Bạn của liệt sĩ

10:07, 27/07/2012
.

*Phóng sự của TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Suốt mấy chục năm qua, dấu chân của ông đã in lên hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ từ Quảng Trị đến Cà Mau. Sau mỗi chuyến đi, ông lại cẩn thận ghi chép danh sách các liệt sĩ ở nghĩa trang mà ông từng đến thăm rồi viết thư gửi về địa chỉ đã khắc trên bia. Một phần ba trong số 14 ngàn lá thư mà ông gửi đi ấy đã có hồi âm. Người ta gọi ông là “bạn của liệt sĩ”. Ông là Đào Thiện Sính (65 tuổi), hiện ở thị trấn Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Đi Tây Ninh về, gặp tôi ông “khoe” ngay: “Tôi vừa trao cho Bưu điện Khánh Vĩnh trên 2.000 bức thư sau chuyến đi vừa rồi. Hy vọng sẽ có nhiều người thân của các liệt sĩ nhận được tin về con em mình”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi hàng chục cuộc điện thoại từ mọi miền của đất nước gọi đến ông. Người thì hỏi thêm về các địa danh ghi trong thư cho rõ, người thì hỏi đường đi đến nơi người thân họ đang nằm bằng phương tiện gì thuận lợi nhất; lại có tiếng thút thít từ đầu dây bên kia bày tỏ lòng biết ơn không nói nên lời.

Nhỏ nhẹ và khiêm nhường, bao giờ ông cũng “vâng” một tiếng trước khi trả lời cho một ai đó. Tôi hỏi ông: “Có lúc nào anh cảm thấy mệt mỏi khi phải trả lời liên tục như vậy không?”.

Ông cười hiền lành: “Vui chớ mệt chi! Suốt mấy chục năm qua, tôi luôn được động viên bằng những câu hỏi như vậy. Ban đầu cũng thấy phiền thật, nhưng rồi nghĩ, người ta đang cần chia sẻ, nhất là những chuyện rất thiêng liêng như thế, mình có phiền một chút nhưng bù lại, người ta cảm thấy nhẹ lòng. Tôi cũng đang đi tìm người thân của mình hy sinh trong chiến tranh như thế nên tôi hiểu tâm trạng của họ”.

Từ việc tìm người thân

Ông Sính sinh năm 1947, tại xã Ninh Hải huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương. Dù có người anh là Đào Chí Nguyện, sinh năm 1937 đã đi B nhưng thấy bạn bè trong làng nhập ngũ ào ào, ông Sính cũng rất sốt ruột và rồi lên đường theo chân anh trai.

Ông Đào Thiện Sính.
Ông Đào Thiện Sính.


Là lính thông tin, bước chân ông đã đặt lên hầu khắp các vùng rừng Quảng Trị, sang Nam Lào, rồi xuyên Tây Nguyên và dừng lại ở Tây Ninh trước khi giải phóng miền Nam.

Tám năm ngang dọc trên khắp các chiến trường, lúc nào ông Sính cũng canh cánh bên lòng lời dặn của mẹ lúc tiễn ông ra trận. Đó là làm sao gặp được người anh trai, nhập ngũ từ năm 1966 nhưng bặt vô âm tín.

Ông Sính đã có mặt giữa Sài Gòn trong ngày vui toàn thắng nhưng vẫn không quên lời dặn của mẹ mình. Tin tức về người anh trai vẫn bóng chim tăm cá. Ông khoác ba lô trở về Hải Dương, coi như xong nghĩa vụ đời trai thời chiến.

Người mẹ đón đứa con sau 8 năm xa cách, niềm vui chưa kịp trọn thì bà nhận hung tin: Người con cả, anh Đào Chí Nguyện đã hy sinh từ năm 1969 tại “mặt trận phía Nam”. Sau này đồng đội anh ông cho hay là anh Nguyện hy sinh tại Tây Ninh, đúng nơi mà ông Sính kịp dừng chân trước khi tiến về Sài Gòn.

Bắt đầu từ đó, lòng ông nung nấu một quyết tâm là tìm bằng được mộ người anh trai mình. “Hy sinh ở mặt trận phía Nam” là một khái niệm vô cùng mông lung, nhưng đã xác định tại Tây Ninh thì tôi phải tìm bằng được, vì đó là nơi tôi từng sống một thời gian trong chiến tranh”.

