TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 2: Những cái giá phải trả
|
Trả bằng mạng sống!
Câu chuyện vàng sa khoáng nơi miền sơn cước Tây Trà quá khốc liệt. Nhưng có lẽ, những cái chết, những nỗi đau đằng sau cơn khát tìm vàng mới thật sự đau đớn hơn nhiều. Một mái ấm bỗng chốc sụp đổ. Vợ mất chồng. Con mất cha. Và cái giá phải trả cho cuộc săn vàng là mạng sống.
Bốn năm trời nằm liệt giường, bà Hồ Thị Thi ở thôn Môn, xã Trà Thanh (Tây Trà) trở thành gánh nặng cho năm đứa con nhỏ. Trong một lần tham gia đội quân đào đãi vàng mải mê đào bới trên dòng sông Trường đục ngầu để tìm hy vọng từ đáy sông, thì cả nhóm hoảng loạn khi dòng nước từ thượng nguồn quét về đã cuốn bà Thi mất hút dưới hố vàng sâu hoắm. Bà Thi may mắn được những phu vàng đi cùng kịp quăng dây thừng cứu. Thoát chết trở về, bà mang trên mình những thương tích nặng nề, chấn thương cột sống, vỡ đốt sống, chèn ép tủy, liệt hai chân. Giờ bà Thi nằm một chỗ, không thể lo cho năm đứa con.
Mặc dù những cái chết, những tai nạn từ việc đào đãi vàng đã làm nhiều người chùn chân. Nhưng rồi, sức hút từ vàng khiến những đôi chân tiếp tục đưa họ vào rừng sâu. Để rồi, vàng đâu không thấy mà họ đã phải chứng kiến cái chết đau đớn của một phu vàng giữa núi rừng Trà Xinh.
Đêm đen buông xuống, mưa rả rích càng làm cho khung cảnh của thôn Gò Chu, xã Sơn Thành (Sơn Hà) trở nên đượm buồn. 1 giờ sáng, chiếc xe đò đưa thi thể phu vàng xấu số Đinh Văn Sô về nhà. Bên trong xe, những phu vàng đi cùng anh Sô chân tay rã rời. Ai nấy đều đau đớn khi vừa trải qua cú sốc quá lớn. Cùng đi với anh Sô, phu vàng Đinh Văn Ếch, vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của “đồng nghiệp”.
![]() |
Hàng chục người dân đào đãi vàng trái phép trên suối A Ray (Sơn Thành, Sơn Hà). |
Phải mất vài phút sau anh Ếch mới nhớ lại giây phút kinh hoàng đó: “Hai ngày trời nghe thông tin người đào vàng trúng lớn nên chúng tôi rủ nhau đi. Sang ngày thứ hai không thấy vàng đâu nên anh em định “rút” thì chiều đó có người đãi được hơn một phân vàng, nên chúng tôi bàn nhau ở lại thêm ít ngày nữa xem sao. Lúc đó khoảng 4 giờ 30 phút chiều. Mọi người nghỉ ngơi chuẩn bị vào trại ăn cơm. Anh Sô đi rửa tay ở bờ suối. Tôi đứng trên cao thấy cây cổ thụ bỗng rung lên rồi ngã về phía anh Sô. Tôi la to để ảnh chạy tránh nhưng không kịp. Khi đến nơi toàn thân thể anh ấy mềm nhũn. Mọi người vội dùng võng khiêng anh ấy ra khỏi rừng”.
Cái chết của phu vàng Đinh Văn Sô lan nhanh ra khắp rừng đã khiến hàng trăm phu vàng hoảng sợ. Một cuộc thoát thân khỏi rừng diễn ra rầm rộ. Những khuôn mặt đen đúa thẫn thờ kèm theo nỗi sợ hãi bao trùm. Núi rừng tạm yên ắng. Thế nhưng, câu chuyện vàng sa khoáng vẫn là mãnh lực, lại biến những xóm làng bình yên một lần nữa bị xáo trộn khi vàng tặc đổ bộ về.
Với dụng cụ như xẻng, cuốc, mâm đãi... hàng chục phu vàng thay nhau đào bới lòng sông tìm vận may. “Mùa này không có việc gì làm hết, nên tìm ra các sông suối đãi vàng. Ban đầu chỉ vài người, nhưng sau đó hàng chục người kéo ra đây đãi vàng. Có khi lên đến hơn 100 người. Làm cả tuần nay rồi nhưng chưa ai trúng lớn cả. May mắn thì ngày kiếm được vài trăm nghìn đồng. Như tui làm hai ngày đầu kiếm hơn 500 nghìn đồng. Thấy tui làm có nên mấy đứa con cũng tranh thủ mua xẻng, mâm đãi đi tìm vàng” – ông Đinh Văn Đút, đang đãi vàng nói.
Môi trường bị xâm hại
Không chỉ là khai thác trái phép mà những nơi cơn lốc vàng sa khoáng đi qua, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Những vạc rừng bị xóa sổ, những dòng sông bị đào bới tan tành, biến thành những con sông chết.
Một số sông, suối ở Tây Trà mùa này khó mà tìm thấy dòng nước trong xanh, mà thay vào đó là màu đỏ quạch. Đi dọc theo các con sông như Hà Riềng, Trường, nơi vàng tặc đi qua là cảnh tan hoang, xơ xác. Dòng chảy bị thay đổi, sạt lở ngày càng nhiều hơn.
Theo ông Hoàng Như Lâm: “Nạn khai thác vàng trái phép đã biến những con sông thơ mộng trở thành những dòng sông chết và khi mùa mưa lũ về thì lũ quét, lũ ống xuất hiện nhiều hơn. Cái giá phải trả cho nạn khai thác vàng trái phép là cực lớn.
Ông Phí Quang Hiển - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, việc đào đãi vàng trái phép gây nguy hại cho môi trường. Trong đó, các đối tượng đào đãi vàng thường sử dụng hóa chất để lọc vàng sẽ gây ra những hệ lụy khó lường. “Nhưng sợ nhất là môi trường nguồn nước tại chỗ bị ô nhiễm và sau đó thấm vào mạch nước ngầm người dân bản địa sử dụng sẽ dễ mắc bệnh. Ngoài ra, nguồn nước từ các bãi vàng chảy ra các sông, suối chảy đi nơi khác và gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do đó, tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt và các địa phương phải quản lý chặt địa bàn, sớm ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép” – ông Hiển nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
*Kỳ 3: Loay hoay “cuộc chiến” chống “vàng tặc”