Mùa đót- mùa vui của đồng bào vùng cao

02:02, 24/02/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Tại các huyện miền núi, những ngày sau Tết bông đót nở rộ trên khắp các cánh rừng, triền đồi. Đây cũng chính là mùa người dân vùng cao vào mùa hái đót. Họ xem đót là “lộc rừng” do thiên nhiên ban tặng, giúp họ có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. 
>> Xem video:
 
 
Sau Tết, hoa đót nở trắng các sườn núi ở vùng cao Tây Trà cũng là lúc người dân rủ nhau đi hái đót kiếm thêm thu nhập. Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng vào rừng bứt đót kiếm tiền phụ giúp gia đình.
 
Đót đầu mùa khá đẹp nên có giá cao hơn năm ngoái. Hiện tại đót tươi có giá từ 5.000- 6.000 đồng/kg. Hái đót tuy cực nhọc nhưng giúp bà con đồng bào vùng cao có thu nhập chi tiêu qua ngày. Nhiều người hái giỏi có thể kiếm được 200.000 đồng mỗi ngày.
 
Cây đót trổ bông một lần trong năm bắt đầu từ tháng Chạp năm trước kéo dài đến hết tháng 2 Âm lịch năm sau. Những năm gần đây, cây đót ngày càng ít dần do bị cây keo lai xâm lấn. Do đó, muốn hái được nhiều đót phải đi xa leo lên những sườn núi cao, hiểm trở.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Đỗ Đình Phương cho biết: Bình quân mỗi năm sản lượng đót trên địa bàn huyện đạt từ 45- 50 tấn đót. Tuy  nhiên một vài năm trở lại đây, do nhiều người phát rẫy để trồng cây lâm nghiệp nên diện tích đót giảm, kéo sản lượng đót cũng giảm theo.
 
Cũng theo ông Phương, trước nguồn lợi từ cây đót mang lại, thời gian gần đây, ngoài khai thác trên các triền đồi, nương rẫy, người dân còn khoanh nuôi, bảo vệ diện tích đót tự nhiên mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm khá tốt. 
 

Những ngày này, đót đã nở bung khắp núi rừng. Hái đót trở thành một công việc mang lại cho bà con một nguồn thu nhập đáng kể 


Mùa đót mỗi năm chỉ có 1 lần nên đã thu hút nhiều người dân lên rừng hái đót.Thường thì, một ngày lên rừng hái đót được bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, khi sương núi còn giăng kín trên những sườn đồi đến chiều họ mới trở về nhà.  Vào những ngày đầu vụ, họ bứt đót ở những khu vực ven đường, ven rẫy. Khi bông đót ở gần vơi đi, họ tiến sâu vào những cánh rừng xa hơn. 

 

Tuy giá trị có được từ những buổi đi rừng hái đót không cao so với một số công việc khác, nhưng tranh thủ thời gian rảnh rỗi, không bận việc nương rẫy vả lại phù hợp với mọi người nên rất nhiều người dân (trong đó có cả trẻ em) kéo nhau vào rừng hái đót. Bình quân, mỗi người hái được khoảng 20 – 30kg đót/ ngày.

 

Để hái được đót đẹp, bà con vùng cao phải trèo đèo, men theo những sườn núi dựng đứng, bất chấp hiểm nguy mới có thể hái được khoảng vài chục ký đót. "Trước kia đót mọc ở khắp nơi nhưng giờ người ta trồng keo nhiều quá nên cây đót không có đất để sinh trưởng và phát triển. Giờ muốn hái được nhiều đót phải đi rất xa trên các cánh rừng, rất vất vả và nguy hiểm, nhiều người phải mang theo cơm để ăn lấy sức hái đót"- già Hồ Văn Minh ở xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà cho hay.

 

Người đi hái bông đót thích nhất là gặp những khóm, những vùng bông đót vừa mới xòe bông, những bông đót chưa ngả màu vàng xám. Bởi lẽ, với loại bông đót non này, giá trị cũng cao hơn bông đót già, loại có màu vàng xám. Đơn giản là loại bông đót non khi phơi được nắng, sẽ có màu xanh dịu và có độ óng ả hơn loại bông đót già. 

 

Hái đót trở thành một công việc mang lại cho bà con một nguồn thu nhập đáng kể, năm được mùa thì tiền bán đót cũng có thể mua sắm thêm được vài thứ cho gia đình. Ông Hồ Văn Lâm (50 tuổi) ở xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà cho biết: Trung bình mỗi ngày, ông bứt được khoảng 25 kg- 30kg đót, nếu là cân tươi thì 5.000 đồng/kg, bình quân thu nhập khoảng 120 nghìn- 150 nghìn đồng/ngày.

 

Sau khi hái, chở về nhà, đót sẽ được những thương lái từ miền xuôi lên thu mua với giá từ 5.000 đồng- 6.000 đồng/kg. Nếu ví người đi hái bông đót là người đi thu gom “lộc trời”, thì người thu mua bông đót chỉ lấy công làm lời, mỗi kg sau khi phơi khô cũng kiếm được vài nghìn đồng.

 

Việc phơi đót thuê cũng đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập 100 nghìn- 120 nghìn  đồng/người/ngày.

Hoa đót được các thương lái thu mua chặt bỏ bớt phần thân, phơi nắng cho thật khô, sau đó  vận chuyển về xuôi bán lại cho các cơ sở làm chổi.

 
H.P
 
CÁC TIN KHÁC