Nơi đầu sóng ngọn gió

09:11, 06/11/2012
.

*Thanh Thảo


(QNĐT)- 53 tuổi, Phan Đông Hải là người đàn ông vạm vỡ, gọn gàng, trầm tĩnh, mắt luôn nhìn thẳng. Anh kể: “Lúc cậu chàng mới leo bước đầu tiên lên thang dây thả từ mạn con tàu chở dầu thô cao như tòa nhà 3 tầng và to như một sân bóng đá, tôi đã thấy có dấu hiệu ngài ngại, vì chân cậu chàng hơi run, bám thang dây không vững. Với chúng tôi, thời điểm leo lên hay leo xuống thang dây là thời điểm nguy hiểm nhất. Sơ sẩy là rớt xuống biển như chơi. Lúc cậu ta leo được 1/3 thang dây, đột nhiên tôi thấy mặt hắn tái xanh, người không bình thường. Tôi vội hét: "Đứng yên đó, tôi cho người tiếp ứng ngay”.

TIN LIÊN QUAN


Anh Hải lắc đầu: “Lần đầu gặp trường hợp như thế này, nói thật, tôi hơi hoảng. Tôi lệnh cho một cậu đang ở trên tàu mang sợi thừng leo từ từ xuống, tiếp cận đồng đội mình đang gặp nguy, lấy thừng cột chặt anh ta, và hô đồng đội trên tàu dầu hè nhau kéo anh ta lên. Hú vía!”.

 

do công việc đòi hỏi một sự thành thạo rất cao và thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, nên tất cả các thành viên của “đội sói biển” đều là những người lính chuyên nghiệp “toàn tòng”.
Tác nghiệp trên tàu chở dầu.


Sau khi an toàn, anh Hải mới hỏi người đồng đội của mình, vì sao lần leo thang dây này lại “oải” như thế ? Lúc ấy người suýt bị nạn mới thổ lộ: “ Suốt đêm qua, đứa con nhỏ của em bị sốt, em và vợ em phải thay nhau ôm nó suốt đêm, có ngủ được phút nào đâu! May mà anh xử lý kịp thời, chứ lúc đó, em như muốn ngất xỉu vì đuối sức và chóng mặt”.
 
Tình huống ấy, tuy hiếm, nhưng không phải không xảy ra với đội công tác biển của Phòng quản lý cảng biển thuộc nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thực ra, hàng ngày, hơn 60 cán bộ chiến sĩ của Phòng  luôn phải đối mặt với những hiểm nguy bất ngờ ngoài biển, khi họ thực hiện công đoạn đầu tiên của Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Đưa dầu thô từ các tàu chở dầu tải trọng hơn trăm nghìn tấn rót qua đường ống tới “Phao rót dầu một điểm neo”(SPM) bập bềnh giữa biển.

Từ cái SPM đó, dầu thô sẽ được bơm chuyển qua hệ thống đường ống dài 3,1 km chạy ngầm dưới đáy biển, thêm 1,1km đường ống chạy trên bờ để vào thẳng 8 bể chứa dầu thô của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ca nô chuyên dụng của đội sói biển.
Ca nô chuyên dụng của đội sói biển.


Phan Đông Hải, chỉ huy trưởng của “đội đặc nhiệm” Phòng quản lý cảng biển Dung Quất là một “sói biển” thực thụ. Anh đã từng chu du trên các con tàu vượt đại dương, trước khi về chỉ huy “đội sói biển” chuyên nghiệp này. Bây giờ, dù hành trình mỗi ngày của “đội sói biển” chỉ là lái ca-nô từ cảng ra phao rót dầu, chỉ tầm 5 hải lý (8km), tác nghiệp ở đó trong vòng một ngày đêm, nhưng do công việc đòi hỏi một sự thành thạo rất cao và thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, nên tất cả các thành viên của “đội sói biển” đều là những người lính chuyên nghiệp “toàn tòng”. Chuyên nghiệp bắt đầu ngay từ chuyện…