Ông Sính nói lí do vì sao ông “hạ quyết tâm” tìm anh trai như thế. Năm 1976, ông Sính bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm người anh của mình. Và Tây Ninh là địa chỉ đầu tiên mà ông hướng đến.

Rồi thành “bạn của liệt sĩ”

Những tưởng cuộc kiếm tìm sẽ suôn sẻ nhưng năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, một lần nữa, Đào Thiện Sính tái ngũ rồi khoác ba lô lên đường, kịp để lại cho người vợ trẻ hai mặt con. Trong những cánh rừng bom rơi nạn nổ trên chiến trường K, lòng Sính vẫn không nguôi lời mẹ dặn ngày nào.

Mãi đến 3 năm sau, năm 1982, ông xuất ngũ lần thứ 2 và lại tiếp tục cuộc kiếm tìm. Những địa danh Hòa Thành, Tân Châu, Mỏ Công, Tràng Diệp, Bến Cầu… của tỉnh Tây Ninh lại đi về trong những giấc ngủ chập chờn hằng đêm.

“Hồi đó đi lại khó khăn lắm, mà tôi lại đang công tác ở Bưu điện Khánh Vĩnh nên không có thời gian nhiều. Mỗi năm được bao nhiêu ngày phép là tôi lại dành cả cho những cuộc kiếm tìm ấy. Hễ mỗi lần đặt chân đến một nghĩa trang liệt sĩ nào đó là lòng tôi lại thắp lên một chút hy vọng mong manh rằng, từ một tấm bia bất kỳ trong nghĩa trang sẽ hiện lên dòng chữ “Liệt sĩ Đào Chí Nguyện”.

Tại một nghĩa trang liệt sĩ ở Đồng Nai. Ảnh nhân vật cung cấp
Tại một nghĩa trang liệt sĩ ở Đồng Nai. Ảnh nhân vật cung cấp


Nhưng rồi vô vọng. Sau mỗi lần “vô vọng” như vậy, lại cồn cào trong tôi một nỗi niềm: Hàng vạn liệt sĩ “sinh Bắc tử Nam” đã có tên có tuổi, có cả quê quán hẳn hoi thế này nhưng người thân của các anh lại không hề hay biết con em họ đang nằm ở phương trời nào trong cái khái niệm “mặt trận phía Nam” mênh mông ấy, sao mình lại không thông báo cho họ?”.

Bắt đầu từ đó, ông Sính đã chuyển công việc tìm người anh cụ thể của gia đình ông sang “những người anh” của cả nước. Đến nghĩa trang nào ông cũng ghi chép tất cả tên tuổi của liệt sĩ trên bia, để sau một chuyến đi, ông lại viết thư gửi về thông báo cho người thân của họ. Ông thành “anh quân bưu của liệt sĩ” tự lúc nào ông cũng không hay.

Đưa các anh về với quê nhà

Anh Bùi Khanh ở xã Bình Trị huyện Bình Sơn kể: Người anh trai của tôi ở nhà tên Bùi Trộn nhưng khi đi bộ đội lại mang tên Bùi Văn Trộn. Anh hy sinh tại chiến trường K, gia đình tìm khắp các nghĩa trang biên giới Gia Lai mà không được. Thế rồi nhận thư anh Sính, anh thông báo là có liệt sĩ tên là Bùi Văn Trộn quê xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang nằm ở nghĩa trang Gò Dầu, Tây Ninh.

Gia đình mừng quá vô Gò Dầu và đúng là anh trai tôi. Chỉ sai một chữ lót thôi mà phải mất hơn 30 năm mới tìm được phần mộ anh mình. Không có thư anh Sính, chắc mãi mãi không biết anh Trộn ở đâu.

Ông Sính đã gửi 14.000 lá thư suốt mấy chục năm qua và đã có trên 4 ngàn bức thư đã được hồi âm như trường hợp của anh Bùi Trộn nói trên.

Tôi hỏi ông Sính: “Làm sao anh có thể nhớ đến con số 14.000?”. Ông nói ngay: “Con số trên là do Bưu điện Khánh Vĩnh cung cấp chứ tôi có thống kê làm gì. Họ thấy tôi làm cái việc rất ý nghĩa nên người ta lưu lại số liệu.

