe, chúng tôi tìm gặp anh Phan Văn Vui- đội trưởng Đội xe Honda tự quản.Tiếp chuyện chúng tôi, anh Vui khá niềm nở khi nói về đội xe của mình. Anh cho biết: Đội xe Honda tự quản hay còn có tên gọi khác Chi hội Chữ Thập đỏ 23 ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Đội chính thức ra mắt từ tháng 7.2007.
 
Hiện nay, đội có 38 thành viên, được chia thành 2 tổ làm việc theo cơ chế 2 ngày làm, 2 ngày nghỉ, đời sống của mọi người luôn được đảm bảo, ai cũng có việc làm và thu nhập. Ngoài ra, mỗi tháng, đội đều tổ chức họp, đánh giá hoạt động trong tháng, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của đội.
 
“Lúc chưa thành lập đội, cũng vì miếng cơm, manh áo mà không tránh khỏi chuyện tranh giành khách giữa các tài xế xe ôm. Nhưng từ khi được hoạt động trong một tổ chức, có đồng phục, có phù hiệu, bảng tên, được phân công đón khách lần lượt cho từng hội viên, nên không còn tranh giành nữa”- anh Vui phấn khởi nói với chúng tôi. 

Theo anh Vui cho biết, cứ mỗi xe khách hay xe buýt vào bến, đội quy định chỉ được từ 1-7 thành viên trong đội ra đón khách. Theo thứ tự ai đến trước thì đi trước, đến sau đi sau rất trật tự. Các thành viên luân phiên nhau hoạt động, tự giác chấp hành theo sự phân công, chạy đúng thứ tự, giá cả hợp lý, tạo được tâm lý an toàn và tin tưởng của hành khách. 

Không tranh giành khách, không hét giá, dừng đón khách theo qui định, những “xe honda tự quản” ở Bến xe Quảng Ngãi dần tạo dựng niềm tin và hình ảnh đẹp trong mắt mọi người. 
 
Nương tựa vào nhau
 
38 thành viên là 38 hoàn cảnh khác nhau. Nhưng những người làm nghề xe ôm ở bến xe đều có một điểm chung là đã lớn tuổi. Người ít thì cũng đã 40, lớn hơn nữa cũng đã 50 rồi 55 tuổi. Nhiều tuổi, lại nghèo, không có đất sản xuất, họ không tìm được việc khác, đành chấp nhận bám nghề này.
 
Họ cùng nhau hội tụ về chung Đội xe Honda tự quản vừa để đảm bảo thu nhập khi tuổi đã xế chiều, vừa là chỗ dựa tinh thần để cùng nương tựa, sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng có lẽ, quý hơn cả là, ngoài việc mưu sinh, những chuyến xe còn chở nặng nghĩa tình. 
 
Ông Hồ Văn Dũng (55 tuổi) ở phường Nghĩa Chánh- một trong những người tham gia Đội xe Honda tự quản từ những ngày đầu thành lập cho biết: Tôi tham gia đội xe Honda tự quản đã gần 7 năm nay. Từ đó, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Trước đây nhà tôi cũng có đất để sản xuất, nhưng từ khi gia đình tôi nhường đất cho các dự án phát triển thành phố, tôi chọn nghề xe ôm để mưu sinh hàng ngày.
 
"Anh em trong đội mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách nhưng hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, nên anh em khá gắn bó và thông cảm cho nhau, có tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau khi khó khăn. Những hôm khách ít, mọi người chủ động “nhường” những ai có hoàn cảnh khó khăn hơn nên ai cũng có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày"- ông Dũng bày tỏ.

 

Các bác tài trong đội rất nhiệt tình với khách, hành khách rất yên tâm.
Các bác tài trong đội rất nhiệt tình, lịch sự với khách.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để chia sẻ khó khăn với hội viên trong đội, từ thu nhập hằng ngày mỗi tháng hội viên đóng góp 85 nghìn để xây dựng quỹ. Ngoài số tiền 55 nghìn đồng mua bảo hiểm hằng tháng cho từng hội viên, số tiền còn lại dùng làm quỹ của đội. 
 
Giở cuốn sổ ghi chép các khoản chi tiêu, anh Phan Văn Vui cho hay, hiện nay số tiền quỹ của đội còn gần 8 triệu đồng. Số tiền này, đội sẽ trích quỹ thăm hỏi, động viên, san sẻ phần nào khó khăn mỗi khi có một ai trong đội gặp khó khăn; đồng thời trích khen thưởng cho các cháu con em hội viên học giỏi.
 
