Video: Thả hơn 200 quả phao phân vùng Khu Bảo tồn biển Lý Sơn

05:05, 20/05/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Hơn 200 quả phao vừa được thả xuống Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, nhằm ngăn chặn các hoạt động xâm phạm đến Khu Bảo tồn biển để đánh bắt hải sản, gây nguy cơ cạn kiệt hải sản ven đảo Lý Sơn. Gói thầu thầu thả phao phân vùng Khu Bảo tồn biển Lý Sơn có tổng vốn 2,4 tỷ đồng, nằm trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên biển. 
 
Khu bảo tồn biển Lý Sơn được lắp đặt 202 quả phao trên diện tích 6.644 ha. Trong đó, 24 quả phao hàng hải cắm mốc nhằm phân biệt khu vực bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái, phân khu phát triển và 178 quả phao tròn khoanh vùng bảo vệ khu đa dạng sinh học cao và mật độ, độ phủ san hô lớn.
 
Với điều kiện thời tiết như Lý Sơn, đơn vị thi công đã áp dụng công nghệ Mỹ với phương pháp đóng thủy lực trên nền đá vôi chết sau đó dùng neo mantaraf cố định phao. Công nghệ này không ảnh hưởng đến các rạn san hô cũng như tác động đến môi trường. Hệ thống phao này giúp người dân dễ dàng phân biệt được các phân khu, chức năng của Khu bảo tồn biển. 
 
Sau khi có hệ thống phao trên thực địa, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn sẽ tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng để ngư dân nắm rõ vùng nào được khai thác, vùng nào không được khai thác. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. 
 
Năm 2019 Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã bố trí 90 triệu đồng để hỗ trợ 05 thuyền thúng đáy kính cho các hộ dân chuyển đổi sinh kế, nhằm hạn chế ngư dân xâm phạm đến Khu Bảo tồn. Trong 2 năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn và các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và xử lý 16 trường hợp hành nghề lưới kéo, sung điện xâm phạm Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
 
Khu bảo tồn biển Lý Sơn là 1 trong 16 Khu bảo tồn biển Việt Nam với tổng diện tích mặt nước là 7.113 héc ta. Trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt rộng 620ha, vùng phục hồi sinh thái rộng trên 2.000ha, còn lại là vùng phát triển.
 
Trước đây, vùng biển Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao, với các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển với trên 700 loại động thực vật biển được xác định. Tuy nhiên, do buông lỏng công tác quản lý và tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt trong thời gian dài nên độ đa dạng sinh học ở vùng biển này bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.


H. Danh- Đ.Nhựt- M.Toàn- T.Hậu