"Chợ chạy"

09:10, 31/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Giữa phố thị nhộn nhịp, hình ảnh những người bán hàng rong xuôi ngược khắp các đường phố, ngõ hẻm bán các loại thực phẩm hàng ngày đã trở nên khá quen thuộc với người dân. Đa phần những người bán hàng rong là phụ nữ.  Dù mưa hay nắng, họ vẫn tảo tần “buôn gánh bán bưng”. Cuộc sống mưu sinh của những người bán hàng và cả gia đình họ trông chờ vào những ngày lặng lội mưu sinh này.

TIN LIÊN QUAN

Những bước chạy "marathon"
 
Sau khi chọn các loại thực phẩm tại các chợ, cứ tầm khoảng 7h đội quân bán các loại thực phẩm dạo mang "chợ" đi đến khắp các nẻo đường để bán. Gọi là "chợ" bởi những giỏ hàng trên các xe của các bà, các mẹ, các chị đủ các loại mặt hàng thực phẩm. Từ thịt, cá... cho đến bó rau, quả ớt đều có. Bình quân mỗi ngày, những người bán hàng rong mang "chợ" chạy lòng vòng tính ra cũng cả chục cây số để bán hết hàng. 
 
Song hiện nay, cùng với những người lựa chọn hình thức chạy xe khắp nơi để bán thì cũng có không ít những người chọn lựa hình thức "đóng quân" một chỗ trên vỉa hè để bán hàng.  Với tâm lý "buôn có bạn, bán có phường" nên dọc theo vỉa hè, thậm chí lề đường ở một số tuyến đường địa bàn TP.Quảng Ngãi xuất hiện những chợ không tên, làm khá nhọc công đội ngũ trật tự đô thị.
 
Bất chấp quy định cấm, một số người dân vẫn bày bán hàng hóa bên lề đường
Nguời dân bày bán thực phẩm trên đường Trần Hưng Đạo.
 
Tại một đoạn đường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) từ lâu nay, người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh những người bán hàng rong các loại thực phẩm. "Chợ" ban đầu chỉ là một vài người sau đó có thêm những người khác cùng kéo theo đông dần. 
 
Ở cái “chợ” này, có lẽ người bán hàng không sợ cảnh đội nắng, đội mưa, mà họ sợ nhất là những ngày cơ quan chức năng lập lại trật tự đường phố. Bởi việc lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán vốn không hợp pháp này. Để duy trì công việc này, nhiều người bán hàng rong tìm mọi cách để “đối phó”. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng chạy khi đội trật tự ghé thăm. Và có lẽ cái tên "chợ chạy" được nhiều người bán hàng nói vui cũng xuất phát từ đó. 
 
Có 5 năm kinh nghiệm “chợ chạy”, chị Thương- một người bán hàng rong ở trên đường Trần Hưng Đạo cho hay: Ngày nào có lực lượng của lực lượng quản lý đô thị “đuổi” thì chúng tôi khốn khổ.  Người nhanh chân hơn thì lùi vào những nhà dân gần đó, hoặc bưng gánh đi nơi khác, còn chậm chân đành năn nỉ, nài xin. 
 
 
Bất chấp bảng cấm, người dân vẫn bày bán hàng hóa bên lề đường
Bất chấp bảng cấm, người dân vẫn bày bán hàng hóa bên lề đường
 
Cùng với "chợ" bán các loại thực phẩm trên các tuyến đường thì thời gian quan, ở khu vực phía nam đầu cầu Trà Khúc cũng xuất hiện "chợ" bán các loại thú nhồi bông và ví, nịt da... Dọc vỉa hè ở đây, hàng trăm các con thú nhồi bông và các loại dây nịt được nhiều người bán hàng rong bày bán. Hành vi lần chiếm vỉa hè này, đã được các lực lượng chức năng nhiều lần dẹp bỏ. Thế nhưng, vẫn là "điệp khúc" cũ, khi lực lượng chức năng xuất hiện, họ xếp hàng lại và chạy, khi lực lượng chức năng đi thì đâu lại vào đấy. 
 
Một người bán thú nhồi bông ở đây cho biết: Ngồi bán nhưng lúc nào cũng phải để ý xem có đội quản lý trật tự đô thị đến không. Nếu không để ý  họ thu hết đồ thì lỗ vốn. 
 