"Rong ruổi ngoài đường kiếm miếng cơm manh áo nên anh em rất thông cảm với nhau. Việc lập quỹ tương trợ  không ngoài mục đích tạo ý thức sẻ chia trong đồng nghiệp, điều quan trọng là anh em đoàn kết, gắn gó với nhau” - anh Phan Văn Vui chia sẻ.
 
Tinh thần nghĩa hiệp
 
Tất bật mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, quanh năm dãi nắng dầm mưa, cuộc sống còn nhiều khó khăn, song họ nghèo tiền bạc thật, nhưng lại giàu lòng nghĩa hiệp, khi cần, những thành viên trong Đội xe Honda tự quản vẫn thầm lặng giúp đời, cứu người...
 
Ngồi sắp xếp lại các vật dụng trong chiếc túi cứu thương, anh Phan Văn Vui cười vui khoe với chúng tôi: Anh em chúng tôi dù chạy xe ôm nhưng hầu hết được tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu đàng hoàng hết cả rồi đây. Hồi trước, nhiều lần chứng kiến người bị tai nạn giao thông nằm rên xiết giữa đường, chúng tôi muốn giúp mà không biết phải làm sao, có khi vội vàng đưa họ đi bệnh viện mà còn làm vết thương nghiêm trọng hơn. Nhờ được tập huấn các kỹ năng nên đội đã cứu hàng chục trường hợp người thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ sơ cứu, băng bó tại chỗ và được chuyển viện kịp thời. Những vụ va quẹt nhẹ mình băng bó xong là họ khỏi mất công chạy đi bệnh viện.
 
Cùng với công tác tham gia cứu thương trên đường, các hội viên trong đội còn tham gia rất nhiệt tình công tác hiến máu nhân đạo. Với nghĩa cử "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", trong những năm qua, đã có hàng trăm đơn vị máu được các hội viên trong đội tình nguyện hiến máu cứu người. Đặc biệt, trong đội có có anh Nguyễn Ngọc Giao đã hơn 30 lần hiến máu cứu người được các cấp ngành trong tỉnh và Trung ương tuyên dương. Hiện, trong đội còn có 15 hội viên là thành viên của Ngân hàng máu sống thuộc Hội Chữ Thập đỏ phường Nghĩa Chánh.

 

Tinh thần nghĩa hiệp vì cuộc sống cộng đồng của Đội xe Honda tự nghĩa Nghĩa Chánh được các cấp đánh giá cao
Tinh thần nghĩa hiệp vì cuộc sống cộng đồng của Đội xe Honda tự nghĩa Nghĩa Chánh được các cấp đánh giá cao

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vui cho biết:  Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song các anh em trong đội còn lập ra đội khiêng tang miễn phí cho các gia đình neo đơn, nghèo khó, tham gia phối hợp cùng với các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự ở bến xe... Điển hình như trong năm 2014, trong quá trình hành nghề tại bến xe, các thành viên trong đội đã nắm bắt được thông tin và phối hợp cùng công an phường Nghĩa Chánh giải thoát được 3 cháu gái  ở Trà Bồng thoát khỏi bị bán vào động mại dâm và tạo điều kiện hỗ trợ đưa các cháu về nhà an toàn. 

Ngoài công việc mưu sinh hàng ngày, những công việc không công này được xem như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng các anh vẫn cười tươi khi nói đến những công việc thầm lặng này của mình. Bởi theo tâm niệm của họ, họ làm vì cái tâm muốn xã hội thật sự an bình thôi chứ không cần công xá gì! Nhưng hơn ai hết, họ hiểu ý nghĩa của công việc mình làm, dù bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất cũng đã góp phần cổ vũ cho những nghĩa cử cao đẹp, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng.
 
 
Những việc làm nhân đạo của Đội xe Honda tự quản (Chi hội Chữ thập đỏ 23) được các cấp đánh giá cao và được UBND TP tặng 1 giấy khen; Hội CTĐ Việt Nam tặng 2 kỷ niệm chương cá nhân; Hội CTĐ tỉnh tặng 3 giấy khen; Hội CTĐ TP tặng 3 giấy khen; UBND TP tặng giấy khen về công tác Bảo vệ ANTQ... Ngoài ra, nhiều cán bộ, hội viên còn được động viên, tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp 
 
 
Bảo Ngọc
 

CÁC TIN KHÁC
.