Giữ vẹn nếp nhà Đại tướng

10:10, 12/10/2013
.

Nhà lưu niệm của Đại tướng nằm yên bình bên dòng Kiến Giang, tỉnh Quảng Bình. Chiều chiều, những chuyến thuyền đầy ắp lúa nối nhau đi trong tiếng hò khoan da diết. Hàng cây xanh mướt mắt ngoài ngõ hay mái nhà tranh đơn sơ... cứ vương vấn hồn người

Hằng ngày, khách thập phương đến thăm ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đều được một người đàn ông luống tuổi, dáng dong dỏng cao và hiền từ đón tiếp nồng hậu. Ông luôn trả lời tận tâm, tận ý những điều mọi người quan tâm. Ông là Võ Đại Hàm, 70 tuổi, người cháu họ gọi Đại tướng bằng bác.

Thân quen, bình dị

Từ nhỏ, ông Hàm đã được đưa ra Bắc học. Năm 1978, ông trở về quê nhà. “Lúc đó, bác Giáp giao cho tôi nhiệm vụ trông coi nhà cửa và phần đất hương hỏa của gia đình” - ông Hàm cho biết.

Ông Hàm dựng căn nhà nhỏ gần nhà Đại tướng để dễ bề trông coi. “Năm 1946, thực dân Pháp lấy cớ gia đình có người theo cộng sản nên đã đưa lính đến bắt cụ Võ Quang Nghiêm, thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi phóng hỏa đốt nhà. Đến năm 1977, gia đình Đại tướng và chính quyền địa phương mới phục dựng nguyên trạng ngôi nhà xưa trên nền đất cũ” - ông Hàm kể.
 

Một góc nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một góc nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Ông Phan Thanh Giảng - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Lệ Ninh, nay chia thành Quảng Ninh và Lệ Thủy - bồi hồi nhớ lại: “Lúc ấy, hay tin lãnh đạo huyện bàn tính chuyện sửa sang lại ngôi nhà thành nơi lưu niệm, Đại tướng căn dặn rất kỹ, yêu cầu không thay đổi gì cả. Mái hiên, nhà bếp vẫn lợp tranh đúng kiểu nhà ngày xưa mà Đại tướng từng sinh sống”.

Theo ông Giảng, ban đầu, lãnh đạo huyện có kế hoạch xây dựng ngôi nhà Đại tướng thật khang trang. “Chúng tôi tính dùng gỗ lim lấy ở rừng Lệ Thủy. Việc chuẩn bị gỗ được giao cho lực lượng kiểm lâm tìm kiếm. Thợ làm nhà thì tuyển trong vùng. Khi huyện báo cáo, Đại tướng kiên quyết không đồng ý. Đại tướng gay gắt bảo rằng làm thế sẽ trở thành tiền lệ cho mọi người phá rừng. Theo Đại tướng, chỉ cần làm nhà bằng gỗ vườn trồng ở Lệ Thủy” - ông Giảng xúc động.

“Ngôi nhà đã được làm theo đúng kiểu cũ, gồm 3 gian, 2 chái, lợp ngói theo nếp nhà truyền thống của vùng quê, còn mái hiên và nhà bếp vẫn lợp tranh” - ông Hàm cho biết. Trong nhà lưu niệm, gian chính giữa đặt bàn thờ tổ tiên, treo di ảnh 2 cụ thân sinh của Đại tướng, phía ngoài là một chiếc bàn tiếp khách đơn sơ. Gian bên cạnh là phòng ngủ có chiếc giường trải chiếu cói. Nhiều nơi trong nhà treo hình ảnh Bác Hồ chụp chung với Đại tướng, Đại tướng cùng chiến sĩ... Những vật dụng thân quen ở vùng lúa Lệ Thủy như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, vại... được sắp đặt ngăn nắp.

Nhà lưu niệm Đại tướng nằm yên bình bên dòng Kiến Giang trong xanh mải miết chảy về xuôi. Chiều chiều, những chuyến thuyền đầy ắp lúa nối nhau đi trong tiếng hò khoan da diết. Hàng cây xanh mướt mắt ngoài ngõ hay mái nhà tranh đơn sơ cứ vương vấn hồn người qua lại. Trong vườn nhà, cây cối xanh mát, vườn tược sạch sẽ bởi vợ chồng ông Hàm ngày ngày quét dọn, chăm nom.

Hơi thở làng quê

Ngôi nhà của Đại tướng gắn liền những kỷ niệm đầy ắp, không thể phai mờ đối với ông Hàm. “Tôi đã gắn bó với ngôi nhà lưu niệm bao nhiêu năm nay, thấy gần gũi, thân thiết còn hơn cả nhà của mình” - ông tâm sự. Mỗi tặng vật như bức ảnh, quyển sách... của người dân khắp nơi mến mộ mang đến tặng Đại tướng đều được ông nâng niu, trân trọng giữ gìn.

Cứ mỗi sáng sớm thức dậy, ông Hàm tranh thủ cày xới luống rau, chặt vài khúc củi rồi lại qua trông nom nhà Đại tướng. Ông Hàm nhớ lại trận lũ lịch sử tháng 1-2010, nước sông Kiến Giang dâng lên cao, ngập ngang mép bàn trong nhà. Năm nào mùa lũ về, ông cũng cẩn thận gói ghém trước đồ đạc, tranh ảnh trong nhà Đại tướng đưa về nhà mình, chất lên chỗ cao trông giữ cẩn thận. Lũ rút, nền nhà bằng đất bong tróc từng mảng lớn, nhão nhoẹt. Vợ chồng ông ra đồng lấy bùn về đắp lại như cũ...