…Mang cơm đi biển

Nhìn xéo trên bàn làm việc của Phan Đông Hải, tôi thấy một chiếc… cặp lồng. Loại cặp lồng 3 ngăn dùng đựng cơm và thức ăn. Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi: “Hải thường lấy cơm về phòng ăn à"? Hải cười: “Không, em mang cơm đi biển”. Thì ra, ở Phòng quản lý cảng biển Dung Quất này, các thành viên đều tự trang bị cặp lồng để mỗi khi ra biển lại mang cơm theo, ăn buổi trưa hoặc buổi tối. Giống như thời bao cấp các công chức mang cơm tới cơ quan ăn trưa vậy.

Mỗi tuần luôn có từ 3 tới 4 chuyến ra phao rót dầu SPM để tác nghiệp, nên mỗi thành viên của “đội sói biển” làm việc theo lịch: Cứ đi biển 24 giờ đồng hồ thì được nghỉ 24 giờ sau đó. Nhưng mỗi chuyến ra biển, ngoài chuyện phải có mặt đúng giờ, chuẩn bị sức khỏe tốt, mỗi thành viên còn phải tự lo… ẩm thực cho mình. Nghĩa là lo mang cặp lồng cơm cùng một số thức ăn tươi, nhất là rau tươi, ra biển. Trên tàu dầu, thủy thủ cũng mong chờ rau tươi và thức ăn tươi từ “đội sói biển” mang ra để chia sẻ, vì trên tàu phải ăn thức ăn cấp đông mãi nhiều khi rất ngán. Tranh thủ những khoảng nghỉ ngắn ngủi, anh em lại lúi húi nấu kho thêm thức ăn trên tàu hay trên phao rót dầu, bảo đảm bữa ăn đủ chất cho cả quá trình lao động rất nặng.

Tôi đã có dịp lên chơi một ngày với các anh lính thủy tàu cảnh sát biển làm nhiệm vụ canh giữ an toàn cho tàu rót dầu thô. Từ tàu cảnh sát biển nhìn sang tàu chở dầu thô, thấy ngợp vì con tàu to, thành tàu cao quá.

Tôi cũng đã thấy chiếc thang dây mà “đội sói biển” của Phan Đông Hải thường xuyên leo lên leo xuống, đúng là cái thang không dành cho người yếu tim và yếu… chân tay. Nó vắt va vắt vẻo, đỏng đà đỏng đảnh. Khi được mời lên chiếc thang dây này để tham quan tàu chở dầu thô, tôi đã lịch sự từ chối, vì biết chân cẳng mình không kham nổi với cái thang dây lắt lẻo kia. Nhỡ rơi xuống biển lại mất công cho “đội sói biển” lặn xuống… mò.

Những công việc thường nhật của “đội sói biển” Phan Đông Hải có vẻ cách rất xa tầm nhìn của mọi người ở đất liền. Những hiểm nguy mà họ phải chịu đựng, cũng chỉ mình họ biết. Nhưng cũng không hẳn vậy.
Phan Đông Hải kể với tôi là đã hơn một lần, những thuyền trưởng tàu chở dầu đã bày tỏ sự hài lòng và ca ngợi tính chuyên nghiệp của “đội sói biển” Phòng quản lý cảng biển Dung Quất, nhất là khi gặp sóng to gió lớn, biển động dữ dội mà tiến độ giải phóng dầu thô vẫn bảo đảm, thậm chí vượt thời hạn.

Có một thuyền trưởng người Anh đã rất ngạc nhiên trước trình độ nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của “đội đặc nhiệm cảng Dung Quất”. Từng làm thuyền trường tàu chở dầu mấy chục năm, đi qua biết bao cảng rót dầu trên thế giới, ông thuyền trưởng người Anh tấm tắc: “Các anh là một đội quân thực sự chuyên nghiệp”. Lời khen ấy thực tình, chứ không phải nói đãi bôi, lấy lòng.

