Những người ở lại

03:07, 04/07/2011
.
Ghi chép của TRẦN ĐĂNG

(QNĐT)- Mỗi ngày Côn Đảo đón khoảng 300 khách du lịch đi bằng máy bay và đường thủy. Hòn đảo ấy đang đẹp lên trong mắt du khách từng ngày, như muốn quên đi gánh nặng trĩu vai những đau thương trong quá khứ.
 
 
Biết tôi là đồng hương nên ông Tôn Long Anh, quê ở xã Nghĩa Lâm huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi, không ngại ngần gì để nói về “công việc” hàng ngày của mình: “Mỗi ngày một tiếng, chia làm hai lần, tôi phải “đu xà” như khỉ đấy chú em”.
 
Tôn Long Anh (trái) và Hai Viên- 2 trong 6 cự tù chính trị Côn Đảo. Ảnh: T.Đ
Tôn Long Anh (trái) và Hai Viên- 2 trong 6 cự tù chính trị Côn Đảo. Ảnh: T.Đ

Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích: “Đu như vậy để hai cái đốt xương sống nó trở về vị trí cũ, thầy thuốc dặn thế”. Ông Anh là một trong 6 cựu tù chính trị Côn Đảo còn trụ lại với mảnh đất này, dù phải trụ bằng cách “đu xà”! Tôi gọi họ là “những người ở lại”.

*Hướng dẫn viên bất đắc dĩ

“Đu xà như khỉ” như ông Tôn Long Anh hoặc tập ngồi thiền như ông Hai Viên hay “ăn kiêng toàn tập” như ông Nguyễn Văn Ước đều là những “bài” mà các thầy thuốc căn dặn họ sau mỗi lần đi khám bệnh về.

Hình như đòn roi mà những tên cai ngục của nhà tù đế quốc ở Côn Đảo này dành cho các ông từ 40 năm trước, bây giờ mới “thức giấc” để tra tấn họ một lần nữa.

Nhưng sau những cơn hành hạ thể xác từ những căn bệnh mãn tính ấy, các ông lại nói cười hồn nhiên như chưa từng lội qua bùn máu và nước mắt ở một nơi từng được ví như địa ngục trần gian này.

Ông Hai Viên vẫn hài hước, đúng chất giọng Quảng Nam: “Tui sống được đến chừ đã là lãi lắm, sáu tám (68 tuổi) rồi còn gì, ông bà ông vãi mà có “gọi” lúc nào thì mình “lên đường” lúc ấy, vui vẻ thôi”.

Nói rồi, ông Hai tự nguyện làm một hướng dẫn viên bất đắc dĩ dẫn tôi đi qua tất cả những địa danh đã từng ám ảnh tôi khi tôi còn là một cậu học trò, lần đầu tiên được tiếp xúc với “nền văn học cách mạng” qua cuốn sách “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận.

Qua mỗi địa danh là một dịp ông Hai tua ngược kim đồng hồ thời gian từ hơn 40 năm trước. Mỗi viên gạch, mỗi vuông tường, mỗi líp cỏ nơi đây cũng đều gợi lên trong ông những xót đắng về một quãng thanh xuân của đời mình.

Nhưng thật kỳ lạ là, suốt cả buổi đường ông đi cùng tôi, chưa bao giờ tôi nghe ông “khoe” về những chiến tích của mình mà hầu như ông dồn hết tâm lực và tình cảm để nói về những đồng đội của ông. Nhiều bạn tù thuở ấy đã hy sinh nhưng họ luôn bất tử trong ông Hai dù vĩnh viễn họ không bao giờ được nhìn thấy nơi “địa ngục” này đã và đang thay đổi từng giờ để trở thành một “thiên đường” cho những ai muốn đặt chân đến.

* “Cô Sáu” và những người bạn

Tôi cứ nghĩ địa chỉ mà ông Hai Viên muốn đưa tôi đến đầu tiên ở Côn Đảo sẽ là các trại tù với những cái tên nghe qua đã toát mồ hôi hột như chuồng cọp, chuồng bò… nhưng không, ông đưa tôi ra nghĩa trang Hàng Dương, nơi có gần 2 ngàn người tù đã phải nằm lại, để viếng mộ “cô Sáu” trước.
 
Du khách thăm “nhà giam đặc biệt”. Ảnh: T.Đ
Du khách thăm “nhà giam đặc biệt”. Ảnh: T.Đ

Cả Côn Đảo này, từ bé đến già, ai cũng gọi Võ Thị Sáu bằng “cô”. Tôi nghĩ, người Nam Bộ, gọi “cô” chắc là thương lắm. Hai Viên cũng gọi “cô Sáu”, nhưng thêm bốn từ nữa: “tội nghiệp cổ quá”.

Cứ tưởng ông Hai “tội nghiệp cô Sáu” vì thương cô chết trẻ nhưng khi ra tận mộ Võ Thị Sáu và chứng kiến toàn bộ những gì diễn ra tại đây, tôi mới hiểu vì sao ông Hai lại cứ chép miệng “tội nghiệp”.

 Bó nhang đã cháy quá nửa trên tay của tôi và ông Hai Viên nhưng chúng tôi không tài nào có thể vái lạy và cắm được nhang trên phần mộ Võ Thị Sáu vì quá nhiều người đàn bà đã choán hết chỗ và “thành tâm” đến mức, đọc nguyên một bài cúng, vần vè đủ kiểu, dài gần cả tiếng!

