Tan nát núi Hàng Ngang

06:04, 13/04/2011
.

(QNĐT)- Thời gian qua, tình trạng khai thác đá tại núi Hàng Ngang, thuộc xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa đã trở nên báo động. Việc khai thác đá tràn lan đã “khai tử” một con suối tự nhiên tồn tại hàng trăm năm nay tại đây. Điều đáng nói là việc khai thác đá ở đây diễn ra nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương không ngăn cản được.
 
Theo phản ánh của nhiều người dân, phóng viên Quảng Ngãi điện tử đã trực tiếp đến núi Hàng Ngang (người dân địa phương gọi là núi Hòn Ngang), nơi đã diễn ra tình trạng khai thác đá trái phép. Trước mắt chúng tôi là một ngọn núi với những khối đá to bị khai thác nham nhở, nằm treo giữa chừng núi, phía dưới chân núi không xa là những nhà dân. Những tảng này là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa những hộ dân sống dưới chân núi, nhất vào mùa mưa. 
 
Những khối đá bị khai thác nham nhở nằm giữa sườn núi.
Những khối đá bị khai thác nham nhở nằm giữa sườn núi.

Theo chân một người dẫn đường, chúng tôi men theo một đường mòn lên núi, nói là đường mòn nhưng đây là con đường được hình thành để những chiếc xe cọc cạch vận chuyển đá khai thác ra khỏi núi để đi tiêu thụ, và chỉ có những chiếc xe chuyên dụng như thế này mới bò được trên những con đường núi này để chở đá xuống núi.

Chỉ sau 20 phút leo núi chúng tôi đã đến được một bãi khai thác đá chẻ trái phép. Khi phát hiện có người lạ, những người khai thác đá đã “biến mất” sau những cánh rừng. Nhìn bãi đá, chúng tôi không khỏi giật mình bởi đây là một con suối tự nhiên rất đẹp và nó bị biến thành một bãi khai thác đá. Những khối đá to cả chục người ôm nằm dọc theo con suối kỳ vĩ này đã bị “xẻ thịt” trông thật xót xa. Nguồn nước suối tươi mát cũng bị khô cạn bởi tình trạng khai thác đá nơi đây.
 
Suối thiên nhiên
Suối hố Ông Mưu có từ hàng trăm năm đã bị những người khai thác đá "khai tử"

Theo người dân cho biết, con suối này có tên là suối Hố Ông Mưu, có từ hàng trăm  năm nay. Đây là con suối lớn được bắt nguồn từ ba con suối nhỏ hơn là suối Hố Tép, Hố Trầu và Hố Nghệ. Bao đời nay, con suối này là nơi cung cấp nguồn nước sản xuất cho nhiều diện tích lúa ở thôn Thuận Bình, xã Nghĩa Thắng.
 
Điều đáng nói là con suối tự nhiên này rất đẹp, nước chảy róc rách quanh năm, dọc theo suối là những hòn đá to hàng chục mét, vì vậy nơi đây được xem là một trong những điểm du lịch rất lý thú. Tuy nhiên, nay con suối này đã bị bị “khai tử” do tình trạng khai thác đá vô tội vạ của một số hộ dân.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nghề khai thác đá chẻ (có đường kính khoảng 20x60cm), khá vất vả. Một viên đá chẻ được bán tại các điểm bán vật liệu xây dựng là khoảng 5.500-6.000 đồng, tuy nhiên giá một viên tại núi sau khi khai thác chỉ khoảng trên 2.000 đồng (giá chênh lệch còn lại là các đầu nậu và đại lý hưởng). 
 
Những tảng đá to sau khi bị xẻ thịt
Sản phẩm được tập kết dưới núi chờ xe đến chở đi tiêu thụ.

Mỗi ngày một người thợ giỏi lắm cũng chỉ xẻ được trên dưới 50 viên, thu nhập khoảng 100 ngàn đồng. Đối với nhà nông thì 100 ngàn quả thật cũng không nhỏ. Thế nhưng để có được một viên đá, người thợ rất kỳ công, đó là chưa nói đến những nguy hiểm luôn rình rập. Điều đáng nói là chính những người thợ này đang ngày đêm phá nát những ngọn núi nguyên sơ, tàn phá những con suối thiên nhiên có từ hàng trăm năm qua và chính họ đã trực tiếp tàn phá môi trường thiên nhiên.

Một thực trạng đáng nói nữa là, để vận chuyển những viên đá chẻ này từ núi xuống thì cần những chiếc xe vận chuyển “chuyên dụng” đó là xe cọc cạch. Song những chiếc xe này chạy đến đâu thì đường sá nơi đó bị phá nát. Chính vì vậy mà dọc tuyến kênh chính gần núi Hòn Ngang bị băm nát, nhiều đoạn kênh đã bị sạt lở nghiêm trọng. Mỗi năm, nhà nước đã phải bỏ ra không ít tiền để tu sửa lại những đoạn kênh bị hư hại trên. 
 
Xe chở đá cũng luôn là nổi ám ảnh ở những tuyến đường nông thôn.
Xe chở đá cũng luôn là nổi ám ảnh ở những tuyến đường nông thôn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tôn Long Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng cho biết, núi Hòn Ngang còn là một di tích lịch lịch sử, trong kháng chiến đây là nơi ẩn nấu của bộ đội ta. Hiện phần lớn nguồn đá viên ở Nghĩa Thắng được người dân khai thác ở núi Hòn Ngang này, tuy nhiên tình trạng khai thác đá ở đây đều lén lút, không được chính quyền địa phương cho phép.

Việc khai thác đá cũng rất thô sơ và nguy hiểm, đã nhiều lần chính quyền địa phương tổ chức truy đuổi, tịch thu dụng cụ khai thác, thậm chí tiến hành xử phạt hành chính những đối tượng khai thác đá trái phép, tuy nhiên tình trạng khai thác đá nơi đây vẫn cứ tiếp diễn.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Công văn yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thiết kế khai thác mỏ, công tác đảm bảo an toàn lao động.

Qua kiểm tra, nếu phát hiện chủ các mỏ nào có biểu hiện vi phạm về an toàn trong khai thác khoáng sản, Sở Công thương lập danh sách các mỏ này trình UBND tỉnh xem xét, quyết định việc đình chỉ khai thác.

Bài, ảnh: M.Toàn

CÁC TIN KHÁC
.