Huấn luyện chuyên nghiệp như… Arsenal     
 

Tổng giám đốc Nhà máy lọc dầu Dung Quất Nguyễn Hoài Giang  nói với tôi: Em rất tự hào về “đội quân xung kích” của anh Phan Đông Hải. Họ thực sự là những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Với nhà máy lọc dầu Dung Quất, họ là những người lính tiên phong.

Phan Đông Hải nói với tôi: Để nhận được những lời khen như thế từ khách hàng (các tàu chở dầu thô), chúng tôi không chỉ làm việc cật lực mà quan trọng hơn, phải làm việc với kỹ năng cao nhất có thể.

Tôi vốn mê cách huấn luyện cầu thủ trẻ của đội Arsenal và ông HLV “giáo sư” Arsene Wenger, nên trong việc chọn người cho “đội sói biển”, tôi ưu tiên chọn những lính trẻ được đào tạo bài bản trong trường Hàng hải, và qua công việc hàng ngày, tái huấn luyện cho họ những kỹ năng và kinh nghiệm mà có thể họ chưa được học trong nhà trường.

Những chiến sĩ của tôi, sau mấy năm công tác ở đây đều đã trở thành những “sói biển” thực thụ và đa năng. Họ có thể làm được rất nhiều việc, từ lái tàu tới tác nghiệp với đường ống trên tàu dầu và trên phao rót dầu SPM.

Họ cũng có khả năng khắc phục những sự cố xảy ra thường xuyên do điều kiện bất thường khi tác nghiệp trên biển. Đặc biệt, họ thành thạo công đoạn lên và xuống thang dây tàu chở dầu, một công đoạn nhiều nguy hiểm nhất.

Mỗi khi ca-nô của chúng tôi cập mạng tàu đưa người lên hay xuống tàu qua thang dây, cả ca-nô và tàu dầu đều bắt buộc phải chạy về một hướng và cùng tốc độ, chứ không thể đứng yên một chỗ, vì đứng lại sẽ khiến tàu bị chao lắc, không cách gì đưa người lên thang dây được.

Hoàn thành công việc.
Hoàn thành công việc.


Leo thang dây trong trạng thái “động” như thế là rất khó, nhất là khi sóng lớn, biển động, gió to hay trong đêm tối. Thường thì khi một người leo thang dây, phải có ba người đứng dưới ca-nô hỗ trợ.

Khó nhất là khi tàu và ca-nô cùng chòng chành, va đập, làm sao đưa người leo thang dây tiếp cận chuẩn với thang dây, không để trượt chân hay chân bị kẹp giữa ca-nô và mạn tàu gây chấn thương. Rồi khi leo xuống, cả người trên thang dây và những người ở dưới ca-nô phải hợp đồng thật ăn ý với nhau, tới một độ nào đó thì người leo thang buông tay.com, thả rơi tự do xuống… vòng tay đồng đội đón chờ ở dưới ca-nô, theo kiểu “Thị ơi thị rớt bị bà già” trong truyện cổ tích Tấm Cám.  Đó là thời khắc nguy hiểm nhất, vì nếu phối hợp không đồng bộ, không đúng thời điểm, “quả thị-người” trên thang dây có thể rơi tõm xuống biển, hoặc “rơi tự do” xuống ca-nô, tai nạn như chơi.

Cũng đã hơn một lần, lính của tôi không thể từ tàu xuống ca-nô do biển quá động không thể áp ca-nô vào mạn tàu được. Khi đó, chàng lính của tôi đành có một chuyến “du lịch” bất đắc dĩ trên tàu dầu vào Vũng Tàu, rồi từ đó lò mò lên Sài Gòn đi máy bay về Quảng Ngãi.

Tôi nói phải học huấn luyện “theo kiểu Arsenal” là như thế. Sự ăn ý, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cầu thủ trên sân bóng chính là một gợi ý tốt cho chúng tôi mỗi khi tác nghiệp trong những hoàn cảnh không bình thường, thậm chí nguy hiểm./.

   
 


CÁC TIN KHÁC
.