Thăm lăng vua Tự Đức

04:03, 22/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Với lối kiến trúc độc đáo và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn và đây là một điểm đến thú vị mà bất cứ du khách nào cũng đều muốn ghé thăm khi đến với Huế. 

TIN LIÊN QUAN

Theo các tài liệu lịch sử, vua Tự Đức là vị vua thứ 4 của triều Nguyễn, ông lên ngôi vào năm 1847 và là vị vua trị vì lâu nhất của triều Nguyễn, từ năm 1847 đến 1883. Vua Tự Đức rất coi trọng việc học hành của mình và trong nhân dân, hằng năm, ông thường tổ chức các kỳ thi để chọn ra những nhân tài giúp ông trị vì đất nước. Ông rất được lòng dân chúng vì đã chăm lo cho đời sống nhân dân, giảm thuế cho dân trong những năm mất mùa, cứu trợ những vùng khó khăn, khuyến khích học hành trong dân chúng. Ông còn là một người rất ham học, yêu thơ văn và đam mề nghệ thuật kiến trúc. Ông đã để lại 600 bài văn và 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm. Tư chất ấy cũng được biểu lộ rõ trên nghệ thuật kiến trúc của lăng vua. 

Lăng Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phườngThủy Xuân, thành phố Huế. Lăng được xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1873.  Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ với mong muốn được trường tồn, tuy nhiên, sau cuộc Loạn Chày Vôi, Tự Đức hoàng đế bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Toàn bộ lăng gồm có 50 công trình chia thành hai khu vực: tẩm điện và lăng mộ. 
 
Ngoài mục đích là nơi chôn cất khi qua đời, đây còn là vua đến nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ… nên cảnh quan của lăng tựa như một công viên rộng lớn với tiếng nước chảy, hồ nước thơ mộng, hàng thông xanh ngát và được đánh giá là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của các thời vua chúa. Toàn thể bố cục của Lăng đều toát lên sự thanh cảnh, giản dị, khiêm nhường nhưng rất hữu tình.
 
 

Lối đi lát gạch Bát Tràng và được phủ bóng mát bởi những cây cổ thụ sum xuê dẫn du khách vào thăm lăng.

 

Bố cục của Lăng Tự Đức có Tiền án là núi Giáng Khiêm, Hậu chẩm là núi Xuân Dương và Minh Đường là hồ Lưu Khiêm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ nơi để nhà vua ngắm hoa, đọc sách làm thơ. 

 

Ba dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước.

 

Cổng chính khu vực chánh điện trong lăng Tự Đức nhìn từ hướng chánh điện

 

Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu.

 

Các đồ ngự dụng của vua Tự Đức còn lưu giữ ở điện Hòa Khiêm 

 

 Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. 

 

Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm. Đây được xem là một trong những nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện còn được bảo tồn

 

Du khách đến tham quan rất thích thú khi được diện những bộ trang phục của cung đình để chụp hình lưu niệm

 

Nếu kiến trúc ở Khiêm Cung đều làm bằng gỗ thì các công trình ở khu vực lăng mộ đều được xây bằng gạch, đá. Nổi bật là tấm bia đá lớn nhất Việt Nam, cao 5m, nặng 20 tấn, được bảo vệ bằng một tòa nhà đồ sộ kiên cố với cột to và vách dày. Trên bia có khắc bài "Khiêm Cung Ký" do chính nhà vua biên soạn. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia "Thánh đức thần công" trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp của mình. 


PV