Hồi đầu, tôi phải bỏ tiền túi ra mua giấy, bút, bì thư và cả tem thư nữa, nhưng đến năm 1996, 1997 gì đó, có cái Thông tư liên tịch giữa Tổng cục Bưu điện với Bộ Thương binh và Xã hội, trong đó có quy định, hễ gửi thư thông báo cho thân nhân liệt sĩ địa chỉ con em họ thì được miễn phí nên tôi cũng đỡ phần nào.

Có mấy anh cựu binh ở TP. Hồ Chí Minh thấy tôi lặn lội tội nghiệp, lại tốn kém nên hằng năm họ gửi tặng tôi vài ngàn cái bì thư và giấy bút.

Năm ngoái tôi đến Long An buổi trưa, vào một quán ăn bên đường. Ăn xong tôi gửi tiền, cô chủ quán hỏi “có phải bác vừa lên tivi? Bác là người tìm mộ liệt sĩ?”. Tôi xác nhận. Và cô chủ quán nói: “Cháu biếu bác bữa cơm ấy”. Tôi cảm động vô cùng. Không biết bao anh xe ôm song hành cùng tôi trong những cuộc kiếm tìm mấy chục năm qua; tôi cũng không nhớ hết là mình đã qua đêm biết bao ngôi nhà của người dân những nơi heo hút ở Quảng Trị, Cà Mau, Long An, Tây Ninh. Chỉ nhớ rằng, ở những nơi mà tôi đã đi qua ấy, luôn có những tấm lòng chở che và giúp đỡ chí tình, y như thời tôi còn tại ngũ những năm chiến tranh”.

 Với chồng thư chuẩn bị gửi đi tại Bưu điện Khánh Vĩnh. Ảnh: T.Đ
Với chồng thư chuẩn bị gửi đi tại Bưu điện Khánh Vĩnh. Ảnh: T.Đ


Ông Sính luôn tạc ghi những tấm lòng đã giúp đỡ ông trong cuộc kiếm tìm người anh trong vô vọng ấy, nhưng có lẽ, điều an ủi nhất đối với ông là, trong số 14.000 lá thư mà ông gửi đi, đã có trên 4.000 hồi âm. Có nhiều gia đình liệt sĩ ở ngoài Bắc, nghe theo lời cô đồng, thầy bói, đã lặn lội vào tận Kon Tum để bốc mộ người thân nhưng sau khi nhận thư ông, họ mới biết là con em mình đang nằm ở Long An.

Ông đã chứng kiến nhiều người vợ liệt sĩ đã đi tìm chồng suốt mấy chục năm chỉ để “trả nghĩa” cho nhà chồng trước khi “đi bước nữa”. Lại cũng có những trường hợp, trên bia mộ chỉ ghi mỗi cái tên là Cưởng, NG, ông lại phải gửi thư cho gần 50 phòng LĐTB&XH của những huyện nào mang tên chữ cái là NG. Cuối cùng rồi lá thư ấy cũng đã đến được tay người cần nó.

Mấy chục năm ông Sính đã làm thay công việc mà lẽ ra “cả một hệ thống chính trị” phải làm. Đó là điều trăn trở nhất nơi ông. Ông Sính nói rằng, nhiều nghĩa trang hiện nay, người ta dùng thuốc để diệt cỏ, thậm chí họ đốt cỏ cho nhanh. Nhìn thấy nghĩa trang nham nhở cháy đen, lòng ông lại nhói buốt.

Nhưng nhói buốt thường trực nơi ông vẫn là phần mộ anh trai Đào Chí Nguyện. Rồi ông lại lên đường với chiếc ba lô con cóc trong sự động viên của người vợ thảo hiền và cả 4 người con thành đạt.

Hôm tiễn ông lên đường ở Nha Trang, tôi chỉ biết cầu mong: “Chúc anh lần này sẽ gặp ngôi mộ mang tên Đào Chí Nguyện”. Lúc bóng ông xa dần nơi sân ga, tôi nghe lòng mình buốt nhói./.

 


CÁC TIN KHÁC
.