Khi được hỏi sao không thuê mặt bằng hay vào chợ để mua bán đàng hoàng mà chấp nhận bán hàng trong cảnh thắc thỏm thì có hàng trăm lý do để được nhiều người bán đưa ra. Nhưng lý do cơ bản nhất vẫn là hai chữ “đồng lời”. Người ở ngoài bán kiếm được khá hơn so với người vào chợ, vì mặt bằng giá thuê cao. Hơn nữa, không phải ngày nào trật tự cũng dẹp nên thỉnh thoảng vẫn tranh thủ bán, được ít nào thì được, không thì lại đi nơi khác.
 
Chị Quỳnh- chủ một "chợ di động" chia sẻ: “Biết là sai quy định, nhưng vì  không có đủ điều kiện để vào chợ. Vào đó, chỉ vài ba con cá, mớ rau mà phải đóng đủ loại phí thì lấy gì để sống. Thế nên bán thì cứ bán còn đuổi lúc nào thì phải chạy thôi.
 
Đằng sau những bước chạy...
 
Dù thường xuyên phải chạy, hay thậm chí bị lực lượng chức năng phạt, tịch thu cả gánh hàng. Song nhiều người vẫn cố bám víu vào những gánh hàng rong. Bởi đằng sau đó là cả câu chuyện về cuộc sống mưu sinh của những con người lam lũ chọn nghề bán hàng rong để gồng gánh cả cuộc đời.
 
Một chiếc xe đạp cũ, hai chiếc sọt đựng đựng thực phẩm phía sau, chị Hương ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) phải thức dậy từ sáng sớm để ra chợ lấy hàng, rồi rong ruổi khắp các tuyến phố từ sáng đến trưa để bán hàng. Sau mỗi buổi bán hàng, tiền lãi thu về vừa là tiền tằn tiện mưu sinh, vừa tích góp cùng chồng để nuôi 3 đứa trẻ ăn học.
 
Chúng tôi gặp chị khi đang hòa cùng "đội quân" bán thực phẩm tập trung trên tuyến đường Trần Hưng Đạo để bán hàng cho khách.Chấm vội những giọt mồ hôi rịn trên trán, chị Hương tâm sự:  Có ai muốn vi phạm pháp luật đâu, nhưng miếng cơm, manh áo nó cứ níu lấy, không đi buôn thế này thì không biết lấy gì mưu sinh. Mình lớn tuổi rồi biết làm nghề gì đâu. "Mỗi ngày nếu chịu khó cũng kiếm lời cả trăm ngàn, đủ cho sắp nhỏ đi học”- chị Hương thật thà. 
 
Cuộc sống mưu sinh của không ít người trong chờ vào những cái
Cuộc sống mưu sinh của không ít người trông chờ vào những cái "chợ" di động như thế này
 
Cũng giống chị Hương, chị Lan ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) đã gắn với nghề bán nịt da hơn 3 năm qua. Cuộc sống gia đình khó khăn, chồng chạy xe ôm, chị không có công ăn việc làm ổn định nên hàng ngày chị chở nịt và ví da đến "đóng đô" ở đầu cầu Trà Khúc bán, nhẫn nại kiếm đồng lời trong từng cái nịt, cái ví.
 
"Vì không kiếm được việc làm tốt hơn để cải thiện cuộc sống, nên tôi vẫn bám nghề này để mưu sinh. Dù công việc có vất vả, dang nắng, dang mưa nhưng tôi chỉ mong lo cho 2 đứa con ăn học nên người, thoát cảnh nhọc nhằn"- chị Lan tâm sự. 
 
Cuộc đời mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi lo riêng không ai giống ai. Những người phụ nữ chúng tôi gặp chỉ là những lát cắt mỏng trong số rất nhiều những người phụ nữ nghèo khó chọn nghề bán hàng rong ở chốn thị thành để mưu sinh. Mỗi cái "chợ" ấy là cuộc sống của mỗi phận người là bao mơ ước, khát vọng được đổi đời. 
 
Theo quy định, việc bán hàng hóa lấn chiếm lòng lề đường là hành vi bị nghiêm cấm và xử phạt rất nặng. Thế nhưng, trong khi chính quyền mong sớm lặp lại trật tự, nếu không mạnh tay, không kiên quyết thì lại không hoàn thành nhiệm vụ, còn người dân chỉ đơn giản là trông chờ vào những gánh hàng rong để kiếm sống. Và khi cái lý, cái tình mãi đan xen đã khiến cho tình trạng này cứ mãi tiếp diễn không thế dẹp bỏ triệt để. 
 
Chính vì vậy, đây cũng là bài toán đối với các ngành chức năng để có hướng giải quyết, vừa đảm bảo thực thi đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo cuộc sống mưu sinh của những hộ dân cuộc sống còn khó khăn. 
 
 
Bảo Ngọc
 
 
 

CÁC TIN KHÁC
.