“Ở vùng đất nhiều bão lũ như Lệ Thủy, nhà cửa thường hư hại. Tôi tuyệt đối giữ gìn mọi thứ trong nhà, không để mất mát hay hư hỏng. Vì là nhà lưu niệm nên mình phải để theo lối kiến trúc như cũ, thay khác đi sẽ không hay. Mỗi thứ đồ trong căn nhà đều mang hơi thở của làng quê, đơn giản, bình dị như tính cách con người Lệ Thủy vậy” - ông tâm sự.  

Cứ mỗi lần chúng tôi ghé thăm nhà lưu niệm Đại tướng, sau khi trò chuyện, ông Hàm lại vào lau dọn. Nhìn cách ông Hàm dùng chổi lông nhẹ nhàng làm sạch những khung ảnh, bàn thờ, quyển sách viết về Đại tướng, chúng tôi cảm nhận ông trân trọng công việc của mình tới mức nào.

Ông thổ lộ: “Với tôi, ngôi nhà không chỉ là nơi khách tham quan mà còn có gì đó thật thiêng liêng. Trong tâm khảm, lúc nào tôi cũng nhớ và thường nhắc với mọi người câu nói của Đại tướng: “Gia đình, quê hương là nơi hun đúc ý chí, nhân cách và quyết định con đường đi đúng đắn cho tôi sau này”.
Đau đáu quê nhà

Ông Hàm cho biết những lần trở về thăm quê, nơi đầu tiên Đại tướng đến là nghĩa trang liệt sĩ để thắp hương cho người cha và các chiến sĩ đã ngã xuống. Tiếp đó, Đại tướng đến thắp hương trên mộ mẹ và những người thân đã khuất ở nghĩa trang gia đình. Về ngôi nhà của mình, ông kính cẩn thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Rồi ông thăm hỏi những người bạn thuở thiếu thời xem ai còn, ai mất; bắt tay, ôm hôn từng người bà con, làng xóm...

Sau vườn nhà lưu niệm có cây khế cổ thụ đã hơn trăm tuổi, cành lá sum sê, tươi tốt. “Đại tướng bảo cây khế này có từ lâu. Thuở niên thiếu, ông vẫn ngồi học bài và bày trò chơi cùng các bạn đồng liêu dưới gốc khế. Đến mùa ra quả, khế lúc nào cũng sai trĩu cành. Du khách ghé thăm, ai cũng chọn gốc khế làm nơi chụp ảnh kỷ niệm” - ông Hàm cho biết.

Trước nhà lưu niệm của Đại tướng là một cây thuốc quý. “Cây thuốc này được Đại tướng mang từ Huế ra trồng, có thể chữa được các loại đau bụng rất hiệu nghiệm. Đại tướng bảo tôi chăm sóc cây cho tươi tốt để bà con ai lỡ đau bụng thì có thuốc mà dùng” - ông Hàm nói. Được chăm bón cẩn thận, cây thuốc xanh tốt quanh năm.

Nhà lưu niệm của Đại tướng đón hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước đến viếng thăm mỗi năm. Mỗi lần có khách đến, kể về những kỷ niệm với Đại tướng là ông Hàm lại dâng trào một niềm xúc động khó tả. “Đại tướng đã đi xa nhưng tôi vẫn như thấy ông đang quanh quẩn với quê nhà, đi thăm hỏi bà con rồi về lại ngôi nhà xưa để thắp hương, đi quanh vườn ngắm cây, tỉa lá” - ông Hàm thổn thức.

Những lần về thăm quê hương, Đại tướng dành nhiều thời gian ở lại ngôi nhà của mình để có dịp tiếp đón bà con, xóm làng. Ông Hàm cho biết từ lần về quê năm 2004, sức khỏe của Đại tướng không được như xưa.

“Vài năm gần đây, không về được, gặp ai ra Hà Nội thăm, Đại tướng vẫn thường hỏi thăm trẻ con làng mình còn tắm sông nữa không, lễ hội đua thuyền tổ chức hằng năm nhân dịp Quốc khánh thế nào... Đại tướng luôn nhớ về quê nhà. Trong ký ức của ông luôn đầy ắp hình ảnh con sông Kiến Giang hiền hòa, làn điệu hò khoan Lệ Thủy da diết, đám trẻ con bơi lội như rái cá... Với Đại tướng, đó là một phần máu thịt quê hương” - ông Hàm ngân ngấn nước mắt.

Thường thì thời gian Đại tướng về ở ngôi nhà lưu niệm, cơm nước cho ông đều do bà Trần Thị Vân, vợ ông Hàm, lo liệu. “Tôi thường nấu cho Đại tướng các món dân dã như cá bống kho tộ, canh chua cá lóc, thêm đĩa rau muống luộc, cà pháo muối... Ông ăn ngon miệng lắm. Nấu mâm cơm cúng Đại tướng mấy ngày nay, tôi cũng chọn những món thân quen ấy” - bà Vân nghẹn ngào.

 

Theo Hoàng Hà/Người lao động


CÁC TIN KHÁC
.