Nội dung của bài cúng ấy, tôi không tiện chép ra đây, vì chỉ dám ghi lại lời ông Hai Viên: “Mỗi lần ra viếng mộ cô Sáu là thế nào tôi cũng nghe được một bài cúng từa tựa như vậy. Xin cô Sáu để cổ phù hộ cho mình có sức khỏe thì được chứ xin cổ để cho chồng lên chức như cái bà vừa cúng lúc nãy thì tệ quá!”.

Ông Hai luôn luôn “tội nghiệp” mỗi khi gặp một chuyện gai mắt mà nhiều người đã dành cho “bạn cô Sáu”. Chỉ đến khi dẫn tôi vào thăm các nhà ngục mà ông cùng những đồng chí của mình từng nếm mùi đòn roi thì ông mới thay hai tiếng “tội nghiệp” ấy bằng cụm từ “tổ cha hắn, ác lắm”.

Bước chân ông Hai cứ lò dò nhẹ tênh như thể ông sợ bung vỡ một lần nữa tất cả những đau đớn và căm giận mà ông đã từng trải qua. Nhà tù rồi “nhà nguyện”, chuồng cọp và “giảng đường”, “bếp ăn tập thể” và máng lợn… những cặp “phạm trù đối lập” ấy vẫn đang song hành nơi trại giam Phú Bình này.

Người ta vẫn giữ nguyên sự trớ trêu của các bảng hiệu ấy như một thông điệp muốn gửi đến tất cả mọi người rằng, hòn ngọc giữa trùng khơi này không phải là nơi để cho sự tàn độc trú ngụ một lần nữa. Những người bạn của “cô Sáu” luôn nói với tôi điều đó mỗi khi nghe tôi gợi chuyện quá khứ.

* Đẹp lên từng ngày

Sau 40 phút bay từ TP. HCM là gặp “thiên đường”, ít ra là gặp sự trong lành hiếm thấy nơi mảnh đất phương Nam, gặp sự bình yên đến thanh vắng, gặp sự “an toàn” đến khó tin, gặp những cánh rừng nguyên sinh giữa biển và gặp những con người mến khách đến là dễ thương.
 
 
Một góc Côn Đảo. Ảnh: T.Đ
Một góc Côn Đảo. Ảnh: T.Đ

Thời tiết Côn Đảo mùa này hay có mưa giông về chiều, rất mát mẻ và dễ ngủ say. Ấy thế mà tôi vẫn cứ giật thột mỗi khi nghĩ đến chiếc xe máy thuê của bà chủ khách sạn đang vất ngoài đường. Khác với trong đất liền, nhà ở Côn Đảo không có lối dắt xe máy vào nhà!

Nghe tôi “trình bày hoàn cảnh” khó ngủ vì sợ mất xe, bà chủ cho thuê chiếc xe cười phá lên: “Côn Đảo không có ăn trộm à nghen, nghĩ vậy là “oan” cho dân Côn Đảo lắm đó”.

Hèn chi, chó ở Côn Đảo nhiều vô thiên lủng nhưng gặp ai cũng vẫy đuôi rối rít! Đến đêm thứ 2 thì tôi bắt đầu làm quen với cảm giác “không trộm” nhưng vẫn cứ dặn lòng, hễ leo lên máy bay về lại đất liền là loại ngay cái ý nghĩ đó vì thế nào cũng bị mất xe nếu vất vạ vật như ở Côn Đảo.

Sau 30 phút “đu xà”, ông Tôn Long Anh mới bắt đầu câu chuyện với  khách đồng hương. Thay vì “khai lý lịch” cho ông khách nhà báo hay tò mò, ông Anh tỏ ra vui mừng về việc ở lại Côn Đảo của mình: “Cũng may là tôi quyết định ở lại Côn Đảo chứ không biết sự thể sẽ ra sao nếu như về ngoài đó”.

Đúng ra là ông cũng về Quảng Ngãi ngay sau ngày giải phóng nhưng chỉ để “rước” một cô cùng quê vô sống chung. Ông nói: “Lấy vợ ngoài quê cho chắc. Lỡ nó có hư cũng không ai chửi!”.

Hai Viên cũng đồng quan điểm đó. Về Quế Sơn rước một bà “Quảng Nôm”. Không có bà vợ nào của hai ông “hư” cả. Hai bà nuôi 6 đứa con và 2 ông chồng suốt ngày gắn với thuốc chữa bệnh. Riêng Hai Viên thì vừa uống thuốc vừa uống cả bia và hút thuốc lá liên tù tì.

Vất vả là thế nhưng con cái của họ, có thể nói là rất thành đạt ở đất Côn Đảo này, người thì bác sỹ, anh thì kỹ sư, có cả nhà báo nữa! “Với tôi, như thế đã là “thiên đường” rồi”- ông Hai Viên thú nhận.

Mỗi ngày Côn Đảo đón khoảng 300 khách du lịch đi bằng máy bay và đường thủy. Rất nhiều du khách muốn ra thăm Côn Đảo nhưng luôn luôn nghe từ các hãng hàng không câu này “hết vé”. Hòn đảo ấy đang đẹp lên trong mắt du khách từng ngày, như muốn quên đi gánh nặng trĩu vai những đau thương trong quá khứ./.

CÁC TIN KHÁC
.